| Hotline: 0983.970.780

Sáng tạo của Phượng Mao

Thứ Tư 24/11/2010 , 11:59 (GMT+7)

Nhờ “đi tắt đón đầu”, bộ mặt hạ tầng ở xã Phượng Mao, huyện Quế Võ (Bắc Ninh) gần như đã được “làm mới” hoàn toàn.

Hạ tầng của Phượng Mao ngày càng khang trang
Tuy mới được chọn vào danh sách những xã điểm về xây dựng NTM, nhưng nhờ “đi tắt đón đầu”, bộ mặt hạ tầng ở xã Phượng Mao, huyện Quế Võ (Bắc Ninh) gần như đã được “làm mới” hoàn toàn.

Đạt 13/19 tiêu chí

Những ngày này về Phượng Mao, đi đến đâu cũng được người dân nhắc đến cụm từ “nông thôn mới” như một câu cửa miệng của hàng nghìn người dân ở đây. Phượng Mao là một trong 8 xã của tỉnh Bắc Ninh được chọn làm điểm về xây dựng chương trình này.

Dẫn chúng tôi đi thăm một vòng trong thôn Mao Trung, ông Nguyễn Vân Phú, Chủ tịch UBND xã không giấu nổi vẻ tự hào nói: Trước đây, những con đường bê tông này vẫn còn là đường đất gồ ghề, khó đi lắm, nhưng biết huy động sức dân, chúng tôi đã xây dựng mới hoàn toàn các đường ngang, ngõ dọc trong thôn, nói chung ai cũng phấn khởi.

Ông Phú cho biết, ngay từ trước khi được chọn làm xã điểm xây dựng NTM, chính quyền xã đã xác định việc xây dựng hạ tầng là điều kiện tiên quyết để phát triển kinh tế. Việc xây dựng hệ thống đường xá, trạm điện, trường học được tiến hành thông qua các cuộc họp dân và tổ chức các buổi thảo luận đến từng thôn, xóm. Tại các buổi họp, người dân trình bày tâm tư nguyện vọng và những trăn trở của mình. Sau đó, các thôn sẽ tổng hợp ý kiến người dân để xây dựng dự án. “Cùng với sự đầu tư của nhà nước, chúng tôi luôn xác định cần phải phát huy tốt nguồn lực của địa phương để xây dựng các công trình. Và điều quan trọng là cần phải có sự hưởng ứng, đồng thuận của nhân dân thì việc xây dựng hạ tầng mới có hiệu quả”, ông Phú chia sẻ.

Đến nay, tuy mới được chọn làm xã điểm từ đầu tháng 11/2010, nhưng bộ mặt cơ sở hạ tầng của xã Phượng Mao đã rất khang trang, sạch đẹp. Cả xã đã cứng hóa được 100% đường giao thông trên toàn xã. Đường bê tông được đổ đến cổng từng gia đình, các đường trục chính dẫn ra nội đồng. Cùng với đường giao thông, xã Phượng Mao cũng đầu tư mạnh cho hạ tầng giáo dục. Tỷ lệ trường học các cấp từ mầm non đến trung học cơ sở đạt 100% chuẩn quốc gia. Hằng năm, xã đều dành ngân sách để xây mới cũng như tu sửa hệ thống lớp học, nhằm hiện đại hóa hơn nữa các cơ sở giáo dục, tạo điều kiện thuận lợi phát triển sự nghiệp trồng người. Nhờ vậy, những phòng học cấp bốn tồi tàn ngày trước đã được thay thế bằng những dãy nhà cao tầng, con em trong xã được học tập trong một môi trường tốt đẹp hơn trước. Trạm y tế cũng được xây mới, tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 52%, y tế xã đạt chuẩn quốc gia. Bên cạnh đó, toàn bộ người dân trong xã đều được sử dụng nước sạch, các làng đều có nhà văn hóa, đảm bảo phục việc hội họp và nhu cầu sinh hoạt văn hóa, tinh thần.

Đến nay, Phượng Mao đã hoàn thành được 13 tiêu chí (quy hoạch, chợ nông thôn, nhà ở khu dân cư…) trong tổng số 19 tiêu chí NTM. Đời sống của người dân ngày càng được nâng lên. Năm 2007, số hộ nghèo trên toàn xã là 11,5%, đến năm 2009 giảm xuống còn 4,1%, trong khi đó thu nhập đầu người tăng từ 7,5 triệu đồng lên 12,5 triệu đồng. Xã đề ra mục tiêu đến năm 2012 cơ bản hoàn thành các tiêu chí NTM.

Đồng thuận

Thực ra, trước khi có chương trình NTM, Phượng Mao đã xác định xây dựng hạ tầng là việc làm quan trọng hàng đầu. Cách làm của xã Phượng Mao không mới, đó là huy động sức dân đóng góp theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Tuy nhiên, xã đã có một giải pháp sáng tạo hơn, đó là tận dụng ngay quỹ đất của xã để thêm vào nguồn vốn xây dựng.

Là địa phương nằm trong diện thu hồi đất cho phát triển công nghiệp của tỉnh, quỹ đất dành cho dịch vụ khá lớn, nên ngay khi triển khai, các thôn đã thống nhất việc dành một số lượng nhất định đất đã chuyển đổi mục đích sử dụng để đề xuất với xã, huyện tổ chức đấu giá quyền sử dụng, lấy kinh phí xây dựng hạ tầng. Việc làm trên đã được người dân hưởng ứng nhiệt liệt. “Khi nghe cán bộ xã phổ biến về chương trình xây dựng hạ tầng, bản thân tôi nhận thấy, chương trình sẽ mang lại cho xã nhà diện mạo mới, đường sá to đẹp hơn. Người dân sẽ có điều kiện để phát triển kinh tế, nâng cao đời sống”, lão nông Phạm Văn Hùng ở xóm Mao Lại chia sẻ.

Ông Hùng cho biết, ngày trước đường làng chỉ rộng hơn 1 mét, mặt đường nhỏ, xe cơ giới loại lớn không vào được, việc sản xuất và lưu thông hàng hóa gặp nhiều khó khăn. Sau khi được nhà nước đầu tư, cùng với sự đóng góp của nhân dân, đường làng được mở rộng gấp đôi và được đổ bê tông đến cổng từng nhà. Bởi vậy, dù mưa nhiều ngày, người dân vẫn không phải lo đường đi lầy lội. Đồng thời, việc vận chuyển hàng hóa ra chợ bán cũng thuận lợi hơn, mọi người có điều kiện để mở rộng sản xuất.

Nhưng điều làm ông phấn khởi hơn cả là khi đổ bê tông con đường trục chính của xã và các làng, người dân đã được trực tiếp tham gia giám sát các đơn vị thi công. Điều này đã thể hiện tính dân chủ, tăng niềm tin của người dân và đảm bảo được chất lượng công trình. Còn ông Đặng Xuân Dương, gần 70 tuổi ở thôn Mao Trung lại nhìn nhận lợi ích của chương trình xây dựng hạ tầng ở góc độ khác. Đó là các trường học trong xã đã được xây mới, những ngôi nhà cao tầng khang trang, sạch đẹp thay thế cho những ngôi nhà cấp bốn cũ kỹ, con em trong xã có thể yên tâm học hành.

Theo Chủ tịch UBND xã Nguyễn Vân Phú, việc góp vốn của người dân chủ yếu được thực hiện trên phương châm tự nguyện, vận động bà con là chính, nên các hộ đều rất hăng hái ủng hộ. Thậm chí, người dân còn tự nguyện mang tiền đến để đóng góp làm đường, thường mỗi hộ đóng 1-2 triệu đồng/người, có hộ còn đóng tới 5 triệu đồng/người. “Tôi cứ thấy nơi này, nơi kia phản ánh kêu gọi nào là thiếu vốn, khó huy động dân. Nhưng thực tế từ địa phương cho thấy, điều quan trọng là phải làm cho dân hiểu, dù dân không quá giàu có, nhưng vẫn sẵn sàng cùng nhau làm hạ tầng, vì nó phục vụ lợi ích thiết thực cho người dân. Dân mình không phải không có sức, mà nó nằm ở ý thức”, ông Phú nói.

Xem thêm
Thái Nguyên chấp thuận nhà đầu tư 2 dự án dân cư nông thôn

Thái Nguyên chấp thuận nhà đầu tư Dự án Khu dân cư nông thôn số 1 xã Ký Phú và Dự án Điểm dân cư nông thôn số 1 xã Bình Thuận (huyện Đại Từ).

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Ninh Bình phấn đấu thêm 30 sản phẩm OCOP được công nhận 3 sao trở lên

Theo Sở NN-PTNT Ninh Bình, năm 2024, toàn tỉnh phấn đấu có thêm 30 sản phẩm được công nhận từ 3 sao trở lên và có thêm sản phẩm tiềm năng đạt 5 sao.

Bình luận mới nhất