| Hotline: 0983.970.780

Rừng xanh, tóc trắng

Thứ Tư 02/11/2011 , 10:05 (GMT+7)

Rừng trồng mà ngỡ như rừng tự nhiên, đó là khu rừng rộng 15 ha của ông Võ Văn Quý, một lão nông 80 tuổi...

Rừng trồng mà ngỡ như rừng tự nhiên, đó là khu rừng rộng 15 ha của ông Võ Văn Quý, một lão nông ở ấp 2, xã Phú An, huyện Tân Phú, Đồng Nai. Hàng năm, không ít đoàn học sinh, sinh viên, du khách từ các tỉnh xa gần tìm đến tham quan, cắm trại ở khu rừng này.

1. Khi tôi dừng xe hỏi đường vào khu rừng của ông Quý, một người dân ấp 2 chỉ bảo tận tình. Nhưng chỉ đường xong, anh ta nhìn trời rồi khuyên: “Trời mưa, lại sắp tối rồi. Đường vô đó là đường đất, trơn trượt, khó đi lắm. Anh nên kiếm chỗ nào nghỉ ngơi rồi mai hẵng vào”.

Nghe anh ta khuyên vậy, tôi cũng chợt thấy ngại ngần. Gần 5 giờ chiều mà xóm núi này đã muốn tối bởi cơn mưa vừa tạm ngớt nhưng những đám mây màu xám vẫn lơ lững ngay trên đầu, trời có thể đổ mưa xuống bất cứ lúc nào. Nhưng muốn tìm chỗ nghỉ phải quay ra tận thị trấn Định Quán, cách Phú An tới vài chục cây số. Sau một thoáng lưỡng lự, tôi đánh liều đi tiếp.

Đúng như người chỉ đường đã nói, đi vào khu rừng ông Quý khi trời vừa mưa xong, quả là một hành trình chẳng dễ dàng gì. Con đường đất nhỏ hẹp, ngoằn ngoèo, trơn như đổ nhớt. Cuối cùng, tôi cũng đến được chỗ rừng ông Quý. Dừng xe, chưa kịp thở phào vì đã vượt qua được quãng đường lầy lội, tôi đã thấy ngợp ngay bởi một rừng cây rậm rạp với nhiều cây to, nằm ngay sát đường đi.

Một lối mòn nhỏ xíu ẩn dưới tán cây, dẫn sâu vào trong rừng. Tôi cho xe chầm chậm chạy vô lối mòn đó. Đi được chừng vài chục mét, tôi đành phải bỏ xe lại vì phần lối mòn trước mặt không còn bằng phẳng nữa mà được làm theo kiểu bậc thang bằng những rễ cây đâm ngang đường. Đi bộ lần theo những bậc thang đó, tôi vượt qua một con suối cạn, leo tiếp qua vài bậc đá, rồi tiến dần đến chỗ một mái lá đơn sơ nằm giữa rừng, nơi có tiếng một con chó đang sủa óc ách và một ông già đang đứng nhìn về phía người khách lạ là tôi.

Đó là ông Võ Văn Quý, chủ rừng. Nụ cười thân thiện của ông khiến cho khu rừng vắng lúc trời đang ngả dần về tối, bớt đi phần nào sự ảm đạm, cô quạnh. Biết tôi lên thăm rừng, ông dẫn tôi đi liền, vừa đi vừa giới thiệu chỗ này là cây cẩm lai, chỗ kia cây gõ… Nhìn những bước chân nhanh nhẹn, vững vàng của ông, thật khó tưởng tượng được rằng năm nay, ông chủ rừng này đã 81 tuổi.

Ông Võ Văn Quý

2. Sau năm 1975, vì sinh kế, ông Quý cùng vợ con tới nhận khu đồi hoang rộng 15 ha, mọc đầy tre, dây leo…, để trồng lúa ở những chỗ có thể trồng bằng cách chọc lỗ rồi cho hạt giống xuống. Mỗi năm, ông chỉ tranh thủ 5 tháng mùa mưa để trồng 1 vụ lúa. Lúa trồng trên đồi thường xuyên bị lợn rừng đến phá, nên khi thu hoạch chẳng được là bao. Dầu vậy, lượng lúa thu về cũng đủ cho cả nhà có cái ăn quanh năm.

Đến giữa thập kỷ 90 của thế kỷ trước, ở khu vực này, thường xuyên xảy ra cháy rừng. Hạt Kiểm lâm huyện liền tới vận động ông Quý trồng rừng để phủ xanh toàn bộ khu đồi ấy. Nếu trồng rừng trên toàn bộ khu đồi thì chẳng còn hở ra chỗ nào để trồng lúa nữa. Nhưng sau những ngày cân nhắc thiệt hơn, ông Quý quyết định nhận cây giống lâm nghiệp về trồng. Thông thường, để trồng rừng, người ta chặt bỏ hết những cây tái sinh để lấy chỗ trồng cây lâm nghiệp. Nhưng ông Quý lại không làm như vậy. Những cây tái sinh đều được ông để lại vì đó là những cây rừng có giá trị như gõ đỏ, sao, dầu, cẩm lai…

Chỉ những chỗ trống, không có cây gỗ rừng mọc lên, ông mới nhận sao, dầu về trồng vào. Thành ra, tiếng là rừng trồng, nhưng khu rừng của ông Quý lại là sự kết hợp khéo léo, hài hòa giữa rừng tái sinh và rừng lâm nghiệp. Chỉ sau 2 năm trời, vừa tận dụng nguồn cây tái sinh, vừa nỗ lực trồng cây lâm nghiệp, ông và vợ con đã hoàn thành công việc phủ xanh toàn bộ 15 ha đồi.

Dần dà, cây tái sinh và cây người trồng nương dựa vào nhau, cùng lớn lên, tạo thành một khu rừng rậm rạp, nhiều tầng lá, nhiều cây to, có những cây đường kính tới cả mét, trông chẳng khác gì một khu rừng tự nhiên vậy.

Vì rừng trồng mà lại giống rừng tự nhiên, với rất nhiều cây gỗ quý, nên ông Quý đã phải khá vất vả trong việc bảo vệ khu rừng này trước ánh mắt nhòm ngó của người ngoài. Thỉnh thoảng, lợi dụng lúc trời mua gió hay khi ông Quý có việc về nhà trong ấp, lại có người lén vào trong rừng, chặt trộm một cây gỗ nào đó. Có lần, mấy cha con ông bị gần 20 người quây lại đòi … xin ít cây gỗ. May mà ông lén gọi điện thoại về lâm trường và hạt kiểm lâm nên được giải cứu kịp thời.

Còn chuyện người ta mang tiền đến đòi mua cây này cây kia thì khá thường xuyên, nhưng ông nhất quyết không bán.  

Ông Quý bên một cây gỗ lớn trong rừng

Hỏi sao không bán? Ông cười: “Mình bỏ ra bao nhiêu công sức mới gầy dựng được khu rừng này. Bán đi, có tiền đấy, nhưng bán 1 cây rồi sẽ bán 2 cây, 3 cây…, rồi dần dà có khi chẳng còn rừng nữa. Vì thế, chỉ cây nào bị đổ ngã, tôi mới kéo ra ngoài để bán thôi. Còn những cây đang xanh tốt, đang vững chãi, tôi kiên quyết giữ bằng được”.

Nhưng chuyện vui từ khu rừng thì lại nhiều hơn. Anh em, bạn bè, họ hàng của ông đến thăm rừng, thấy khu rừng đẹp, về kể lại cho người khác. Từ đó, người trong xã, trong huyện, trong tỉnh và cả các tỉnh khác, lần lượt rủ nhau đến tham quan.

 Mấy năm gần đây, cứ vào dịp nghỉ hè, lại có không ít đoàn sinh viên, học sinh ở Đồng Nai, ở TP HCM và từ miền Tây Nam Bộ, tìm đến tận khu rừng của ông để cắm trại. Họ thường ở lại từ 2-3 ngày. Những khi ấy, nghe tiếng cười đùa rộn ràng của đám trẻ, nhìn họ háo hức khám phá khu rừng, ngỡ ngàng nhìn, ngắm, sờ tận tay vào từng gốc cây to, ông Quý lại thấy như trẻ lại và thấy thêm phấn chấn với việc gây dựng và giữ khu rừng suốt bao năm qua.

