| Hotline: 0983.970.780

Rượu chè, bài bạc, con rơi...

Thứ Sáu 17/09/2010 , 14:15 (GMT+7)

Cán bộ bây giờ ngày càng sống xa dân - Nhiều người than thở - Nếu ngày xưa cán bộ “ba cùng” với dân, còn ngay nay thì sao? Trên con đường rong ruổi của người làm báo suốt một vệt từ Yên Bái lên Lai Châu, Điện Biên rồi vòng ra Lào Cai… tôi được mắt thấy, tai nghe chuyện về những "đầy tớ của nhân dân"...

Hàng trăm người dân ở Hà Đông (Hà Nội) kéo đến NNVN để tố cáo những việc làm mà họ cho là không minh bạch của cán bộ

Cán bộ bây giờ ngày càng sống xa dân - Nhiều người than thở - Nếu ngày xưa cán bộ “ba cùng” với dân, còn ngay nay thì sao?

>> Chuyện Chủ tịch xin từ chức& Bí thư xã đi xe Lếch - xù
>> Bản ''sớ'' 22 điều& chuyện quan ''rụng'' ở Cộng Hòa
>> ''Bom phân'' & đòn tinh thần
>> Tìm được cán bộ đàng hoàng khó quá
>> Hai mặt lá phiếu, lá đơn
>> Dân mong gì ở cán bộ?

Trên con đường rong ruổi của người làm báo suốt một vệt từ Yên Bái lên Lai Châu, Điện Biên rồi vòng ra Lào Cai… mấy năm nay tôi đều nghỉ lại nhà chị tôi, một nông dân thứ thiệt ở xã Phúc Khoa (Tân Uyên, Lai Châu). Anh rể tôi vốn là cán bộ lâm nghiệp, ngày ấy đâu có nhiều quán sá như bây giờ, bởi thế mà nhiều cán bộ huyện khi về xã công tác thường nghỉ ở nhà chị tôi, vào vụ gặt nhiều người ra đồng giúp chị tôi gặt lúa, tối về uống chén rượu nấu bằng sắn rồi bàn chuyện ruộng nương. Khoảng cách giữa cán bộ và dân chẳng là bao. Có người sau này làm tới chức chủ tịch huyện, có cân gạo ngon chị vẫn gửi cho họ.

Chị bảo: “Chị coi mấy chú ấy như cậu thôi”. Tôi hiểu, trong ý nghĩ của chị coi những vị cán bộ ấy như người thân trong nhà, gần gũi và tin tưởng. Đấy là chuyện của ba chục năm trước. Còn bây giờ ngoài trưởng thôn và một vài ông cán bộ xã thì chị biết, còn các ông lãnh đạo huyện, lãnh đạo tỉnh thì chẳng bao giờ thấy mặt. Thỉnh thoảng nhìn thấy họ loáng thoáng trên ti vi, như người ở trên giời ấy, nếu có giáp mặt cũng chả biết họ là ai. Bây giờ đố thấy họ ngủ ở nhà dân nhé, làm việc ở xã xong thì xuống huyện, chui vào khách sạn ngủ, họ đến với dân chả khác gì chuồn chuồn đập nước, chị tôi thở dài.

Tôi vừa lên giường chưa chợp mắt thì thằng Lò Văn Hải, con rể của chị tôi lai con bé Hiền lên, giọng ríu lại: Bà cho cháu ngủ với… Con Hiền mới học lớp hai, phụng phịu: Bố cháu uống rượu về cứ lè nhè suốt đêm, cháu chả ngủ được… Chị tôi quát: Hai bố con mày be bé cái mồm cho ông trẻ ngủ… Sớm hôm sau chị bảo: Cán bộ xã ở đây rượu chè lướt khướt. Nói thế, nói nữa cũng bằng thừa. Hồi ông X làm chủ tịch, mấy lần chị lên xã xin dấu, văn thư chỉ ra quán bảo: Sếp đang tiếp khách ngoài kia, bà ra ngoài đó xin chữ ký rồi mang vào đây cháu đóng dấu cho. Chị mang giấy tờ ra quán, ông ấy bảo: Bác cứ về trụ sở chờ, lát nữa chúng tôi về ký cho… Chị chờ suốt cả buổi, chả đợi được phải mang giấy về chờ hôm sau vậy.

Chuyện quan xã rượu chè như thế ở đây chả có gì lạ, so với các ông khác, thằng Hải chả thấm vào đâu… Chiều thằng Hải lên đón con, giọng nó không còn líu ríu như tối qua, tôi hỏi: Hôm qua say lắm à? Nó lắc đầu bảo: Khổ lắm cậu ạ, làm anh cán bộ xã ở trên miền núi này không uống được rượu cũng khổ, mà uống được cũng khổ. Vào bản làm việc, việc chưa xong người ta đã dọn mâm ra rồi. Trên miền núi nó thế, khách đến nhà phải có chén rượu mời, không uống thì họ bảo mình khinh họ, mà uống thì phải uống say. Chồng mời, vợ mời, con cái mời, rồi anh em đến mời... Họ mời thì mình phải mời lại, cái lý của người dân tộc trên này nó thế. Khó lắm, không uống thì chẳng làm được việc. Thành ra, khó thế cậu ạ… Mấy chục năm công tác trên miền núi, tôi hiểu điều thằng Hải nói là đúng.

Chuyện cán bộ xã uống rượu xem ra chả thấm vào đâu so với nhiều cán bộ huyện, cán bộ tỉnh uống rượu và đánh bạc. Tôi đang ngồi tán gẫu với anh bạn làm giám đốc và L, vốn là học trò cũ của tôi, thì điện thoại của L rung, L chạy ra ngoài một lúc sau quay lại: “Quan bác” hẹn chiều nay hết giờ làm việc lên phòng “quan bác”. “Quan bác” dặn rủ thêm một ông nữa cho đủ mâm. Hội khoanh chân mà thầy… “Quan bác” mà L gọi chính là ông phó chủ tịch tỉnh Z, ông này xuất thân là giám đốc Cty xây dựng, chuyện bài bạc từ lâu đã khét tiếng.

Không phải bây giờ tôi mới nghe L nói ông phó chủ tịch tỉnh chơi bạc, D giám đốc một thời hoàng kim vẫn thường được ông phó chủ tịch mời ngồi chiếu bạc, D cười: Em không nhớ nổi bao lần khoanh chân với “quan bác” đâu. Khi ở nhà, khi ở ngay trong phòng làm việc của “quan bác”. Chơi với “quan bác” thì khỏi nói chuyện có an tâm hay không, bố thằng nào dám hỏi. Bây giờ em thất thế, chẳng mấy khi “quan bác” gọi, như thế càng hay… L bảo: Mấy ngày Tết em phải hầu bạc “quan bác” chả đi đâu được, “quan bác” chơi đỏ lắm nên say. Mỗi lần “quan bác” gọi thì phải đúc túi ít thì hai chục triệu, đánh bao giờ “quan bác” bảo thôi mới về. Hôm nào em thua thì mượn “quan bác” đôi chục chơi tiếp.

Anh bạn giám đốc của tôi cũng có máu mê bài bạc, tuy nhiên so với “quan bác” thì chẳng được xếp vào hạng nào, dẫu có mon men cũng chẳng được mời, anh bảo tôi: Chơi cho vui mà… Cũng chuyện chơi cho vui ấy, sau Tết rỗi rãi lên huyện T, thấy nhiều cán bộ ở các phòng ban trong “hội khoanh chân”. Một số người hài hước thì bảo: Bài bạc ở huyện này là “Chuyện thường ngày ở huyện” có mới mẻ gì đâu, cũng giống như cán bộ vùng thấp sau Tết thì đi lễ xin lộc. Trên này chả có đền chùa thì chơi bài, nếu không thì nhập vào hội rượu, ngày nào cũng rượu chè mệt lắm…

Ông T, đương nhiệm thủ trưởng cơ quan B, giàu nứt đố đổ vách. Khốn nỗi, vợ ông chỉ đẻ cho ông hai đứa con gái. Khi rượu bốc lên, mọi người bảo: Tiền nhiều cũng chẳng để làm gì, sau này chết, con rể nó thờ ở bếp, hoặc ra ngoài vườn canh ngô… Nghe mà ức, thế là ông đi gửi. Hôm người đàn bà đó trở dạ, ông lệnh cho xe ô tô của cơ quan đưa đón người đàn bà ra viện chu tất.

Nghe chuyện ấy mọi người trong cơ quan hỏi nhau: Bà ấy quan hệ với thủ trưởng nhà ta thế nào nhỉ? Những người biết chuyện thì mủm mỉm cười: Chắc có họ hàng với sếp gì đấy, đừng có thóc mách chuyện của sếp, vạ miệng có ngày…

Ông Nguyễn Trường Tô, nguyên Chủ tịch tỉnh Hà Giang bị cách chức vì sống buông thả, quan hệ với gái mại dâm, nhiều người nghe thế thì cười bảo: Ông Tô bị lộ phải chịu thôi, chứ “kính thưa các đồng chí chưa bị lộ” thì chắc còn nhiều lắm,… Ông Q, nguyên cán bộ có cỡ tỉnh Z, vợ ở quê, trước đây ông từng là lãnh đạo tờ báo địa phương, quan hệ với một công nhân xí nghiệp in, cho ra đời một thằng nhỏ giống ông như đúc. Mọi người ai cũng biết thế, nhưng vì người kia không tố cáo thành ra ông chả làm sao, cứ thăng chức vù vù. Một lần tôi hỏi anh rể của thằng nhỏ kia: Ông Q có chu cấp tiền cho thằng bé học đại học không? Anh ta lắc đầu: Chẳng có gì đâu, vợ chồng em lo cả. Nó là đứa con rơi của ông ấy mà…

Xin được chép lại chuyện đàm tiếu của thiên hạ về những đồng chí cán bộ đáng kính mà tôi được biết. Ông Ng, Trưởng Ban ĐC…tỉnh L, cũng chả thóc mách chuyện riêng của ông ấy làm gì, lúc vui vẻ tôi hỏi nửa đùa nửa thật: Nghe mọi người đồn bác có con rơi, nay về hưu trở thành “phó thường dân” rồi, bác còn sợ gì mà phải giấu giếm. Ông Ng cười ngoác miệng: Cuộc sống phức tạp lắm, anh chưa thể công bố được… Hôm ông Ng mất, tôi có dự đám tang của ông, người ta chỉ cho tôi đứa con gái đã thành thiếu nữ từ Tây Nguyên cùng mẹ về chịu tang ông. Hoá ra chỉ khi nhắm mắt xuôi tay thì những đứa con rơi của các vị quan chức mới xuất hiện. (Còn nữa)

Xem thêm
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng

Sáng 18/4 (tức 10/3 năm Giáp Thìn - ngày Giỗ Tổ Hùng Vương), Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng tại Điện Kính Thiên trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh thuộc Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng ở TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Hà Nội hỗ trợ học sinh ôn thi tốt nghiệp THPT

Từ 19/4, học sinh Hà Nội có thể ôn thi tốt nghiệp THPT 2024 trên kênh H2 của Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội, ứng dụng HANOI ON trên thiết bị thông minh.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm