| Hotline: 0983.970.780

Thứ Hai 21/11/2016 , 06:40 (GMT+7)

06:40 - 21/11/2016

Sao không ai đề xuất bộ luật chống gia đình trị?

Chuyện “một người làm quan, cả họ được nhờ”, một lần nữa, lại làm nóng nghị trường kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV và cả xã hội, khi nhiều đại biểu lên tiếng chất vấn..

Chuyện “một người làm quan, cả họ được nhờ”, một lần nữa, lại làm nóng nghị trường kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV và cả xã hội, khi nhiều đại biểu lên tiếng chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ. Và những lời Bộ trưởng trả lời, rõ ràng đã không làm cử tri cả nước thỏa mãn.

Bởi những trường hợp cả nhà, cả họ của người đứng đầu một địa phương được làm lãnh đạo tại địa phương đó được phát hiện càng ngày càng nhiều, càng dầy. Từ chuyện hơn 10 người nhà của Bí thư Huyện ủy huyện Mỹ Đức Lê Văn Sang cùng giữ chức vụ lãnh đạo trong 13 phòng, ban của UBND huyện và huyện ủy, đến chuyện cả nhà Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang gồm vợ, em trai, em gái và một số người thân khác làm quan trong tỉnh.

Tiếp theo, dư luận ồn ào lên với các vụ cả nhà ông Nguyễn Trường Sơn, Phó Chủ tịch thường trực UBND huyện An Dương, TP Hải Phòng, cùng làm quan trong huyện, và con đường thăng chức rất lạ của con trai, con rể Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Hải Dương...

Những trường hợp trên, từ lâu, đã được gọi bằng một cái tên rất chính xác là chuyện “gia đình trị”. Theo dõi kỳ họp thứ 2 của Quốc hội khóa XIV này, trước tình hình đó, rất nhiều cử tri đã đặt câu hỏi: "Tại sao không có một đại biểu quốc hội nào đề xuất việc xây dựng một bộ luật chống gia đình trị?”.

Thật là một đòi hỏi hay. Trên thế giới, rất nhiều nước đã có đạo luật này, như ở Mỹ chẳng hạn. Đạo luật chống gia đình trị đã có hiệu lực từ năm 1967. Chính vì bộ luật này mà con rể của tổng thống thứ 45 mới đắc cử Donald Trump, ông jared kushner, tuy có tiếng nói quan trọng trước quyết định của bố vợ, nhưng không thể giữ chức vụ cao trong chính quyền mới.

Còn ở Việt Nam, luật chống gia đình trị đã có từ hàng trăm năm trước, dưới chế độ phong kiến. Đó chính là điều luật “Hồi Tỵ (tránh xa ra)”.

Điều luật này nằm trong bộ Lê triều Hình luật (còn gọi là luật Hồng Đức), do vua Lê Thành Tông (1442 - 1497, triều Lê) ban hành, trong đó quy định rõ: “Quan lại không được lấy vợ, làm thông gia ở nơi cai quản, cũng không được tậu đất, ruộng, vườn, nhà ở tại nơi mình làm quan lớn, không được dùng người cùng quê làm người giúp việc”.

Đến đời vua Minh Mạng (1791 - 1841, triều Nguyễn), điều luật này còn được hoàn thiện hơn: “Quan lại ở các bộ trong kinh và ở các tỉnh, huyện, hễ có bố con, anh em, chú bác, cô dì cùng làm việc một chỗ thì đều phải đổi đi. Ai là người cùng làng cũng phải chuyển ngay đến nha môn khác. Người có quan hệ thầy trò, thông gia với nhau cũng không được làm việc cùng một chỗ. Quan lại không được làm việc ở chính quê hương mình, quê vợ mình hoặc nơi mình đã học tập lúc còn trẻ.

Khi thụ lý án, nếu trong đó có tình tiết liên quan đến người thân thì phải bẩm báo để triều đình cử người khác thay thế. Quan lại không được coi thi, chấm thi ở những đại phương có người thân thích của mình ứng thí, nếu có, phải bẩm báo ngay để triều đình cử người thay...”.

Điều luật trên đã được thực thi hết sức nghiêm ngặt trong thời kỳ đó. Người xưa đã làm được, lẽ nào chúng ta lại không?

Bình luận mới nhất