| Hotline: 0983.970.780

Thứ Bảy 18/11/2017 , 07:28 (GMT+7)

07:28 - 18/11/2017

Sao được phép 'phớt lờ' chỉ đạo của Chính phủ?

Xử lý nghiêm khắc không chỉ làm gương, răn đe mà còn thể hiện thái độ kiên quyết trong quá trình xây dựng một Chính phủ kỉ cương, kiến tạo. Một Chính phủ vì dân, phục vụ nhân dân trước hết cần phải nghiêm khắc với các cán bộ của mình...

Ảnh minh họa

Việc không chấp hành chỉ đạo của cấp trên là hành động không thể chấp nhận được. Tuy nhiên hiện nay, tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”, “trên bảo dưới không nghe” ở ta không phải hiếm. Nó xuất hiện ở mọi nơi, mọi lúc và mọi cấp, thậm chí cả với cấp cao nhất như chỉ đạo của Thủ tướng, Phó Thủ tướng Chính phủ.

Cách đây ít lâu, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Lê Mạnh Hà đã kí văn bản truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình gửi UBND TPHCM phải xử lí nghiêm vi phạm, kiểm điểm trách nhiệm của đơn vị, cá nhân có liên quan trong vụ việc sai phạm đấu thầu “gói thầu cung cấp và lắp đặt hệ thống xạ trị gia tốc hướng dẫn hình ảnh” trị giá 239 tỷ đồng tại Bệnh viện Ung bướu TPHCM.

Phó Thủ tướng còn yêu cầu đơn vị tổ chức đấu thầu hủy thầu theo Điều 17 của Luật Đấu thầu năm 2013. Đồng thời tổ chức đấu thầu bảo đảm tính cạnh tranh, công khai, minh bạch theo đúng quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, bất chấp văn bản chỉ đạo của Phó Thủ tướng, không có cán bộ hay đơn vị nào bị xử lí trách nhiệm trong vụ việc vi phạm đấu thầu này và ngang nhiên hơn, gần đây đơn vị trúng thầu vẫn tiến hành lắp đặt các thiết bị máy móc.

Cũng cách đây không lâu, trong bài “Phê bình Chủ tịch tỉnh Bạc Liêu 3 lần “lờ” yêu cầu của Thủ tướng” được báo Dân trí đăng tải cho biết, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình vừa có công văn phê bình Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu do không thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng.

Theo bài báo, ngày 22/12/2016, tại văn bản số 11157/VPCP-V.I Văn phòng Chính phủ gửi lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu truyền đạt lại ý kiến của lãnh đạo Chính phủ liên quan đến việc tố cáo của Công ty cổ phần Đầu tư - Xây dựng - Thương mại Minh Thắng Bạc Liêu. Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến chỉ đạo Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu kiểm tra, xác minh làm rõ, báo cáo kết quả lên Thủ tướng Chính phủ trước ngày 1/2/2017.

Tuy nhiên, quá hạn thực hiện nhiệm vụ đã gần một năm, Văn phòng Chính phủ đã 3 lần có văn bản đôn đốc báo cáo nhưng đến nay, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu vẫn chưa thực hiện.

Thông tin này đã gây bức xúc cao độ trong bạn đọc Dân trí, nhiều bạn đọc cho rằng hình thức phê bình là quá nhẹ. Sự bức xúc này của bạn đọc là có lý bởi mấy lý do.

Thứ nhất về lý, đây là tội bất tuân thượng lệnh, coi thường kỉ cương, phép nước của người đứng đầu chính quyền một địa phương.

Thứ hai là về tình, cách hành xử như vậy biểu hiện sự thiếu tôn trọng người khác, nhất là ở đây lại là ý kiến của Thủ tướng, người đứng đầu Chính phủ đồng thời là cấp trên trực tiếp.

Thứ ba, người Việt Nam có câu “quá tam ba bận”. Trong khi, sự việc ở đây kéo dài gần một năm và với ba lần nhắc nhở. Vả lại, người dân hoàn toàn có thể suy luận đối với “lệnh” của Thủ tướng còn dám “lờ” ba lần trong thời gian gần một năm thì đối với ý kiến người dân sẽ là như thế nào?

Tuy nhiên trả lời báo chí, ông Nguyễn Tấn Khương - Chánh văn phòng kiêm người phát ngôn UBND tỉnh Bạc Liêu cho biết, đây là… lỗi của văn phòng?

Có lẽ đây chỉ là hai trong số các vụ việc của biểu hiện “trên bảo, dưới không nghe”. Và phải chăng, đây chính là biểu hiện “vua con” như lời của tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Một số người có chức có quyền còn tác phong quan cách, gia trưởng, phụ trách ở địa phương nào, đơn vị nào thì như ông vua con, thậm chí có những cá nhân, tập thể bị trù dập, ức hiếp”,

Tóm lại, việc xử lý nghiêm khắc những vụ việc này không chỉ làm gương, răn đe mà còn thể hiện thái độ kiên quyết trong quá trình xây dựng một Chính phủ kỉ cương, kiến tạo.

Một Chính phủ vì dân, phục vụ nhân dân trước hết cần phải nghiêm khắc với các cán bộ của mình, phải không các bạn?