| Hotline: 0983.970.780

Nông nghiệp vượt qua thách thức

Sẵn sàng đột phá năm 2017

Thứ Hai 26/12/2016 , 08:10 (GMT+7)

Năm 2016 đầy biến động và thử thách cho ngành nông nghiệp đã khép lại. Bên cạnh những nhìn nhận, đánh giá thẳng thắn những khó khăn, hạn chế trong năm 2016, lãnh đạo Bộ NN-PTNT đã đặt ra những mục tiêu lớn để tạo đột phá mới cho toàn ngành trong năm 2017.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Dồn lực cho 10 sản phẩm quốc gia

Năm 2017, ngoài các nhiệm vụ trọng tâm mang tính tổng thể chung, trên cơ sở tiếp tục triển khai thực hiện Đề án tái cơ cấu nông nghiệp, Bộ NN-PTNT sẽ rà soát và tập trung vào 3 trục sản phẩm chính:

16-39-20_unnmed-1
 

Thứ nhất là trục sản phẩm quốc gia, bước đầu sẽ lựa chọn ra 10 sản phẩm nông sản quốc gia, đây là những sản phẩm có giá trị XK cao, từ 1 tỉ USD/năm trở lên.

Thứ hai là trục sản phẩm chủ lực cấp tỉnh (ví dụ vải thiều Bắc Giang, nhãn lồng Hưng Yên, na dai Lạng Sơn, xoài Đồng Tháp…).

Trục thứ 3 là nhóm các sản phẩm có đặc thù về đa dạng sinh học, có lợi thế ở địa phương (ví dụ rau, hoa, dược liệu, đặc sản vùng miền).

Theo đó, ở tất cả các trục sản phẩm này sẽ hình thành các vùng SX tập trung, lấy DN làm nòng cốt, đặc biệt là trục sản phẩm quốc gia, gắn KH-CN và tổ chức SX, nhất là tổ chức HTX vào các nhóm ngành hàng chủ lực để hình thành SX lớn. Bộ NN-PTNT sẽ giao từng Thứ trưởng phụ trách, đôn đốc chỉ đạo cho các nhóm sản phẩm quốc gia để tạo được những đột phá, chuyển biến lớn.

Về công tác vệ sinh ATTP, năm 2016 đã có những chuyển biến hết sức tích cực, với việc hình thành được trên 4.000 chuỗi cung ứng nông sản, thực phẩm an toàn, có xác nhận trên cả nước.

Đây cũng sẽ là hướng công tác trọng tâm trong năm 2017, gắn với công tác đẩy mạnh tuyên truyền, hoàn thiện cơ chế pháp lí, quyết liệt phối hợp với các Bộ ngành và địa phương thanh kiểm tra, nhất là thanh kiểm tra đột xuất…

Trong công tác thanh kiểm tra, sẽ tập trung vào thanh tra công vụ, đặc biệt là nhóm thực thi công vụ quản lí các nhóm vật tư đầu vào của SX, quyết không để xảy ra những thiếu sót, sai phạm ở các bộ phận thực thi công vụ…

Năm 2017, Bộ NN-PTNT cũng sẽ trình Chính phủ kiện toàn, tổ chức lại bộ máy quản lí nhà nước ở một số đơn vị của Bộ nhằm đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

16-39-20_dscn4858
 

Theo đó, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của một số đơn vị thuộc Bộ sẽ được tăng cường, điều chỉnh nhằm đáp ứng các yêu cầu mới về công tác quản lí nhà nước, trong đó có một số điểm mới như dự kiến thành lập Tổng cục Phòng chống thiên tai, tăng cường thêm lực lượng tổ chức cho mảng phát triển thị trường nông sản, điều chỉnh lại cơ cấu tổ chức ở một số cơ quan quản lí nhằm tránh chồng chéo, đảm bảo sức mạnh cho công tác quản lí nhà nước…

Về chương trình NTM, mục tiêu cao nhất vẫn là phát triển kinh tế và tăng thu nhập cho nông dân, gắn tái cơ cấu nông nghiệp, thúc đẩy SX với xây dựng NTM; đồng thời giải quyết vấn đề môi trường, tăng cường các vấn đề về an ninh và văn hóa nông thôn…
 

Thứ trưởng Vũ Văn Tám: Khai thác dư địa tôm nước lợ

16-39-20_dscn4849
 

Một trong những thành công trong công tác chỉ đạo, điều hành của Bộ NN-PTNT trong năm 2016, đó là đã kịp thời bám sát, đề ra được những quyết sách linh hoạt cho từng giai đoạn, trong đó điển hình là chỉ đạo SX tôm nước lợ trong nửa cuối năm 2016 đã góp phần tạo nên bứt phá bất ngờ cho SX và XK tôm trong nửa cuối năm 2016.

Năm 2017 cũng như những năm tới, lợi thế về tôm nước lợ đã được xác định rõ, dư địa còn rất lớn. Trong số hơn 700 nghìn ha tôm hiện nay, mới chỉ có 95 nghìn ha là nuôi công nghiệp, còn lại hơn 600 nghìn ha là quảng canh, quảng canh cải tiến, tôm sinh thái… năng suất còn thấp. Tôm quảng canh hiện mới chỉ đạt trung bình năng suất khoảng 200 kg/ha, trong khi dư địa còn có thể nâng lên 1 - 1,5 tấn/ha, chưa kể tới diện tích tôm - lúa, tôm - rừng tập trung ở 4 tỉnh Bán đảo Cà Mau.

Hiện tại, Bộ NN-PTNT đã và đang khẩn trương rà soát lại quy hoạch Đề án phát triển tôm nước lợ cho vùng ĐBSCL đến năm 2020, định hướng năm 2030, theo đó sẽ phải cùng các địa phương rà soát kỹ chỗ nào lúa ăn chắc, chỗ nào chuyển sang tôm, chỗ nào kết hợp tôm - lúa... Từ đó để có giải pháp về tổng thể thủy lợi căn cơ cũng như đầu tư KH-CN trong thủy sản, nhất là vấn đề giống, môi trường, phát triển ngành công nghiệp tôm…

Về chăn nuôi, 2017 sẽ phải tập trung xử lí nhiều vấn đề vĩ mô. Một là phải tập trung cho việc mở cửa thị trường XK, trước hết là đàm phán, tiến tới XK chính ngạch một số sản phẩm chăn nuôi có thế mạnh sang thị trường Trung Quốc.

Thứ hai là tiếp tục các giải pháp để tiếp tục giảm giá thành chăn nuôi. Đây là vấn đề mấu chốt, bởi không giảm được giá thành thì chưa nói tới XK, chúng ta sẽ có nguy cơ mất ngay ở thị trường trong nước, đặc biệt là nếu chúng ta không quản lí được chặt chẽ dư lượng kháng sinh, chất cấm trong chăn nuôi.

Vì vậy năm 2017, Cục Thú y phải có được một chương trình, kế hoạch giám sát và giảm cho được dư lượng kháng sinh trong chăn nuôi và cả thủy sản. Đồng thời từng bước triển khai các chương trình cụ thể để có thể SX được vacxin trong nước…
 

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam: Chuyển dịch cơ cấu cây trồng, gỡ bí cho lúa gạo

16-39-20_unnmed
 

Công tác tháo gỡ rào cản, mở cửa thị trường năm 2016 có thể nói là thắng lợi của ngành nông nghiệp, nhất là hai nhóm mặt hàng rau quả và thủy sản, cùng nhiều nhóm mặt hàng nông sản chủ lực khác như hạt tiêu, cà phê, hạt điều...

Tuy nhiên kết thúc năm 2016, có 2 mặt hàng là gạo và sắn vẫn rất khó khăn. Hiện giá lúa tại ĐBSCL vẫn ở mức khá, khoảng 4.200 - 4.300 đ/kg, tuy nhiên XK gạo tới cuối năm 2016, đầu năm 2017 dự báo sẽ tiếp tục gặp khó.

Xu hướng chung của các thị trường XK nông sản quốc tế đang ngày càng siết chặt về rào cản kỹ thuật và điều kiện vệ sinh ATTP, cạnh tranh về giá ngày càng quyết liệt. Vì vậy đối với các vùng SX phục vụ XK lớn, nhất là ở phía Nam thì khâu nâng cao năng lực chế biến, tổ chức SX chặt chẽ để kiểm soát dư lượng là rất quan trọng.

Bên cạnh đó, cần phải tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, nơi nào lúa không hiệu quả nữa thì cho chuyển đổi sang cây khác như cây ăn quả, rau màu - lúa hoặc sang thủy sản. Đi đôi với đó phải có nhiều hơn các cơ chế chính sách hỗ trợ chuyển đổi.
 

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh: Tập trung nguồn lực cho ngành hàng chủ lực

16-39-20_dscn4845
 

Trong bối cảnh nguồn lực phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp rất hạn chế, năm 2017 cũng như những năm tới, việc xác định các nhóm nông sản chủ lực để dồn nguồn lực vào đó là rất đúng hướng. Theo đó ngay trong năm 2017, cũng phải xác định được thật chi tiết, cụ thể xem trong số 10 nhóm sản phẩm chủ lực quốc gia, mỗi nhóm đang yếu nhất về thứ gì, yếu khâu nào… để dồn nguồn lực vào các khâu còn yếu, chứ không thể dàn trải nguồn lực được.

Trong đầu tư, chỉ đạo, cũng phải có sự chuyển dịch theo hướng ưu tiên cho các ngành hàng có thế mạnh. Điển hình như đối với thủy lợi, ngành trồng trọt và BVTV, lâu nay hầu như chỉ chuyên phục vụ cho cây lúa. Trong khi đó một số cây trồng có thế mạnh và giá trị XK lớn như hồ tiêu, điều, cây ăn quả… thì đầu tư KH-KT, đầu tư cho phục vụ SX lại gần như chưa có gì.

Trước đây khi bàn tới tái cơ cấu, chúng ta cũng đã đặt vấn đề phải đầu tư thủy lợi cho cây công nghiệp như hồ tiêu, điều, thủy lợi cho thủy sản…, nhưng nhìn chung thì tới nay cũng chưa có đầu tư thủy lợi riêng cho vùng cây ăn quả hay tiêu, điều, quay lại vẫn chỉ có đầu tư hạ tầng chứ chưa có đầu tư mạnh để nâng cao năng suất, chất lượng và giảm giá thành.

Về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, quy định hiện nay mới chỉ cho phép chuyển đổi từ lúa sang cây ngắn ngày, chứ chưa cho phép chuyển sang cây dài ngày. Tuy nhiên từ thực tiễn ở các địa phương, nhu cầu chuyển đổi từ đất lúa sang cây dài ngày là hết sức cấp bách và đa dạng. Vì vậy, sẽ cần kiến nghị Chính phủ cho phép chuyển đổi linh hoạt hơn.

Xem thêm
Hội chợ xúc tiến thương mại khu vực kinh tế tập thể, hợp tác 2024

Hội chợ diễn ra từ 18-22/4 tại phố Trần Nhân Tông và công viên Thống Nhất, Hà Nội với sự tham gia của 120 HTX từ 44 tỉnh thành và 30 doanh nghiệp.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

Bảo hiểm Agribank Phú Thọ chi trả 352 triệu đồng quyền lợi cho khách hàng

Bảo hiểm Agribank Phú Thọ phối hợp với Agribank - Chi nhánh Tuyên Quang chi trả quyền lợi Bảo an tín dụng cho khách hàng tham gia vay vốn không may gặp rủi ro.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm