| Hotline: 0983.970.780

Sâm Ngọc Linh giả tràn lan

Thứ Sáu 06/08/2010 , 08:00 (GMT+7)

Để giả sâm Ngọc Linh, bọn đầu nậu thực hiện “kỹ nghệ”: lấy một ít sâm Ngọc Linh thật và sâm Ngọc Linh đá xay nhỏ và ngâm với sâm Ngọc Linh giả để biến thành sâm Ngọc Linh thật, lừa người tiêu dùng.

Người dân ở tỉnh Kon Tum kháo nhau tại vùng núi Ngọc Linh, huyện Tu Mơ Rông sau cơn bão số 9/2009 núi lở, nhiều nơi phát lộ những bãi sâm tự nhiên; rồi chuyện trong quá trình thi công đường Ngọc Hoàng-Măng Bút-Tu Mơ Rông-Ngọc Linh, công nhân phát hiện một bãi sâm Ngọc Linh…

Cây và củ sâm Ngọc Linh thật.
Lần theo những chuyện đồn thổi, chúng tôi biết được có một số người từ kinh doanh hàng tạp hóa và cán bộ công tác ở huyện Tu Mơ Rông khi công khai, khi bí mật buôn bán sâm Ngọc Linh giả. Bảo vệ thương hiệu sâm Ngọc Linh trước nạn sâm giả không chỉ là vấn đề cần quan tâm của tỉnh Kon Tum...!

Đột nhập một đường dây sâm giả

Qua một người bạn bị lừa mua sâm Ngọc Linh giả, tôi lần ra một mối lái tên Lân. Lân bảo rằng, hắn là cán bộ giúp các xã vùng sâu của huyện Tu Mơ Rông thực hiện Nghị quyết 30a. “Sâm Ngọc Linh” mà hắn đang bán là hắn mua lại của một doanh nghiệp thu mua sâm trong dân.

Trong vai một người đi mua sâm, tôi nói với Lân: “Bạn bè tôi ở thành phố Hồ Chí Minh nghe nói Kon Tum trúng sâm Ngọc Linh, họ gửi mua. Tôi cần một lượng sâm đi thành phố, anh cho biết giá cả và khả năng cung ứng được bao nhiêu kg ?”. Đảo mắt láo liên, thấy tôi thật lòng mua sâm, Lân không nghi ngờ, bảo: “Anh yên tâm, sâm tôi lấy tại gốc, giá “mềm”! Sâm loại 1 là 15 triệu đồng/kg, loại 2 khoảng 12 triệu đồng/kg và loại 3 là 8 triệu đồng/kg… đều còn tươi. Nếu lấy ngay thì tối nay tôi có thể gom cho anh khoảng 10 kg, còn để ngày sau thì có thể gom nhiều hơn”.

Sau khi thương thảo, tôi yêu cầu được xem sâm. Trước khi giao đủ hàng, Lân móc từ trong túi áo lạnh một củ sâm ước khoảng hơn 1 lạng được gói cẩn thận trong tờ báo đưa cho tôi xem. Để xác định, tôi xin hắn bẻ một đoạn sâm bằng khoảng nửa đầu ngón tay út. Nhìn đầu đoạn sâm bị gãy thấy có màu tím nhạt. Nếm thử, sâm có mùi đắng gắt. Lấy móng tay cào lớp vỏ lụa ngoài của đoạn sâm, ngửi thấy mùi ngai ngái, không phải mùi sâm bởi tôi cũng đã từng được uống rượu sâm Ngọc Linh thật và có thời kỳ đã mua được vài lạng sâm về làm quà cho người thân nên cũng gọi là có biết chút ít về sâm Ngọc Linh.

Sâm Ngọc Linh giả được mối lái mồi chài.
Không nhận xét sâm Ngọc Linh thật, giả, tôi hỏi Lân: “Vì giá trị sâm Ngọc Linh lớn và mua cho bạn bè, người thân nên anh có thể cho tôi mượn mẫu sâm để thử nghiệm. Nếu đúng thật là sâm Ngọc Linh tôi sẽ mua 10 kg”. Lân bồn chồn và sốt ruột nói: “Thôi anh cứ lấy nguyên cả củ mà thử nghiệm”. “Không cần nhiều, chỉ cần một tí này là đủ để thử nghiệm rồi!”-tôi trả lời. Biết tôi không phải là tay dễ “xơi”, mối lái Lân lo ngại và lặn luôn từ đó.

Nghe chuyên gia nói chuyện sâm thật, sâm giả

Đem chuyện người dân sống ở vùng núi Ngọc Linh, huyện Tu Mơ Rông vừa mới phát hiện một bãi sâm Ngọc Linh hỏi Chủ tịch kiêm giám đốc Công ty TNHHMTV lâm nghiệp Đăk Tô Nguyễn Thành Chung đang thực hiện Dự án bảo tồn và phát triển cây sâm Ngọc Linh. Ông Chung bực bội: “Vớ vẩn, của rởm đấy! Bao nhiêu năm người dân săn tìm mọi ngóc ngách trong rừng sâu, lấy đâu ra sâm Ngọc Linh mọc tự nhiên trong rừng? Còn sâm Ngọc Linh của Công ty TNHHMTV Đăk Tô trồng trên chốt ở độ cao gần 2.000 mét trong rừng tự nhiên là đang thực hiện dự án bảo tồn, không có chuyện sâm Ngọc Linh lưu hành ra thị trường.

Trong chuyến đoàn công tác của Bộ Y tế vào tìm hiểu dự án bảo tồn và phát triển cây sâm Ngọc Linh tại Kon Tum, tôi có may mắn gặp thạc sĩ Lê Thanh Sơn-cán bộ Viện Dược liệu-chuyên gia chuyên nghiên cứu giống cây thuốc Việt Nam-người trước đây đã từng có nhiều năm thực hiện dự án bảo tồn và phát triển cây sâm Ngọc Linh. Theo xác định ban đầu, ông Sơn cho biết có 3 loại được gọi là sâm Ngọc Linh giả đang lưu hành tại Kon Tum là sâm vũ diệp, tam thất hoang và loại thứ ba chưa rõ tên thường gọi là sâm “Ngọc Linh đá”.

Cả ba loài sâm này có nguồn gốc từ Hoàng Liên Sơn-Sa Pa-Lào Cai. Sâm vũ diệp lá xẻ thùy, củ có đốt như sâm Ngọc Linh, nhưng không có vị đắng, khi nếm đầu lưỡi sẽ hơi bị ngứa. Tam thất hoang lá giống sâm Ngọc Linh, không xẻ thùy; củ giống sâm vũ diệp, ít xuất hiện bìu (mấu lồi, u bướu) phía dưới, khi nếm không có vị đắng hoặc đắng rất ít. Sâm “Ngọc Linh đá” lá không xẻ thùy; cũ cũng thân đốt giống sâm Ngọc Linh nhưng có vị đắng gắt hơn. Cắt củ ra ta thấy màu ghi xám, thường có xơ (xen-lu-lô hóa). Còn sâm Ngọc Linh thật lá không xẻ thùy, trái khi chín đỏ thường xuất hiện bớt màu đen, các đốt mắt củ thường ngắn hơn, không nằm trên một đường thẳng (củ già thường có các u bướu). Khi cắt ngang củ, thấy có màu vàng ngà, nếm có vị đắng và dịu ngọt dần nơi đầu lưỡi. Ba loại sâm Ngọc Linh giả kể trên đều được các đầu nậu mua từ Sa Pa, Lai Châu đem vào Kon Tum bán.

Mặc dù chúng đều có khả năng bồi bổ cơ thể nhưng giá trị thấp hơn nhiều so với sâm Ngọc Linh thật. Tại thị trấn Sa Pa giá sâm vũ diệp, tam thất hoang giao động từ 160-190 nghìn đồng/kg củ tươi, sâm Ngọc Linh đá từ 2-14 triệu đồng/kg củ tươi (tùy theo loại củ lớn, nhỏ). Còn sâm Ngọc Linh thật hiện nay trên thị trường khoảng 25-30 triệu đồng/kg củ tươi (loại 20 củ/kg), 35 triệu đồng/kg củ tươi (loại 10 củ/kg), 45 triệu đồng/kg củ tươi (loại 5 củ/kg)…Thế mới biết, bọn bất lương buôn bán sâm Ngọc Linh giả chúng đã “móc túi” người tiêu dùng như thế nào (??!!)

Để giả sâm Ngọc Linh, bọn đầu nậu thực hiện “kỹ nghệ”: lấy một ít sâm Ngọc Linh thật và sâm Ngọc Linh đá xay nhỏ và ngâm với sâm Ngọc Linh giả để biến thành sâm Ngọc Linh thật, lừa người tiêu dùng.

Xem thêm
ASEAN cần tiếp tục ưu tiên duy trì đoàn kết, độc lập, tự cường

Ngày 23/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn nhân chuyến thăm làm việc và tham dự Diễn đàn Tương lai ASEAN.

Công đoàn NN-PTNT Việt Nam phát động Tháng Công nhân và an toàn lao động

Sáng 24/4, tại Công đoàn NN-PTNT Việt Nam tổ chức phát động 'Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động và Tháng Công nhân năm 2024'.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.