| Hotline: 0983.970.780

Sáng ngời những giá trị phổ quát, vĩnh hằng

Thứ Sáu 11/10/2013 , 09:49 (GMT+7)

Từ sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩnh biệt chúng ta vào một ngày thu mưa như trút nước năm 1969, cho tới hôm nay - theo nhiều người khách quan nhận xét - mới có một đám tang gây chấn động sâu xa và rộng lớn trong nhân tâm, thế sự đến thế.

Từ sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩnh biệt chúng ta vào một ngày thu mưa như trút nước năm 1969, cho tới hôm nay - theo nhiều người khách quan nhận xét - mới có một đám tang gây chấn động sâu xa và rộng lớn trong nhân tâm, thế sự đến thế.

Vì sao? Chỉ vì, cũng như Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đạt tới những giá trị có tính phổ quát toàn nhân loại, ai ai cũng phải thừa nhận - dù hệ tư tưởng có khác nhau; đạt tới những khuôn mẫu lý tưởng có tính vĩnh hằng mà mọi thời đại đều xác tín. Đó là bậc đại hiền của chuẩn mực đạo đức phương Đông “đại nhân, đại trí, đại dũng”, “giàu sang không thể quyến rũ, nghèo hèn không thể chuyển lay, uy vũ không thể khuất phục”. Đó cũng là người chiến sĩ tiên phong, kiên cường suốt đời chiến đấu vì lý tưởng tự do, bình đẳng, bác ái của các cuộc cách mạng vĩ đại ở phương Tây.


Các đối thủ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp về sau thường ngưỡng mộ ông. Trong ảnh, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ  McNamara trong một lần gặp gỡ Đại tướng

Trong một bài viết ngắn, chúng tôi chỉ có thể nêu lên một vài mẩu chuyện nhỏ.

Vị khai quốc công thần

Trong những ngày đầu sau Cách mạng Tháng Tám, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có một quyết định vô cùng sáng suốt là cử ông Chu Văn Tấn tạm thời giữ chức Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; chuyển ông Võ Nguyên Giáp tạm thời sang giữ chức Bộ trưởng Bộ Nội vụ (mặc dù ông Giáp không xa hẳn công tác quân sự, vẫn kiêm Chủ tịch Quân sự Ủy viên hội). Ông Giáp còn là Bí thư Đảng đoàn Chính phủ.

Nhớ lại, ngày 2/9/1945, tại quảng trường Ba Đình, sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, thì Bộ trưởng Bộ Nội vụ Võ Nguyên Giáp đã có một bài phát biểu ứng khẩu rất hùng biện. Ông ca ngợi truyền thống anh hùng của tổ tiên, của Việt Nam giải phóng quân, của “trào lưu dân chủ của nhân dân trên toàn cầu”. Ông cho biết cuộc tuyển cử trên toàn quốc sẽ sớm được tiến hành để bầu ra Quốc hội, là cơ quan sẽ định ra Hiến pháp và phê chuẩn thành phần Chính phủ chính thức. Trong cuốn “Vietnam 1945 - The Quest for Power” (Việt Nam 1945 - Giành chính quyền), sử gia David Marr kể lại:

“Võ Nguyên Giáp đưa ra những đánh giá gai người nhưng khá xác đáng về những tuyên bố gần đấy của Chính phủ Pháp đối với lộ trình đưa quân trở lại và giành lại các công sở ở Đông Dương. Nếu không một quốc gia thứ ba nào đứng ra giúp Việt Nam Dân chủ Cộng hòa bằng cách dùng con đường ngoại giao chặn bước đi đó của Pháp, thì toàn dân Việt Nam sẽ đoàn kết, tự lực tự cường trong sự nghiệp cứu nước của mình. Trong hoàn cảnh ấy, Giáp cảnh báo “chia rẽ, nghi kỵ, và thờ ơ đứng ngoài cuộc đều được xem là phản quốc”. Để kết luận về viễn cảnh đáng lo ngại, Giáp nói sang sảng như ngâm thơ: “Tiếp bước cha anh, thế hệ người Việt Nam hôm nay sẽ quyết chiến trận cuối cùng để các thế hệ mai sau muôn đời được sống trong độc lập, tự do, hạnh phúc”.

Hôm nay, 68 năm đã trôi qua, nhớ lại lời phát biểu hào hùng “như thơ” của Bộ trưởng Bộ Nội vụ Võ Nguyên Giáp tại Quảng trường Ba Đình trong ngày lập nước 2/9/1945, chúng ta thấy, trong giây phút hiểm nghèo của lịch sử ấy, nhà cách mạng trẻ tuổi của Việt Nam đã tỏ ra cứng cỏi biết bao, mà cứng cỏi như vậy là đúng quá! Chính con người kiên trung ấy, về sau, đã chỉ huy quân đội ta đánh bại hai đạo quân xâm lược hùng mạnh nhất hoàn cầu. Ông là người học trò gần gũi, người đồng chí chiến đấu thân thiết của Chủ tịch Hồ Chí Minh, là một bậc “khai quốc công thần”, theo đúng nghĩa của cụm từ này, mà “các thế hệ mai sau muôn đời được sống trong độc lập, tự do, hạnh phúc” phải nhớ tới với lòng biết ơn sâu lắng.

Lòng biết ơn ấy, suốt tuần qua, đã biểu lộ một cách rất mực “bình dân” mà vô cùng cao quý, trong hình ảnh hàng nghìn, hàng vạn con người - già, trẻ, gái, trai - tự nguyện và kiên trì đứng xếp hàng dài dằng dặc dưới nằng thu vẫn còn chói gắt, trước tư gia của Đại tướng ở số nhà 30 phố Hoàng Diệu, Hà Nội, để được bước vào bên trong, kính cẩn nghiêng mình trước vong linh vị Anh hùng dân tộc.

Lẽ phải và tài hùng biện làm nhụt chí những đối thủ hung hăng

Nhiều người chúng ta đã biết, từ tháng 7/1945, đội Con Nai (Deer) của Mỹ, do thiếu tá Thomas chỉ huy, đã nhảy dù xuống Tân Trào, và được Việt Minh đón tiếp nồng nhiệt, cởi mở. Hồ Chí Minh và Võ Nguyên Giáp gặp Thomas bàn kế hoạch phối hợp. Đội Con Nai được phân công ở lại Khu giải phóng Việt Bắc, huấn luyện, rồi tham gia đại đội liên quân Việt-Mỹ đi bao vây quân Nhật ở thị xã Thái Nguyên.

Thomas, Patti trở thành những người bạn thân của Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp. Mấy chục năm sau, khi đã trở về nước, Thomas vẫn giữ cảm tình với Việt Nam. Còn Patti thì đã viết cuốn sách nổi tiếng "Why Vietnam" (Tại sao Việt Nam).

Sau Cách mạng Tháng Tám, Patti có mặt ngay tại Hà Nội. Jean Sainteny ngỏ ý nhờ Patti thu xếp một cuộc hội kiến với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Patti đề xuất ý muốn đó với Hồ Chủ tịch, và được phúc đáp: Chủ tịch sẽ cử Bộ trưởng Bộ Nội vụ Võ Nguyên Giáp tới gặp Sainteny nếu có Patti đi cùng.

Hai đối thủ có trọng trách của Pháp và Việt Nam đã gặp nhau lần đầu tiên vào lúc 10 giờ ngày 27/8/1945 tại một trong những gian phòng rộng nhất, lịch sự nhất ở Dinh Toàn quyền cũ, rất phù hợp với thói quen thích phô trương chủ quyền của nước Pháp.

Sainteny lên giọng với Võ Nguyên Giáp bằng một bài diễn từ gia trưởng về cách xử sự của người An Nam, rằng tại sao Việt Minh đã liều lĩnh “làm cho thế giới hiểu rằng sự có mặt của Pháp ở Đông Dương đã từ lâu không được mọi người hoan nghênh nữa”? Sainteny cho biết, ông ta “sẽ theo dõi một cách cảnh giác” các hoạt động của cái gọi là “Chính phủ lâm thời” ở Hà Nội.

Chứng kiến những lời lẽ của Sainteny khi ấy, Patti có nhận xét ngay:

“Tôi e rằng Giáp có thể hiên ngang bước ra khỏi phòng, nhưng ông ta đã không làm như vậy. Bằng một thứ tiếng Pháp hoàn hảo, với một thái độ kiềm chế tuyệt vời, Giáp nói: “Tôi đến đây không phải để nghe diễn thuyết, cũng chẳng phải để biện minh cho các hành động của nhân dân Việt Nam, mà là theo lời mời của người được coi là đại diện của chính phủ "nước Pháp mới", do đó, tôi sẵn sàng tham gia một cuộc trao đổi quan điểm (échange de vues) thân mật”.

