| Hotline: 0983.970.780

EU cảnh báo rút thẻ đỏ với thủy sản Việt Nam

Thứ Tư 15/11/2017 , 07:01 (GMT+7)

Đặc biệt tàu cá nào vi phạm thì không được hưởng chính sách hỗ trợ nữa. Đối với chủ tàu cá bị bắt, bị đánh chìm tàu thì yêu cầu không cho đóng mới tàu. Nếu cố tình vi phạm một cách trắng trợn thì đề nghị truy tố...

Tại cuộc họp khẩn bàn các giải pháp cấp bách thể hiện hành động quyết liệt của Việt Nam trước các khuyến cáo của Liên minh châu Âu (EU) khi thủy sản đánh bắt của Việt Nam đã bị rút thẻ vàng, ông Nguyễn Ngọc Oai, quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản tiết lộ, từ trước tới nay chúng ta cứ che giấu tàu cá vi phạm, cứ coi việc vi phạm là... tài liệu mật!

Cuộc họp diễn ra vào ngày 13/11 với sự tham dự của đại diện Vụ Nông nghiệp thuộc Văn phòng Chính phủ và đại diện Cục lãnh sự (Bộ Ngoại giao).
 

Tình hình đáng báo động

“Bây giờ tình thế khác rồi nên phải công khai để có biện pháp xử lý. Đặc biệt tàu cá nào vi phạm thì không được hưởng chính sách hỗ trợ nữa. Đối với chủ tàu cá bị bắt, bị đánh chìm tàu thì yêu cầu không cho đóng mới tàu. Nếu cố tình vi phạm một cách trắng trợn thì đề nghị truy tố hình sự”, ông Oai trần tình.

14-40-52_tu_c_qung_ngi_khi_thc_hi_sn_tri_phep_bi_nuoc_ngoi_ph_huy_nh_vn_tnh
Tàu cá ngư dân Quảng Ngãi khai thác hải sản trái phép bị nước ngoài phá hủy. Ảnh: Văn Tánh

Phát biểu của ông Oai cho thấy vấn đề đặt ra phải chăng vì sự giấu diếm này mà liên tục nhiều năm liền tình trạng tàu cá và ngư dân khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài đã không được chấn chỉnh bài bản, triệt để. Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Vũ Văn Tám cũng thừa nhận yếu kém trong công tác giám sát việc xử lý tàu cá vi phạm tại các địa phương trong thời gian qua.

Thứ trưởng Tám yêu cầu Tổng cục Thủy sản lập danh sách cụ thể từng tàu, chủ tàu và ngư dân vi phạm phối hợp cùng chính quyền các địa phương để có biện pháp xử lý nghiêm minh trong thời gian tới. Ông Tám cho rằng, việc xử lý nghiêm, triệt để vấn đề này thể hiện quyết tâm và hành động của Việt Nam trước các khuyến cáo của EU. Vì lẽ đó, các đơn vị và địa phương phải hành động ngay, vào cuộc chứ không thể chần chừ, đứng nhìn ngoài cuộc nữa.

“Đang trong thời gian Quốc hội họp để thông qua Luật Thủy sản, chúng ta nên chủ động. Hiện chúng ta chưa đáp ứng hết các yêu cầu của EU. Vậy, chúng ta nên hỏi phía EU rằng trong tương lai Việt Nam xử lý các khuyến nghị của họ bằng Nghị định, Thông tư được không? Nếu họ không đồng ý thì Bộ NN-PTNT cần có ngay văn bản báo cáo Thủ tướng để có hướng xử lý trước khi Quốc hội thông qua Luật thủy sản”.

(Ông Lê Anh Việt, Phó vụ trưởng Vụ Nông nghiệp, Văn phòng Chính phủ)

Báo cáo tình hình chung và hiện trạng tàu cá vi phạm, đại diện Cục Kiểm ngư (Tổng cục Thủy sản) cho biết, sau 7 năm thực hiện Chỉ thị 689 của Thủ tướng Chính phủ và 5 năm thực hiện Công điện 1329 của Thủ tướng về tình hình tàu cá và ngư dân bị nước ngoài bắt giữ có xu hướng giảm dần từ năm 2010 – 2014, nhưng từ 2015 đến nay lại diễn biến phức tạp, đặc biệt là vi phạm vùng biển các nước, quốc đảo Thái Bình Dương như Palau, Micrônêxia, Úc, Papua New Ghine… tăng lên đáng kể.

Tính từ 2010 đến nay đã xảy ra 1.255 vụ vi phạm với 2.079 tàu cá và 16.428 ngư dân. Đây là một con số rất đáng báo động. Các địa phương có số tàu cá vi phạm, bị nước ngoài kiểm soát, bắt giữ, xử lý nhiều nhất bao gồm: Bà Rịa – Vũng Tàu (64 tàu), Quảng Ngãi (65 tàu), Kiên Giang (25 tàu), Bình Định (19 tàu), Cà Mau (13 tàu), Khánh Hòa (14 tàu), Tiền Giang (11 tàu), Bến Tre (10 tàu), Bình Thuận (4 tàu), Phú Yên (4 tàu).

Báo cáo của Cục Kiểm ngư thẳng thắn: “Các địa phương trước đây chưa xử phạt tàu cá vi phạm thì nay đã tiến hành xử phạt nhưng thực hiện chưa triệt để. Các tỉnh Tiền Giang, Khánh Hòa, Kiên Giang, Bình Định… vẫn chưa tiến hành xử phạt. Các tỉnh Bình Thuận, Bà Rịa – Vũng Tàu chưa lập và báo cáo danh sách tàu cá, ngư dân vi phạm. Các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Thuận chưa có báo cáo kết quả kiểm điểm, rút kinh nghiệm theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện 732”.

Xử lý nghiêm

Sau báo cáo của Tổng cục Thủy sản, Thứ trưởng Vũ Văn Tám đã đặt ra hàng loạt câu hỏi. Ông Tám yêu cầu các đại biểu phải mạnh dạn đề xuất các giải pháp thực hiện. Những tàu đã vi phạm, những tàu đã được các nước và EU thông báo cho chúng ta nhưng địa phương đã xử lý hay chưa? Các tàu đó có tiếp tục ra khơi, có được hưởng thêm chính sách từ Quyết định 49 và Nghị định 67 nữa hay không?

14-40-52_cn_bo_bien_phong_kien_ging_kiem_tr_n_ton_hng_hi_vn_dong_ngu_dn_khong_vi_phm_vung_dnh_c
Bộ đội biên phòng Kiên Giang kiểm tra an toàn hàng hải và vận động ngư dân không vi phạm vùng khai thác hải sản
“Hiện có danh sách 38 tàu, chủ yếu là Quảng Ngãi đang bị bắt giữ ở nước ngoài. Yêu cầu có văn bản riêng gửi cho Quảng Ngãi và chuyến đi Nouvelle Caledonie tới đây nhất thiết phải có lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi trực tiếp chứng kiến để thấy được sự xót xa mà đề cao trách nhiệm với ngư dân”, Thứ trưởng Vũ Văn Tám nhắc nhở.

Không chờ câu trả lời, Thứ trưởng khẳng định luôn rằng, cái này chúng ta chưa nắm được. Tới đây Bộ sẽ cử một đoàn đi thăm một quốc đảo của Pháp. Trung tâm EU là ở Pháp. Do đó, chúng ta phải có một đoàn sang làm việc với họ vừa thể hiện thiện chí vừa thể hiện trách nhiệm của mình.

Trước con số 2.079 tàu cá vi phạm, Thứ trưởng hỏi, đã xử lý được mấy tàu? Phía Tổng cục Thủy sản đáp, chưa xử lý được triệt để, các tỉnh vẫn cho đi khai thác bình thường. Sau khi có công điện 732 thì có chuyển biến nhưng không đáng kể.

Ông Tám hỏi tiếp, có danh sách từng tàu, từng tỉnh không? Đáp, có. Ông Tám đề nghị có văn bản gửi các tỉnh để rà soát xem đã xử lý đến đâu? Đề xuất giải pháp tiếp theo như thế nào?

“Theo Nghị định 103 thì những tàu này chỉ phạt được 70 triệu đồng mà thôi. Đối với những tàu đã bị mất tàu thì nay họ lại nhờ người khác đứng ra làm chủ tàu. Có trường hợp vi phạm đến 3 lần”, đại diện Cục Kiểm ngư lên tiếng.

Thứ trưởng Tám đề nghị có chế tài xử lý thật nghiêm, rõ ràng đối với các trường hợp này, đặc biệt là cố tình vi phạm. Ông nói, việc sửa Luật thủy sản sẽ phải bổ sung cái này vào.

Ông Nguyễn Văn Cường, Chánh Văn phòng Tổng cục Thủy sản đề xuất phải lập và công bố tên tuổi các tàu cá vi phạm. Sau khi có danh sách này thì sẽ yêu cầu UBND tỉnh có biện pháp xử lý mạnh. Cơ quan an ninh cũng cần vào cuộc để xử lý hình sự những vụ việc cụ thể.

Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Nguyễn Ngọc Oai cho hay, phía Tổng cục đã xây dựng kế hoạch hành động trong hai tháng cuối năm nay và trong thời gian 6 tháng bị rút thẻ vàng.

Môi giới bán dầu trên biển

Một thông tin rất đáng chú ý là tình trạng môi giới bán dầu trên biển. “Có đơn tố giác tàu cảnh sát biển tiếp tay cho việc bán dầu, buôn lậu trên biển. Cái này đề nghị Bộ Công an vào cuộc để làm rõ, truy tố”, quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Nguyễn Ngọc Oai cho biết.

Tranh chấp vùng đánh cá khá phức tạp

Phía Cục Kiểm ngư cho hay, tình hình tranh chấp chủ quyền ở biển Đông còn diễn biến phức tạp... Biểu hiện rõ nét nhất từ phía Trung Quốc là ngăn cản, đập phá tịch thu tài sản, thậm chí đâm va, đâm chìm tàu cá của ta hoạt động khai thác ở ngư trường truyền thống quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.

Tại các vùng biển chồng lấn, tranh chấp chưa phân định giữa Việt Nam và các nước, đặc biệt với Indonesia trong thời gian gần đây diễn biến phức tạp. Indonesia tổ chức truy bắt, bắt giữ tàu cá và ngư dân ta khai thác trên khu vực phía bắc đường phân định thềm lục địa Việt Nam. Điều này gây tâm lý hoang mang, ảnh hưởng đến sinh kế của ngư dân ta, đe dọa đến an ninh chủ quyền quốc gia.

Trong thời gian gần đây, lực lượng chấp pháp các nước như Thái Lan, Indonesia, Philippines… tiếp tục sử dụng vũ lực truy bắt, bắn chìm tàu cá và ngư dân ta gây thiệt hại về tính mạng và tài sản. Điển hình như vụ việc ngày 23/9/2017, lực lượng Philppines bắn tàu cá Phú Yên làm chết 2 ngư dân.

 

Xem thêm
Cà phê có thể bị tiêu hủy nếu vi phạm quy định kiểm dịch của Mexico

Thông báo ngày 21/3 của Mexico sửa đổi các yêu cầu kiểm dịch thực vật hạt cà phê Arabica và Robusta nhập khẩu từ một số nước, trong đó có Việt Nam.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Tiến Nông được bình chọn là thương hiệu mạnh ASEAN 2024

Với sự ghi nhận này, Tiến Nông tự tin vươn tầm khu vực, trở thành thương hiệu của nông dân ASEAN.