| Hotline: 0983.970.780

Sâu đục thân lúa và cách phòng trừ

Thứ Ba 20/12/2011 , 10:57 (GMT+7)

Cùng với rầy nâu, sâu cuốn lá, sâu đục thân bướm hai chấm (Tryporyza incertulas) cũng là loài sâu gây hại khá phổ biến ở nhiều vùng trồng lúa của nước ta. Trưởng thành của chúng có màu nâu vàng nhạt (con đực), con cái có màu trắng vàng và có chùm lông màu vàng nhạt ở cuối bụng (dùng để phủ lên ổ trứng sau khi đẻ).

Mỗi cánh trước có một chấm đen rất rõ ở giữa cánh, trưởng thành vũ hoá và giao phối vào ban đêm, ban ngày ẩn nấp dưới khóm lúa gần mặt nước, khi bị khua động thì bay là là mặt lúa khoảng vài mét. Mỗi con cái có thể đẻ từ 1-5 ổ trứng (tùy theo lứa, mỗi ổ trung bình khoảng 50-150 trứng, cá biệt tới gần 300 trứng).

Trứng được đẻ thành từng ổ trên lá lúa, ổ trứng có hình bầu dục, ở giữa nhô lên, lớn bằng khoảng nửa hạt đậu xanh, có lớp lông tơ màu vàng phủ bên ngoài. Sâu non có 5 tuổi, màu trắng sữa hoặc vàng nhạt, khi còn nhỏ đầu sâu non có màu đen, từ tuổi 2, 3 trở đi đầu có màu nâu.

Sâu non đục vào thân cây lúa, cắn phá phần non của gốc lá lúa hoặc cuống bông lúa, gây hiện tượng nõn héo (thời kỳ lúa đẻ nhánh) hoặc bông bạc (thời kỳ sau lúa trổ). Những cây lúa bị sâu gây hại, sẽ không cho thu hoạch. Đẫy sức sâu hóa nhộng trong thân cây lúa, mới đầu nhộng có màu trắng sữa, sau chuyển sang màu vàng nhạt. Một năm sâu đục thân bướm 2 chấm thường có khoảng 6-7 lứa. Điều kiện nhiệt độ ấm nóng và ẩm độ cao thích hợp cho sâu phát sinh phát triển và gây hại mạnh.

Để hạn chế tác hại của sâu, bà con có thể áp dụng kết hợp một cách đồng bộ và hợp lý những biện pháp trong quy trình quản lý dịch hại tổng hợp. Sau đây là một số biện pháp chính:

-Khi thu hoạch, nên cắt sát gốc rạ, để có thể thu gom được cả những con sâu, nhộng nằm sát dưới gốc cây lúa rồi đưa rơm rạ ra khỏi ruộng làm chất đốt.

-Sau khi thu hoạch cần tranh thủ cày lật đất phơi ải hoặc bơm nước ngâm ruộng sớm, để diệt sâu nhộng còn tồn tại trên gốc rạ, hạn chế mật độ sâu ở các vụ sau.

-Những vùng thường bị sau gây hại nặng hàng năm, tùy theo lịch thời vụ của địa phương. Nếu được nên bố trí lịch gieo cấy thích hợp để giai đoạn mạ, đẻ nhánh làm đòng né tránh được các cao điểm của sâu.

-Nếu ruộng mạ bị sâu gây hại nhiều, nên tổ chức ngắt ổ trứng trên mạ đem tiêu hủy. Trước khi nhổ cấy vài ngày nên sử lý một đợt thuốc để diệt sâu. Loại bỏ các dảnh mạ bị sâu gây hại trước khi đưa mạ ra ruộng cấy.

-Gieo cấy với mật độ hợp lý. Phải bón cân đối giữa đạm, lân và kali, không bón quá nhiều phân đạm làm bộ lá xanh đậm, dễ thu hút trưởng thành của sâu bay đến đẻ trứng.

-Khi sâu non đang gây hại mạnh, nếu có thể được nên bơm nước ngập thân cây lúa vài ngày để diệt sâu non đang nằm trong thân cây.

-Nếu điều kiện cho phép, nên tổ chức bẫy đèn đồng loạt trên diện rộng để bắt con trưởng thành khi chúng ra rộ. Sau khi trưởng thành ra rộ vài ngày, nên tổ chức đi ngắt ổ trứng tiêu huỷ.

Kiểm tra đồng ruộng thường xuyên để phát hiện sớm và phun (rải) thuốc diệt trừ sâu kịp thời. Khi thấy trưởng thành ra rộ hoặc lá nõn, bông lúa chớm bị héo thì bà con dùng thuốc Sairifos 585EC (pha 10-15 ml/bình 8 lít), hoặc Gà nòi 95SP (pha 15-20gram/bình 8 lít). Pha xong phun 5 bình/1.000m2.

Ngoài ra, bà con cũng có thể sử dụng một trong những loại thuốc hột để rải xuống ruộng như: Sargent 6G (rải 8-10kg thuốc/ha), Gà nòi 4G (rải 15-20 kg thuốc/ha), hoặc Sago super 3G (rải 15-20kg/ha). Khi rải thuốc, nhớ là trên ruộng phải có một lớp nước sâu từ 3-5cm và giữ mực nước này ít nhất từ 3-5 ngày sau khi rải thuốc.

Xem thêm
Hơn 370ha tôm nuôi bị thiệt hại do nắng nóng

TRÀ VINH Theo Sở NN-PTNT tỉnh Trà Vinh, hiện toàn tỉnh đã có hơn 122ha nuôi tôm sú cùng hơn 249ha nuôi tôm thẻ chân trắng bị thiệt hại do ảnh hưởng nắng nóng gay gắt.

Điều động 1 kíp tàu tuần tra, phòng chống khai thác IUU

Từ ngày 22/4, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu điều động 1 kíp tàu tuần tra, kiểm soát kết hợp tuyên truyền phòng, chống khai thác IUU trên vùng biển do đơn vị quản lý.

Xuất khẩu thủy sản 2 tháng đầu năm tăng 22,3%

Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 1,3 tỷ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Có máy tời kéo thuyền, ngư dân khỏe re

QUẢNG TRỊ Chiếc máy tời nhỏ gọn nổ xình xịch, kéo theo thuyền đánh cá lên bờ một cách nhẹ nhàng. Ngư dân vì thế giảm được sức người trong khai thác hải sản.