| Hotline: 0983.970.780

Sau Manchester là nơi nào?

Thứ Năm 25/05/2017 , 11:15 (GMT+7)

Chính quyền Anh hôm 24/5 đã nâng mức báo động khủng bố lên mức cao nhất, đồng thời tăng cả quân đội lẫn cảnh sát để đảm bảo an ninh.

Vụ tấn công ở Manchester một lần nữa cho thấy, Anh và các nước châu Âu vẫn lúng túng trong việc ngăn chặn nguy cơ khủng bố.
 

Tăng cường an ninh

Theo BBC, đã có 22 người thiệt mạng, gồm một em bé 8 tuổi và cặp đôi người Ba Lan, 59 người khác bị thương trong vụ tấn công ở nhà thi đấu Manchester Arena hôm 22/5. Những người bị thương hiện vẫn được điều trị trong bệnh viện, với 20 người đang ở tình trạng nguy hiểm tới tính mạng. Đây là vụ tấn công gây hậu quả nghiêm trọng nhất về người, tính từ năm 2005. Hồi tháng 7/2005, tổ chức al-Qaeda đã đánh bom hệ thống tàu điện ngầm ở London, khiến 52 người thiệt mạng.

Tưởng niệm các nạn nhân bị thiệt mạng trong vụ tấn công hôm 22/5 ở Manchester, Anh.

Thủ tướng Anh Therese May hôm 24/5 cho biết, mức đe doạ an ninh là “nghiêm trọng”, và một cuộc tấn công khác có thể xảy ra bất kỳ lúc nào. Chính quyền đã triển khai 38.000 binh sĩ trên khắp nước Anh nhằm đảm bảo an ninh. Lực lượng này sẽ hoạt động dưới sự chỉ huy của Sở cảnh sát thủ đô nhằm xác định các vị trí cần canh phòng. Cung điện Buckingham, khu Downing Street, các đại sứ quán và điện Westmintster đều trong danh mục được tăng cường bảo vệ.

Theo tờ Guardian, việc nâng mức báo động lên mức cao nhất do Trung tâm phối hợp phân tích khủng bố (JTAC) đưa ra. Đây là đơn vị chịu trách nhiệm thu thập và phân tích các thông tin về khủng bố ở trong cũng như ngoài nước Anh.  

Ngoài lực lượng quân đội và cảnh sát thường trực, Anh đồng thời triển khai cả an ninh đặc biệt tham gia đảm bảo an ninh ở các khu vực công cộng, những công trình nhạy cảm.
 

Nguy cơ khủng bố tiềm tàng

Cho đến hôm qua, cảnh sát Anh đã xác định nghi phạm thực hiện vụ đánh bom ở nhà thi đấu Manchester Arena là Salman Abedi, một sinh viên 22 tuổi. Hiện vẫn còn những ý kiến khác nhau về cách thức Abedi thực hiện vụ tấn công. Bộ trưởng Nội vụ Anh Amber Rudd cho biết, có khả năng Abedi thực hiện vụ tấn công một mình. Tuy nhiên, giới chức Anh không loại trừ khả năng Abedi nhận được sự hỗ trợ của các đối tượng khác.

Các nguồn tin cho hay có thể Abedi đã đi tàu điện từ London tới Manchester trước hôm diễn ra buổi hoà nhạc. Tại đây, hắn nhận thiết bị nổ từ đồng phạm trước khi gây ra vụ tấn công. Cảnh sát xác định Abedi đã chết tại hiện trường.

Báo chí Anh cho biết Abedi là người Anh gốc Lybia. Cha mẹ Abedi đã sang Anh để chạy trốn chế độ của nhà lãnh đạo Lybia trước đây, Mohammad Gaddafy. Tuy nhiên, năm 2011 cha Abedi đã trở lại Lybia và mẹ của hắn mới đây cũng đã rời khỏi Anh. Tờ Telegraph cho biết Abedi lớn lên trong cộng đồng người Lybia khá khép kín ở Anh. Hắn có quan điểm chống nhà độc tài Gaddafy nhưng lại có cảm tình với tổ chức nhà nước Hồi giáo (IS).

Bạn bè của Abedi cho biết, hắn vừa đến Syria và có thể cả Lybia cách đây chưa lâu. Trước đây, Abedi được tin rằng đã nhiều lần tới Syria. Năm 2014, Abedi đã ghi tên vào khoá học kinh doanh tại trường Đại học Salford nhưng không đi học. Cảnh sát Anh hôm qua cho biết, Abedi đã lọt vào tầm ngắm của an ninh, nhưng không bị theo dõi. Nhiều khả năng, Abedi đã bị cực đoan hoá từ lâu, và được IS huấn luyện cách thức thực hiện một vụ tấn công. Trong ngày 23/5, IS đã lên tiếng nhận trách nhiệm vụ nổ ở Manchester Arena. Thủ tướng Anh Theresa May khi được hỏi đã cho rằng, bà “không ngạc nhiên” nếu IS đứng sau vụ tấn công trên.

Giới phân tích thì cho rằng, đây là một bằng chứng nữa cho thấy, cả Anh và châu Âu đều đang lúng túng trong việc tìm giải pháp ngăn chặn hiệu quả nguy cơ tấn công khủng bố. Reuters hôm qua thống kê từ năm 2013 đến nay, châu Âu đã chứng kiến các vụ khủng bố đẫm máu liên tiếp ở Paris, Nice, Brussels, St Petersburg, Berlin, và London…Những kẻ như Abedi được gọi là “sói đơn độc”, vốn rất khó ngăn chặn nếu không có sự giám sát hoặc phát hiện sớm. Với dòng người di cư lên tới 2 triệu từ châu Phi và Trung Đông thời gian vừa qua, khả năng các đối tượng khủng bố trà trộn vào châu Âu là rất cao.

(Theo BBC, Reuters, AFP)

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Chuyên gia Ukraine thừa nhận sự vượt trội của máy bay không người lái Nga

Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Trinh sát Trên không Ukraine Maria Berlinskaya thừa nhận rằng quân đội Nga vượt trội hơn trong phát triển và sản xuất máy bay không người lái (UAV).

Video Thủ tướng Ấn Độ cầu nguyện dưới biển gây 'sốt' trên mạng

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi hôm 25/2 chia sẻ video thực hiện lễ cầu nguyện tại thành cổ Dwarka, khu di tích nằm dưới đáy biển ở bang Gujarat, miền tây nước này.