| Hotline: 0983.970.780

Sau cơn lốc vàng

Thứ Năm 05/09/2013 , 09:47 (GMT+7)

Dù phong trào đi tìm vàng ở Kim Sơn (Ninh Bình) đã lắng xuống sau hơn chục năm rầm rộ, nhưng đến nay hệ lụy của cơn lốc vàng vẫn còn đeo bám người dân.

Dù phong trào đi tìm vàng ở Kim Sơn (Ninh Bình) đã lắng xuống sau hơn chục năm rầm rộ, nhưng đến nay hệ lụy của cơn lốc vàng vẫn còn đeo bám người dân.

Nhà nhà đi tìm vàng

Những năm 90 thế kỉ trước, cơn lốc tìm vàng lan rộng khắp huyện Kim Sơn, đi đâu cũng chỉ nghe mọi người bàn chuyện đi đào vàng. Trung niên đi, thanh niên đi, đến cả những đứa trẻ mới lớn cũng vội vã tìm đến những bãi vàng. Người người đi đào vàng, nhà nhà nhà đi đào vàng, phong trào đi đào vàng lúc ấy đã ăn sâu vào tiềm thức mọi người và ai cũng xem đó là hướng thoát nghèo nhanh nhất.

Phong trào đi tìm vàng rầm rộ ở Kim Sơn như vậy bởi mỗi ngày lễ tết, đám phu vàng trở về dành dụm được vài đồng lại phát căn bệnh sĩ diện. Có bao nhiêu tiền họ dốc hết vào quà cáp cho hai bên nội ngoại và sắm tết.

Ai hỏi đến công việc thì huyên thuyên, nào là nhiều việc, nhàn lại hái ra tiền đã khiến không ít người mơ tưởng về một miền đất hứa với tương lai sáng lạn. Và cứ thế, kẻ đi trước dối người đi sau, cả làng ùn ùn kéo nhau đi như có hội. Không chỉ đi lẻ, họ còn lập thành từng đội, mỗi đội có 10- 20 người, chủ yếu là con cháu trong nhà hoặc người cùng một thôn.

Họ tìm đến tận Na Rì (Bắc Kạn), Bản Lá (Thái Nguyên), Cao Bằng, Sơn La, tiến sâu vào Quỳ Hợp (Nghệ An) rồi cứ lang bạt khắp dải Trường Sơn để vào Lâm Đồng, Kon Tum.

Để giữ chân đám thợ đào vàng, nhiều chủ bưởng đã biến thợ vàng thành những con nghiện bằng cách cho ma túy, gái mại dâm để dân phu vàng giải sầu. Dần dà, họ nghiện nặng đến nỗi không thể rời bãi vàng nửa bước, đến khi sức tàn lực kiệt, dù muốn dù không chủ bưởng cũng tống ra khỏi bãi.


Giọt nước mắt của chị Phạm Thị S (Yên Lộc, Kim Sơn) khi biết mình bị nhiễm HIV từ chồng

Trở về sau 10 năm lăn lộn với bãi vàng, anh N.V.H (xã Ân Hòa) vẫn chưa quên được những tháng ngày gian khổ trên rừng rú, anh kể lại, khoảng năm 1994 có một vài người trong làng đi đào vàng ở Bắc Kạn thấy cũng có tiền gửi về cho gia đình trả được nợ và xây được căn nhà khang trang, lại còn kéo cả mấy anh em trong nhà đi nên ai cũng nghĩ là làm ăn được.

Thấy thế, anh cũng xin gia đình đi đào vàng, cùng đi với anh còn có rất nhiều người, ai cũng muốn trúng mánh lấy tiền về xây nhà lầu và giúp con cái học hành đầy đủ. Nhưng thực tế khác xa với những gì anh nghĩ, những ngày trên bãi vàng là những ngày cùng cực nhất, làm quần quật cả ngày cũng chỉ đủ ăn.

Xa gia đình, xa người yêu, lại thiếu thốn tình cảm, ngoài giờ làm anh chỉ còn biết đến rượu và ma túy để quên đi nỗi buồn, rồi anh nghiện lúc nào không biết. Bao nhiêu tiền công kiếm được chỉ đủ chu cấp cho ma túy.

Sau tám năm lăn lộn bãi vàng, thấy anh sức khỏe yếu chủ bưởng cho anh nghỉ. Anh trở về nhà với bộ dạng bủng beo, tiều tụy, người thân nhìn thấy mà ứa nước mắt. Không chỉ anh mà hàng ngàn phu vàng ở huyện Kim Sơn cũng chịu cảnh tương tự.

Phủ bóng tang thương

Phong trào đi đào vàng ở Kim Sơn chỉ tạm lắng xuống khi các cơ quan chức năng truy quét ráo riết và cho đóng cửa các bãi vàng tự do. Tuy nhiên, cuộc sống phóng túng những tháng ngày ở rừng đã khiến những phu vàng phải trả giá bằng tính mạng của mình.

Khi trở về quê, thi thoảng có những phu vàng bị chết và có biểu hiện của căn bệnh HIV. Nhiều phu vàng sợ hãi không dám đi xét nghiệm, đến khi xét nghiệm mới biết mình đã mắc phải căn bệnh thế kỉ.

Trường hợp gia đình ông Chu Văn T (xóm 6, Ân Hòa) đau đớn hơn cả khi chỉ trong 2 năm, lần lượt 3 người con trai và 1 người con rể của ông chết vì HIV. Hoặc câu chuyện thương tâm của gia đình ông P.V.N (xóm 14, Ân Hòa), chết lần lượt 3 người con (một trai, một gái, một con rể) chỉ trong 53 ngày. Hay trương hợp gia đình ông N.V.C (Ân Hòa) có hai người chết trong vòng một tháng lại thêm một lần phủ bóng tang thương xuống vùng quê yên bình này.

Không những thế, những người trở về từ bãi vàng còn là nguồn lây bệnh cho chính những người thân trong gia đình như trường hợp gia đình chị D.T.X (Ân Hòa). Đi tìm vàng trở về, chồng chị X mang theo căn bệnh quái ác trong cơ thể mà không biết, thế rồi anh truyền bệnh sang cả vợ và đứa con nhỏ còn trong bụng mẹ. "Tôi chết không sao nhưng con tôi có tội gì chứ", chị X khóc mỗi khi nhắc lại câu chuyện buồn.

Những trường hợp mất chồng, mất vợ vì HIV ở huyện Kim Sơn bây giờ không phải là ít, họ mất đi để lại những người vợ góa chồng, những đứa trẻ mất cha khiến cuộc sống vốn đã khó lại càng khó hơn.


Tuyên truyền phòng chống HIV ở Kim Sơn

Anh Q (Ân Hòa) đi làm vàng gần chục năm nhưng chẳng giúp gia đình được là bao, trái lại còn mang theo căn bệnh thế kỉ vào người. Để có tiền chữa bệnh cho chồng, vợ anh đã bán hết đồ đạc của gia đình và vay nợ gần ba chục triệu đồng. Không những thế, chị còn là lao động chính làm việc để nuôi ông chồng bệnh tật và ba đứa con nhỏ khiến chị suy kiệt một cách nhanh chóng.

Đến khi nằm viện các bác sĩ xét nghiệm cho biết chị nhiễm HIV và nguồn lây từ chính người chồng của mình. 6 tháng sau chị mất, để lại đứa con 3 tuổi sớm mồ côi mẹ.

Theo Phòng LĐ-TBXH huyện Kim Sơn, cơn lốc đi tìm vàng ở các tỉnh miền núi phía Bắc và Tây Nguyên là nguyên nhân chính dẫn đến lây lan căn bệnh HIV ở Kim Sơn. Tuy đã có nhiều trường hợp chết vì căn bệnh này nhưng việc đi đào vàng vẫn chưa chấm dứt. Phòng LĐ-TBXH phối hợp các cơ quan năng trong huyện tổ chức tuyên truyền, vận động người dân biết cách phòng chống và giúp người có H hòa nhập cộng đồng.

Hiện ở Kim Sơn có 766 trường hợp nhiễm HIV, trong đó nam là 630 người, nữ là 136 người tập trung ở các xã Ân Hòa (85 người), Hùng Tiến (85 người), thị trấn Phát Diệm (69 người).

Xem thêm
Đảng ủy Bộ NN-PTNT bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024

Ngày 27/3, tại Trường Cán bộ quản lý NN-PTNT, Đảng ủy Bộ NN-PTNT đã tổ chức Bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024.

Nhãn, vải ra hoa ít, ong nuôi ‘đói’ mật, nông dân thất thu

Vụ mật ong xuân năm nay chỉ có 40% số hộ nuôi ong mật nội rừng ở Kinh Môn (Hải Dương) thu được mật, sản lượng giảm so với vụ xuân trước.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Giông lốc gây thiệt hại tài sản, hoa màu của người dân Si Ma Cai

Lào Cai Giông lốc, mưa lớn gây ảnh hưởng đến mùa màng của người dân trên địa bàn huyện Si Ma Cai và huyện Mường Khương.

Bình luận mới nhất