| Hotline: 0983.970.780

Sẽ truy cứu hình sự tội lạm dụng thu/chi sai phí, lệ phí

Thứ Tư 25/11/2015 , 19:35 (GMT+7)

Chiều 25/11, kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIII chính thức bấm nút thông qua Luật Phí và lệ phí. 

"Trường hợp vi phạm các quy định của pháp luật về phí, lệ phí thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật, xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật", Khoản 2 Điều 16 Luật phí và lệ phí khẳng định như vậy.

Chiều 25/11, kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIII chính thức bấm nút thông qua Luật Phí và lệ phí. Theo đó, 433 ĐBQH (chiếm 87,65% tổng số ĐBQH) tán thành thông qua Luật Phí và lệ phí gồm 6 Chương, 25 Điều và 2 Phụ lục.

Dự án luật này được dư luận đặc biệt quan tâm vì đa số mọi người dân đều chịu sự điều chỉnh. Chính vì thế, trước lúc thông qua toàn văn dự án Luật, Quốc hội đã biểu quyết 2 điều khoản.

Đó là: Điều 4 về Danh mục và thẩm quyền quy định phí, lệ phí; Điều 10 về Miễn, giảm phí, lệ phí. Cả hai Điều này đều nhận được trên 86% số ĐBQH tán thành.

Cụ thể, Điều 4 có hai khoản: Một là, Danh mục phí, lệ phí được ban hành kèm theo luật này (Phụ lục kèm theo). Đây được coi là điểm mới trong làm luật lần này của Quốc hội đối với một vấn đề có ảnh hưởng rất lớn đến quyền, nghĩa vụ của người dân.

Tại phiên họp 41 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng đã nói rất rõ, rất kỹ chỗ này. Đó là phải quy định thật chi tiết, cụ thể danh mục phí, lệ phí vào trong luật. Qua các kỳ họp, Quốc hội đã làm được điều đó.

Khoản thứ 2 trong Điều 4 quy định: "Chính phủ, Bộ Tài chính, HĐND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là HĐND cấp tỉnh) có thẩm quyền quy định các khoản phí, lệ phí trong Danh mục phí, lệ phí được quy định mức thu, miễn, giảm, quản lý và sử dụng các khoản phí, lệ phí”.

Quy định này cũng phù hợp với Điểm c, Mục 3, Điều 19 Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sẽ có hiệu lực từ 1/1/2016) và Khoản 5, Điều 11, Luật Tổ chức HĐND, UBND hiện hành.

Điều 16. Hành vi nghiêm cấm và xử lý vi phạm

1. Các hành vi nghiêm cấm bao gồm:

a) Nghiêm cấm cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, tổ chức, cá nhân tự đặt và thu các loại phí, lệ phí;

b) Thu, nộp, quản lý và sử dụng khoản thu phí, lệ phí trái với quy định của pháp luật.

2. Trường hợp vi phạm các quy định của pháp luật về phí, lệ phí thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật, xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

Bởi thực tế lâu nay, tình trạng HĐND cấp xã ở nhiều địa phương đã tự ý ban hành các quy định về thu quỹ, phí và lệ phí một cách vô tội vạ, trái thẩm quyền gây bức xúc trong nhân dân.

Cho nên Luật Phí và lệ phí có hiệu lực sẽ chấn chỉnh được tình trạng lạm thu quỹ, phí và lệ phí như đã từng diễn ra ở cơ sở.

Liên quan đến điều này, tại Điều 16 của Luật, tiếp thu ý kiến ĐBQH trong phiên thảo luận về việc đề nghị truy cứu trách nhiệm hình sự đối với trường hợp vi phạm các quy định của pháp luật về phí, lệ phí mà đáng chú ý là trường hợp tự ý đặt ra các khoản thu trái thẩm quyền, trái quy định và chi một cách vô tội vạ.

Chính vì thế, tiếp thu đề nghị, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã hoàn chỉnh lại dự luật, được Quốc hội biểu quyết tán thành: Trường hợp vi phạm các quy định của pháp luật về phí, lệ phí thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật, xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

Một vấn đề khác trong Luật Phí và lệ phí được nhiều ĐBQH quan tâm và được Quốc hội tiến hành biểu quyết riêng trước khi thông qua toàn văn dự án luật, đó là quy định tại Điều 10 về "Miễn, giảm phí, lệ phí".

Quy định này nêu rõ: Các đối tượng thuộc diện miễn, giảm phí, lệ phí gồm trẻ em, hộ nghèo, người cao tuổi, người khuyết tật, người có công với cách mạng, đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã đặc biệt khó khăn và một số đối tượng đặc biệt theo quy định của pháp luật.

Yêu cầu bắt buộc đối với trách nhiệm của tổ chức thu phí, lệ phí được quy định tại Khoản 1, Điều 14, Luật Phí và lệ phí nhấn mạnh: Niêm yết công khai tại địa điểm thu và công khai trên Trang thông tin điện tử của tổ chức thu phí, lệ phí về tên phí, lệ phí, mức thu, phương thức thu, đối tượng nộp, miễn, giảm và văn bản quy định thu phí, lệ phí.

Quy định này sẽ giúp các đối tượng bị điều chỉnh bởi luật sẽ giám sát được việc thực thi của các cơ quan, tổ chức trong việc thu/chi phí, lệ phí.

Việc minh bạch, công khai, niêm yết danh mục cụ thể sẽ góp phần hạn chế đến mức tối đa các sai phạm, lạm dụng thu phí, lệ phí của các tổ chức, cá nhân đối với người dân.

Luật Phí và lệ phí có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2017.

Phải giải quyết triệt để vấn đề lạm thu ở Can Lộc

Bên hành lang kỳ họp, PV đã có cuộc trao đổi với ông Lê Như Tiến, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội về tình trạng lạm thu ở huyện Can Lộc, Hà Tĩnh mà NNVN phản ánh trong loạt bài "Gánh nặng quê nghèo" đến nay chưa được chấm dứt.

Về việc này Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đã 3 lần có văn bản đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh phải tăng cường chỉ đạo kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về thu phí, đóng góp của nhân dân tại một số xã thuộc huyện Can Lộc để chấn chỉnh, xử lý kịp thời các trường hợp không thực hiện đúng quy định.

Trước việc cấp dưới không chấp hành chỉ đạo của cấp trên, ông Lê Như Tiến cho rằng, như vậy là chính quyền cấp dưới vừa thực thi luật pháp không nghiêm, vừa không tôn trọng chỉ đạo của cấp trên.

“Theo tôi, nếu Nhà nước đã có những quy định cụ thể, Phó Thủ tướng đã chỉ đạo nhiều lần mà chưa có sự chuyển biến thì nhất quyết Chính phủ phải có biện pháp mạnh hơn để mọi người dân không chỉ ở Hà Tĩnh mà trong cả nước này được hưởng mọi quyền lợi chính đáng và hơn tất cả là thượng tôn pháp luật được thực thi”, ông Tiến đề nghị.

Xem thêm
Greenfeed Việt Nam công bố kết quả tăng trưởng lợi nhuận bền vững

Greenfeed Việt Nam với những chỉ số tài chính vừa công bố, cho thấy thương hiệu này vẫn duy trì hoạt động sản xuất và kinh doanh hiệu quả trên thị trường nông sản.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Kiên Giang tổ chức nhiều hoạt động Giỗ Tổ Hùng Vương

Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương năm nay, tỉnh Kiên Giang tổ chức nhiều hoạt động nhằm giáo dục truyền thống uống nước nhớ nguồn và tăng cường tình đoàn kết.

Cứu lấy gần 30ha rừng ngập mặn ở Nam Định: [Bài 2] Chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm?

Chủ đầu tư Khu công nghiệp Rạng Đông phải chịu trách nhiệm nếu kênh xả thải khu công nghiệp chặn dòng chảy làm gần 30ha rừng ngập mặn ven biển Nghĩa Hưng bị thiệt hại.