| Hotline: 0983.970.780

Sát thủ rắn lục

Thứ Sáu 17/02/2012 , 10:18 (GMT+7)

Hắn khiến mọi người kinh hãi bởi nghề bắt rắn lục đuôi đỏ bằng tay không. Hành trang của hắn là hai bộ quần áo nhuộm phèn, đồ nghề là cây gậy sắt phi 6 bẻ cong đầu. Hắn du cư khắp vùng sông nước miền Tây, suốt 20 năm qua cứ ngày ngủ, đêm lại sục sạo tìm rắn.

Hắn khiến mọi người kinh hãi bởi nghề bắt rắn lục đuôi đỏ bằng tay không. Hành trang của hắn là hai bộ quần áo nhuộm phèn, đồ nghề là cây gậy sắt phi 6 bẻ cong đầu. Hắn du cư khắp vùng sông nước miền Tây, suốt 20 năm qua cứ ngày ngủ, đêm lại sục sạo tìm rắn.

Vì nghèo mà săn rắn thành nghiệp

Dăm bảy lần hẹn hò, mãi mới đây, hắn hẹn tôi đón xe đò xuôi về huyện Tam Nông (Đồng Tháp). Đầu giờ chiều, tôi vừa xuống đến nơi, hắn ghé chợ nhỏ để sạc bình điện, mua gạo, nước mắm, dầu ăn, bột ngọt…rồi lội bộ một cây số vòng vèo theo bờ đê ngăn lũ đến nhà anh Bảy.

Anh Bảy chuyên sống bằng nghề đốn tràm thuê, cũng nghèo như hắn nên mọi khi vẫn cho hắn ở trọ không lấy tiền. Vậy nhưng khi hắn đi bắt rắn trở về (thường vào giấc 3 đến 4 giờ sáng) cũng chỉ xin ngủ dưới sàn nhà để không phá giấc ngủ của gia đình. Những nơi hắn đến, mọi người thường quen gọi hắn là “Hai rắn lục”.

Cơm chiều xong, đợi đến chạng vạng, hắn thuê chiếc xuồng ba lá của anh Bảy (20.000đ/đêm), ra hiệu cho tôi lên ngồi phía trước, hắn ngồi phía sau chèo. Chiếc ghe mỏng manh bắt đầu khua đều đều xuống mặt nước, một chiếc bo bo vừa chạy qua, sóng hất tung chiếc xuồng lên, chòng chành suýt lật. Hắn kể, có lần chiếc bo bo rượt đuổi ghe buôn lậu vè vè sát bên làm lật xuồng, hắn phải vất vả lật ngửa xuồng lại, rồi lặn mò mấy món đồ linh tinh trên xuồng đã chìm xuống sông.  

Bắt đầu một đêm săn rắn

Chèo khoảng nửa giờ trên sông lớn, hắn rẽ vô kênh nhỏ giữa rừng tràm, quét đèn liên tục vào hai bờ. Tôi căng mắt đảo theo hướng đèn nhưng chẳng hề phát hiện chú rắn nào. Lúc sau bỗng thấy hắn vội tấp vào bờ, rọi thẳng đèn vào bụi rậm, tôi mới nhận ra một con rắn lục đuôi đỏ nằm cuộn tròn. Hắn dùng cây móc kéo rắn rớt xuống xuồng, chộp cổ rắn, đưa cây móc vào miệng, lấy ngón tay ấn gãy hai răng nanh, chừng ấy thao tác hắn chỉ làm trong tích tắc.

Giải thích với tôi, hắn bảo: “Mình phải bẻ răng nanh để nhốt chung cho chúng không cắn nhau. Rắn lục khi bị mất nanh vẫn không mất giá như rắn hổ mang đâu vì rắn lục dùng để sấy thành bột trị bệnh, còn hổ mang phải để nguyên nanh, khi ngâm cho phùng mang khoe hàm trong hũ rượu…".

Tiếp tục, hắn lại quét đèn lên ngọn cây, dùng cây trúc dài 5 mét móc con rắn lục mũi tên (thân dài, cắn không chết người), rắn bám cây trúc tuột xuống, hắn chộp bỏ vào túi đựng rắn nhanh lẹ như làm… xiếc. Tưởng đơn giản vậy, nhưng người bình thường chỉ cần chứng kiến “pha” bắt rắn của hắn cũng đủ rùng mình.

Hắn kể, ngày xưa hắn móc con rắn rơi tự do và lấy tay chụp, sau này hắn có kinh nghiệm nên chỉ móc ở khoảng 1/3 thân rắn về phía đầu, rắn sẽ bị mất đà nhưng kịp bám vào cây trúc tuột xuống và chộp rất dễ dàng và an toàn. Có đoạn xuồng chui qua lau lách, nhánh cây quẹt vào, tôi co rúm người lại, hắn trấn an: “Đừng sợ, từ xa mình quét đèn đã không thấy rắn rồi”.

Đêm đầu tiên, chỉ sau hai giờ hắn tóm được tám con đuôi đỏ và một con mũi tên thì trời đổ mưa lớn. Tát nước không xuể, hắn cho xuồng lên bìa rừng tràm, tháo đèn trên đầu bỏ xuống xuồng, người ướt mèm, áo dính sát vào da. Nửa giờ sau mưa nhẹ hạt, hắn lại tiếp tục chèo bắt, đến 3 giờ sáng được 30 con, hắn nói đủ chỉ tiêu và chèo về.

Cái bụng hắn thóp teo như không có bao tử, tôi chợt thấy hắn giống hệt như con rắn lục. Rắn lục đói ban đêm ra săn mồi, còn hắn nghèo ban đêm đi săn rắn. Nhưng, hắn nhanh hơn rắn, rắn chưa kịp săn mồi đã bị hắn săn.

Đêm hôm sau vẫn theo hắn đi tìm rắn, tôi mới thật sự tin tưởng cặp “thiên lý nhãn” của hắn. Nhắm theo đoạn đê bao chừng gần chục cây số đến chỗ mướn xuồng, hắn chở tôi trên chiếc xe máy Tàu cà tàng, vừa chạy vừa quét đèn vào bụi cây ven đường, thấy rắn là hắn dừng lại, lần lượt hốt bốn con đuôi đỏ. Đêm nay đổi vùng, hắn dẫn tôi xuống nhà ông Út mướn xuồng chèo đến neo ở một bờ kênh xáng rồi men theo hai bên bờ kênh bắt rắn. Xong, hắn quay lại xuồng, chèo qua bờ kênh khác đậu. Ngoài bốn con bắt được khi chạy xe, hắn bắt thêm tám con nữa. Hắn giải thích, chèo xuồng chỉ rọi đèn một chiều bắt sẽ sót rắn, đi bộ bận đi và bận về, rọi cả hai mặt bụi cây sẽ bắt được nhiều hơn. Đêm đó, chúng tôi đi bộ hết bốn bờ kênh, tổng chiều dài hơn 30 km, hắn bắt được 31 con rắn, trở về nhà lúc rạng sáng.

Chết cũng đành chịu

Tình cờ tôi nghe danh Hai rắn lục qua lời kể của một người bán rắn dạo nhà ở Tây Ninh. Tôi tìm đến tận nhà hắn ở Tây Ninh để xin đi theo xem hắn bắt rắn. Thấy tôi nhiệt tình muốn xin theo, hắn trầm ngâm một lúc rồi ra điều kiện: “Đi theo viết bài nhưng không được ghi rõ tên địa chỉ nhà và địa điểm cụ thể nơi bắt rắn, vì đó là bí mật của nghiệp rắn...". 

Rắn lục ẩn mình trong những vòm lá cây vùng sông nước

Một đêm ngồi lai rai với nhau, nghe hắn kể về cuộc đời lận đận của hắn. Gia đình hắn, ba mất sớm, bỏ lại hắn và đứa em gái. Mẹ hắn tái giá, có thêm hai người con nữa. Không mảnh đất cắm dùi, hắn đi làm mướn, chăn vịt từ nhỏ. Năm 1990, hắn đi bắt rắn bán lại cho vựa rắn. Nguồn rắn ở Tây Ninh cạn kiệt, hắn mở rộng địa bàn, đi Bình Phước, Bình Dương, Đồng Nai, Bình Thuận. Vậy nhưng dần dần những nơi này cũng “cạn” rắn, hắn lỗ.

Rắn lục đuôi đỏ thuộc họ rắn lục (Viperidae), bộ có vảy (Squamata), là một trong các loài rắn có nọc độc mà mức độ độc của nó chỉ đứng sau loài rắn hổ mang chúa. Rắn lục mình xanh và đuôi có màu nâu đỏ, chiều dài tối đa khoảng 60 cm với cân nặng khoảng 300gram.

Phần lớn thời gian sông trên cây, vì thế nên da có màu xanh để có thể dễ ràng ngụy trang. Thị lực của rắn lục rất tốt vào ban đêm nhưng ngược lại ban ngày thì thị lực yếu.

Năm 2004, hắn quyết định chuyển "nghiệp săn rắn lục" bằng tay, vì tất cả những người bắt rắn đều bắt được rắn lục, nhưng họ bắt bằng kẹp sắt hoặc chích điện khiến rắn gãy xương sống, tổn thương tim, chỉ sống được vài ngày. Còn hắn bắt bằng tay, rắn không bị thương nên chủ vựa rất chuộng.

Người bán dạo thường kiêm việc giết mổ, sấy khô, xay thành bột trước mặt người mua (để làm thuốc trị bệnh) với giá 120.000đ - 200.000đ/con. Vậy nhưng, hắn còn ý thức bảo tồn rắn lục, đến vùng nào bắt dưới 20 con/đêm là hắn chuyển ngay sang vùng khác đến vài năm sau mới quay lại để chờ cho chúng sinh sản. Trung bình mỗi đợt đi bắt nửa tháng, hắn bán được từ 4-5 triệu đồng, trừ chi phí và một triệu đồng dằn bóp (ví), hắn về đưa vợ được 1,5 - 2 triệu đồng. Vậy nhưng tiền dằn bóp cũng chẳng yên, khi gặp bạn bè lại nhậu hết, đến ngày đi săn hắn phải xin vợ khoản tiền lộ phí.

Dẫu biết nghề săn rắn có khi phải đánh đổi mạng sống nhưng hắn vẫn xem là cái nghiệp. Nhiều người bị rắn lục đuôi đỏ cắn chết vì nhức, phù người, hoại tử và hắn cũng bị nó cắn đến cả chục lần nhưng vì có thuốc chữa nên thoát chết. Thậm chí khi bị cắn, hắn chỉ đắp thuốc cho bớt nhức rồi lại nhanh chóng lên đường cho đủ “chỉ tiêu” 30 con. Hắn bảo, không bao giờ hắn muốn truyền nghề cho bạn bè vì nhiều người bắt thì rắn lục đuôi đỏ sẽ tuyệt chủng.

Xem thêm
Đảng ủy Bộ NN-PTNT bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024

Ngày 27/3, tại Trường Cán bộ quản lý NN-PTNT, Đảng ủy Bộ NN-PTNT đã tổ chức Bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024.

10 năm lực lượng kiểm ngư cùng ngư dân bám biển

Trong 10 năm qua, lực lượng kiểm ngư ngày đêm bám biển, điều động hơn 1.500 lượt tàu tuần tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá trên các vùng biển Việt Nam.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Hội các ngành Sinh học Việt Nam ra mắt Ban Chấp hành nhiệm kỳ mới

Hội các ngành Sinh học Việt Nam ngày 29/3 đã ra mắt Ban Chấp hành khóa VII, nhiệm kỳ 2024 - 2029 với 49 Ủy viên.

Bình luận mới nhất