| Hotline: 0983.970.780

Sẽ quyết liệt xử lý vi phạm chọn giới tính thai nhi

Thứ Tư 12/10/2011 , 14:12 (GMT+7)

Thời gian tới, Bộ Y tế sẽ quyết liệt xử lý vi phạm trong lĩnh vực dân số, đặc biệt trong việc xác định lựa chọn giới tính thai nhi.

Siêu âm chẩn đoán trước sinh cho thai phụ

Hiện nay, việc mất cân bằng giới tính khi sinh tại Việt Nam đang ở mức đáng báo động, với tỷ lệ 111 trai/100 gái (vượt so với mức sinh học chuẩn là 104-106/100). Đặc biệt, ở một số địa phương con số này đã lên đến 130/100. 

Trước vấn đề "nóng bỏng" trên, ông Dương Quốc Trọng-Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế) đã có cuộc trao đổi xung quanh vấn đề này.

- Theo ông, việc sử dụng những dịch vụ lựa chọn giới tính trước khi sinh có phải là nguyên nhân cơ bản dẫn tới việc có nhiều bé trai sinh ra hơn bé gái?

Ông Dương Quốc Trọng: Theo tôi, mất cân bằng giới tính khi sinh tại Việt Nam hiện nay tăng nhanh một phần quan trọng là do người dân sử dụng những dịch vụ lựa chọn giới tính khi sinh hiện đại để can thiệp và chẩn đoán.

Yếu tố ảnh hướng thứ hai là do có những vùng mà người dân muốn làm kinh tế thì họ phải sinh con trai, còn với con gái thì không đáp ứng được nhu cầu. Ví dụ như những vùng nông lâm ngư nghiệp đòi hỏi phải lao động cơ bắp nhiều, nhất là những vùng biển. Những cái đó thúc ép người ta phải có con trai và cần phải có con trai. 

Yếu tố thứ ba nữa là do áp lực của giảm sinh cũng rất lớn. Những chuẩn mực xã hội mới như gia đình quy mô nhỏ, việc hạn chế chỉ cho phép sinh hai con cũng khiến nhiều gia đình mong muốn có con trai, bởi vậy họ tìm đến việc lựa chọn giới tính thai nhi.

- Về vấn đề lựa chọn giới tính thai nhi khi sinh dựa vào những công nghệ hiện đại, liệu chúng ta có quyết liệt xử lý vi phạm?

Ông Dương Quốc Trọng: Tôi cho việc xử lý vi phạm liên quan đến việc mất cân bằng giới tính khi sinh là cần thiết và pháp luật của chúng ta đã nghiêm cấm tất cả các hành vi lựa chọn giới tính thai nhi. 

Điều này đã được thể hiện ở Pháp lệnh dân số năm 2003 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Nghị định 104/2003/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh Dân số, Nghị định số 114/2006/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính về dân số và trẻ em; Chiến lược bình đẳng giới do Chính phủ ban hành. 

Chúng ta cần phải tiếp tục thực hiện các quy định này và hiện nay Bộ Y tế cũng đã trình Chính phủ nghị định mới xử lý vi phạm trong lĩnh vực dân số, trong đó đặc biệt nhấn mạnh tới việc xử lý vi phạm về việc xác định các hình thức lựa chọn giới tính thai nhi. Theo đó, nếu như cơ sở nào vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm theo pháp luật.

Tất nhiên, chúng tôi cho rằng cái quan trọng hơn cả là phải giáo dục để mỗi người dân không thực hiện hành vi này và mỗi người thầy thuốc, mỗi một nhân viên y tế hãy nâng cao đạo đức của họ. 

Vấn đề này không chỉ vi phạm pháp luật mà còn đạo đức nghề nghiệp. Nó làm ảnh hưởng đến cả nòi giống sau này, ảnh hưởng đến cả cơ cấu dân số sau này. Tôi nghĩ rằng để đảm bảo cân bằng cho dân số sau này cần phải tiếp tục xử lý các vi phạm, nhưng quan trọng hơn vẫn là thay đổi được hành vi của người dân.

- Hiện nay có khá nhiều người lý giải họ muốn có con trai để có người nối dõi tông đường và có người để lo lắng cho cuộc sống về già sau này. Quan điểm của ông về vấn đề này ra sao?

Ông Dương Quốc Trọng: Lòng mong muốn có con trai chủ yếu do tư tưởng Nho giáo cần phải có con trai để nối dõi tông đường, phụng dưỡng cha mẹ đã ăn sâu vào trong tiềm thức của người Việt Nam.

