| Hotline: 0983.970.780

Sau những tiếng cụng ly

Chủ Nhật 15/10/2017 , 08:30 (GMT+7)

15 năm trước, trên một căn gác nhỏ, Hà nội, mùa đông, một cậu bé mới lớn ngồi hóng hớt bên chiếu nhậu của cha đã được nghe một nhạc sỹ nổi danh “tuyên ngôn” về Sài gòn, mảnh đất mà ông lập nghiệp, chỉ bằng một câu vẻn vẹn như thế này “Ở Sài Gòn, chỉ cần học hai từ: “Nhiêu?” cho ban ngày và “Dzô” cho ban đêm”.

Để rồi từ đó, cậu bé mới lớn kia -tức là tôi - đeo mang một ám ảnh về thành phố phương Nam như một nơi ăn chơi và xô bồ nhất, một nơi khác hẳn cái thanh thoát trong từng câu chữ dưới tấm áo ngàn năm văn vật của Hà Nội bốn mùa.

08-51-29_trng_45
Ảnh minh họa

10 năm trước, trên một hè phố nhỏ, Sài Gòn mùa mưa, cậu bé năm xưa (nay đã trở thành một chàng trai bước vào đời, tìm đường lập nghiệp phương Nam như ông nhạc sỹ tài danh ngày nào) ngồi bên bàn nhậu nhỏ, nghe những tiếng Dzô của hiện hữu và nhớ về tiếng Dzô của ngày xưa vọng về. Tự nhiên cảm nhận rằng có điều gì rất khác.

Và trải qua 10 năm gắn bó với Sài Gòn, tôi đã hiểu thành phố ấy không xô bồ, không chỉ có ăn chơi như những gì người ta cứ cố vẽ ra cho nó. Để rồi tôi tự tuyên ngôn (không lời) cho mình rằng “Sài Gòn có một tâm hồn rất riêng, kể cả là khi ta ngồi bên bàn nhậu lề đường, một tâm hồn mà muốn hiểu nó con người ta phải thực sự tình tế. Còn ông nhạc sỹ đã gắn vào đầu tôi cảm nhận đầu tiên đầy sai lệch và thiên kiến kia, với tôi, ông chỉ là một người sống nhờ vào Sài gòn chứ chưa bao giờ hòa nhập để trở - thành - một - phần - của - nó”.

Người Sài Gòn có mê nhậu không? Mê chứ, mê như bất kỳ người Việt nam nào vốn dĩ đã được Phan Vũ đúc kết bằng câu thơ “những chàng trai say suốt cả mùa”. Người Sài Gòn mê nhậu nhưng có lẽ, người Sài Gòn không bị đắm vào men như người Hà Nội. Vẫn biết phong vị mỗi vùng mỗi khác, thủy thổ mỗi miền mỗi khác nên con người cũng khác nhưng cái cách nhậu của Sài Gòn so với Hà Nội cũng đặc biệt hơn. Người Hà Nội không thực sự nhậu mà nguời Hà Nội uống suốt cả ngày. Sáng ra, tô phở, tô bún… cũng là một “quai” rượu kế bên. Trưa tới, bữa cơm văn phòng các ông cũng gật gù một “cút”.

Chiều về, tranh thủ kéo nhau ra làm một chầu rồi sau đó vội vội vàng vàng về nhà kéo bữa cơm chiều kẻo… vợ cằn nhằn. Còn người Sài Gòn thì khác hẳn. Sài Gòn không uống sáng, Sài Gòn không uống trưa, Sài Gòn dành ban ngày cho lo toan và vất vả. Để cuối cùng khi chiều xuống, lúc những cơn gió từ sông Sài Gòn ào vào thành phố thoáng đãng, bên những hè đường phủ đầy lá me, người Sài Gòn kề bên nhau uống thay bữa tối, uống cho tới tận khuya và đôi khi, với những kẻ độc thân lang thang như tôi, uống cho tới tận sớm mai.

