| Hotline: 0983.970.780

Sau thảm họa Phấn Mễ, các mỏ khẩn trương chi trả bồi thường

Thứ Tư 05/09/2012 , 10:19 (GMT+7)

Hơn 4 tháng sau vụ sạt lở, cho đến nay, Mỏ than Phấn Mễ vẫn dừng sản xuất. Gần 1.000 công nhân của mỏ phải nghỉ việc...

Sự kiện sạt lở bãi thải số 3 của Mỏ than Phấn Mễ từ tháng 4/2012 (xã Phục Linh, huyện Đại Từ) như một sự cảnh báo có giá trị để các đơn vị khai thác mỏ trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên tôn trọng cam kết và tự giác thực hiện trách nhiệm của mình trong việc bồi thường, hỗ trợ cho nhân dân trong vùng bị ảnh hưởng.

Hơn 4 tháng sau vụ sạt lở, cho đến nay, Mỏ than Phấn Mễ vẫn dừng sản xuất. Gần 1.000 công nhân của mỏ phải nghỉ việc. Số cán bộ chủ chốt của đơn vị tiếp tục thực hiện việc khắc phục hậu quả sạt lở. Đến nay, Cty CP Gang thép Thái Nguyên đã bàn giao đất trong khu tái định cư cho các hộ dân buộc phải di dời. Về trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho nhân dân, ông Đồng Quang Dương (Trưởng phòng Đầu tư Phát triển - Cty CP Gang thép Thái Nguyên) cho biết, khái toán giá trị bồi thường tạm tính cho khu vực bị ảnh hưởng của bãi thải số 3 khoảng 100 tỉ đồng. Bao gồm 14 hộ dân bị vùi lấp nhà cửa, tài sản, hoa màu, 21 hộ dân nằm trong vùng bán kính 50m phải di dời ra khu tái định cư, các hộ dân ở bán kính 50-100m đền bù GPMB để làm vành đai an toàn cùng các thiệt hại khác như mất nước, ảnh hưởng sản lượng nông nghiệp... Lo ngại của doanh nghiệp hiện nay là số thiệt hại do các hộ dân liệt kê ra vượt quá nhiều lần so với con số 100 tỉ đồng do Cty dự kiến.

Ông Nguyễn Văn Phong (Giám đốc Mỏ than Phấn Mễ - Cty CP Gang thép Thái Nguyên) cho biết, đoàn kiểm đếm gồm cả Bí thư chi bộ, trưởng các xóm được thành lập nhằm kê khai tài sản bị thiệt hại của các hộ dân gần với thực tế hơn. Từ phương án bồi thường được phê duyệt mới là cơ sở để tiếp tục đối thoại với các hộ dân. Đại diện Cty CP Gang thép Thái Nguyên cho biết, nhiều hộ dân đã kê khai những tài sản có giá cao rất khó thực hiện bồi thường như gỗ sưa đỏ cổ thụ, sừng tê giác, đá quý số lượng lớn… Song song với việc thực hiện khắc phục hậu quả sạt lở, bồi thường thiệt hại cho người dân, Cty CP Gang thép Thái Nguyên tiếp tục lập báo cáo đầu tư để mở rộng bãi thải số 3, bao gồm phần diện tích 8,6 ha đã vùi lấp lên 14 hộ dân.

Ở một diễn biến khác, hiện tượng sụt lún nhà cửa, hoa màu, đồng ruộng của nhân dân tại thị trấn Trại Cau, xã Cây Thị và xã Nam Hòa (huyện Đồng Hỷ) đã được báo NNVN phản ánh nhiều lần, cuối cùng cũng được Cty CP Gang thép Thái Nguyên xác nhận trách nhiệm và tiến hành thực hiện bồi thường. Hiện tượng sụt lún đất và mất nước sản xuất, sinh hoạt xảy ra từ đầu năm 2006. Nguyên nhân được xác định là do khu vực sụt lún có các hang Karst trong các tầng đá vôi ngầm là nguyên nhân tiềm ẩn.


Ngôi nhà bị sụt một góc của gia đình ông Ninh Văn Tính (tổ 1, thị trấn Trại Cau, huyện Đồng Hỷ)

Nguyên nhân trực tiếp là do hoạt động bơm tháo khô mỏ tại moong Thác Lạc 3 của Mỏ sắt Trại Cau vượt quá công suất đã được cấp phép đã tạo ra phễu làm hạ mạnh mức nước xung quanh moong; khiến nước dưới đất vận động mạnh, gây mất cân bằng tĩnh trong các tầng đất phủ, đẩy nhanh sự sụt đất, nứt đất, mất nước… Vừa qua, Cty CP Gang thép Thái Nguyên đã trích nguồn kinh phí bồi thường với tổng giá trị gần 11 tỷ đồng. Đối tượng được chi trả bồi thường gồm 45 hộ dân có nhà cửa, vật kiến trúc có nguy cơ mất an toàn cao, nhà cửa bị hư hỏng nặng phải sửa chữa gấp hoặc phải làm mới ở vị trí khác để đảm bảo an toàn; 110 hộ bị ảnh hưởng nhà cửa một phần và 22 hộ có đất nông nghiệp bị sụt lún phải cải tạo để sản xuất. Mặc dù sau khi đối thoại thống nhất cũng như thực tế tổng giá trị bồi thường chỉ bằng 70% giá trị của phương án bồi thường được phê duyệt song động thái trên của Cty CP Gang thép Thái Nguyên được đánh giá cao về nỗ lực phát triển sản xuất, gắn với an sinh xã hội.

Cùng với Cty CP Gang thép Thái Nguyên, Cty TNHH MTV Than Khánh Hòa cũng tiến hành bồi thường di chuyển các hộ dân thuộc xã Phúc Hà (thành phố Thái Nguyên) nằm trong bán kính nguy hiểm của bãi thải Nam. Đến nay, Cty Than Khánh Hòa đã chi trả tổng số tiền lên đến hơn 30 tỷ đồng để di chuyển 65 hộ dân ra khỏi vùng bán kính 50 mét kể từ chân bãi thải. Ông Nguyễn Văn Bính (Phó GĐ Cty TNHH MTV Than Khánh Hòa) cho biết, Cty cũng đang triển khai xây dựng khu tái định cư rộng 28 ha để tiếp tục di chuyển các hộ dân, các công trình như UBND xã, trường học, trạm y tế đến khu tái định cư. Khó khăn hiện nay là hiện tượng các hộ dân đã ồ ạt xây dựng rất nhiều công trình để đón bồi thường. Về thực tế trên, ông Nguyễn Đức Nhất (Phó chủ tịch UBND xã Phúc Hà) cho biết, lãnh đạo địa phương sẽ phối hợp với đoàn công tác, xác định rõ theo chỉ đạo của UBND thành phố là kiên quyết không chi trả bồi thường cho những hộ dân cố tình xây dựng công trình trái phép để nhằm hưởng bồi thường.

Đánh giá về việc các đơn vị khai thác mỏ tiến hành việc bồi thường thiệt hại cũng như đảm bảo an sinh xã hội cho nhân dân trong vùng sản xuất, ông Đoàn Văn Tuấn (Giám đốc Sở TNMT tỉnh Thái Nguyên) cho rằng, đó là tín hiệu rất đáng mừng khi mà các đơn vị khai thác mỏ trên địa bàn tỉnh hiện nay đang gặp những khó khăn dày đặc. Qua đó, cần tiếp tục đẩy mạnh năng lực của các cơ quan quản lý Nhà nước trong cấp phép, quản lý và giám sát việc thực hiện quy trình quy phạm khai thác mỏ trên địa bàn.

Xem thêm
ASEAN cần tiếp tục ưu tiên duy trì đoàn kết, độc lập, tự cường

Ngày 23/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn nhân chuyến thăm làm việc và tham dự Diễn đàn Tương lai ASEAN.

Đưa cán bộ khuyến nông sang Nhật Bản học tập và làm việc

HÀ NỘI Ngày 22/4, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam tiếp và làm việc với đoàn đại biểu quận Nikicho (tỉnh Hokkaido, Nhật Bản).

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Tăng hơn 20% điện năng cung cấp tháng cao điểm nắng nóng

Bộ trưởng Bộ Công thương quyết định điều chỉnh tăng điện năng cung cấp 4 tháng mùa khô (4, 5, 6, 7) năm 2024 từ 109,183 tỷ kWh lên 111,468 tỷ kWh.