Và thực tế cũng cho thấy, hệ thống an sinh xã hội của nước ta hiện nay đúng là chưa thật sự đảm bảo. Vì vậy, nhiều người cần có một đứa con trai để đảm bảo cuộc sống về già sau này.

Bên cạnh việc đối phó với tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh ở Việt Nam, hiện nay chúng ta cũng phải thích ứng với những thay đổi mới về cơ cấu dân số.

Việt Nam đã bước vào giai đoạn già hóa dân số. Theo những con số thống kê, cho đến năm 2010 thì tỷ lệ người từ 60 tuổi trở lên đã chiếm tới 9,4% dân số, tỷ lệ người từ 65 tuổi trở lên đã chiếm tới 6,8% dân số. Với cách tăng giống như của năm 2010 thì tôi nghĩ rằng năm 2011 này tỷ lệ người từ 60 tuổi trở lên sẽ là 10%, tỷ lệ người từ 65 tuổi trở lên là 7,2%.

Theo tiêu chí nào thì Việt Nam cũng bước vào giai đoạn già hóa dân số sớm hơn so với dự báo của Tổng cục Thống kê trước đó. Tổng cục Thống kê dự báo vào năm 2017 Việt Nam mới bước vào giai đoạn già hóa dân số, cho nên đây cũng là một thách thức rất lớn mà 70% người cao tuổi của chúng ta sống ở nông thôn. Mà hấu hết những người cao tuổi sống ở nông thôn mà họ chưa có lương hưu, mặc dù nhà nước có rất nhiều chính sách với người cao tuổi.

Nhưng hiện nay chế độ an sinh xã hội cho người cao tuổi của chúng ta chưa thật đảm bảo để người ta yên tâm rằng nếu như họ không có con hoặc họ chỉ có con gái thôi thì sẽ rất khó khăn. Tôi nghĩ rằng trong thời gian tới, chúng ta phải đẩy mạnh việc thực hiện chế độ an sinh cũng như bảo hiểm xã hội cho thật tốt. 

- Ông có thể nói rõ hơn về việc đẩy mạnh hiện chế độ an sinh để những người sinh con gái được yên tâm hơn? 

Ông Dương Quốc Trọng: Tôi cho rằng nâng cao vị thế, vai trò của người phụ nữ là rất quan trọng, trong đó có vấn đề an sinh xã hội. Việc hỗ trợ cho cha mẹ sinh ra những trẻ em gái là cần thiết và cần được đẩy mạnh. Vấn đề này Trung Quốc họ đã làm và hiện nay chúng ta chưa có chế độ cụ thể.

Chẳng hạn như có người sinh ra hai con gái thì chưa có chế độ hỗ trợ bố mẹ. Chúng ta cần phải tính toán như thế nào đấy để sau này hỗ trợ thêm cho trẻ em gái. Ví dụ như vấn đề học phí, vấn đề ưu tiên tuyển con gái vào các trường đại học, trường nghề. Có lẽ sau này chúng ta cần thay đổi chính sách cho phù hợp.

- Theo ông, "giải pháp vàng" nào được xác định để làm giảm sự mất cân bằng giới tính khi sinh?

Ông Dương Quốc Trọng: Việc xử lý các vi phạm chúng tôi cho là cần thiết, nhưng không quan trọng bằng việc thay đổi kiến thức, thái độ hành vi.

Trong thời gian vừa qua, Việt Nam cũng đã tuyên truyền mạnh về vấn đề này. Có thể nói rằng trong nhận thức của đại đa số nhân dân cũng như các cấp lãnh đạo đã biết được tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh ở Việt Nam. 

Từ năm 2009, đứng trước tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, bằng tiền kinh phí của chương trình mục tiêu quốc gia về dân số và kế hoạch hóa gia đình chúng tôi đã triển khai các đề án thí điểm về can thiệp giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh ở các tỉnh, thành phố. 

Năm 2009 triển khai ở 10 tỉnh, 2010 triển khai ở 18 tỉnh thành phố, 2011 triển khai ở 43 tỉnh thành phố. Tuy nhiên ngân sách cũng rất hạn hẹp, mỗi tỉnh có 200 triệu đồng. Tôi nghĩ với 200 triệu đồng đó cũng chỉ như "muối bỏ bể", mới dừng ở mức tuyên truyền phổ biến về tình hình, thực trạng mất cân bằng giới tính khi sinh. 

