| Hotline: 0983.970.780

Rượu giả Bàu Đá tràn lan, nhà lò truyền thống khốn đốn

Thứ Sáu 31/03/2017 , 15:20 (GMT+7)

Hiện nay, tại làng Bàu Đá, tên gọi của xóm Tân Long, thôn Cù Lâm, xã Nhơn Lộc (TX An Nhơn, Bình Định) chỉ có khoảng gần 40 hộ nấu rượu truyền thống, mỗi ngày cho ra lò khoảng 300-400 lít rượu. Ấy vậy mà hiện nay, số lượng rượu Bàu Đá tung ra thị trường mỗi ngày có đến hàng ngàn lít. Câu hỏi được đặt ra là vì đâu mà có nhiều rượu mang tên Bàu Đá đến vậy?

18-53-54_1
Rượu Bàu Đá chính hiệu rót sủi tăm vun ly


Công nghệ sản xuất rượu… không nấu

Trong lúc đi tìm lời giải cho câu hỏi trên, tôi tình cờ gặp được anh N.M.L (SN 1981), trước đây L. từng làm giả rượu Bàu Đá, câu chuyện của anh đã hé mở phần nào về thực trạng của rượu Bàu Đá giả hiện nay.

Cách đây hơn 10 năm, dù gia đình không có nghề nấu rượu, nhưng L. vẫn nghiễm nhiên là “nhà phân phối” rượu Bàu Đá khá đình đám. Thị trường tiêu thụ rượu giả của anh lúc đó là thị trấn Bồng Sơn (huyện Hoài Nhơn). L. kể lại chuyện làm ăn phi pháp của mình một cách dè dặt, nhưng cuối cùng câu chuyện của anh chính là lời giải đáp cho câu hỏi “rượu Bàu Đá ở đâu ra mà nhiều đến vậy?”.

Năm đó, anh L. nhận thấy thị trường tiêu thụ rượu Bàu Đá quá mạnh, bởi thời điểm này chẳng mấy ai có tiền uống bia, nên hầu hết đàn ông từ già đến trẻ đều lấy rượu làm “cứu cánh” để giải tỏa sầu muộn hay bày cuộc chè chén. Vậy là anh học chế biến rượu Bàu Đá giả.

Nói là “học” cho oách, chứ thực ra chỉ cần 1 khoảng thời gian ngắn là L. đã tiếp thu được mấy “chiêu” từ 1 đàn anh, sau đó mỗi ngày L. có thể cho “ra lò” hàng trăm lít rượu Bàu Đá đóng chai nhựa, dán nhãn mác “tự chế” đàng hoàng. “Nấu rượu mới khổ, chứ chế biến rượu có khó gì đâu, khỏe ru à!”, L. bộc bạch.

Theo lời kể của L., vốn liếng ban đầu để làm “nhà phân phối” rượu Bàu Đá của anh không nhiều, chỉ vài ba triệu đồng là đã có thể “tung hoành”. Khi ấy, L. không cần phải mua rượu Bàu Đá truyền thống chính gốc vì giá khá đắt, đến 25 ngàn đồng/lít, chỉ cần mua rượu Bàu Đá “nhái” nấu theo công nghệ “mì ăn liền” bằng men Trung Quốc pha thêm cồn công nghiệp giá chỉ hơn chục ngàn/lít.

Mang rượu này về, L. chế biến theo công thức: 1 lít rượu pha với nửa lít nước nấu sôi để nguội, vậy là ra 1 lít rưỡi Bàu Đá. Đã mua loại rượu kém chất lượng, lại pha thêm nước, nên rượu mất sạch hương vị gạo. Vậy là phải bổ sung hương vị. Cũng chẳng khó khăn gì, hương liệu rượu gạo bán đầy, giá chỉ 80 ngàn đồng/chai. Cứ mỗi lít cho vào 1 ly (uống trà) hương liệu, vậy là rượu pha nước lập tức nức mùi hương gạo.

“Rượu phải được pha với nước sôi để nguội, nếu pha bằng nước lạnh múc từ giếng lên rượu sẽ có mùi rất tanh, người uống phát hiện ra ngay”, L. bộc bạch.

Không chỉ vậy, L. còn “chế” cả rượu Bàu Đá được nấu bằng nguyên liệu đậu xanh và nếp. Cũng rất đơn giản. Mua sâm dứa chỉ hơn 10 ngàn đồng/chai, mỗi lít rượu sau “chế biến” được pha vào 1 ly uống rượu sâm dứa, vậy là chai rượu dậy lên màu xanh nước biển trông rất bắt mắt, bán lại cao tiền hơn rượu gạo.

Rượu mang tên “Bàu Đá” bày bán dọc QL 1 đoạn qua Huỳnh Kim, phường Nhơn Hòa (TX An Nhơn)

“Sau khi pha chế, 1 lít rượu gạo tôi bỏ mối 12 ngàn đồng, rượu đậu xanh nếp 15 ngàn đồng/lít; bán 1 lít rượu gạo sau khi trả vốn hơn 10 ngàn đồng, tôi còn lời đứt nửa lít nước đã pha vào, còn 1 lít rượu đậu xanh nếp tôi lời thêm 3.000đ nữa. Sâm dứa thì bán đầy ngoài chợ, còn hương liệu rượu gạo thì được những cơ sở bán chai nhựa đóng rượu cung ứng luôn”, L. tiết lộ.

Giấu tên cơ sở anh từng mua hương liệu, nhưng L. cho biết anh mua chai và hương liệu rượu gạo tại cầu Bà Gi, địa bàn giáp ranh giữa xã Phước Lộc thuộc huyện Tuy Phước và phường Nhơn Hòa thuộc thị xã An Nhơn.
 

Nhà lò nấu rượu truyền thống khốn đốn

Theo ông Lê Hồng Khanh, truyền nhân của cụ Ba Trương, theo cách nấu rượu truyền thống bây giờ, nhờ không áp dụng quy trình nấu rượu qua 2 công đoạn làm lạnh, sử dụng những ống dẫn bằng tre, phải nấu lửa liu riu…, mà cho ra trực tiếp ngoài chai nên ra rượu nhanh hơn, mỗi ngày nấu được nhiều mẻ rượu hơn.

“Hiện nay mỗi ngày gia đình tui nấu được hơn 30 kg gạo. Từ 5 giờ sáng đến 2 giờ chiều lấy được 6 mẻ rượu, mỗi mẻ 3 lít, vị chi mỗi ngày nhà tui cho ra lò được 18 lít rượu. Gia đình tui thuộc diện nấu nhiều, có hộ còn nấu ít hơn. Cả làng Bàu Đá chưa tới 40 hộ nấu rượu, vậy mà không biết rượu Bàu Đá ở đâu ra mà ngày nào cũng tràn ngập thị trường”, ông Khanh thắc mắc.

Theo tiết lộ của nhiều người dân sống dọc tỉnh lộ 636B, đoạn từ xã Nhơn Phúc đi xuống phường Bình Định (TX An Nhơn), ngày nào cũng có những chiếc xe ngựa hoặc xe “ba càng” chở đầy những can nhựa đầy nong nóc rượu chạy xuống bỏ mối, sau đó cũng những chiếc xe này chở ngược lên những can nhựa cũng đầy nong nong nước, nhưng không biết là nước gì.

“Thì là cồn công nghiệp mua về để pha chế rượu chứ còn gì. Rượu ở đâu mà nhiều như múc từ sông lên vậy, nấu sao cho kịp. Có như vậy thời gian qua báo đài mới nói ùm lên chuyện đã có nhiều chết vì uống phải rượu pha cồn công nghiệp”, một người dân bức xúc nói.

Điều khiến người dân làng Bàu Đá ưu tư là rượu giả Bàu Đá được ung dung bày bán tràn lan. Dọc quốc lộ 19, Quốc lộ 1 đoạn qua Bình Định, rượu Bàu Đá đựng trong chai thủy tinh, trong bình nhựa… với nhiều màu xanh, trắng, vàng được bày bán khắp nơi. Nhiều nơi còn bày bán những bầu rượu làm bằng đá và để tên “rượu Bầu Đá” theo kiểu lập lờ đánh lận.

Rượu mang tên “Bàu Đá” đủ các loại nước xanh, nước trắng, nước đỏ trong chai nhựa, chai sành được bày bán tràn lan

Ghé một gian hàng ở Huỳnh Kim, phường Nhơn Hòa (TX An Nhơn), chúng tôi được bà chủ mời chào “đặc sản rượu Bàu Đá”. Bà giới thiệu những chai rượu trưng bày trên quầy là “rượu Bàu Đá” chính hiệu, được lấy từ làng nghề truyền thống nhưng có giá chỉ 12.000-15.000 đồng/lít. Thấy chúng tôi bày tỏ sự ngờ vực do giá rượu quá rẻ, lập tức bà ta phân bua: “Do mua sỉ từ làng nghề nên mới rẻ như vậy!”.

Tìm hiểu thêm, chúng tôi được biết rượu Bàu Đá giả được lấy từ nhiều người bỏ mối, nên chính người bán cũng không biết được xuất xứ. “Rượu Bàu Đá giả được nấu bằng men Trung Quốc nên mới có giá rẻ như vậy. Một số nơi còn mua mật rỉ ở nhà máy đường về pha với nước, phẩm màu, thêm hương vị vào là thành rượu Bàu Đá. Thậm chí, có người còn mua cồn pha với nước, men để làm rượu Bàu Đá”, một người dân làng nghề rượu Bàu Đá trăn trở.

Rượu “đểu” cứ xông vào thị trường ùn ùn như vậy bảo sao rượu Bàu Đá chính hiệu không “chết lên chết xuống”. Một điều thấy rõ là hiện nay những loại rượu nhái nhãn hiệu, không rõ nguồn gốc đang tung hoành trên thị trường đã tác động không nhỏ đến uy tín, thương hiệu của rượu Bàu Đá chính thống, gây thiệt hại cho lò sản xuất lẫn người tiêu dùng.

Ông Lê Hồng Khanh bộc bạch: “Mặc dù đã có thương hiệu, có tem nhãn hẳn hoi nhưng mấy năm qua rượu Bàu Đá không phát triển nổi. Riêng gia đình tui 1 ngày ra lò chưa đầy 20 lít rượu mà bán trầy da tróc vảy mới hết. Bởi nấu bằng gạo đẹp, men tốt, bán giá 25 ngàn đồng 1 lít, đối với người biết thì chẳng nói chi, người không biết bĩu môi chê sao đắt thế, ở kia cũng rượu dán nhãn hẳn hoi mà bán có 10, 12 ngàn đồng 1 lít. Hỏi vậy thì những người nấu rượu truyền thống sống sao nổi”.

Ông Tạ Chí Nhơn, người có hàng chục năm kinh nghiệm nấu rượu Bàu Đá truyền thống ở Cù Lâm, khẳng định phần lớn rượu Bàu Đá giá rẻ bán trên thị trường là giả, kém chất lượng.

“Để nấu được 1 lít rượu gạo, chúng tôi phải tốn ít nhất 18.000 đồng. Khi rượu Bàu Đá giả được bày bán tràn lan, dân làng chúng tôi khó thể sống được với nghề nấu rượu, nhưng vẫn phải duy trì để lấy hèm nuôi heo”, ông bức xúc.

 

Xem thêm
Thủ tướng đề nghị Tập đoàn Apple xác định Việt Nam là một cứ điểm trên toàn cầu

Đây là lần đầu tiên ông Tim Cook tới Việt Nam. Trước đó, vào tháng 5/2022 tại Hoa Kỳ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có cuộc gặp với Giám đốc điều hành Apple.

Hồ Tha La phủ màu xanh cho đất

Hồ Tha La là một trong những công trình thủy lợi trọng điểm của tỉnh Tây Ninh, sau nhiều năm vận hành, công trình đã được đầu tư nâng cấp, đáp ứng đa mục tiêu.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Hưng Yên đầu tư 170 tỷ đồng xây cầu kết nối giao thương

Cầu Hải Hưng bắc qua sông Chanh, kết nối tỉnh Hưng Yên với tỉnh Hải Dương được dự kiến khởi công thực hiện từ quý II năm nay tới quý IV/2025.