| Hotline: 0983.970.780

Thứ Hai 01/12/2014 , 09:06 (GMT+7)

09:06 - 01/12/2014

Sao cho… 4 bộ đồng tình

Lực lượng chống hàng giả, hàng nhái… của ta hiện nay bao gồm 6 cơ quan thuộc 4 Bộ.

Đó là Quản lý Thị trường (Bộ Công thương); Công an và Cảnh sát biển (Bộ Công an); Thuế và Hải quan (Bộ Tài chính); Biên phòng (Bộ Quốc phòng). Có thể nói đó là một lực lượng tổng hợp rất hùng hậu.

Thế nhưng phát biểu chỉ đạo tại lễ kỷ niệm Ngày chống hàng giả, hàng nhái (28/11) vừa qua, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả(BCĐ 389) đã có nhận định: “Dù các cơ quan đã thực hiện quyết liệt, nhưng tình hình vẫn rất phức tạp, quy mô không giảm, tồn tại kéo dài, gây tổn hại nghiêm trọng đến uy tín của hàng Việt Nam, tổn hại người tiêu dùng, xáo trộn môi trường đầu tư và đạo đức kinh doanh…”.

Không chỉ gây tổn hại cho người tiêu dùng, mà hàng giả, hàng nhái… còn đẩy nhiều doanh nghiệp đến bờ vực của phá sản.

Nói như đại diện Cty Anova Pharma, một doanh nghiệp chuyên về thuốc thú y, thuốc thủy sản, thì “Mất bao nhiêu công sức, chi phí, mới đưa ra được một sản phẩm mới. Nhưng vừa mới ra thì lập tức có hàng giả ngay. Hàng giả bán tràn lan, thậm chí đưa sang cả Campuchia bán”. Hay hiện tượng sản phẩm của Tôn Hoa Sen đang bị làm giả, làm nhái tràn lan, là những ví dụ…

Vì sao mà nạn hàng giả, hàng nhái… vẫn “rất phức tạp, quy mô không giảm”? Có thể thấy mấy nguyên nhân chính.

Thứ nhất là văn bản quy phạm pháp luật, công cụ chế tài số một trong lĩnh vực này, hiện đang rất nhiều nhưng lại vẫn thiếu, vẫn chưa nghiêm, còn nhiều kẽ hở nên dễ bị lợi dụng. Nói như Chủ tịch Hội chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Việt Nam, là “vụ việc chống buôn lậu thôi nhưng lượng văn bản phải làm nhiều không thể tả”.

Vậy tại sao lại không đơn giản hóa, loại bỏ những văn bản không cần thiết đi. Chỉ để lại một vài văn bản nhưng đầy đủ và có sức chế tài mạnh, để dễ dàng áp dụng?

Hai là kinh phí và cơ sở vật chất thiếu thốn. Chính điều này đã khiến các lực lượng trên bó tay. Bắt được một lô hàng giả như thuốc BVTV chẳng hạn, nhưng nhiều khi phải mượn chỗ chứa. Để thì ô nhiễm môi trường còn tiêu hủy thì không có kinh phí.

Vậy tại sao không quy hoạch những khu vực có đủ điều kiện làm chỗ chuyên tiêu hủy hàng giả, bắt được thì áp tải luôn lên đó. Trước đây, kinh phí để tiêu hủy hàng giả được áp dụng theo cách “lấy mỡ nó rán nó”.

Lúc đầu để lại 40% kinh phí xử phạt để làm việc này. Sau giảm xuống còn 30%, rồi nay chẳng còn đồng nào. Nếu vậy thì tại sao không xem xét lại vấn đề đó; hoặc bổ sung vào các văn bản quy phạm pháp luật một chế tài mới là buộc chủ các lô hàng giả phải đưa hàng đến nơi đủ điều kiện tiêu hủy, phải bỏ kinh phí ra để tự tiêu hủy, dưới sự giám sát của cơ quan chức năng?

Việc thành phố Hà Nội tổ chức cho 700 hộ kinh doanh ở chợ Đồng Xuân cam kết không buôn bán hàng giả, hàng nhái… là một cách làm mới. Nhưng điều quan trọng ở đây là: Ai sẽ giám sát những cam kết đó?

Những tồn tại trên không phải quá khó đến nỗi không thể khắc phục được. Và điều quan trọng hơn, là việc chống buôn lậu, hàng giả, hàng nhái, gian lận thương mại… sẽ chỉ thực sự hiệu quả khi có sự phối kết hợp một cách chặt chẽ giữa 4 Bộ.

Bình luận mới nhất