Nhưng tất cả vấn đề ấy mới chỉ dừng lại ở nhận thức, còn việc thay đổi hành vi, tôi cho đó mới là vấn đề cực kỳ quan trọng. Trong thời gian tới chúng ta phải tuyên truyền mạnh hơn nguy cơ, những hệ lụy cũng như những giải pháp để xử lý các trường hợp vi phạm.

- Xin ông cho biết việc tuyên truyền để người dân thay đổi hành vi sẽ được tiến hành như thế nào?

Ông Dương Quốc Trọng: Việc tuyên truyền để người dân thay đổi hành vi khó hơn rất nhiều so với việc họ nhận thức được vấn đề này. 

Chúng tôi có một hệ thống cộng tác viên, với 168.000 cộng tác viên cơ sở trên 11.000 cán bộ dân số chuyên trách cơ sở sẽ thực hiện việc tuyên truyền miệng để người dân thay đổi hành vi. Trước đây chỉ làm việc tuyên truyền mỗi cặp vợ chồng đẻ hai con thì giờ tuyên truyền tiếp hai con ấy thì con trai cũng như con gái.

Tôi tin rằng, chỉ khi đó chúng ta mới thực sự thành công, thực sự bền vững, không còn nhu cầu bắt buộc phải sinh con trai nữa.

- Xin ông cho biết chiến lược để đẩy lùi vấn đề mất cân bằng giới tính thời gian tới là gì?

Ông Dương Quốc Trọng: Vừa rồi chúng tôi đã trình chính phủ về dự thảo dân số chiến lược sức khỏe sinh sản có lĩnh vực liên quan đến tỷ số giới tính khi sinh và trên cơ sở dự báo của các chuyên gia Quỹ dân số Liên hợp quốc đã đưa ra ba kịch bản khác nhau. Chúng tôi đã hứa với chính phủ rằng chúng tôi sẽ chọn một kịch bản tốt nhất, phương án tích cực nhất để thực hiện. 

Tổng cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình đã xây dựng một đề án can thiệp giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh, tất cả các phương án mạnh nhất mà có thể thực hiện được. Và đề án của chúng tôi hiện nay mới dừng ở bước dự thảo và đang xin ý kiến của các bộ, ngành để trình chính phủ thông qua. 

Chúng tôi phấn đấu đến khoảng năm 2018, 2020 mất cân bằng giới tính khi sinh ở Việt Nam sẽ lên đến mức đỉnh và từ đó sẽ giảm xuống. Hiện nay, tôi nghĩ rằng, để tỷ số giới tính khi sinh quay trở lại ngay thì rất khó khả thi. 

Kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới đã chứng minh điều đó. Chẳng hạn như Ấn Độ, Trung Quốc đã xuất hiện tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh xuất hiện trước Việt Nam 20 năm và đến bây giờ các nước đó vẫn đang tiếp tục tăng. 

Chúng tôi hy vọng rằng khi chúng tôi áp dụng những biện pháp mạnh sắp tới thì tốc độ tăng ko nhanh như trước nữa. Thay vì mỗi năm tăng 1% thì bây giờ cố gắng hạn chế mỗi năm tăng khoảng 0,3-0,4%. Từ chỗ khống chế mức độ gia tăng thì chúng ta sẽ giảm dần.

Tuy nhiên, cần phải hiểu rằng, giải  quyết mất cân bằng giới tính khi sinh không phải câu chuyện của riêng ai, và nếu như chỉ đơn độc một ngành nào đó thì thôi khẳng định là chắc chắn không thể làm được. Để hoàn thành được chúng ta phải huy động cả xã hội cùng chung tay góp sức, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc thì chúng ta mới giải quyết được vấn đề đó./.

Xin cảm ơn ông!

Xem thêm
Đưa tư duy thị trường vào phát triển khoa học - công nghệ trong nông nghiệp

Chiều 19/4, Bộ NN-PTNT phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội nghị trao đổi về nội dung phối hợp hoạt động khoa học - công nghệ (KHCN) giữa hai bộ.

Việt Nam hỗ trợ đưa nông nghiệp trở thành trụ cột kinh tế ở Venezuela

Bộ Nông nghiệp Venezuela đánh giá cao kết quả tốt vượt mong đợi về hợp tác nông nghiệp song phương, ngay cả trong điều kiện Venezuela vô cùng khó khăn.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Hai giám đốc sở chỉ đạo cứu lúa trên cánh đồng Mường Lò

Giám đốc hai Sở: NN-PTNT và Công thương tỉnh Yên Bái trực tiếp chỉ đạo chống hạn cho diện tích lúa tại cánh đồng Mường Lò (thị xã Nghĩa Lộ).

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm