| Hotline: 0983.970.780

Học gì từ nông thôn mới Quảng Ninh?:

Sáng tạo và xã hội hóa nguồn lực

Thứ Tư 11/10/2017 , 14:36 (GMT+7)

Chưa có phong trào nào huy động được sức mạnh tổng lực như phong trào xây dựng nông thôn mới (NTM) ở Quảng Ninh. Từ năm 2011 đến nay, từ con số 0, Quảng Ninh đã bật dậy thành điển hình của cả nước.

Nghị quyết đầu tiên của Đảng bộ tỉnh

Ngay từ đầu nhiệm kỳ 2011 – 2015, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh đã ban hành nghị quyết đầu tiên - Nghị quyết số 01 - chuyên biệt về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, trong đó lấy việc xây dựng NTM làm then chốt.

11-01-09_o_chinh
Ông Phạm Minh Chính thăm một số mô hình xây dựng NTM tại Quảng Ninh

Cũng chỉ có rất ít tỉnh, TP, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy nhận nhiệm vụ làm Trưởng ban chỉ đạo xây dựng NTM của tỉnh. Đây là một trong những cách chỉ đạo rất sáng tạo, nhằm đưa dấu ấn của lãnh đạo tỉnh, người dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm, đương đầu với nhiệm vụ đầy khó khăn này.

Còn nhớ, năm 2011, ông Phạm Minh Chính, hiện là Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương (lúc đó làm Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh), ngày từ những ngay sau Tết nguyên đán, đã về thăm và nói chuyện với nhân dân xã Kim Sơn, huyện Đông Triều (nay là TX Đông Triều), về chương trình NTM.

Sau khi đi thực tế, nắm bắt tâm tư của nhân dân, ông Chính nói rằng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Kim Sơn cần tập trung vào 3 tiêu chí khó đạt nhất, đó là: Thu nhập bình quân đầu người, giảm tỷ lệ lao động nông nghiệp và xây dựng hạ tầng giao thông nông thôn.

Cũng cùng thời điểm sau đó 2 năm, đầu năm 2013, Bí thư Tỉnh ủy Phạm Minh Chính về lại địa phương này. Chỉ thời gian ngắn, bộ mặt nông thôn xã Kim Sơn đã thực sự khởi sắc, đường làng, ngõ xóm, giao thông nội đồng đã được nâng cấp, phục vụ nhân dân đi lại thuận tiện và phát triển sản xuất. Xã Kim Sơn không có nhà tạm, nhà dột nát; 100% thôn đạt tiêu chuẩn làng văn hóa cấp huyện; 100% các hộ dùng nước hợp vệ sinh; trường mầm non, tiểu học được công nhận đạt chuẩn quốc gia mức độ 1… Đây cũng là một trong 8 xã đầu tiên của tỉnh Quảng Ninh về đích trong chương trình NTM.

“Trong chương trình xây dựng NTM phải xác định công tác xã hội hóa, huy động sức mạnh, phát huy trí tuệ của nhân dân là quan trọng nhất. Mục tiêu chính trong xây dựng NTM là phải làm cho đời sống kinh tế của người dân giàu có, đời sống văn hóa lành mạnh, phong phú chứ không đơn thuần là phấn đấu đạt được các mục tiêu về điện, đường, trường, trạm. Ngoài ra, cần nhân rộng những cách làm mới, điển hình tiên tiến trong chương trình xây dựng NTM”, ông Chính từng nhấn mạnh như thế.

Đặc thù vùng nông thôn Quảng Ninh có cả xã khu vực đồng bằng, miền núi, ven đô và hải đảo, trong đó có tới 96 xã miền núi. Khi bắt tay thực hiện chương trình xây dựng NTM, hiện trạng các xã so với Bộ tiêu chí Quốc gia về NTM đạt thấp. Số xã đạt dưới 50% bộ tiêu chí còn tới 58 xã; nông thôn phát triển thiếu quy hoạch, kết cấu hạ tầng thấp kém, thiếu đồng bộ, tổ chức SX manh mún, nhỏ lẻ...

Với vai trò là Trưởng ban Chỉ đạo Xây dựng NTM, ông Chính tập trung thành lập và kiện toàn Ban Chỉ đạo và các cơ quan tham mưu chuyên trách về NTM từ tỉnh đến cơ sở. Chương trình xây dựng NTM ở Quảng Ninh được triển khai đồng bộ ở 125/125 xã, 13/14 đơn vị cấp huyện (trừ TP Hạ Long) chứ không làm điểm, làm nhỏ lẻ như các địa phương khác.
 

Xã hội hóa nguồn lực

Cũng chính vì triển khai đồng loạt nên vấn đề nguồn lực cho xây dựng NTM cũng từng làm đau đầu lãnh đạo tỉnh. Tuy nhiên, nhờ những giải pháp linh hoạt, sáng tạo trong vấn đề điều hành ngân sách, Quảng Ninh đã đổi mới, linh hoạt theo hướng phân cấp giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các địa phương; giảm dần đầu tư từ ngân sách, huy động tốt các nguồn lực đầu tư toàn xã hội.

11-01-09_ong_chinh_2
Ông Phạm Minh Chính thăm một số mô hình xây dựng NTM tại Quảng Ninh

Sau gần 7 năm, tỉnh đã huy động các nguồn vốn đạt trên 60 nghìn tỷ đồng cho chương trình xây dựng NTM. Đáng chú ý là quy định của Trung ương tại Quyết định 800/QĐ-TTg ngày 4/6/2010 đối với các nguồn vốn ngân sách sử dụng là 40% nhưng Quảng Ninh chỉ sử dụng 11,62%; vốn tín dụng quy định 30%, tỉnh đã thực hiện lên tới 66,12%; vốn từ các doanh nghiệp, HTX và các loại hình kinh tế khác khoảng 20%, tỉnh đã huy động được 22,26%.

Với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân đóng góp, dân làm, dân quản lý và dân hưởng lợi”, Quảng Ninh đã tạo được những phong trào sôi nổi do chính người dân tham gia vào công cuộc xây dựng NTM. Hàng trăm nghìn m2 đất đã được nhân dân hiến tặng để làm các công trình giao thông, nhà văn hóa... Tiêu biểu như tại huyện Đông Triều, nhân dân đã đóng góp gần 70 nghìn m2 đất để xây dựng nhà văn hóa, huyện Hải Hà có 211 hộ dân hiến gần 25 nghìn m2 đất để làm đường giao thông nông thôn

Nhờ công tác truyền thông tốt, nhận thức về xây dựng nông thôn mới được nâng lên rõ rệt, từ chỗ ban đầu người dân và cán bộ cấp xã, huyện coi đây là một chương trình đầu tư của nhà nước cho vùng nông thôn. Nhưng đến nay, tất cả đã chủ động tham gia chương trình NTM, xóa bỏ tâm thế ỷ lại, trông chờ vào nhà nước, vào chính quyền.

Trong công tác chỉ đạo, điều hành cũng ít có tỉnh xây dựng được một hệ thống vận hành đồng bộ và chuyên nghiệp, với tinh thần trách nhiệm cao như Quảng Ninh. Quảng Ninh cũng là một trong số ít các tỉnh đã cụ thể hóa các tiêu chí NTM linh hoạt, phù hợp với thực tiễn, huy động được cả hệ thống chính trị, nhất là lực lượng Quân đội và toàn dân tham gia.

Ngoài ra, tất cả các cấp, các ngành đã triển khai sáng tạo, chủ động bằng các chương trình hành động cụ thể. Điển hình như các phong trào “Thành thị giúp đỡ nông thôn”, “Nông dân tự lực sáng tạo xây dựng NTM”, “Công nông liên minh trong xây dựng NTM”, “Doanh nghiệp đồng hành xây dựng NTM”...

Đến nay toàn tỉnh Quảng Ninh đã có 4 huyện, thị xã, TP cơ bản đạt tiêu chí NTM. Trong đó: TX Đông Triều là địa phương đầu tiên của khu vực phía Bắc được Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn NTM. Từ cuối năm 2015, huyện Cô Tô là huyện đảo đầu tiên trong cả nước được công nhận huyện đạt chuẩn NTM. 14/14 địa phương đăng ký tham gia xây dựng khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu, 236 thôn kiểu mẫu, 823 vườn mẫu.

 

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Bến Tre bán sản phẩm OCOP trên Youtube, Tiktok

Hội Nông dân Bến Tre vừa có chương trình ghi nhớ hợp tác để thúc đẩy thương mại số sản phẩm OCOP.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm