| Hotline: 0983.970.780

Sao không nghĩ, đất là tài sản, vườn thổ cư là hương hỏa...?

Thứ Tư 14/09/2016 , 06:50 (GMT+7)

Ba cháu ốm yếu từ nhỏ, chỉ làm việc lặt vặt. Má cháu nấu rượu nuôi heo, ruộng trước thì cho thuê rẻ, lấy lúa đủ gạo ăn. Cháu về nằm bẹp mấy ngày buồn cho mình quá cô. Vậy là bắt đầu một cuộc đời khác sao cô?

Cô Dạ Hương kính mến!

Cháu năm nay 22 tuổi. Học xong PTTH, cháu không vô được đại học nên ở nhà với ngoại 1 năm. Sau đó ngoại nói đi nghĩa vụ quân sự trong ngành công an đi, hy vọng sau này có thể xin ở lại được.

Nhưng cháu đã không có may mắn đó. Mấy năm đi nghĩa vụ cháu được rèn luyện nhiều lắm. Nhưng hồi ở với ngoại đi học là ở thị trấn, ngoại rồi chị gái cháu lo cho mọi thứ. Giờ chị đã đi lấy chồng cũng chỉ đủ ăn, ngoại thì đã có cháu nội của ngoại để lo, cháu không về đó được.

Ngoại cũng có quen mấy người ở huyện, ở thị trấn nhưng ngoại cũng đâu có tiền để chạy việc. Cháu cũng không ở trong diện tổ chức cho đi học lên vì học bạ cháu nhiều điểm trung bình, không ăn thua.

Vậy là cháu đi thẳng từ công an tỉnh về quê. Ba má cháu ở trong quê, cách chỗ ngoại tới mười mấy cây cầu, phải đi xe máy chớ xe đạp thì phải nhảy xuống dắt qua những cây cầu lênh khênh phát sợ.

Ba má cháu làm ruộng, có một héc-ta, có vườn thổ cư và giếng nước khoan. Cũng là loại tương đối so với nhiều nhà ít đất hơn mình. Nhưng cháu chưa biết gì về ruộng vườn, cháu làm sao cô?

Ba cháu ốm yếu từ nhỏ, chỉ làm việc lặt vặt. Má cháu nấu rượu nuôi heo, ruộng trước thì cho thuê rẻ, lấy lúa đủ gạo ăn. Cháu về nằm bẹp mấy ngày buồn cho mình quá cô. Vậy là bắt đầu một cuộc đời khác sao cô?

------------------------

Cháu thương mến!

Nếu cháu đọc báo từ Internet thì cháu sẽ biết một thông tin đau lòng: hàng vạn người có bằng cử nhân hay kỹ sư đang thất nghiệp. Vì sao? Vì nước ta dân số trẻ đông, việc học đại học lại bị cho là lớn lao nên trưởng thành là đổ xô đi học, rồi việc ít người đông, thất nghiệp cầm chắc.

Cháu ở thị trấn, gốc nông thôn, tốt nghiệp PTTH là may rồi. Nếu không đi nghĩa vụ thì đi học nghề, nếu thi đậu trường nghề. Đi nghĩa vụ quân sự ở quân đội hay công an, cái được là rèn luyện, lối sống, tác phong, và nếu được rèn lý tưởng nữa thì cháu sẽ biết phấn đấu, coi nhẹ đồng tiền, coi nhẹ khó khăn…

Nam nhi mà khóc là kém. Nằm bẹp để khóc ư? Hãy ngắm cơ ngơi ba má có trong tay đi. Một hec-ta để làm ruộng, vườn thổ cư, nhà cửa chuồng trại, cháu bắt đầu đâu phải con số không, đúng không? Sao không nghĩ, đất là tài sản, vườn thổ cư là hương hỏa, ân sủng của ông bà cha mẹ sẵn cho mình?

Cô nhớ một bà chị nông dân trong họ. Khởi nguồn bằng 1 hec-ta, chồng chị ấy nuôi 1 con rưỡi trâu (hùn với hàng xóm nửa con), chị ấy đi cắt cỏ cho trâu những khi nhà hết rơm. Vậy rồi nuôi được 2 con trâu, đi cày mướn, mua thêm nửa hec-ta rồi 1 hec-ta nữa. Hiện anh chị đã có 3 hec-ta, đứa con trai lớn lên mua máy gặt đập liên hợp đi làm ở những cánh đồng lớn, thật là mát mặt!

Vậy đó, 22 tuổi vừa để bắt đầu ở nông thôn. Chầm chậm hãy cưới vợ, lo gây dựng đã. Trước mắt lấy đất cho thuê rẻ để tập làm nông dân đi. Nghề dạy nghề, làm ruộng cũng phải có thâm niên nhưng đừng sợ khổ sợ khó. Không phụ đất thì đất sẽ cho tiền, từ đó mà có thể diện, có vị trí trong ấp trong xóm và thành tri điền mấy hồi.

Nhất nghệ tinh nhất thân vinh, nhớ nha, làm nông cũng là một nghề. Khởi nghiệp bằng nuôi dê nuôi bò, nuôi con gì đó để tích lũy tiền và có vốn dần, rủ bạn bè bà con làm ăn lớn lên. Hãy quên quan niệm công chức hay sĩ quan mới oai, nông dân là dân đen. Nghề nào cũng vinh quang, chân chính, dĩ nhiên làm nhà nông thì phải chân lấm tay bùn rồi.

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Cưới người đã ba đời chồng

Nhung đã trải qua ba đám cưới. Cũng còn may cuối cùng cô đã có chốn dừng chân. Và có được đấng phu quân mới lấy vợ lần đầu.