| Hotline: 0983.970.780

Sao cho chắc ăn?

Thứ Hai 17/10/2011 , 10:00 (GMT+7)

Theo các nhà chuyên môn, nếu chúng ta quy hoạch được hệ thống đê bao bài bản, khoa học và bố trí diện tích, mùa vụ hợp lý thì vẫn có thể làm lúa TĐ ăn chắc trong mùa lũ.

Kiểm tra để gia cố đê bao bảo vệ lúa TĐ
Theo các nhà chuyên môn, nếu chúng ta quy hoạch được hệ thống đê bao bài bản, khoa học và bố trí diện tích, mùa vụ hợp lý thì vẫn có thể làm lúa TĐ ăn chắc trong mùa lũ.

>> Thiệt hại là do “xé rào”, chủ quan
>> Vụ thu đông - Được và mất?

TS. Dương Văn Ni, chuyên gia đa dạng sinh học (Trường Đại học Cần Thơ) cho biết, tình trạng ngập nước ở hạ lưu sông Mêkông là yếu tố sinh thái. Vùng Đồng Tháp Mười có túi chứa khoảng 800.000 ha, tính cả vùng Tứ giác Long Xuyên có sức chứa lên tới trên 1,5 triệu ha. Nếu diện tích chảy tràn không bị giới hạn, nước không dâng cao, chảy xiết thì sức công phá không dữ dội.

Như vậy có thể nói, nhìn chung hệ thống đê bao ở ĐBSCL còn yếu, nên thời gian qua đã làm một số nơi đê bao mỏng và yếu bị nước lũ phá vỡ, gây thiệt hại cho sản xuất. Tuy nhiên, diện tích lúa bị thiệt hại không đáng kể so với diện tích lúa đang được bảo vệ. Vì vậy, nếu gia cố đê bao tốt, bố trí hợp lý (không gây cản trở dòng chảy) thì vẫn có thể sản xuất lúa TĐ ăn chắc ngay cả trong những năm lũ lớn.

Còn ThS. Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia tư vấn thuộc Ủy hội sông MêKông nhận định: Theo quy luật, đường đi của nước lũ sẽ tạo ra sức mạnh làm nhiều công trình bị hư hại, nhất là đê cống, nhà cửa và cả tính mạng con người. Chính vì vậy, khi làm đê bao, trồng lúa vụ TĐ ở vùng này cần phải tính toán sao cho hợp lý, không gây ảnh hưởng đến dòng chảy, làm xói mòn cho vùng khác.

Hiện nay, nhiều địa phương dùng bao cát chất thành đê bao dã chiến bảo vệ đê khi nước lũ dâng. Có nhiều tỉnh mới làm đê bao, đất chưa kịp khô thì nước lũ đã đổ về, lâu ngày nước làm mềm đất, cộng thêm áp lực nước từ phía ngoài dẫn đến việc vỡ đê. Chính vì vậy, để ăn chắc vụ TĐ ở các năm tới chúng ta cần phải đầu tư kỹ hệ thống thủy lợi, nhất là hệ thống đê bao sản xuất lúa TĐ trong mùa lũ, như vậy mới có thể bảo vệ lúa TĐ ăn chắc.

Ông Phạm Văn Quỳnh, Giám đốc Sở NN-PTNT TP Cần Thơ nhận xét: “Nước lũ năm nay chưa có gì ghê gớm so với nước lũ năm 2000. Vào thời điểm này mà so với lũ năm 2000 các tuyến đường trong TP Cần Thơ đều bị ngập sâu, nhưng lũ năm nay lũ vẫn chưa gây ngập đường nhiều. Mấy ngày qua lũ làm vỡ đê bảo vệ lúa TĐ ở An Giang và Đồng Tháp theo tôi cũng là điều dễ hiểu. Vì trước đây các địa phương không làm lúa TĐ, nước lũ đổ về sẽ tràn lan tỏa ra khắp đồng bằng. Nhưng năm nay do tập trung phân ô, làm đê ngăn lũ khiến dòng chảy không thông thoát được mà ứ đọng làm dâng cao mặt nước lũ".

Theo ông Quỳnh chính vì vậy, chỗ nào đê yếu sẽ bị nước lũ tàn phá, làm vỡ đê. Từ kinh nghiệm nước lũ năm nay, các tỉnh làm lúa TĐ nhiều ở ĐBSCL cần phải chấp nhận hi sinh một vài trăm ha lúa để bảo vệ cái lớn hơn vì đây là năm đầu chưa có kinh nghiệm nhiều.

TS Đỗ Minh Nhựt, PGĐ Sở NN-PTNT Kiên Giang thì cho rằng, khi phát triển diện tích lúa TĐ cần phải tính toán sao cho hợp lý, không nên làm quá nhiều. Các tỉnh cần phải chừa lại diện tích trống để phân, thoát lũ. Chẳng hạn như Kiên Giang, chỉ nên làm lúa TĐ ở diện tích khoảng 35- 40 ngàn ha là hợp lý và tập trung ở những vùng cao như Tây sông Hậu. Còn những khu vực bị ảnh hưởng lũ nặng nề như Tứ giác Long Xuyên thì cần chừa lại để lũ tràn về và thoát ra biển Tây.

Ông Nhựt cho rằng, khi đã quy hoạch làm lúa TĐ thì cần đầu tư đê bao lớn, lấy đỉnh lũ như năm nay để làm cao trình đê. Hiện chúng ta đang xây dựng NTM, vì vậy cần kết hợp làm đê bao với giao thông nông thôn, làm cụm, tuyến dân cư thì đê sẽ đảm bảo hơn. Khi làm đê bao cần chia làm nhiều tiểu vùng để giảm thiệt hại khi đê bị vỡ.

Về mùa vụ cũng không nên kéo dài mà phải đảm bảo khi thu hoạch xong vẫn lấy được phù sa từ lũ. Cuối cùng là cần có nghiên cứu bài bàn về lũ để có ứng phó kịp thời. Chẳng hạn đỉnh lũ vùng đầu nguồn ở mức báo động 3 thì lưu lượng nước đổ về như thế nào, ảnh hưởng đến hạ lưu ra sao.

Cũng cùng quan điểm này, ông Nguyễn Văn Đồng, GĐ Sở NN-PTNT Hậu Giang cho rằng, hiện nay vùng sản xuất lúa TĐ ăn chắc của tỉnh chỉ vào khoảng 40.000 ha, trong khi chỉ tiêu ở trên giao lên đến 60.000 ha. Chính vì vậy mà mùa lũ năm nay ngành đã phải đào đắp trên 1,6 triệu m3 đất để gia cố, nâng cao cao trình cho 179 công trình đê bảo vệ lúa TĐ với số tiền 30 tỷ đồng. Muốn đảm bảo cho những năm tới, tỉnh cần hoàn thiện hệ thống đê cho 20.000 ha còn lại thì làm lúa TĐ mới ăn chắc.

Ông Đặng Ngọc Lợi, PGĐ Sở NN-PTNT Đồng Tháp chi biết, qua mùa lũ năm nay tỉnh sẽ đề xuất với Bộ NN-PTNT cần tăng cường vốn đầu tư cho hệ thống thủy lợi năm 2012. Đồng thời sẽ rà soát lại quy hoạch cụ thể, vùng nào có khả năng làm lúa TĐ tốt thì tập trung đầu tư thật kỹ để ăn chắc chứ không đầu tư theo kiểu đại trà sẽ làm thiệt hại cho dân.

Tại những vùng ngập sâu như An Giang, Đồng Tháp, hệ thống đê bao rất cần được gia cố thêm. Ông Đỗ Vũ Hùng, PGĐ Sở NN-PTNT An Giang cho biết, hiện nay toàn tỉnh đang có 601 hệ thống đê bao và tiểu vùng kiểm soát lũ với tổng chiều dài 3.778 km, bảo vệ 242.264 ha lúa. Trong đó có nhiều công trình rất cần được nâng cấp, gia cố mới đảm bảo làm lúa ăn chắc trong những năm tới. Ngoài ra, còn rất nhiều cống, đập tạm của dân đã bị xuống cấp từ lâu khi gặp nước lũ dâng cao gây thiệt hại cho dân.

Mặc dù lũ năm nay không cao bằng năm 2000, nhưng cũng đã gây hại nặng những bờ bao yếu. Chính vì vậy tỉnh An Giang sẽ rút kinh nghiệm các năm tới sẽ tập trung đầu tư kỹ hệ thống đê bao trước khi vào vụ. Trong năm 2011, tỉnh An Giang mở rộng thêm diện tích lúa TĐ 25.000 ha, củng cố và mở rộng thêm nhiều tiểu vùng đê bao, với tổng chiều dài trên 1.000 km đê. Các tuyến đê này cũng cần phải gia cố thêm trong những năm tới.

Còn tại Đồng Tháp, toàn tỉnh hiện có trên 200 tiểu vùng lớn, nhỏ phục vụ cho gần 100.000 ha lúa TĐ. Hiện vẫn còn nhiều tuyến đê yếu bị nước lũ phá vỡ làm mất trắng hơn 2.000 ha lúa. Vì vậy, tỉnh đang tập trung gia cố cho vững vững chắc, nhằm đảm bảo chịu được đợt triều cường cuối tháng 10 này không làm ảnh hưởng diện tích lúa TĐ còn lại.

Xem thêm
Cà phê có thể bị tiêu hủy nếu vi phạm quy định kiểm dịch của Mexico

Thông báo ngày 21/3 của Mexico sửa đổi các yêu cầu kiểm dịch thực vật hạt cà phê Arabica và Robusta nhập khẩu từ một số nước, trong đó có Việt Nam.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Lợi nhuận quý I/2024 của DAP Vinachem tăng đột biến

Chi phí đầu vào một số nguyên liệu chính giảm, xuất khẩu thuận lợi giúp DAP Vinachem báo lãi đột biến quý I/2024.