Nhiều nhà khoa học về rừng, nghe tiếng khu rừng ông Quý, cũng đã lặn lội đường xa, tới tìm hiểu thực tế, để rồi ai cũng thán phục trước khu rừng trồng độc đáo, có giá trị cao về kinh tế lẫn môi trường của ông già gân này.

3. Gọi đùa ông Quý là ông già gân thật chẳng sai, bởi đã ngoại 80, nhưng ông vẫn còn khá minh mẫn, khỏe mạnh, và nhất là luôn túc trực cả ngày lẫn đêm ngay tại rừng để bảo vệ từng cây một. Trước đây, vợ con ông cũng ở ngay trong khu đồi này, nhưng từ khi bỏ lúa để lấy chỗ cho cây rừng, họ đã về ở trong ấp để tiện làm những công việc khác đem lại sinh kế cho cả gia đình. Chỉ còn ông và một người con thường xuyên ở lại với rừng.

Những ngày cuối tuần, người con cũng về nhà, ông đành ở lại một mình giữa khu rừng mênh mông, vắng lặng. Dầu vậy, ông vẫn đều đặn đi tuần quanh khu rừng. Không đủ sức đi hết 1 vòng rừng trong mỗi một lần đi, ông đành chia “tua”. “Tua” này đi về phía này, thì vài tiếng sau, “tua” kia sẽ đi về hướng khác. Đêm hôm, ông cũng thường xuyên xách đèn pin, đi tuần một mình như thế.

Tôi hỏi: “Nửa đêm đi một mình, bác không sợ sao?”. Ông cười: “Rừng của mình thì mình phải đi mà giữ chớ. Được cái mấy tay nhăm nhe chặt trộm cây ở đây cũng không đến nỗi dữ dằn. Cứ thấy mình là họ bỏ chạy liền mà không đánh, chém lại như lâm tặc nơi khác”.

Khi tôi ra về, trời đã tối mịt mùng. Lần mò ra khỏi khu rừng, tôi chợt rùng mình bởi gió lạnh, bởi con đường tối đen, trơn trượt dài hun hút đang chờ phía trước. Nhưng khi ngoái lại đằng sau, thấy ông Quý vẫn ung dung đứng một mình dưới tán cây rừng. Tôi chợt thấy xấu hổ bởi một thoáng yếu lòng ấy, vì chỉ đi một lúc, là đã ra đường nhựa liên xã.

Từ đó đi thêm khoảng mươi phút nữa là đã ra quốc lộ 20 nhộn nhịp xe cộ qua lại với những ánh đèn pha loang loáng, cộng hưởng với ánh sáng hắt ra từ những ngôi nhà bên đường. Còn ông Quý, cả đêm ấy sẽ một mình ở giữa rừng, một mình đi canh rừng trong bóng tối vây bủa tứ bề. Vậy mà ông già 81 tuổi ấy còn chẳng sợ, huống gì…

Xem thêm
Long trọng kỷ niệm 120 năm ngày sinh cố Tổng Bí thư Trần Phú

Ngày 17/4, tỉnh Hà Tĩnh đã tổ chức thành công Lễ kỷ niệm 120 năm ngày sinh cố Tổng Bí thư Trần Phú (1/5/1904-1/5/2024), Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng.

Greenfeed Việt Nam công bố kết quả tăng trưởng lợi nhuận bền vững

Greenfeed Việt Nam với những chỉ số tài chính vừa công bố, cho thấy thương hiệu này vẫn duy trì hoạt động sản xuất và kinh doanh hiệu quả trên thị trường nông sản.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Kiên Giang tổ chức nhiều hoạt động Giỗ Tổ Hùng Vương

Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương năm nay, tỉnh Kiên Giang tổ chức nhiều hoạt động nhằm giáo dục truyền thống uống nước nhớ nguồn và tăng cường tình đoàn kết.