| Hotline: 0983.970.780

Viết tiếp bài “Phát lộ sai phạm tại Urenco”:

Sai phạm nối tiếp nhau

Thứ Hai 04/08/2014 , 08:25 (GMT+7)

Theo báo cáo của Sở KH-ĐT gửi UBND TP Hà Nội, chủ đầu tư đã vi phạm các quy định của pháp luật về đấu thầu./ Phát lộ hàng loạt sai phạm của Cty Môi trường đô thị Hà Nội

NNVN ra ngày 28/7 đăng bài “Phát lộ hàng loạt sai phạm tại Cty Môi trường đô thị Hà Nội” phản ánh tình trạng máy móc, thiết bị của Dự án đầu tư xây dựng hệ thống xử lý chất thải phát điện tại xã Nam Sơn, Sóc Sơn (Hà Nội) do DN này làm chủ đầu tư trị giá hàng triệu USD bị “đắp chiếu”. Tiếp tục điều tra, PV phát hiện hàng loạt những sai phạm tiếp theo.

Dự án đầu tư xây dựng hệ thống xử lý chất thải công nghiệp phát điện tại xã Nam Sơn (dự án NeDo) với tổng mức đầu tư lên tới hơn 612 tỷ đồng, được giao cho Cty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội (Urenco) làm chủ đầu tư, là một trong những dự án môi trường quan trọng của TP Hà Nội.

Tuy nhiên, dự án này đang trầy trật do bị chậm tiến độ. Sai phạm tại đây được các cơ quan chức năng xác định thuộc về Urenco, đơn vị chủ đầu tư dự án, cụ thể là sai phạm trong việc đấu thầu gói thầu số 1 dự án.

Theo báo cáo của Sở KH-ĐT gửi UBND TP Hà Nội, chủ đầu tư đã vi phạm các quy định của pháp luật về đấu thầu như sau: Phê duyệt hồ sơ mời thầu không đúng với kế hoạch đấu thầu được phê duyệt về hình thức hợp đồng; thông báo trúng thầu và phê duyệt kết quả đấu thầu không phù hợp với hồ sơ mời thầu về hình thức hợp đồng.

Trước những sai phạm như vậy tại Urenco, UBND TP Hà Nội vừa có công văn số 5474/UBND-TNMT chỉ đạo giải quyết dứt điểm sự việc. Theo đó, về sai phạm tại Urenco, UBND TP Hà Nội giao Sở KH-ĐT xem xét xử lý theo thẩm quyền đối với vi phạm của chủ đầu tư trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về đấu thầu.

Lãnh đạo UBND TP Hà Nội cũng yêu cầu Urenco làm rõ trách nhiệm của cá nhân, tập thể có liên quan báo cáo UBND TP Hà Nội.

Sai phạm trong gói thầu số 1 của Dự án NeDo đã rõ. Tuy nhiên, tiếp tục điều tra, PV phát hiện hàng loạt các sai phạm tiếp theo trong phạm vi dự án này. Cụ thể là đối với gói thầu số 11 (Ủy thác nhập khẩu, bốc dỡ, vận chuyển hàng hóa, thiết bị), ngày 24/5/2014, ông Phạm Ngọc Hải, Chủ tịch HĐTV Urenco đã ký kết luận của cuộc họp HĐTV, trong đó đề nghị UBND TP Hà Nội cho phép đấu thầu rộng rãi gói thầu này với kinh phí hơn 7,9 tỷ đồng.

Tuy nhiên, sau đó đúng 1 tháng, ngày 24/6/2014, đích thân ông Hải lại ký một thông báo của HĐTV: “Căn cứ đề xuất của Ban Quản lý dự án NeDo và tính cấp bách của dự án, HĐTV thống nhất lựa chọn Cty Đầu tư thương mại và dịch vụ quốc tế (Interserco) thực hiện gói thầu 11 theo phương thức chỉ định thầu và chấp thuận để GĐ Ban Quản lý dự án (ông Nguyễn Xuân Huynh – Phó TGĐ Urenco) ký hợp đồng nguyên tắc với Interserco”.

Được biết, dự kiến sáng nay (4/8), UBND TP Hà Nội sẽ tổ chức cuộc họp với các sở, ban, ngành liên quan bàn về giải pháp xử lý các vấn đề của Dự án NeDo do Urenco làm chủ đầu tư.
Sau đó 1 ngày, trong ngày thứ Ba (5/8), thành phố Hà Nội sẽ tổ chức họp báo để làm rõ hơn những sai phạm của Urenco tại gói thầu số 1. Đồng thời, các sở, ban, ngành liên quan của TP sẽ trả lời về các giải pháp xử lý sai phạm trên.

Chưa nói đến việc đúng, sai trong khâu chỉ định thầu của Urenco đối với gói thầu lên đến 7,9 tỷ đồng, nhưng đến nay, hợp đồng giữa hai bên trong việc thực hiện gói thầu số 11 vẫn chưa được ký kết.

Trong khi đó, hầu hết các thiết bị đã được Interserco thông quan và vận chuyển về công trường. Được biết, giá trị gói thầu qua thẩm định chỉ còn khoảng 4,6 tỷ đồng nên hai bên vẫn đang tranh cãi nhau về giá và Interserco đang có ý định kiện Urenco ra tòa.

Ngoài chuyện “lình xình” trong hợp đồng với Interserco, chỉ riêng trong “Dự toán chi phí quản lý dự án NeDo”, chi phí thuê văn phòng làm việc và thuê ô tô lần lượt “ngốn” của dự án 480 triệu và 600 triệu đồng.

Tuy nhiên, theo các tài liệu mà NNVN có được, Dự án NeDo thực chất không thuê văn phòng mà tận dụng trụ sở làm việc là 2 căn phòng của một công ty con thuộc Urenco là Urenco 14 tại 212 Đê La Thành (Hà Nội) để làm việc. Ngoài ra, chiếc ô tô mà Dự án NeDo sử dụng lại không phải đi thuê mà chính là chiếc xe Toyota Innova của Urenco.

Dư luận đặt câu hỏi, số tiền thuê văn phòng và thuê ô tô trị giá hơn 1 tỷ đồng đã “bốc hơi” đi đâu?

Vẫn trong “Dự toán chi phí quản lý dự án”, các khoản phụ cấp, lương, phụ cấp làm thêm giờ… của cán bộ Ban Quản lý dự án lên đến hơn 1,4 tỷ đồng. Trong khi đó, dự án bị chậm tiến độ hơn nửa năm nay, thiết bị máy móc trị giá hàng triệu USD nằm “đắp chiếu”. Điều nghịch lý hơn là hầu hết các cán bộ, từ lãnh đạo đến nhân viên của dự án, chủ yếu thực hiện kiêm nhiệm công tác, và đã được hưởng lương từ Công ty mẹ.

Những sai phạm trên rất cần sự vào cuộc quyết liệt của UBND TP Hà Nội và cơ quan cảnh sát điều tra.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.

Bình luận mới nhất