Lần đầu tiên trong đời mình, Sainteny gặp một người Việt Nam dám dũng cảm đương đầu với một người Pháp, đồng thời, thể hiện một sự nhã nhặn rất lịch thiệp. Thái độ của Sainteny nhụt hẳn đi, với một nụ cười hòa giải, ông tuyên bố ông là đại diện cá nhân của Tướng De Gaulle.

Patti ghi trong nhật ký của mình lời nhận xét thích đáng về Sainteny hôm ấy:

“Ông ta đã không hề thấy được là mình đã đụng đầu với một người mà sau này được ghi nhận trong lịch sử bằng việc làm tan rã một cách cơ bản đế quốc thuộc địa của Pháp ở Viễn Đông”.

Về phần mình, Sainteny sau này cũng đã viết trong cuốn hồi ký Lịch sử một nền hòa bình bị bỏ lỡ (Histoire d’une paix manquée) một nhận xét về Võ Nguyên Giáp trong cuộc gặp đầu tiên sáng 27/8/1945, tức là chỉ 8 ngày sau Cách mạng Tháng Tám:

“Tôi biết Võ Nguyên Giáp là một trong những sản phẩm sáng giá nhất của nền văn hóa chúng ta. Là sinh viên đại học nổi tiếng, tiến sĩ luật khoa, ông ta đã cho tôi thấy ở ông một con người quyết đoán, cực ký cứng rắn, đầy mưu trí và thông minh”.

Đụng đầu với Võ Nguyên Giáp, như Patti nhận xét: Tài ngoại giao của Sainteny “đang ở trong hướng suy tàn tầm thường nhất”.

Có thể kể thêm về cuộc giáp mặt giữa Võ Nguyên Giáp và Leclerc. Thoạt đầu viên tướng Pháp này xem thường người mới đến với “cái vóc dáng thấp bé và chiếc mũ phớt sùm sụp trên đầu”. Nhưng, ngay sau đó, ông ta sửng sốt vì bản lĩnh của ông Giáp, người nói “bằng một thứ tiếng Pháp hoàn hảo”:

- Xin tướng quân hãy nhận lời chào của tôi, một người kháng chiến đầu tiên của Việt Nam, chào đón người kháng chiến Pháp đã giải phóng Paris!

- Tôi yêu nước Pháp. Tôi muốn bất kỳ ở đâu danh dự của nước Pháp cũng được tôn trọng.

- Tôi chiến đấu cho nền độc lập của đất nước mình. Tôi nghĩ rằng những người yêu nước chân chính bao giờ cũng biết tôn trọng lòng yêu nước của những người khác.

Võ Nguyên Giáp nhắc tới cuộc chiến đấu vô cùng anh dũng của nhân dân Việt Nam chống phát-xít Nhật để tự giải phóng cho mình, rồi nói tiếp:

- Ông đã từng chiến đấu chống phát-xít Đức, tất nhiên, cũng có chỗ để chúng ta hiểu nhau.

Qua lần tiếp xúc hôm ấy, Leclerc sớm nhận ra rằng cuộc tái chiếm Đông Dương là vô vọng. Người chỉ huy quân đội Việt Nam thực sự là một nhà quân sự trí dũng song toàn, đồng thời, cũng là một nhà chính trị có bản lĩnh, một nhà ngoại giao lịch sự, kiên định.

Tại sao những đối thủ của Võ Nguyên Giáp, về sau, lại quay ra ngưỡng mộ ông? Chỉ vì ông là người đại diện cho lẽ phải, hơn nữa, lại có tài hùng biện một cách nhã nhặn, lịch thiệp.

Xem thêm
Quy Nhơn đăng cai giải đua mô tô nước thế giới

Từ ngày 22-24/3, tại thành phố Quy Nhơn (Bình Định) sẽ diễn ra Giải đua mô tô nước thế giới UIM-ABP Aquabike World Championship với sự tham gia của hơn 60 vận động viên…

Tuyển Thái Lan gây địa chấn với trận hoà tuyển Hàn Quốc

Tuyển Thái Lan gây địa chấn với trận hoà tuyển Hàn Quốc với tỷ số 1-1 ở lượt trận thứ 3 vòng bảng tại vòng loại World Cup 2026.

HLV Philippe Troussier rời đội tuyển Việt Nam

Ông Philippe Troussier rời đội tuyển Việt Nam và chính thức không còn nắm giữ vị trí HLV trưởng của đội bóng sau trận thua muối mặt trước tuyển Indonesia.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.

Bình luận mới nhất