| Hotline: 0983.970.780

“Sàn giao dịch trâu” Cán Cấu

Thứ Sáu 04/06/2010 , 07:15 (GMT+7)

Chợ trâu Cán Cấu không biết có tự bao giờ, dù nắng hay mưa, dù mùa đông hay mùa hạ đều đặn mỗi tuần chợ họp một phiên. Người Hà Nội tự hào có chợ Đồng Xuân, người Sài Gòn tự hào có chợ Bến Thành…còn người vùng cao nơi đây tự hào có chợ trâu Cán Cấu…

Chợ trâu Cán Cấu không biết có tự bao giờ, dù nắng hay mưa, dù mùa đông hay mùa hạ đều đặn mỗi tuần chợ họp một phiên. Người Hà Nội tự hào có chợ Đồng Xuân, người Sài Gòn tự hào có chợ Bến Thành…còn người vùng cao nơi đây tự hào có chợ trâu Cán Cấu…

Xã Cán Cấu nằm trên đường lên Si Ma Cai (Lào Cai). Không ai biết chính xác chợ trâu Cán Cấu có từ bao giờ; có người cho rằng chợ trâu Cán Cấu hình thành sau chiến tranh biên giới tháng 2/1979, nhưng người dân Cán Cấu thì bảo: Chợ trâu có từ lâu lắm rồi, chỉ sau chợ Bắc Hà ít năm thôi. Mới đầu, người có trâu bán, khi đi chợ thì dắt theo, nếu ai hỏi mua thì bán… Người khác thấy thế làm theo, từ đó mà hình thành nên chợ trâu Cán Cấu.

Chợ Cán Cấu trước đây họp cùng một chỗ, người mua bán trâu họp ở phía cuối chợ, đó là một khoảnh đất trống ven đồi cạnh đường đi. Khi người mua bán trâu về một đông, trâu dắt dọc đường cái làm cản trở giao thông, chính quyền mới tổ chức lại chợ. Chợ trâu và chợ hàng hoá được phân làm hai khu vực, chợ hàng hoá họp trên cao còn chợ trâu họp dưới bãi đất rộng.

Chợ trâu Cán Cấu (Ảnh: Nguyễn Xuân Nhẫn)

Chợ họp vào ngày thứ Bảy hàng tuần, tờ mờ sáng người dân khắp vùng từ: Lử Thẩn, Lùng Sui, Quan Thần Sán…thuộc Si Ma Cai, rồi Lùng Phình, Lùng Cải, Lầu Thí Ngài, Hoàng Thu Phố…thuộc huyện Bắc Hà, gần đây người dân mua bán trâu ở các huyện Mường Khương, Bảo Thắng, Bát Xát (Lào Cai) Sín Mần (Hà Giang) rồi người Trung Quốc cũng sang. Trên khắp các ngả đường từ trên núi xuống người ngựa, xe máy, trâu bò…rồng rắn nhau đi đông như trẩy hội. Nhất là sau tháng mười, khi mùa vụ đã thu hoạch xong người đi chợ càng đông. Nhà nào cũng có vài ba người, không chỉ người lớn mà cả trẻ em và người già cũng bồng bế nhau đến chợ.

Nhiều người đến chợ chẳng để mua gì, đến chợ chỉ để gặp lại bạn bè, rồi kéo nhau vào hàng thắng cố, trao đổi với nhau về mùa màng, gặt hái và uống với nhau dăm ba bát rượu ngô say ngả nghiêng mới về. Đám trai trẻ đến chợ để tìm người bạn đời, thấy cô gái nào ưng mắt thì họ rủ bạn bè theo về tận nhà người con gái đó, nếu được cô gái đồng ý thì tổ chức kéo về làm vợ. Còn lũ trẻ con theo bố mẹ đến chợ để ăn một bát phở, nếu bố mẹ có tiền thì mua cho một bộ quần áo mới, hoặc có khi chỉ được mua một gói kẹo. Mặc dù từ nhà xuống chợ dăm sáu cây số đường dốc, có nơi xa trên hai chục cây số, nhưng tới phiên chợ ai cũng hăm hở. Đi chợ không chỉ là nhu cầu mua bán, đến chợ còn để giao lưu tình cảm, chợ vùng cao là một nét sinh hoạt văn hoá đầy màu sắc.

Trâu mang đến bán ở chợ trâu Cán Cấu

Mùa này, khi mùa mưa mới bắt đầu, việc cày cấy chưa bận rộn người đi chợ vẫn rất đông, vợ chồng Giàng Seo Chư ở xã Lử Thẩn dắt một con trâu và một con bò xuống chợ. Tôi hỏi Seo Chư: Vào mùa cày cấy rồi, sao lại bán trâu thì lấy gì để cày? Seo Chư quất roi vào mông con trâu dạt xuống bãi cỏ ven đường rồi đáp: Không có tiền thì phải bán chứ. Nhà mình có 3 con bò và 4 con trâu, con bò này mình vay tiền ngân hàng nó đẻ được hai con rồi, bây giờ bán để trả nợ ngân hàng, hai con nó mình vẫn nuôi mà. Con trâu này mình bán để gửi tiền cho con đang đi học dưới tỉnh đấy…

Tôi lại hỏi Seo Chư: Đã có người trả giá chưa? Seo Chư lắc đầu: Bây giờ mình mới dắt xuống đây, phiên chợ trước có người trả con trâu này 11 triệu rồi, mình chưa bán, con trâu nhà thằng Dìn bé hơn con này, nó cũng bán được 11 triệu, trâu nhà mình to hơn sao chỉ bán được bằng trâu nhà nó? Không được chứ, mình dắt về bây giờ lại dắt xuống...Tôi cầm thừng, vạch hàm con trâu lên xem răng rồi hỏi: Nếu hôm nay người ta cũng trả 11 triệu thì Seo Chư có bán không? Seo Chư giật chiếc thừng trâu từ tay tôi quay ngắt đi, giọng hơi khó chịu: Mày có mua đâu mà hỏi nhiều thế?

Ngã giá

Khác với Seo Chư, Tráng A Lùng người Cán Hồ thì vui vẻ bảo tôi: Mình muốn mua trâu à, mình mua về nuôi hay để thịt? Con trâu nhà tôi đây mới được 5 tuổi thôi, nó cày rất khoẻ, nếu cày từ sáng đến giờ thì phải được 6 sải tay rồi đấy. Có người trả mình 13 triệu, mình chưa bán, vợ mình bảo phải bán được 15 triệu, nó đang đứng kia mà…Tôi giả vờ xem răng, khoáy và móng chân của con trâu rồi bảo: Nếu tôi trả con trâu này 14 triệu thì Lùng có bán không? Ngần ngừ một lát, A Lùng bảo tôi: Để mình hỏi vợ đã, mình cứ xem trâu khắp chợ này đi, lát nữa quay lại nếu vợ mình đồng ý thì bán thôi…Nói rồi A Lùng rút điện thoại di động trong túi ra nói chuyện với ai ở đầu bên kia, tôi đoán A Lùng muốn tham khảo giá với người bạn của mình…

Theo những cán bộ thú y làm công tác kiểm soát dịch bệnh ở chợ trâu Cán Cấu, trung bình mỗi phiên chợ, người dân mang đến chợ chừng 400-700 con trâu bò, giáp Tết có nhu cầu mua sắm thì bà con bán trâu bò nhiều hơn, có phiên gần 1.000 con trâu bò được dắt đến chợ. Số lượng trâu bò bán ra tuỳ mỗi phiên, khách mua chủ yếu là các thương lái ở các nhà máy chế biến thực phẩm Hà Nội, Hải Phòng và TP.Hồ Chí Minh, người mua về chăn nuôi, cày kéo không nhiều. Vì thế, mùa khô đường sá không bị sạt lở thì xe ô tô mua trâu bò lên khá nhiều, có phiên 12-15 ô tô lên chở hàng. Trung bình số trâu bò mang đến chợ chỉ bán được một phần ba, lắm khi chỉ được một phần tư. Nhiều người dắt trâu bò tới ba bốn lần xuống chợ mới bán được, mặc dù trong số ấy có người mua lên tận nhà trả giá, nhưng họ không bán. Họ bảo chỉ bán ở chợ mới đúng giá, có mặt bằng giá chung, người mua và người bán không dễ bắt bí nhau được. Vì thế, dù phải dắt đi dắt về ba, bốn lần họ cũng vui vẻ.

Đếm tiền

Lê Vũ Hoàng, người Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc) chuyên mua trâu ở chợ Cán Cấu lượn lờ nhìn ngắm từng con trâu buộc khắp chợ. Mọi người bán trâu ở đây chả ai lạ mặt Hoàng, anh không vội trả giá, cứ để mọi người trả chán chê quá trưa mới trả. Tôi hỏi: Anh mua muộn vậy sao kịp đánh trâu lên xe? Hoàng búng tàn thuốc lá cười thản nhiên: Bà con mang trâu bò đến đây bán rắn lắm, họ hỏi nhau nên giá bán rát sát, khó mua rẻ được của họ. Em phải đợi tới trưa mới ngã giá, người cần bán thì không thể đòi giá cao được. Sợ gì việc đánh trâu lên xe, ở đây có một nhóm thanh niên làm việc này, cứ mười nghìn một con là xong…

Những người không bán được trâu thì cho mấy ông Tây thuê cưỡi, mấy năm nay ở chợ trâu Cán Cấu “Tây ba lô” lên rất đông, họ xem chợ trâu và thuê trâu cưỡi, mỗi lượt cưỡi họ trả cho chủ trâu từ 5.000-10.000đ, thế cũng đủ cho chủ trâu mua mấy bát thắng cố rồi. Tôi đi khắp chợ trâu tìm A Lùng hỏi xem đã có ai trả giá chưa, nhưng chẳng thấy, khi đi qua hàng thắng cố chợt gặp A Lùng ở đó, anh kéo tôi ngồi xuống rót ra một bát rượu ngô sóng sánh mời tôi, hình như anh mới uống, nên giọng còn rất hồn nhiên: Mình bán con trâu ấy được 15,2 triệu đấy, thừa hai trăm tha hồ mà uống rượu. Chợ trâu của chúng mình giống như sàn giao dịch vàng ở thành phố ấy, có người bảo thế mà…(Hết)

Xem thêm
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng

Sáng 18/4 (tức 10/3 năm Giáp Thìn - ngày Giỗ Tổ Hùng Vương), Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng tại Điện Kính Thiên trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh thuộc Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng ở TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Hà Nội hỗ trợ học sinh ôn thi tốt nghiệp THPT

Từ 19/4, học sinh Hà Nội có thể ôn thi tốt nghiệp THPT 2024 trên kênh H2 của Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội, ứng dụng HANOI ON trên thiết bị thông minh.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm