| Hotline: 0983.970.780

Sáng mai, giỗ sống ông bà!

Chủ Nhật 25/02/2018 , 09:30 (GMT+7)

Trời rạng sáng, cái se lạnh đầu như cứ muốn cuốn người vào trong chăn. Anh Miên lay anh chàng cu Đái (tên tục của cu Linh khi gọi ở nhà): “Dậy cho tỉnh táo, thay áo quần đẹp vô để sang giỗ sống ông bà”.

09-09-51_1
Nấu món lóng hầm xương vì mẹ thích ăn

Chị Lý (vợ anh Miên) đang lúi húi dưới bếp cũng nói vọng lên: “Ừ, gọi luôn cả mấy đứa dậy để sang nhà ông bà cho sớm. Em nghe nói ngày kia là bên bác Mãn làm giỗ sống đó”.
 

Giỗ sống, ân nghĩa công sinh thành

Không biết có tự khi nào, chỉ rằng truyền từ đời này qua đời khác mà thành tục lệ. Vào dịp cuối năm, vào giữa tháng 11 âm lịch cho đến khoảng 25 tết, bà con người Nguồn ở huyện miền núi Minh Hóa (Quảng Bình) lo soạn sửa mâm cỗ đưa đến mời bố mẹ.

Anh Đinh Xuân Miên (56 tuổi, ở xóm Sạt, xã Quy Đạt, huyện Minh Hóa) bày đôi quang gánh ra giữa nhà. Chị Lý mặt còn hồng vì bếp lửa bưng lên bát hầm nõn chuối rừng với xương heo bốc khói cho vào thúng. Sau đó, chị xếp thứ tự các món cơm nếp, thịt gà, cá kho, rau xào… chật cả hai thúng. Anh Miên cầm dao đi vòng ra sau vườn chặt mấy tấm lá chuối lau sạch rồi đậy lên hai thúng đựng thức ăn cho kín đáo. Tiếng người Nguồn gọi lễ này là “Pơng cộ tết” (bưng cỗ tết) hay còn gọi là tục “giỗ sống” để tỏ lòng hiếu thảo của con cháu đối với bậc sinh thành.

Theo anh Miên, mâm cỗ là những món ăn truyền thống của người Nguồn như bánh chưng, cá khe, rau tớn (một loại rau rừng) xào, gà… Đặc biệt món “lóng” thì con cái phải làm vì đây là món mà cha mẹ thích ăn nhất. Anh Miên giải thích: “Lóng là món được nấu từ ruột cây chuối rừng bằm nhỏ hầm với xương heo và nêm nắm gia vị”.

Những năm tháng trước đây, khi cuộc sống của bà con Minh Hóa còn khó khăn thì mâm cơm báo hiếu không đòi hỏi nhiều ít hay phải có của ngon vật lạ. “Lúc nhỏ, tui vẫn theo bố mẹ đi giỗ sống ông bà. Mâm cơm khi đó đơn giản lắm. Chỉ có bát cơm, bát canh, dĩa mắm chưng với trái cà lào. Dịp nào có ai đi săn bắn được con heo rừng thì có thêm bát lóng là sang trọng rồi. Cái quan trọng là tình cảm của con cháu dành cho ông bà cha mẹ mình”, anh Miên chia sẽ thêm.

09-09-51_2
Các con chuẩn bị mâm cỗ để dâng lên bậc sinh thành

Cụ ông Đinh Xuân Nghinh (86 tuổi) và cụ bà Đinh Thị Tôn (84 tuổi) là thân sinh của anh Miên. Ông bà có 4 người con trai và một con gái. Anh Đinh Xuân Hòa là con út nên ở với bố mẹ. Vợ chồng anh Miên gánh lễ đến, anh Hòa ra niềm nở đón anh chị và cháu vào nhà.

Bữa cơm được dọn ra. Bố mẹ ngồi cạnh nhau. Các cụ vui lắm khi thấy con cháu khỏe mạnh. Các con, cháu lần lượt dành những lời cầu chúc cho bố mẹ, ông bà sống lâu trăm tuổi để hưởng phúc vui cùng con cháu. Hoặc, nếu có ai phạm phải những điều làm ông bà cha mẹ buồn lòng trong năm qua thì đây cũng là dịp để nói lời sám hối.

Xong phần nghi lễ trang trọng làm ấm tình gia tộc, chị Lý xới cơm vào bát, gắp thức ăn cho bố mẹ chồng. Lần lượt các con, cháu có mặt trong gia đình đều lấy thức ăn ngon gắp cho ông bà.
 

Nét đẹp còn mãi lưu truyền

Ông Ðinh Thanh Dự, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian người Nguồn, thì đến nay vẫn chưa xác định được tục "giỗ sống" của người Nguồn ở Minh Hóa có từ bao giờ. Nhưng trong các gia đình vẫn truyền miệng câu chuyện kể. Thuở đó, có gia đình tộc trưởng sinh được hai người con trai. Khi đến tuổi lập gia đình, người con trai út chẳng hề xin bố mẹ của cải mà chỉ xin tình thương yêu từ cha mẹ. Cảm động trước người con, cha mẹ cho vợ chồng trẻ lên núi cao sinh sống.

Trên núi cao, rừng thẳm, hai vợ chồng chí thú làm ăn. Dần dà, họ như trở thành biệt lập và không hề có tin tức gì về gia đình, cha mẹ. Sau nhiều năm, khi đã ổn định cuộc sống, hai vợ chồng về quê vào một ngày giáp tết. Hai vợ chồng đinh ninh thời gian đã lâu chắc cha mẹ đã về với tổ tiên nên làm mâm cỗ mang theo để đặt cúng thờ.

09-09-51_3
Mời bậc sinh thành ăn những miếng ngon nhất

Khi đến nhà, vợ chồng người con út rơi nước mắt khi thấy cha mẹ còn khỏe mạnh ra cổng đón con về. Mừng mừng, tủi tủi, mâm cỗ mà vợ chồng người con út chuẩn bị được dọn ra. Họ cùng quỳ lạy cha mẹ, nói lời ân nghĩa sinh thành và mong cha mẹ thượng thọ tựa núi đầu Nguồn. Từ đó hằng năm, cứ gần đến Tết Nguyên đán, vợ chồng anh đều gánh mâm cỗ về mời bố mẹ. Dân làng cảm kích trước tấm lòng hiếu thảo của vợ chồng người con út nên làm theo. Từ đó, bưng cỗ tết trở thành một phong tục truyền thống tốt đẹp trong cộng đồng người Nguồn ở Minh Hóa.

Người Nguồn ở Minh Hóa coi việc bưng cỗ tết là sự hiếu đạo, là bổn phận của con, cháu, chắt đối với ông bà, bố mẹ nên ai cũng phải lo cho tròn. Những cụ ông, cụ bà trên 70 tuổi nhưng bố mẹ còn sống thì vẫn làm tròn việc bưng cỗ tết. Họ vừa nhận cỗ tết từ con, cháu nhưng vừa bưng cỗ tết dâng lên bậc sinh thành.

(Kiến thức gia đình số tết)

Xem thêm
Nhịp sống giới trẻ phản ánh trong bộ phim ‘Bóng của thị thành’

Nhịp sống giới trẻ thời công nghệ số có những màu sắc bất ngờ, thể hiện qua bộ phim ‘Bóng của thị thành’ phát sóng trên HTV7, Đài truyền hình TP.HCM.

Rượt đuổi mãn nhãn, Man United đả bại Liverpool tại Cúp FA

Trận Tứ kết Cúp FA giữa Man United vs Liverpool đã diễn ra với kịch bản không ngờ khi hai đội rượt đuổi nghẹt thở trong suốt 120 phút của trận đấu. 

120 vận động viên tham gia giải dù lượn trên cao nguyên đại ngàn

Giải dù lượn tại huyện Sa Thầy (tỉnh Kon Tum) sẽ quy tụ 120 vận động viên, trong đó có 41 vận động viên người nước ngoài tham gia tranh tài.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.