| Hotline: 0983.970.780

Sẽ có 15.000 lao động sang Hàn

Thứ Ba 07/01/2014 , 10:39 (GMT+7)

NNVN đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Cục trưởng Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) xung quanh vấn đề này.

Tin vui đầu năm 2014 cho thị trường lao động xuất khẩu, ngày 31/12/2013, đại diện hai nước VN - Hàn Quốc đã ký kết bản ghi nhớ đặc biệt về việc phái cử và tiếp nhận lao động VN (viết tắt MOU). Theo đó, gần 15.000 lao động nông thôn VN có cơ hội sang Hàn… NNVN đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Cục trưởng Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) xung quanh vấn đề này.

Có thể thấy việc lao động bỏ trốn ở lại cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc đã gây hệ lụy khủng khiếp không chỉ đối các cơ quan quản lý mà còn ảnh hưởng hàng nghìn lao động VN. Với bản ghi nhớ (MOU) đặc biệt này lao động VN lại có cơ hội tiếp tục được trở lại Hàn Quốc làm việc, thưa ông?

Đúng là rất ảnh hưởng. Thực tế, so với 14 quốc gia phái cử khác, VN luôn dẫn đầu về tỷ lệ lao động được chủ sử dụng lao động Hàn Quốc lựa chọn. Số lượng lao động VN được tiếp nhận chiếm trên 25% tổng số lao động nước ngoài làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình cấp phép lao động cho lao động nước ngoài của Hàn Quốc (chương trình EPS).

Tuy nhiên, từ cuối năm 2010, phát sinh vấn đề người lao động sau khi hết hạn hợp đồng lao động không về nước, ở lại làm việc và cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc. Mặc dù sau đó phía VN đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp nhằm giảm tỷ lệ lao động hết hạn hợp đồng không về nước. Thế nhưng tỷ lệ này vẫn không có dấu hiệu đi xuống.

Trước tình hình đó, Bộ Việc làm & lao động Hàn Quốc đã ngừng ký gia hạn, bản ghi nhớ đã hết hạn vào ngày 29/8/2012 và tạm ngừng tiếp nhận mới lao động VN. Sự kiện này khiến hơn 11.000 người lao động đạt yêu cầu qua kỳ kiểm tra tiếng Hàn cuối tháng 12/2011 và những lao động đã tham dự kỳ kiểm tra tiếng Hàn trên máy tính cuối tháng 8/2012 không được giới thiệu để chủ sử dụng lao động Hàn Quốc lựa chọn.

Việc ký MOU đặc biệt lần này là kết quả của những nỗ lực của cả hai phía VN và Hàn Quốc trong việc ban hành và triển khai các giải pháp quyết liệt nhằm giảm tỷ lệ lao động VN hết hạn hợp đồng không về nước, ở lại làm việc bất hợp pháp tại Hàn Quốc.

Trong đó, phải kể đến sự vào cuộc quyết liệt từ cấp Trung ương đến địa phương của VN trong việc tuyên truyền, vận động người lao động và người thân thực hiện đúng hợp đồng, về nước đúng thời hạn và việc Chính phủ VN ban hành các quy định mới bao gồm ký quỹ và xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực này.

So với năm 2012, trong năm 2013, tỷ lệ lao động VN bỏ trốn từ gần 60% đã giảm xuống 38%. Tỷ lệ lao động bỏ trốn giảm nên phía bạn mới đồng ý ký bản ghi nhớ đặc biệt. Tôi xin lưu ý, bản ghi nhớ này chỉ thực hiện trong 1 năm. Sau hơn 1 năm, bạn sẽ đánh giá lại. Nếu hiệu quả, bạn sẽ ký thỏa thuận bình thường như các năm.

Thưa ông, số lượng lao động được Hàn Quốc tiếp nhận là bao nhiêu và những lĩnh vực gì sẽ được tuyển dụng?

Ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực của ta, Bản ghi nhớ đặc biệt tạo điều kiện cho 3 nhóm đối tượng có cơ hội đi làm việc tại Hàn Quốc. Nhóm thứ nhất, gồm những lao động đã đỗ kỳ kiểm tra năng lực tiếng Hàn thực hiện đợt cuối tháng 12/2011; tháng 5/2012; tháng 8/2012 nhưng chưa xuất cảnh do chương trình EPS bị tạm dừng vào cuối tháng 8/2012. Những lao động trên sẽ được hoàn thiện hồ sơ đưa lên mạng để giới thiệu với chủ sử dụng Hàn Quốc lựa chọn.

Nhóm thứ hai, là những lao động đã đăng ký và nộp lệ phí kiểm tra tiếng Hàn trên máy tính (EPS-Topik) vào tháng 8/2012, nhưng chưa thi do Chương trình EPS tạm dừng. Đây là những đối tượng lao động huyện nghèo, đăng ký đi Hàn Quốc làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp.

Nhóm thứ ba là những lao động về nước đúng hạn, đã đỗ các kỳ kiểm tra tiếng Hàn trên máy tính, nhưng chưa được chọn, cũng sẽ được giới thiệu với người sử dụng lao động mới. Ước tính số lao động đủ điều kiện để giới thiệu với chủ sử dụng Hàn Quốc là hơn 14.000 người.

Điểm khác biệt so với trước đây là 3 nhóm đối tượng trên, trước khi xuất cảnh sang Hàn Quốc, phải ký quỹ 100 triệu đồng (trước đây, người lao động không phải ký khoản tiền này).

Việc đưa lao động VN trở lại thị trường Hàn Quốc theo chương trình EPS là tín hiệu đáng mừng. Ông có lời khuyên gì đối với người lao động trong thời điểm này?

Người lao động cần thận trọng để nắm bắt thông tin chính xác. Dù ký bản ghi nhớ đặc biệt rồi nhưng số lượng bạn tiếp nhận bao nhiêu chưa rõ. Hơn nữa, với tình hình hiện nay, Bộ LĐ-TB&XH chưa có chủ trương để địa phương mở dạy tiếng Hàn. Do đó, người lao động mới không nên ồ ạt đi học tiếng Hàn để tránh lãng phí tiền bạc, công sức. Bộ cũng nghiêm cấm các địa phương ồ ạt mở các lớp dạy tiếng Hàn.


Những lao động đang được hướng dẫn làm thủ tục đi xuất khẩu Hàn Quốc theo Chương trình EPS

Yêu cầu phải ký Quỹ 100 triệu trước khi đi xuất khẩu Hàn Quốc có trở thành gánh nặng đối với người lao động, nhất là lao động nghèo không, thưa ông?

Đây là quy định riêng với nhóm lao động đi theo chương trình EPS thôi, trong đó đối tượng nghèo, đối tượng là người có công với cách mạng lại có các chính sách hỗ trợ khác, sẽ được vay Ngân hàng chính sách 100 triệu để ký quỹ. Lãi suất tiền vay bằng lãi suất ký quỹ (rất thấp). Với thị trường khác, ký quỹ lại thấp như Đài Loan là 1.000 USD; Nhật Bản là 3.000 USD…

Nhóm đối tượng thuộc diện chính sách xã hội còn có thêm Chương trình 71 thực hiện tại 62 huyện nghèo và dự án hỗ trợ lao động xuất khẩu lao động. Còn với đối tượng khác sẽ được chính quyền và doanh nghiệp tạo điều kiện thuận lợi để được vay tiền từ Ngân hàng thương mại với lãi suất ưu đãi.

Tôi cũng xin nói thêm, yêu cầu ký Quỹ cũng nhằm hạn chế tỷ lệ lao động bỏ trốn bất hợp pháp tại đất nước này. Từ khi có hiệu lực, tỷ lệ bỏ trốn đã giảm hẳn. Bên cạnh đó, Cục sẽ kết hợp rộng rãi với giới truyền thông để tuyên truyền cho người lao động những mặt tích cực của các chính sách ưu đãi trên. Đồng thời tạo mọi điều kiện thuận lợi để họ biết địa chỉ của những doanh nghiệp làm ăn chân chính, có trách nhiệm, hạn chế tình trạng gặp cò mồi.

Xin cảm ơn ông!

Thống kê từ Cục QLLĐNN cho thấy, hết năm 2013 tổng số lao động VN đi làm việc ở nước ngoài là 88.155 người (vượt hơn 3.000 lao động so với chỉ tiêu đưa 85.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài trong năm 2013).

Trong đó, Đài Loan dẫn đầu với 46.368 lao động, tiếp theo là Nhật Bản với 9.686 lao động, Malaysia 7.564 lao động, Hàn Quốc 5.446 lao động, Lào 4.860 lao động, Campuchia 4.250 lao động, UAE 2.075 lao động, Ả rập xê út 1.703 lao động và các thị trường khác.

Xem thêm
Thả 4,7 triệu con tôm giống ra biển Gành Hào

Bạc Liêu Đây là hoạt động nằm trong chuỗi sự kiện Lễ hội Nghinh Ông huyện Đông Hải lần thứ XXI năm 2024.

Bộ đội Biên phòng vận động chủ tàu đánh số tạm thời với tàu cá '3 không'

Bà Rịa - Vũng Tàu Trong ngày 9 và 10/4, Đồn Biên phòng Bình Châu đã tổ chức tuyên truyền về phòng, chống khai thác IUU cho các ngư dân trên địa bàn.

Xuất khẩu thủy sản 2 tháng đầu năm tăng 22,3%

Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 1,3 tỷ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Có máy tời kéo thuyền, ngư dân khỏe re

QUẢNG TRỊ Chiếc máy tời nhỏ gọn nổ xình xịch, kéo theo thuyền đánh cá lên bờ một cách nhẹ nhàng. Ngư dân vì thế giảm được sức người trong khai thác hải sản.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm