| Hotline: 0983.970.780

Sẽ có cuộc "cách mạng" mới trong ngành điều

Thứ Hai 29/12/2014 , 09:46 (GMT+7)

Từ một cây mang mục tiêu “xóa đói giảm nghèo”, nhưng hơn 20 năm sau, ngành điều đã gây ấn tượng mạnh mẽ khi “vươn vai” trở thành “người khổng lồ” với 8 năm liên tiếp đứng số 1 thế giới về XK./ Tập trung nguồn lực cải tạo "cây 2 tỷ đô"

Tuy nhiên, giá trị thực hạt điều đem lại cho nông dân, cho DN có thể cao hơn nữa được không? Câu trả lời là hoàn toàn có thể khi ngành điều bùng nổ cuộc “cách mạng” về ghép cải tạo vườn và chế biến sâu…

Cây "kỳ lạ"!

Gần chục năm trước, chúng tôi về huyện Bù Đốp - vùng đất sâu và xa nhất của tỉnh Bình Phước, nằm giáp ranh biên giới nước bạn Campuchia để tìm hiểu về đời sống của bà con vùng dân tộc trồng điều.

Thời điểm đó, cây điều thực sự là cứu cánh cho hàng vạn hộ nông dân vùng đất đồi dốc, khô cằn, sỏi đá. Bởi rất lạ, loài cây có hột nằm ngoài trái (đào lộn hột) lại sống rất khỏe tại những nơi khắc nghiệt, thậm chí chẳng cần nước tưới, chẳng cần áp dụng KHKT, cứ trồng xuống là cây mọc lên, đến kỳ thu hoạch là cho trái đỏ cây.

11-36-06_2
Bộ trưởng Cao Đức Phát thăm nhà máy chế biến điều tại Bình Phước, ngày 17/12/2014

Đương nhiên, năng suất cây điều làm kiểu “thuận theo ý trời” chỉ đạt 6 – 7 tạ/ha, nhưng, với nông dân nghèo, như thế là có đồng ra đồng vào, có gạo ăn, có manh áo mặc. Vậy nên, đến nhà nào hỏi về cây điều, chúng tôi cũng được bà con dẫn ra vườn “khoe” kết quả của những năm tháng vất vả khai phá đất hoang và hình thành những vườn điều tươi tốt.

Đây cũng là thời điểm diện tích cây điều phát triển rất mạnh (tăng gấp 70 lần so với năm 1982 – từ 5.000 ha lên 349.000 ha), hình thành những vùng hàng hóa tập trung. Nó cũng được ca ngợi có ý nghĩa lớn trong công cuộc xóa đói giảm nghèo; phủ xanh đất trống đồi núi trọc và đất cát ven biển, chống xói mòn vùng đất dốc, hạn chế tác động của gió bão và góp phần giữ vững an ninh, chính trị vùng biên giới.

Sau này (khoảng từ năm 2010), thời điểm cây cao su bắt đầu làm “bão giá” trên thị trường toàn cầu, cây điều bắt đầu bị chặt bỏ khá nhiều. Nhưng mặc kệ thời thế thay đổi, diện tích cây điều đến nay còn gắn bó với nông dân vẫn rất lớn, khoảng 311.000 ha, tập trung chủ yếu ở Đông Nam bộ, Tây Nguyên và Duyên hải Nam Trung bộ.

Công suất chế biến siêu "khủng"

Loài cây đang giải quyết việc làm cho trên 900.000 lao động sau 26 năm tham gia XK (1988 - 2014), đã có tới 8 năm liên tiếp đứng số 1 thế giới về XK nhân điều (2006 - 2014), đưa sản phẩm đi tới trên 40 quốc gia và ngần ấy năm đã đem về hàng chục tỷ đô la cho đất nước.

Để có thể làm được kỳ tích này, giai đoạn trước đã chứng kiến sự bùng nổ xuất hiện liên tiếp các DN hoạt động trong ngành điều. Đến nay đã có tới 465 nhà máy chế biến, tổng công suất thiết kế trên 1 triệu tấn hạt/năm, gấp 667 lần so với năm 1988.

Điều này đã lý giải tại sao VN trở thành một trong những “công xưởng” lớn nhất thế giới về chế biến nhân điều, vượt gấp 3 lần sức cung ứng điều thô trong nước (sản lượng trong nước khoảng 350.000 tấn, phải nhập thêm từ 500.000 – 600.000 tấn mỗi năm về chế biến).

Để tạo được kỳ tích về công suất chế biến này, không thể không nhắc đến Dự án mang tên KC-07 do Hiệp hội điều VN (Vinacas) đứng ra nghiên cứu, đã làm nên cuộc “cách mạng” mới về máy cắt tách vỏ hạt điều, loại bỏ hoàn toàn máy cắt tách của nước ngoài với giá cao ngất ngưởng.

Nhớ lại năm 2011, chúng tôi cùng ông Nguyễn Đức Thanh – lúc đó còn là Phó Chủ tịch Vinacas đã xuống Đồng Nai để tận mắt xem chiếc máy cắt tách vỏ hạt điều do VN sản xuất trình diễn, trước sự chứng kiến của hàng trăm DN kinh doanh, chế biến, XK điều trong và ngoài nước.

Chiếc máy đã gây ngạc nhiên lớn khi giúp tỷ lệ bể hạt chỉ còn 10% (máy ngoại 25%), tỷ lệ nhiễm dầu hoàn toàn không có; đặc biệt giá chiếc máy nội dù công suất chỉ bằng ¼ máy ngoại nhưng tiền đầu tư lại chỉ bằng 1/40 máy ngoại (400 triệu đồng/máy nội so với 800.000 USD/máy ngoại).

Cũng từ đây, bài toán “đau đầu” nhất của ngành điều là thiếu hụt lao động đã được giải quyết, đồng thời giúp giảm chi phí cắt tách cho DN xuống tới 70% (từ 4.000đ/kg cắt thủ công, xuống còn 1.400đ/kg cắt máy).

11-36-06_1
Chế biến sâu và tạo thương hiệu sẽ giúp ngành điều tạo giá trị gia tăng đột phá

“Tôi thấy thế giới đang rất ưa chuộng hạt điều VN, chứng tỏ chúng ta đã khẳng định được chất lượng sản phẩm của mình. Hạt điều cũng là sản phẩm thế mạnh và đặc trưng của VN, khi hội nhập quốc tế, ta càng có nhiều sản phẩm thể hiện rõ thế mạnh, tính đặc trưng thì càng có lợi thế để cạnh tranh. Vì thế, tái cơ cấu ngành điều để nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm sẽ được tập trung làm mạnh” (Bộ trưởng Cao Đức Phát phát biểu trong chuyến công tác tại Bình Phước, ngày 17 – 18/12/2014).

Và cũng từ đó đến nay, VN đã chứng kiến sự phát triển như vũ bão của công nghệ sơ chế điều thô XK và sự lớn mạnh không ngừng của ngành điều trong nước.

"Cách mạng" ghép vườn và chế biến sâu?

Bên cạnh sự phát triển nhanh đến mức kỳ lạ, ngành điều cũng đã bộc lộ ra những điểm yếu khá lớn. Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát trong chuyến công tác tại Bình Phước thăm mô hình trồng điều và họp hội nghị về phát triển điều bền vững ngày 17 và 18/12 mới đây, đã khẳng định: “Ngành điều còn dư địa rất lớn để chúng ta tập trung phát triển, nâng cao giá trị và thu nhập cho cả nông dân và DN”.

Điểm yếu lớn nhất của ngành điều chính là năng suất chưa cao (khoảng 1,1 tấn/ha) và tỷ trọng sản phẩm chế biến sâu chưa nhiều (dưới 10%).

Để sớm thay đổi điều này, Tổng tư lệnh ngành Nông nghiệp cũng vừa cho phê duyệt “Đề án phát triển bền vững ngành điều VN đến năm 2020”. Tất nhiên, 2 điểm yếu nêu trên được đề án chú ý đặc biệt.

Về vấn đề tăng năng suất, giúp nâng cao thu nhập cho nông dân, Bộ trưởng Cao Đức Phát yêu cầu từ nay đến năm 2020, phải tiến hành ghép cải tạo thật nhanh để đưa năng suất lên trên 2 tấn/ha. Bộ trưởng yêu cầu các Cục, Vụ liên quan phải phối hợp với Vinacas và các địa phương thực hiện quyết liệt chỉ đạo này, với mục tiêu giúp nông dân sống tốt với cây điều.

Về chế biến sâu, mục tiêu đến năm 2020 sẽ tăng gấp đôi lượng nhân điều được chế biến sâu (khoảng 20% được chế biến thành sản phẩm kẹo điều, bánh nhân điều; socola điều, sữa điều, điều rang muối, điều mật ong…).

Ngoài ra, đẩy mạnh chế biến tạo giá trị gia tăng bằng các sản phẩm mới, như: Nước ép điều, gỗ ép từ cây điều, dầu vỏ hạt điều…

Nhiều chuyên gia về cây điều khi trao đổi với chúng tôi đã khẳng định: Trước đây ngành điều đã tạo nên cuộc “cách mạng” trong chế biến nhân điều XK, khiến thế giới phải kinh ngạc; thì nay không lý gì lại không tạo ra được cuộc “cách mạng” mới trong ghép cải tạo vườn và chế biến sâu tạo giá trị gia tăng.

Nhất là khi Bộ NN-PTNT đặc biệt quan tâm xây dựng chính sách phát triển, chắc chắn giai đoạn 2015 – 2020 chúng ta sẽ chứng kiến cuộc “cánh mạng” mới trong ngành điều, tạo ra những thay đổi lớn, mang tính đột phá trong ngành hàng sản xuất, kinh doanh loại trái “kỳ lạ” này.

Xem thêm
Giá cá lóc tăng 5.000 đồng/kg, nông dân vẫn không có lãi

Tại Trà Vinh, cá lóc bán tại ao tăng thêm 5.000 đồng/kg so với đầu năm, nhưng người nuôi chỉ hòa vốn đến thua lỗ nếu xuất bán.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

Teccombank hướng dẫn đối phó ứng dụng giả mạo, lừa đảo qua mạng

Việt Nam nằm trong số 10 điểm nóng tội phạm mạng hàng đầu thế giới, những kẻ lừa đảo không ngừng nghĩ ra những cách thức mới để lừa tiền của nạn nhân.