| Hotline: 0983.970.780

Rừng xanh máu đỏ: Cuộc chiến cam go ở đập Đá Hàn

Thứ Hai 07/01/2013 , 09:54 (GMT+7)

Lâm tặc tổ chức cướp gỗ như phim hành động, tổ chức tấn công lực lượng truy quét, chém trọng thương kiểm lâm viên khiến công tác giữ rừng thực sự là một cuộc chiến ở tỉnh Hà Tĩnh.

Rừng vàng biển bạc, rừng là máu thịt nhưng rừng vẫn đang bị tàn phá dữ dội. Nguyên nhân thì có nhiều. Lâm tặc ngày càng manh động, liều lĩnh, sự tiếp tay từ bên trong đã được nói nhiều.

Loạt bài này xin đề cập những hiểm nguy, khó khăn, gian khổ mà những người bảo vệ rừng đang phải đối mặt từng phút, từng giờ. Nhiều chủ rừng đã bất lực thốt lên rằng: “Kể cả dồn hết sức cũng khó giữ nổi rừng”.

Cuộc chiến cam go ở đập Đá Hàn

Lâm tặc tổ chức cướp gỗ như phim hành động, tổ chức tấn công lực lượng truy quét, chém trọng thương kiểm lâm viên khiến công tác giữ rừng thực sự là một cuộc chiến ở tỉnh Hà Tĩnh.

Lâm tặc dàn trận cướp gỗ như phim hành động

Xã Hòa Hải (huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh) có 11 ngàn ha rừng đặc dụng nằm trọn trong diện tích của Vườn quốc gia Vũ Quang, thuộc khu vực biên giới giáp ranh hai huyện Hương Khê, Vũ Quang và nước bạn Lào. Địa bàn rộng, rừng còn nhiều gỗ quý, lực lượng bảo vệ rừng mỏng đã biến Hòa Hải thành điểm nóng trong công tác bảo vệ rừng. Đặc biệt là năm nay, khi công trình thủy lợi đập Đá Hàn dâng nước. Lâm tặc kéo về oanh tạc, chúng được tổ chức và trang bị hết sức bài bản, có tổ chức, có quy mô.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện trên địa bàn xã Hòa Hải có từ 6-8 trùm đầu nậu buôn lậu gỗ hoạt động. Các cơ quan chức năng có thể điểm mặt, chỉ tên nhưng việc xử lý gặp nhiều khó khăn do những đầu nậu này thuộc diện có số có má ở địa phương, rất nhiều tiền và ma mãnh.

Tú Ngạn, Hội khèo, Tùng Hiếu, Tuấn Dân… Những đối tượng mà dân địa phương vẫn gọi bằng cái tên giang hồ là “bộ đội” này không bao giờ lộ diện. Chúng chỉ đứng ra tập hợp lâm tặc từ các địa phương, chủ yếu là Quảng Bình rồi cấp tiền cho đội quân đánh thuê này trực tiếp vào rừng. Đội quân đánh thuê có khi lên đến cả trăm người được chia thành các tổ, làm thịt rừng VQG Vũ Quang theo kiểu cuốn chiếu.

Một tổ có từ 7-10 người, dùng cưa máy xẻ cây đứng thành gỗ rồi để đấy đi sang khu vực khác. Việc vận chuyển từ vùng lõi của rừng ra đã có tổ khác lo. Gỗ được tập kết về đập Đá Hàn, các đầu nậu tìm cách vận chuyển bằng đường sông đi tiêu thụ. Theo quan sát của chúng tôi, tại khu vực chân đập, luôn có từ 8-10 chiếc thuyền thường xuyên túc trực. Những chiếc thuyền này có nhiệm vụ chở người vào vùng lõi phá rừng và chở gỗ đi ra tiêu thụ.


Điểm nóng đập Đá Hàn luôn có “chim lợn” của lâm tặc túc trực

Giám đốc, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm Vườn quốc gia Vũ Quang Đào Huy Phiên dù được đánh giá là người cứng cỏi, quyết liệt nhưng sau nhiều lần trắng đêm truy quét lâm tặc đã tỏ ra mệt mỏi. Ông bảo rằng: Bản thân lực lượng kiểm lâm đã làm hết sức mình nhưng bất lực. Chưa một ai đánh giá lực lượng kiểm lâm ở đây thiếu tinh thần trách nhiệm, Hạt kiểm lâm của vườn phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan chiến đấu quyết liệt nhưng đây là thời điểm mà lâm tặc đang chiếm thế chủ động.

Điển hình, ngày 6/12/2012, khi nhận được tin báo có một số lượng gỗ pơ mu mà lâm tặc đang tập kết tại đập Đá Hàn để bốc lên ô tô đi tiêu thụ, lực lượng liên ngành khoảng 20 người bao gồm Hạt kiểm lâm huyện Hương Khê, Hạt kiểm lâm VQG Vũ Quang, Đồn biên phòng Hòa Hải, đội cơ động Chi cục Kiểm lâm Hà Tĩnh, cán bộ xã Hòa Hải tổ chức vây bắt.

Mật phục cả ngày, đến khoảng gần 9 giờ đêm đoàn công tác phát hiện một chiếc xe tải chạy từ phía đập đi ra nhưng đó chỉ là chiêu nghi binh, trò đánh lừa của lâm tặc. Trắng đêm phục kích, đến 6 giờ sáng ngày hôm sau đoàn công tác quyết định chia nhóm dùng thuyền máy truy quét lòng hồ. 4 tiếng sau, khi đến khu vực Khe Cuồi (tiểu khu 181) thì phát hiện 25 bê gỗ pơ mu (nhóm I). Toàn bộ số gỗ trên được kéo về chân đập Đá Hàn để lập biên bản.

Khi tổ công tác đang bốc xếp lên ô tô thì xuất hiện 30 đối tượng vây ráp để cướp gỗ. Dù đồn biên phòng Hòa Hải đã tăng cường thêm 15 người, công an huyện Hương Khê tăng cường thêm 2 người nhưng các đối tượng vẫn hung hãn, không hề sợ sệt. Chúng chia thành 2 nhóm. Một nhóm dùng thuyền kéo gỗ quay ngược trở lại lòng hồ, một nhóm dùng ô tô chở bằng đường bộ. 25 bê gỗ, tổ công tác chỉ giữ lại được có 4.

Cầm đầu nhóm lâm tặc là các đối tượng Trần Xuân Hội, Tăng Phước Dũng, Sinh (hay còn gọi là Sinh Việt), Thế (Thắng) ở xóm 8, xã Hòa Hải và đối tượng Bình Dung ở xã Phương Điền. Thậm chí khi lực lượng biên phòng rút súng nhằm uy hiếp thì nhiều đối tượng trên còn mở áo phanh ngực thách bắn.

“Bọn chúng rất manh động nhưng cũng khá sành luật. Chúng biết rõ tổ công tác không được phép bắn nên sẵn sàng thách thức”, ông Phiên phàn nàn.


Tang vật mà lực lượng kiểm lâm bắt giữ

Sau sự kiện cướp gỗ ngày 7/12, đập Đá Hàn càng trở nên nóng bỏng khi các đầu nậu huy động lâm tặc tập trung về đây nhiều hơn để đối phó với lực lượng bảo vệ rừng được tăng cường. Vậy nhưng trong cuộc chiến này, những người bảo vệ rừng vẫn tỏ ra yếu thế.

Ngay ngày đầu năm mới (1/1/2013), chúng tôi leo thuyền theo đoàn công tác kiểm tra lòng hồ Đá Hàn. Khi phát hiện một thuyền máy chở nhóm lâm tặc mang theo cưa xăng, gùi lương thực, xuồng máy của ông Phiên bẻ lái đuổi theo. Ngay lập tức, phía chân đập, một chiếc xuồng máy khác của chủ thuyền Lê Minh Trí dường như đã được bố trí sẵn chở 4 đối tượng là Tú, Tý, Thùy, Văn, Dân (quân của một đầu nậu tên là Tú Ngạn ở xã Phúc Đồng) lao thẳng ngang xuồng ông Phiên, hất tất cả những người trên thuyền xuống lòng hồ sâu mấy chục mét.

 Ông Phiên bị thương ở chân, một kiểm lâm viên khác đổ máu, may có thuyền ứng cứu kịp thời vớt lên mới thoát nạn. Khi đoàn công tác quay trở ra thì những chiếc ô tô đậu ở bờ đập Đá Hàn đã bị lâm tặc dùng móc sắt đâm thủng hết lốp.

Máu đổ và những lời khẩn cầu

Trong hai tháng cuối năm tại điểm nóng đập Đá Hàn, đoàn liên ngành đã bắt giữ và xử lý 15 vụ vi phạm, phạt tiền 16.500.000 đồng, tịch thu 25,568m3 gỗ các loại, tịch thu và phá hủy nhiều lán trại trong rừng. Mặc dù vậy công tác bảo vệ rừng gặp muôn vàn khó khăn. Công tác kiểm tra, bảo vệ tận gốc gần như là không thể do địa bàn quá rộng lớn. Lâm tặc được trang bị cưa xăng, lương thực, võng, quần áo để hoạt động trong rừng cả tháng trời theo kiểu dã chiến. Mỗi lần đi tuần tra mất từ 7-10 ngày luồn rừng. Lực lượng kiểm lâm lại mỏng nên chỉ đánh động, “đuổi khéo” chứ không dám trực tiếp bắt giữ.

Lực lượng bảo vệ rừng nòng cốt ở điểm nóng Đá Hàn là Trạm kiểm lâm Hòa Hải chỉ có 6 người. Mục 2 Nghị định số 117/2010/NĐ-CP ngày 24/12/2010 của Chính phủ về tổ chức và quản lý hệ thống rừng đặc dụng quy định: “Biên chế Hạt kiểm lâm rừng đặc dụng thuộc biên chế công chức nhà nước được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao cho Ban quản lý khu rừng đặc dụng theo quy định hiện hành với định biên tối đa 500 ha rừng đặc dụng có 01 công chức kiểm lâm”.

Trong vòng 2 năm trở lại đây, tại Vườn Quốc gia Vũ Quang liên tiếp xẩy ra tình trạng lâm tặc chém trọng thương kiểm lâm. Đầu tiên là trường hợp anh Hoàng Trọng Chương bị chém đứt lìa ngón tay út. Mới đây nhất, kiểm lâm viên Nguyễn Văn Mạnh khi kiểm tra xe ô tô có dấu hiệu chở lâm sản đã bị đối tượng cầm mã tấu đuổi chém khiến anh Mạnh nhập viện trong tình trạng hết sức nguy kịch.

Thực trạng lâm tặc không chỉ nhờn mặt mà còn chủ động tấn công kiểm lâm khiến các trạm bảo vệ rừng luôn đặt trong tình trạng báo động.

Vậy nhưng 6 kiểm lâm viên ở Hòa Hải phải quản lý tới hơn 11 ngàn ha rừng đặc dụng. Tức là mỗi người phải “gánh” diện tích rừng gấp 4 lần so với quy định của Chính phủ. Mặt khác, chỉ với 6 kiểm lâm viên, nếu đem so sánh với lực lượng lâm tặc lên đến cả trăm đối tượng thì đủ biết cán cân nghiêng về bên nào.

Chênh lệch như thế nên mới có chuyện, hai năm trước, khi lực lượng liên ngành thu giữ 5 bê gỗ chuyển về tập hợp tại trạm Hòa Hải rồi nhưng lâm tặc vẫn xông thẳng vào phòng trạm trưởng, ném đá vào kiểm lâm viên để cướp số gỗ trên. Chúng dùng vũ khí khống chế, bao vây trạm kiểm lâm không cho cán bộ nào ra ngoài. Đến đêm, chúng đưa xe đến cướp lại số gỗ bị bắt. Ngang ngược hơn, ngay ngày hôm sau chúng lại tổ chức cướp gỗ tiếp nhưng lực lượng kiểm lâm không thể chống đỡ nổi. Các đối tượng chủ mưu được xác định là anh em nhà Võ Quốc Trường, Võ Quốc Thanh, Võ Quốc Vịnh, Võ Quốc Hứa, trú lại xóm 11, xã Hòa Hải, vậy mà cũng không xử lý được.

Máu tiếp tục đổ khi anh Nguyễn Song Lam (SN 1958) bị một nhóm đối tượng truy sát trong đêm tối vì cái tội dám bắt giữ 7 bè gỗ quý một ngày trước đó.

“Lâm tặc ngày càng manh động, liều lĩnh trong khi cơ chế cho kiểm lâm vẫn còn thiếu quá nhiều nên muốn bảo vệ rừng đòi hỏi cả hệ thống chính trị vào cuộc chứ riêng lực lượng kiểm lâm thì chịu”, ông Phiên khẩn cầu.

Xem thêm
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung bị khiển trách

Ngày 19/4, ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội bị Bộ Chính trị quyết định kỷ luật bằng hình thức Khiển trách.

Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Sìn Hồ thiệt hại nhiều cao su do mưa đá, gió lốc

Mưa đá gió lốc đã khiến hàng nghìn cây cao su bị gãy đổ, hàng trăm hécta phải dừng khai thác, cạo mủ. 

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm