| Hotline: 0983.970.780

Sau khi tăng lương tối thiểu: Cần tính đến những hệ lụy

Thứ Hai 08/08/2011 , 11:01 (GMT+7)

Khi tăng lương tối thiểu là tỷ lệ người lao động thất nghiệp sẽ tăng cao do không tìm được việc làm phù hợp...

Công ty may mặc, nơi có nhiều vụ đình công tập thể do lương quá thấp

Hệ lụy và những nguy cơ phát sinh cùng việc tăng lương tối thiểu tiếp tục được các đại biểu bày tỏ sự quan tâm góp ý trong buổi hội thảo “Tác động của việc tăng lương tối thiểu lên việc làm của người lao động có thu nhập thấp ở Việt Nam” do Bộ LĐ-TB-XH phối hợp Cty Nghiên cứu và Tư vấn Đông Dương tổ chức cuối tuần qua.

Lương tăng: Ai cũng thích

Từ người làm thuê đến dân công sở, và đặc biệt là người lao động đang làm việc trong các nhà máy, khu công nghiệp khi nghe nói đến việc “lương tối thiểu sẽ tăng trong thời gian tới” đều bày tỏ sự phấn khởi bởi trong thời điểm hiện nay, chỉ có cách tăng lương mới "gỡ" được phần nào cho mức giá cả đang leo thang từng ngày.

Được biết, từ năm 2004 đến 2010, lương tối thiểu của người lao động Việt Nam đã tăng hơn 5 lần (từ 120.000 đồng/tháng/người lên 730.000 đồng/tháng/người)…Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Việt Cường, cán bộ Cty Nghiên cứu và Tư vấn Đông Dương, qua nghiên cứu thực tế, đó là mức lương trên danh nghĩa, sổ sách, trong khi tốc độ lương tối thiểu thực tế chỉ tăng khoảng 1,2 lần (gấp hai lần chuẩn nghèo) và vẫn thấp hơn so với tốc độ tăng trưởng GDP.

 Ông dẫn chứng: tháng 5/2009, mặc dù tiền lương tối thiểu danh nghĩa tăng 20% từ 540.000 đồng/tháng/người lên 650.000 đồng/tháng/người, nhưng tiền lương tối thiểu thực tế lại giảm 3%.

Cần tính đến những hệ lụy

Điều khiến ông Nguyễn Việt Cường băn khoăn nhất hiện nay khi tăng lương tối thiểu là tỷ lệ người lao động thất nghiệp sẽ tăng cao (hàng năm nước ta có khoảng 2,38% số người thất nghiệp, trong đó khu vực thành thị chiếm 4,45%) do không tìm được việc làm phù hợp. 

Ông Cường cũng bày tỏ sự lo ngại trước tình trạng cơ cấu lao động ở nước ta đang bị chuyển dịch mạnh theo hướng lao động từ khu vực kinh tế chính thức sang khu vực kinh tế phi chính thức (các cơ sở tư nhân, sản xuất ít nhất một hoặc một vài sản phảm vật chất và dịch vụ để bán hoặc trao đổi, không có đăng ký kinh doanh và không thuộc ngành nông, lâm nghiệp và thuỷ sản). Đây cũng là khu vực kinh tế từng được Thứ trưởng Bộ LĐTB-XH Nguyễn Thanh Hoà ví như một “bến đỗ” an toàn cho những người lao động bị mất việc làm. Tuy nhiên, nó lại dễ bị tổn thương do chế độ chính sách không đảm bảo như ít được hưởng bảo hiểm, thu nhập thấp, ít có cơ hội tiếp cận các chương trình giáo dục và đào tạo bài bản.

Theo thống kê của Bộ LĐTB-XH, từ năm 2008 đến nay đã có 4 lần điều chỉnh mức lương tối thiểu nhằm đảm bảo đời sống cho người lao động. Dự kiến, tại lần tăng vào ngày 1/10/2011 này, Bộ này đề xuất các mức điều chỉnh lương tối thiểu theo từng vùng như sau: Vùng 1: 1,9 triệu đồng. Vùng 2: 1,730 triệu đồng. Vùng 3: 1,550 triệu đồng và vùng 4: 1,400 triệu đồng. Hỗ trợ tiền ăn giữa ca cho người lao động mức tối thiểu 15.000 đồng/bữa/người…

Ông Đặng Như Lợi, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Các vấn đề xã hội Quốc hội cũng đồng tình với nhận định này. Ông Lợi đề nghị cơ quan chức năng cần làm rõ thêm khái niệm thế nào là lương tối thiểu và tác động của việc tăng lương tối thiểu đến người lao động. Ví dụ như lương tối thiểu là mức lương giờ, lương ngày hay lương tháng thấp nhất mà người làm công ăn lương được nhận. Hay lương thực tế bao gồm lương tối thiểu, tiền phụ cấp, tiền thưởng hàng tháng kèm theo những "khoản phụ" khác mà người lao động được hưởng... 

Nên tách khỏi bảng lương

Đại diện cho những người đang nghiên cứu về mức lương tối thiểu dành cho người lao động, ông Cường khuyến nghị Chính phủ khi điều chỉnh lương cần quan tâm thêm những nhóm đối tượng nhận lương dưới mức lương tối thiểu và có chính sách quản lý người sử dụng lao động chấp hành đúng quy định về những mức lương này. Ngoài ra, để tránh tác động không mong muốn của lương tối thiểu lên việc làm thì nên tách lương tối thiểu khỏi hệ thống thang bảng lương. Lúc đó, lương tối thiểu sẽ đúng nghĩa là bảo vệ cho người lao động không bị nhận mức lương thấp không đảm bảo mức sống tối thiểu.

 Còn với ông Đặng Như Lợi, thì tăng lương tối thiểu là vấn đề không chỉ có tính chất quyết định đến đời sống của những người làm công ăn lương mà còn tác động sâu sắc tới các ngành, các lĩnh vực khác nên cần phải tính toán thật cẩn thận, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế đang có nhiều khó khăn như hiện nay.

Xem thêm
Ngành sắn đặt mục tiêu giá trị xuất khẩu đạt 2 tỷ USD vào năm 2030

Bộ NN-PTNT vừa phê duyệt Đề án 'Phát triển bền vững ngành hàng sắn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050' với mục tiêu đến năm 2030 xuất khẩu 1,8 - 2 tỷ USD.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.