Cái giờ uống đã khác, cái cách uống của người Sài Gòn cũng khác. Nói về rượu, người Sài Gòn không chia mỗi người mỗi ly như người Hà Nội để rồi đôi khi “xa luân chiến” có kẻ anh hùng gục ngã giữa đám rau mồi. Trên bàn rượu, người Sài Gòn chỉ dùng một cái ly và luân chuyển theo vòng, tới phiên ai, người đó cạn nhưng dễ thương ở chỗ chẳng ai bị thúc ép, sức tới đâu thì uống tới đó đúng như cái cách mà người Hà Nội vẫn trào lộng “ăn theo năng lực mà uống theo nhu cầu.”. Cách uống ấy thấy con người ta gần nhau hơn, trọng nhau hơn, ít khích bác hơn mà cũng hiền hòa hơn. Phải chăng, đó chính là lý do mà ở các quán nhậu phương Nam ít có đánh lộn hơn là ở những tửu điếm đất Bắc?

Mỗi chiều xống áo ra lề đường cùng chúng bạn bên những bàn beer ở Sài Gòn, tôi lại đôi khi gợi nhớ về Hà nội với cái quán beer hơi Tăng Bạt Hổ mà Chuck Searcy, anh bạn người Mỹ ngày ấy, vẫn đặt tên là “trung tâm báo chí BBC”. Gần 20 năm sống ở Việt Nam, mà chính xác là ở Hà Nội, Chuck đã đúc kết được cái tên mà tôi cho là “chuẩn nhất” về lối nhậu ở xứ kinh kỳ. BBC nghĩa là Beer Buổi Chiều, theo cách gọi của Chuck, nhưng nó hàm ý rất nhiều. Quanh bàn beer, người Hà Nội thích bàn thời cuộc, thế sự, chính trị, chính em… Phải chăng, đó là cái lẽ mà người nước ngoài gọi qúan beer ấy là “trung tâm báo chí”? Có lẽ cũng đúng lắm…

Ở Sài Gòn, cũng có những quán BBC như thế nhưng có lẽ chỉ là trung tâm giải trí mà thôi. Người Sài Gòn không thích nhắc chuyện công việc trong lúc nhậu xả hơi cuối ngày (tất nhiên là trừ những ai mượn nhậu làm cớ làm ăn). Họ đơn thuần nói về buồn vui một ngày đã qua, chuyện vợ con, bạn bè, anh em, mua sắm cái gì, sửa sang cái gì… nói chung là những câu chuyện gần gũi, giản dị. Cái thú nhậu ấy của Sài Gòn cứ thấm vào tôi tự lúc nào, thấm vào đến mức nếu ngồi viết bài này chỉ thêm một lúc nữa thôi với ăm ắp hình ảnh trong đầu, có thể lắm tôi sẽ dẹp máy tính sang một bên để ra đường tìm đến chỗ quen, gọi một bàn beer quây quần cùng chúng bạn.

Tôi nhớ con đường Võ Văn Tần (ngày trước có tên là Trần Qúy Cáp) với những tàng me xanh. Chúng tôi vẫn thường ngồi cà kê với nhau ở đó, bên lề đường, và nhìn những ánh đèn đường vàng vọt lẫn trong những vòm me. Thế mới hiểu vì sao Trịnh Công Sơn lại viết “Nhớ đèn đường từng đêm thao thức… sáng cho em vòm lá me xanh”. Con đường ấy thanh bình lạ, dù cho nó đã đông hơn sau khi đổi thành đường một chiều. Cảm giác cùng bạn bè kéo một hai két beer, nhấm nháp những món mồi tuyệt ngon mà giá lại phải chăng không thể nào thoát khỏi mỗi chúng tôi. Đến mức mà những ngày đầu xuân, anh em tứ phương về lại Sài gòn sau một cái tết thăm nhà đều không hẹn mà đổ về đó để uống với nhau như thể những ngày ấy không còn là Tết nữa.

Tôi nhớ người bán gỏi khô bò già bao nhiêu năm nay vẫn chọn lề đường nơi quán nhậu ấy làm chỗ ngả lưng. Ngày xưa, tôi cứ tưởng ông say khi thấy mỗi đêm, cữ 11g, ông lại kéo cái xe không về đó và ngả lưng ngay nơi cột đèn để ngủ. Nhưng sau này tôi biết, ông không phải bợm nhậu. Mỗi ngày mỏi mệt của ông đều kết thúc bằng cú ngả lưng vô ưu ở đúng cái cột đèn ấy. Rồi khi cái quán 121 kia rời sang bên lề đối diện, chúng tôi rời về cái quán số 138, người đàn ông ấy cũng lại chọn chỗ ngả lưng cho mình ở 138, nơi đã đông vui hơn cái quán cũ năm nào. À thì ra là vậy, ông cần một chỗ xôn xao, ông đã quen cái cảm giác ngủ trong tiếng xôn xao, thiếu nó, chắc ông không chịu nổi.

Tôi nhớ những cậu bé “Sơn đông mãi võ” (mà chúng tôi gọi như thế) với mấy cái màn thổi lửa, nuốt rắn, đội lu… đơn giản. Chúng không tài mà chúng nhọc nhằn trên phận số mưu sinh mà thôi. Nhưng chúng làm cho không khí của quán nhậu xao động hơn, Sài Gòn hơn chứ không trầm mặc ưu tư kiểu Hà Nội. Và cái sự rộn ràng ấy lúc nào cũng có giá của nó. Chẳng mấy khách nhậu chối từ việc cho chúng vài đồng tiền lẻ cùng những nụ cười cũng rất Sài Gòn.

Tôi nhớ người phụ nữ oằn lưng với mẹt bánh ngọt đủ loại mỗi đêm lại đi khắp các quán nhậu lề đường Sài gòn để kiếm tiền nuôi ba đứa con đi học mà trong số chúng, có một đứa mới vào đại học. Cái tuyến đường Pasteur - Võ Văn Tần - Bờ Kè - Rạch Bùng Binh… mỗi đêm của chị khiến tôi khâm phục hơn cái nghị lực phải sống của con người. Mùa khô hay mùa mưa, chưa khi nào thấy cái lưng oằn lên vì nặng ấy vắng bóng. Mỗi đêm bên bàn nhậu tôi đều gặp chị, gặp riết thành quen, thành thân để rồi nhiều khi chẳng bán mua gì vẫn hỏi nhau dăm ba câu về chuyện gia đình, hoàn cảnh.

Nói về chuyện nhậu ở Sài Gòn, có lẽ chẳng bao giờ hết được. Đôi khi lại ước gì có thể gom tất cả âm thanh, hình ảnh của mỗi góc “Dzô, Dzô” của Sài Gòn để tải lên trang báo, như thế mới hiểu hết cái sinh động của nó. Thôi, đành khép lại ở đây, để lại xống áo ra phố, tìm cho mình một góc nhỏ nhâm nhi ly beer. Và điều đó cũng cho tôi hiểu hơn, vì sao tôi yêu Sài Gòn đến thế, có lẽ, vì trong từng cuộc nhậu, tôi tìm thấy được chính tôi, thấp thoáng ở đâu đó giữa cái thành phố -vĩnh -viễn - không - xô - bồ này.

(Kiến thức gia đình số 40)

Xem thêm
Nhịp sống giới trẻ phản ánh trong bộ phim ‘Bóng của thị thành’

Nhịp sống giới trẻ thời công nghệ số có những màu sắc bất ngờ, thể hiện qua bộ phim ‘Bóng của thị thành’ phát sóng trên HTV7, Đài truyền hình TP.HCM.

Rượt đuổi mãn nhãn, Man United đả bại Liverpool tại Cúp FA

Trận Tứ kết Cúp FA giữa Man United vs Liverpool đã diễn ra với kịch bản không ngờ khi hai đội rượt đuổi nghẹt thở trong suốt 120 phút của trận đấu. 

120 vận động viên tham gia giải dù lượn trên cao nguyên đại ngàn

Giải dù lượn tại huyện Sa Thầy (tỉnh Kon Tum) sẽ quy tụ 120 vận động viên, trong đó có 41 vận động viên người nước ngoài tham gia tranh tài.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.