| Hotline: 0983.970.780

Rừng xanh còn mãi

Thứ Hai 17/11/2014 , 09:40 (GMT+7)

Có lẽ duy nhất ở Lào Cai đến giờ còn lại rừng gỗ nghiến, trai cổ thụ như thế này. Duy nhất cũng bởi lẽ ở đây được người dân Cốc Ly gìn giữ như một báu vật thiêng liêng. 

Cùng những mùa đào phai nở rộ, 651 cây gỗ nghiến, trai cổ thụ vẫn vững chãi bám sâu rễ vào lòng đất, xòe những “chiếc ô khổng lồ” cheo leo bên vách đá đôi bờ sông Chảy trong xanh hàng mấy trăm năm. Ngay cả người già trong bản cũng không biết cây rừng có từ bao giờ nữa, chỉ biết từ khi “tóc để chỏm”, đi vào rừng thì đã thấy những cây gỗ to như thế rồi...

Gian nan bảo vệ “kho báu”

Có lẽ duy nhất ở Lào Cai đến giờ còn lại rừng gỗ nghiến, trai cổ thụ như thế này. Duy nhất cũng bởi lẽ ở đây được người dân Cốc Ly gìn giữ như một báu vật thiêng liêng. Trong 651 cây gỗ quý đang được đưa vào “sách đỏ” của Kiểm lâm Lào Cai có tới 577 cây gỗ nghiến...

Mỗi cây gỗ ở vị trí nào, đường kính bao nhiêu, chiều cao thế nào, trữ lượng gỗ đến đâu đều được ghi rõ và đầy đủ thông số trong danh sách cả. Giàng Văn Hải, cán bộ kiểm lâm còn đùa với chúng tôi: Đều “có số, có má” cả đấy....

Thì ra, cách đây 5 năm, sau khi kiểm kê lại rừng, mỗi cây đều được đánh số thứ tự, khoanh vùng để tiện cho công tác theo dõi, bảo vệ. Chính vì thế, khi đến gốc cây gỗ nghiến có đánh số 76 ở địa phận thôn Làng Pàm thì anh Trần Văn Cường, cán bộ kiểm lâm của trạm Cốc Ly đã đọc vanh vách về “thân thế, sự nghiệp” của cây gỗ nghiến: đường kính 2m, cao 29 m….

Đi qua rất nhiều dây leo chằng chịt, trèo mãi qua những rễ cây ngoằn ngoèo bám vào vách đá dựng đứng, chúng tôi cũng lên được gốc cây vài trăm tuổi ấy. Ngay cả cái rễ cây cũng to đến hơn một vòng tay của tôi, mới thấy là tuổi thọ của những “cụ” gỗ này. Đúng là khi người ta đứng giữa bàn ngạt của rừng xanh, mới thấy con người bé nhỏ biết bao nhiêu...

Cảm xúc thật khó tả, chỉ thấy có một chút gì đó thiêng liêng khi đứng bên gốc cây này. Tôi cố tình đứng ôm vào cái thân cây già cỗi ấy, nhưng vòng tay cũng chỉ vừa một “bành vẻ” (theo cách gọi của kiểm lâm) mà thôi, không thể nắm tay nhau mà đo xem bao nhiêu người ôm được, vì cây gỗ mọc cheo leo bên vách đá, không có chỗ đứng...Cũng đúng cây gỗ này, một bên thân vẫn còn vết cắt bằng cưa máy sắc lẹm của bọn “lâm tặc”...

Chú Đặng Văn Quang, người Dao Tuyển, thành viên tổ bảo vệ rừng Làng Pàm, người có thâm niên hơn 20 năm bảo vệ rừng, tay vân vê vết cắt kể: Hôm ấy nhận được tin báo, tôi phải bỏ dở cả bữa cơm huy động anh em trong tổ bảo vệ lên rừng. Lên đến nơi thì đã bị “xẻo” mất một bên như thế này. Xung quanh vết cắt vẫn còn những chiếc đinh đóng vào thân cây. “Bọn chúng đóng đinh thế này làm giá đỡ để đặt cưa máy đấy” - chú Quang bảo.

5102014-nh-le-thi-thnh-cuong14485542
Cán bộ kiểm lâm và người dân bên gốc nghiến cổ thụ

Giọng anh Giàng Văn Hải, Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm Cốc Ly như chùng xuống: Mỗi một cây còn lại là một báu vật vô giá của đại ngàn Cốc Ly, bởi nếu không giữ gìn bảo vệ tốt, 651 cây này, cứ tính mỗi năm có vài cây già cỗi tự gãy đổ, chưa kể “rơi rụng” do bị xẻ trộm, thử làm phép tính đơn giản... không lâu nữa, không còn rừng gỗ nghiến Cốc Ly nữa là điều khó tránh khỏi. Bởi vậy, trạm cũng như Hạt Kiểm lâm Bắc Hà đang thí điểm mỗi cây to có một miếu thờ để làm nơi tổ chức lễ cúng rừng đầu xuân...

Những bước chân không mỏi

Giàng Văn Hải, Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm xã Cốc Ly nhớ lại những ngày đầu được chuyển từ Si Ma Cai về “tiếp quản” công việc ở đây. Nói là được về gần gia đình, nhưng thực ra cả tuần anh phải cắm chốt “cơm niêu, nước lọ” với rừng....

Tự hào xen lẫn trách nhiệm nặng nề! Tự hào là bởi, đây có lẽ là nơi duy nhất ở tỉnh Lào Cai, cũng có khi cả vùng rừng Tây Bắc này còn rừng gỗ nghiến cổ thụ như vậy, mình được giao trọng trách bảo vệ. Nặng nề cũng bởi điều ấy, làm sao mà giữ được “báu vật” này trong khi ngoài kia, những lâm tặc đang ngày đêm, rình rập, nung nấu tìm mọi thủ đoạn để chặt phá... Cũng bởi gỗ nghiến quý, bán được nhiều tiền nên người dân bị bọn buôn gỗ thuê lên rừng đốn hạ những cây gỗ hàng trăm năm tuổi này.

Nhớ nhất lần có một cây gỗ nghiến bị đổ do già cỗi quá. Cả trạm có 2 anh em phải lên để gác, sợ bị “xẻ trộm” mất. Trời thì mưa, đường thì trơn, đi bộ mãi vẫn chưa tới nơi, vừa đói, vừa rét, cảm giác như lả... Lúc ấy “nam nhi đại trượng phu” nhưng cũng phải rơi nước mắt.

Anh Hải không giấu diếm kể: Đúng là lần đầu tiên trong đời tôi khóc. “Khóc” vì thấy khổ cực quá, sao mình lại có lúc vất vả thế, lúc ấy chỉ muốn xin ra khỏi ngành... Thế rồi, có lẽ từ trong sâu thẳm trái tim người gác rừng trẻ tuổi có một tình yêu mãnh liệt với chốn thâm sơn cùng cốc; cảm thấy ý nghĩa lớn lao khi được giao nhiệm vụ giữ “kho báu” này. Hơn thế là tình cảm của đồng bào nơi đây đã níu chân anh cùng đồng nghiệp ngày càng gắn bó hơn…

 “Hữu xạ tự nhiên hương”, không hiểu sao, rời cây gỗ nghiến số 76, xuống bản, chúng tôi gặp được già làng Bàn A Chổ, người Dao Tuyển, thật ngẫu nhiên khi biết được năm nay ông cũng 76 tuổi. Cũng là người luôn đau đáu với rừng, từ khi ông còn công tác ở xã, rồi nghỉ hưu, rồi cũng là thành viên tích cực trong tổ tự quản bảo vệ rừng gỗ nghiến Cốc Ly.

Thoạt nghe tên, cứ ngỡ ông là người Dao Cốc Ly, nhưng khi nhìn lên tấm bằng trao 50 tuổi Đảng, thấy đề quê quán “xã Thụy Anh, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình” khiến tôi không giấu nổi tò mò. Bởi nếu gặp ông, giới thiệu là quê gốc Thái Bình chắc hẳn thật khó tin, từ dáng vóc, phong thái, cử chỉ và lời nói…đều là của người vùng cao! Nhâm nhi chén trà ấm mới pha, ông Bàn A Chổ chậm rãi kể về cuộc đời của mình.

Ông còn nhớ như in ấy là năm 1945, nạn đói lịch sử, ông được bố mẹ đưa lên Lào Cai làm con nuôi của gia đình người Dao… 7 tuổi có ở mảnh đất này ông đã thấy những cây gỗ nghiến “khổng lồ” rồi. Rồi lớn lên dưới cánh rừng gỗ nghiến ấy, trải qua 30 năm làm lãnh đạo xã, ông Chổ cũng là người tiên phong trong việc tham gia xây dựng quy ước bảo vệ rừng.

Ông bảo, cây gỗ nghiến đẹp nhất ở Làng Pàm là cây mọc ở giáp danh với thôn Ải Nam (xã Phong Hải, huyện Bảo Thắng), để đến được đó phải mất nửa ngày đường. Bước chân người đàn ông quê hương “năm tấn” có duyên nợ với miền sơn cước không đếm hết bao nhiêu lần lên từng cây gỗ nghiến… Và bước chân ấy giờ đã không còn đủ sức lên rừng, nhưng ông vẫn là người có uy tín trong cộng đồng người Dao ở Cốc Ly, nên tiếng nói của ông trong việc vận động tuyên truyền người dân bảo vệ rừng còn có “uy” lắm.  

nh-2-bi-1192014-le-thi-thnh-cuong144855465

Cha truyền con nối…

Bữa cơm tại Trạm Kiểm lâm Cốc Ly khi đã trễ quá trưa, nhưng ai cũng cảm thấy vui và ngon, bởi sau một hồi lên rừng đã thấm mệt. Thế mới biết công việc của những chiến sỹ kiểm lâm ở đây vất vả thế nào. Anh Hải bảo: Thực tình cả trạm có 2 người, chẳng thể bảo vệ được rừng nếu không dựa vào sức mạnh “nhân dân”. Mà thực ra nhân dân giữ rừng là chính, mình chỉ làm nhiệm vụ định hướng tuyên truyền họ thôi... Thức tỉnh họ biết giữ rừng là bảo vệ nguồn sống cho chính họ, cho đời con, đời cháu sau này....

Với Trần Văn Cường, kỷ niệm đáng nhớ nhất là nửa tháng ăn ngủ tại rừng canh gác cùng đội cơ động của kiểm lâm tỉnh. Cách đây đúng 5 năm, lúc ấy mới vào nghề, Cường được tăng cường lên rừng cắm chốt để cùng nhân dân bảo vệ, cũng là lần đầu tiên anh được đón giao thừa ở rừng...

Tết năm ấy, nhân dân gói bánh chưng mang thịt rượu lên “tiếp tế” cho kiểm lâm. Mặc dù vất vả nhưng vui, mà đó là kỷ niệm trong đời làm Cường nhớ mãi. Địa phận Làng Pàm giáp với thôn Ải Nam, Ải Dõng (Phong Hải, Bảo Thắng) năm ấy cũng vào dịp áp tết, cả đoàn có tới 50-60 người tràn qua rừng, sang khai thác gỗ quý, sau lần đó mất hơn chục cây nghiến... “trái tim đại ngàn như rỉ máu”!

Điều đặc biệt hơn cả với kiểm lâm viên Trần Văn Cường, vì trọng trách anh được giao có ý nghĩa với anh, bởi sự “trao truyền” nghiệp giữ rừng của người bố thân yêu.

Ông Trần Đình Diện, bố Cường hiện đang là Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm xã Bảo Nhai, người cũng đã từng nhiều năm “gác rừng” gỗ nghiến Cốc Ly. Mái tóc đã điểm bạc, nhưng trong lòng người kiểm lâm già vui lắm, vì giờ đây dù bước chân ông không còn gắn bó cùng rừng gỗ nghiến nhưng bao nhiêu kinh nghiệm bảo vệ rừng, ông đã “kế nghiệp” lại cho con trai trước khi chuẩn bị về nghỉ hưu…

Không biết chính xác “khai sinh” của những cây gỗ quý ấy có tự bao giờ, chỉ biết rằng mỗi cây gỗ chứng kiến không biết bao nhiêu đời người, mỗi vòng vân gỗ, mỗi thớ gỗ như mang nặng cả những tấm lòng của người gắn bó với rừng, yêu rừng đến tha thiết mà giữ gìn, mà bảo vệ nâng niu như một báu vật gia truyền. Không ai bảo ai, không phải bảo vệ cho riêng mình mà là gìn giữ cho muôn đời sau, cho những mùa xuân còn mãi...

Xem thêm
Đảng ủy Bộ NN-PTNT bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024

Ngày 27/3, tại Trường Cán bộ quản lý NN-PTNT, Đảng ủy Bộ NN-PTNT đã tổ chức Bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024.

Nhãn, vải ra hoa ít, ong nuôi ‘đói’ mật, nông dân thất thu

Vụ mật ong xuân năm nay chỉ có 40% số hộ nuôi ong mật nội rừng ở Kinh Môn (Hải Dương) thu được mật, sản lượng giảm so với vụ xuân trước.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Lão nông U70 với tham vọng đưa bưởi Diễn xuất ngoại

Bằng tình yêu nông nghiệp cùng óc sáng tạo trong sản xuất, ông Lê Hữu Diện đã trở thành người tiên phong làm nông nghiệp hữu cơ tại huyện Chương Mỹ, thành phố Hà Nội.

Bình luận mới nhất