| Hotline: 0983.970.780

Bình Liêu khó trăm bề

Sản xuất kém phát triển

Thứ Năm 06/03/2014 , 10:18 (GMT+7)

Nếu như hạ tầng ở Bình Liêu (Quảng Ninh) nghèo nàn, thấp kém, thì SX cũng chưa có thành tựu gì nổi bật.

Giá trị SX nông lâm nghiệp và thủy sản cả huyện chỉ đạt 265 tỷ đồng năm 2013.

Khó mở rộng mô hình SX

Đồng Tâm là một xã nghèo của huyện Bình Liêu, điều kiện kinh tế - xã hội kém phát triển, cơ sở hạ tầng yếu..., nên việc triển khai xây dựng NTM ở đây còn gặp không ít khó khăn. Tính đến thời điểm này xã mới hoàn thành 2/19 tiêu chí  (y tế và an ninh - trật tự xã hội) về xây dựng NTM.

Xã Đồng Tâm có tỷ lệ hộ nghèo chiếm tới 52,46%, hộ cận nghèo chiếm 20,9%, thu nhập bình quân đầu người chỉ đạt 5,1 triệu đồng/người/năm. Toàn xã có 1.994 lao động (chủ yếu là nghề nông) thì có trên 90% chưa được qua đào tạo nghề vì thế việc kéo giãn tỷ lệ lao động nông thôn ra khỏi SXNN là rất khó khăn.

Ông Lương Thanh Tiến, Chủ tịch UBND xã Đồng Tâm, cho biết: “Điều chúng tôi lo ngại nhất trong việc triển khai xây dựng NTM là trình độ dân trí quá thấp, đời sống kinh tế kém phát triển, cơ sở hạ tầng thiếu và yếu… Những tiêu chí như đường giao thông liên thôn, hệ thống kênh mương, chợ nông thôn, nhà ở... cũng khá gian nan trong việc triển khai, thực hiện. Bởi bên cạnh việc thiếu vốn, thì người dân vẫn còn khá mơ hồ trong việc tham gia thực hiện Chương trình xây dựng NTM. Phần lớn người dân vẫn còn tư tưởng trông chờ vào chính sách hỗ trợ của Nhà nước…

Tâm sự của ông Tiến cũng là nỗi lo chung của toàn huyện. Cái khó nhất đối với Bình Liêu hiện nay là SXNN còn manh mún, chưa phát triển. Trong khi đó, thế mạnh của huyện miền núi này là phát triển nông, lâm nghiệp.

Với người dân Bình Liêu, từ bao đời nay, thời điểm khoảng từ tháng 10 năm trước (cuối vụ đông) đến tháng 3 năm sau (đầu vụ xuân) là khoảng thời gian “nông nhàn”. Nhưng từ cuối năm 2011, với chương trình phối hợp giữa Huyện đoàn và Trung tâm Công nghệ SX Lâm - Nông nghiệp Quảng Ninh đưa mô hình cây khoai tây cao sản vào thực hiện ở một số xã trên địa bàn huyện thì khoảng thời gian “nông nhàn” này không còn nữa. Bà con nông dân có thêm việc làm, thu nhập mà đồng thời còn tận dụng được thời gian trống của đất để thâm canh.

Đi đầu áp dụng mô hình này là các xã Vô Ngại, Tình Húc, Lục Hồn và thị trấn Bình Liêu, với gần 800 hộ dân tham gia trồng thí điểm trên diện tích hơn 20 ha. Do được hỗ trợ giống, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch, đồng thời được bao tiêu sản phẩm nên bà con nông dân rất phấn khởi, yên tâm SX. Từ đó, nếu trước đây vào dịp này ruộng đồng chỉ toàn màu đất khô thì nay đã hoàn toàn thay đổi bởi màu xanh của những luống khoai tây…

Tuy nhiên, với chỉ 20 ha, ruộng đất bị chia cắt nhỏ lẻ, thì việc mở rộng mô hình trên vẫn là điều trăn trở đối với lãnh đạo Phòng NN-PTNT huyện.

Trưởng phòng Hoàng Văn Ngò cho hay, do tập quán SX lạc hậu, đồng bào dân tộc lại phần lớn có tư tưởng ỷ lại vào Nhà nước nên việc mở rộng các mô hình kinh tế trên địa bàn huyện cũng hết sức khó khăn. Hiện toàn huyện chỉ có vài trang trại chăn nuôi gia cầm quy mô nhỏ, một số cơ sở SX và chế biến miến dong… nên việc nâng cao đời sống và thu nhập cho đồng bào dân tộc của huyện trong thời gian tới chưa thể thực hiện được.

Tư duy SX manh mún

Miến dong Bình Liêu - một trong những thương hiệu nông sản nổi tiếng trong và ngoài tỉnh Quảng Ninh, mặc dù được huyện quan tâm đầu tư phát triển, song mô hình kinh tế này cũng đang gặp rất nhiều khó khăn.

Một trong những khó khăn đầu tiên là việc mở rộng diện tích vùng nguyên liệu. Với quy mô 150 ha trên địa bàn huyện, thì vùng nguyên liệu cho SX chưa thể đáp ứng được yêu cầu. Đó là chưa kể khi áp dụng công nghệ, dây chuyền kỹ thuật cao vào SX và chế biến, thì diện tích nguyên liệu trên là quá nhỏ.

Tuy nhiên, việc mở rộng diện tích cũng là vấn đề cực kỳ khó khăn, vì từ nhiều đời nay, các hộ dân nơi đây chỉ quen canh tác, chế biến thủ công, nay muốn mở rộng diện tích, nâng cao năng suất, kỹ thuật chế biến, cần phải có nhiều vốn.

Ngoài ra, việc duy trì và phát triển thương hiệu miến dong Bình Liêu cũng không hề dễ dàng, bởi sản phẩm này chưa thực sự đứng vững trong lòng người tiêu dùng, giá cả chưa ổn định…

Một trong những nguyên nhân khiến SX của Bình Liêu trì trệ, đó là tư duy về nông sản hàng hóa của đồng bào dân tộc chưa có. Cách đây không lâu, trong chương trình làm việc với lãnh đạo huyện Bình Liêu về phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng NTM trên địa bàn huyện, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Phạm Minh Chính cho rằng, việc triển khai Chương trình xây dựng NTM của huyện vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế.

Một bộ phận không nhỏ nhân dân chưa nhận thức đầy đủ về Chương trình xây dựng NTM; một số cấp ủy, chính quyền và nhân dân trên địa bàn vẫn còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, chưa chủ động sáng tạo trong triển khai thực hiện chương trình; quy hoạch vùng SX tập trung ở các xã triển khai còn khó khăn; việc huy động DN đầu tư vào khu vực nông thôn kém; giải ngân vốn cho phát triển SX, xây dựng hạ tầng triển khai vẫn chậm…

Để khắc phục hạn chế, ông Chính yêu cầu lãnh đạo huyện Bình Liêu cần quan tâm xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, tiếp tục nghiên cứu hoàn chỉnh quy hoạch cho phù hợp; sử dụng hiệu quả, hợp lý tài nguyên đất; quy hoạch vùng nguyên liệu hợp lý; thay đổi phong tục tập quán trong SX, sinh hoạt; quan tâm đảm bảo vệ sinh môi trường, xóa bỏ hủ tục; tích cực đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội vùng nông thôn; đặc biệt phải xây dựng được hình mẫu về NTM tại địa phương, trong đó hết sức coi trọng việc đào tạo và chuyển dịch cơ cấu lao động..

Rõ ràng, yêu cầu là một chuyện, còn phát triển được hay không còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, trong đó quan trọng nhất là nguồn vốn đầu tư, và biến chuyển trong tư duy của cán bộ và nhân dân… (Hết)

Ông Lục Mạnh Thường, Phó phòng NN-PTNT huyện Bình Liêu, chia sẻ:

“Từ khi bắt tay vào thực hiện Chương trình xây dựng NTM, địa phương đã gặp rất nhiều khó khăn. Đặc thù của huyện là địa hình có nhiều đồi núi; giao thông đa phần là đường đất gây cản trở việc đi lại, giao thương của bà con. Cơ cấu dân số gồm nhiều thành phần dân tộc cùng sinh sống, mật độ dân cư thưa thớt, trình độ dân trí còn thấp. Đời sống của người dân phụ thuộc phần lớn vào SX nông - lâm nghiệp nên thu nhập bình quân đầu người ở mức rất thấp so với mặt bằng chung của tỉnh…".

 

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Bến Tre bán sản phẩm OCOP trên Youtube, Tiktok

Hội Nông dân Bến Tre vừa có chương trình ghi nhớ hợp tác để thúc đẩy thương mại số sản phẩm OCOP.