| Hotline: 0983.970.780

Sắp có cuộc "Cách mạng" cây biến đổi gen

Thứ Hai 18/07/2011 , 10:52 (GMT+7)

Nhiều chuyên gia nông nghiệp khẳng định, cây biến đổi gen sẽ là một giải pháp quan trọng giúp ngành chăn nuôi VN có thể “sống” được trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt như hiện nay.

Là nước nông nghiệp nhưng mỗi năm VN phải bỏ ra gần 3 tỷ USD để nhập nguyên liệu TĂCN. Đây là một trong những nguyên nhân cốt tử khiến giá thành chăn nuôi của VN luôn đứng ở thế ngất ngưởng dẫn đến chăn nuôi “thua đau” ngay tại sân nhà.

Nhiều chuyên gia nông nghiệp khẳng định, cây biến đổi gen sẽ là một giải pháp quan trọng giúp ngành chăn nuôi VN có thể “sống” được trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt như hiện nay.

“VÒNG KIM CÔ” VỀ GIÁ TĂCN!

Giá TĂCN tăng liên tục thời gian qua cũng là một trong những nguyên nhân hàng đầu khiến ngành chăn nuôi VN rơi vào thế “vỡ trận”, hàng loạt DN và hộ chăn nuôi rơi vào thua lỗ, phá sản. Nhiều bà con chăn nuôi tố khổ rằng, chẳng ở đâu và cũng chưa bao giờ giá các loại bắp, đậu nành, bột cá, sắn… lại tăng đến 14 lần như năm 2010 vừa qua và từ đầu năm 2011 đến nay lại tiếp tục thiết lập mặt bằng giá mới gây điêu đứng cho toàn ngành chăn nuôi.

Sở dĩ thị trường TĂCN VN luôn trong thế “nhảy đổng” và không thể chủ động điều tiết được là vì VN đang phụ thuộc quá lớn vào nguồn nguyên liệu của thế giới khi mỗi năm bỏ ra gần 3 tỷ USD để nhập khẩu bắp, đậu nành, bột cá… Chính điều này đã khiến giá TĂCN của VN luôn cao hơn các nước: ví dụ so với Thái Lan, Trung Quốc TĂCN của VN cao hơn từ 10 – 15% và sản phẩm của ngành chăn nuôi VN không thể cạnh tranh được.

Hiệp hội TĂCN cũng từng nhiều lần lên tiếng về sự bất cập liên quan đến chính sách phát triển vùng nguyên liệu trong nước để chủ động giảm giá thành. Cụ thể là hàng loạt vùng trồng ngô như Sơn La, Đồng Nai, Đăk Lăk, Nghệ An… hầu hết đều chưa được quy hoạch để đầu tư thuỷ lợi; gần như người dân phát triển theo kiểu tự phát, không được đầu tư đúng mức để đưa năng suất, chất lượng nguyên liệu TĂCN đi lên. Chính sự “quen” phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nước ngoài đã khiến ngành chăn nuôi VN luôn phải đối mặt với rủi ro về giá cả TĂCN khi có những biến động lớn.

Theo ông Phạm Đức Bình – Giám đốc Cty Chăn nuôi Thanh Bình (Đồng Nai), DN và ngành chăn nuôi nước ta không chỉ gặp khốn khó vì nguồn nguyên liệu TĂCN phụ thuộc gần như hoàn toàn vào thị trường thế giới; các DN và trang trại khi đầu tư vào chăn nuôi còn phải chịu lãi suất cao, cước vận chuyển, tỉ giá thay đổi như “cơm bữa”, cộng với đủ các phí đầu vào như điện, xăng đều ở thế thượng đỉnh. Chính vì thế mới có chuyện thịt ngoại khi vào VN, dù phải trải qua nhiều tay, nhiều chặng đường dài nhưng vẫn rẻ hơn thịt nội. Đơn giản là trong khi chi phí sản xuất 1 tạ thịt heo của nhiều nước chỉ ở mức trên 100 USD thì ở VN cao hơn từ 1,5 – 2 lần, trong đó giá TĂCN quá cao là nguyên nhân chính gây nên sự bất hợp lý này.

 Ông Chung Kim – chủ trang trại heo lớn nhất huyện Bến Cát, Bình Dương khi trao đổi với NNVN đã không giấu được nỗi bức xúc khi chứng kiến cảnh ngành chăn nuôi VN ngày càng rơi vào trạng thái “thoi thóp” và có thể “chết” bất cứ lúc nào. “Chính sách thiếu, dịch bệnh hoành hành, đặc biệt là giá TĂCN bóp nghẹt người nông dân như vậy thì làm sao có thể phát triển bình thường được. Vì thế, chính sách cho ngành chăn nuôi sắp tới phải có những đột phá, thực sự xứng tầm, làm kim chỉ nam dẫn đường; trong đó phải đặc biệt quan tâm đến những biện pháp khống chế dịch bệnh và phát triển nguồn nguyên liệu chăn nuôi” – ông Kim nói.

NĂM 2012, “CÁCH MẠNG” CÂY BIẾN ĐỔI GEN?

TS.Dương Hoa Xô – Giám đốc Trung tâm Công nghệ Sinh học TPHCM, một thành viên trong Hội đồng an toàn sinh học của Bộ NN-PTNT trực tiếp khảo sát việc thực hiện khảo nghiệm trên diện rộng cây ngô biến đổi gen tại VN cho biết, VN đang tập trung khảo nghiệm cây ngô đầu tiên nhằm giúp ngành TĂCN hạn chế phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu.

“Tôi cho rằng, nếu chúng ta sớm đưa được giống ngô biến đổi gen vào trồng thì sẽ phần nào giải được bài toán thiếu hụt nguyên liệu này vì giống biến đổi gen có ưu điểm: Hạn chế được sâu đục thân, đỡ công làm cỏ, hạn chế hao hụt năng suất, từ đó sản lượng ngô sẽ tăng ít nhất từ 10 – 15%. Ngoài ra, ngô biến đổi gen sẽ làm giảm việc phun thuốc trừ sâu nên có lợi lớn cho môi trường. Tại Đại học Michigan của Mỹ, họ đã nghiên cứu chuyển tới 4 gen cho cây ngô, trong khi VN mới chỉ đang khảo nghiệm chuyển 1- 2 gen thôi” – TS Xô nói.

Trao đổi với NNVN, PGS.TS Lê Huy Hàm - Viện trưởng Viện Di truyền nông nghiệp (Bộ NN-PTNT) cho biết, nếu không có gì thay đổi thì bắt đầu từ năm 2012, VN sẽ chính thức có cây trồng biến đổi gen và cây ngô sẽ “xung trận” đầu tiên. Cụ thể, kết quả khảo nghiệm giống ngô biến đổi gen trên diện hẹp tại Hưng Yên và Bà Rịa – Vũng Tàu vừa qua đã cho kết quả rất tốt. Các giống biến đổi gen đã chứng minh có thể giúp nâng cao chất lượng cây trồng, hiệu quả kinh tế cao.

Hiện việc khảo nghiệm cây ngô biến đổi gen đang tiếp tục được thực hiện tại 2 điểm phía Bắc và 2 điểm ở trong Nam, mỗi điểm khảo nghiệm sẽ đại diện cho một vùng sinh thái: phía Nam sẽ khảo nghiệm ở vùng Đông Nam bộ và Tây Nguyên; còn phía Bắc là trung du miền núi và đồng bằng sông Hồng.

 TS. Dương Hoa Xô cho biết: “Tôi cũng mới đi thị sát việc khảo nghiệm này tại Trung tâm Nghiên cứu Hưng Lộc ở Đồng Nai và thấy mọi việc rất thuận lợi. Theo tôi, nếu kết quả diện hẹp tốt rồi thì chắc chắn khảo nghiệm diện rộng sẽ khả quan và cuối năm sẽ có kết quả gửi lên Hội đồng an toàn sinh học. Hội đồng sẽ họp đánh giá, trình lên Bộ NN-PTNT và chuyển qua cho Bộ TN-MT. Nếu Bộ TN-MT chấp nhận kết quả khảo nghiệm thì cây ngô biến đổi gen sẽ chính thức được đưa vào sản xuất từ năm 2012. Phía Bộ NN-PTNT rất quyết tâm, các nhà khoa học bên nông nghiệp cũng hầu hết ủng hộ và bản thân lãnh đạo Bộ NN-PTNT cũng đánh giá đây là tiến bộ của thế kỷ 21”.

Theo tìm hiểu của NNVN, cùng với cây ngô thì cây đậu nành và cây bông chuyển gen cũng sẽ lần lượt được khảo nghiệm để nhanh chóng đưa vào sản xuất đại trà tại VN. Trong số 3 cây này thì có tới 2 cây là ngô và đậu nành sẽ phục vụ cho chiến lược dài hơi: đầu tư cho một vùng chuyên canh nguyên liệu để ổn định giá TĂCN đang vô cùng nóng bỏng hiện nay. Việc làm này đáng mừng là đã được Chính phủ mở đường khi trong “Chương trình công nghệ sinh học phục vụ nông nghiệp – nông thôn đến năm 2020”, Chính phủ cũng đã thể hiện quyết tâm rất rõ khi yêu cầu: Đến năm 2015 – 2020, các tiến bộ kỹ thuật về giống mới của cây ngô, đậu nành và bông đưa vào sản xuất thì 50% phải là giống chuyển gen.

TS. Dương Hoa Xô - Giám đốc Trung tâm Công nghệ Sinh học TPHCM: CÂY BIẾN ĐỔI GEN ĐÃ PHỔ BIẾN TRÊN THẾ GIỚI

Nhiều ý kiến bày tỏ sự lo ngại về tính an toàn của cây trồng biến đổi gen. TS nhận thấy sự lo ngại đó có cơ sở không?

Tôi cho rằng sự lo ngại đó không có cơ sở vì chưa có bằng chứng nào cho thấy cây trồng biến đổi gen gây ra những tác hại về sức khỏe cho con người cũng như môi trường. Tất nhiên sự lo ngại này cũng dễ hiểu vì cái gì mới, đặc biệt là thực phẩm, khi xuất hiện bao giờ cũng bị mọi người đón nhận với thái độ thận trọng, cảnh giác. Điều này thể hiện rất rõ trong các bộ, ngành liên quan đến cây trồng biến đổi gen như Bộ NN-PTNT, Bộ TN-MT, Bộ Y tế… Dù phía Bộ NN-PTNT rất quyết tâm nhưng do gặp phải nhiều ý kiến khác nhau, chưa thống nhất từ các bộ ngành khác nên việc ứng dụng đưa giống biến đổi gen vào sản xuất tại nước ta hiện diễn ra còn chậm.

Vậy TS có thông tin gì cụ thể về việc ứng dụng cây trồng biến đổi gen trên thế giới để chứng minh rằng nó đang là xu hướng chung của nhân loại hay không?

Tôi khẳng định là cây trồng biến đổi gen đã phổ biến trên thế giới từ lâu rồi. Hiện Mỹ đang đứng đầu về diện tích cây trồng biến đổi gen với 90% diện tích cây ngô và 85% diện tích cây đậu nành là cây trồng chuyển gen. Tôi đã từng trực tiếp được đi học một khóa về cây trồng biến đổi gen bên Mỹ, xuống thăm tận nơi nông dân dân Mỹ trồng cây ngô chuyển gen (diện tích cả nghìn ha/hộ) và được họ khẳng định rất rõ ràng: “Gần như toàn bộ diện tích trồng ngô và đậu nành của Mỹ là giống biến đổi gen, thì tất nhiên 300 triệu dân Mỹ đang ăn ngô và đậu nành chuyển gen đấy chứ”.

Ngoài Mỹ, nhiều nước Nam Mỹ đặc biệt là Braxin, Achentina cũng có diện tích cây biến đổi gen lớn. Còn tại châu Á thì có Ấn Độ đang trồng ngô, đậu nành và đặc biệt là bông giống chuyển gen với diện tích bông đứng đầu thế giới. Ngoài Trung Quốc, Ấn Độ, Philippin và châu Âu thì có Tây Ban Nha, Slovakia… trồng rất nhiều cây biến đổi gen. Năm 2010 theo kết quả tổng hợp thì toàn thế giới đã có 25 nước với 130 triệu ha trồng giống biến đổi gen rồi.

Xin cảm ơn TS!

Xem thêm
Một con bò có thể tạo ra 2 tỷ điểm dữ liệu trong suốt cuộc đời

Theo các chuyên gia ngành chăn nuôi Mỹ, ứng dụng công nghệ gen đóng vai trò quan trọng trong nhân giống bò sữa, giúp tối đa hóa tiến bộ di truyền.

Truy tố những trường hợp để chó, mèo gây hậu quả nghiêm trọng

Đắk Lắk sẽ điều tra, truy tố, xử lý nghiêm những trường hợp không tuân thủ quy định trong việc nuôi, quản lý chó, mèo để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

Đốt rơm rạ là... đốt tiền

ĐỒNG THÁP Chưa khi nào nông dân thấy giá trị của rơm rạ như bây giờ, thu hoạch xong không đốt bỏ mà bán cho hợp tác xã, xử lý thành các sản phẩm đa dụng...

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm