| Hotline: 0983.970.780

Thứ Tư 23/05/2018 , 06:25 (GMT+7)

06:25 - 23/05/2018

Siết xe công: Nói và làm?

Chính phủ vừa có báo cáo về tình hình sử dụng, quản lý tài sản Nhà nước năm 2017 gửi Quốc hội, trong đó có phần về quản lý và sử dụng xe ô tô công.

Theo đó, năm 2017, số xe được mua mới là 1.081 chiếc, trị giá 1.030,8 tỷ đồng.

Thông tin này khiến nhiều người ngao ngán, mất lòng tin vào chuyện nói và làm của cơ quan Nhà nước. Từ vài năm nay, xe công đã trở thành một vấn đề nhức nhối, gây bức xúc cho xã hội, làm nóng trên rất nhiều diễn đàn và cả nghị trường của Quốc hội.

Bởi mỗi năm, Ngân sách Nhà nước phải bỏ ra tới hơn 13.000 tỷ đồng để nuôi một đội ngũ xe công đến trên 40.000 chiếc, chưa kể của quân đội và công an.Xe công có ở khắp nơi, từ cấp huyện đến cấp tỉnh, cấp trung ương. Lãnh đạo sử dụng xe công, chuyên viên sử dụng xe công. Xe công không chỉ dùng để đưa đón lãnh đạo, chuyên viên đi làm, mà không mấy ngày trên báo chí không thấy trưng lên những chiếc xe biển xanh được dùng để đi lễ, đi hội, đi ăn hỏi, ăn cưới, đi đám tang hay chở vợ con của lãnh đạo đi siêu thị mua sắm...

Bình quân một năm, kinh phí nuôi một chiếc xe công hết khoảng 320 triệu đồng (lương lái xe, xăng dầu, sửa chữa bảo dưỡng...) bằng lương của 3 Phó giáo sư đại học, mà nhiều khi chiếc xe đó chỉ để phục vụ cho mấy ông trưởng phòng cấp huyện.

Xe công, không phải chỉ để phục vụ cho lãnh đạo, chuyên viên, mà còn được dùng để phân biệt đẳng cấp. Ví như Bộ trưởng được đi xe trị giá bao nhiêu tiền, Thứ trưởng, Bí thư, chủ tịch tỉnh thì được đi xe trị giá bao nhiêu tiền. Giám đốc sở, bí thư huyện thì được đi xe trị giá bao nhiêu tiền. Thành ra, sự phấn đấu của con người không còn là phấn đấu để được cống hiến, phục vụ nhân dân được nhiều hơn, mà là để được hưởng tiêu chuẩn, xe cộ cao hơn.

Chính vì xe công được sử dụng một cách bừa bãi, lãng phí, tốn kém cho Ngân sách như vậy, nên mấy năm nay, Chính phủ đã đặt ra rất nhiều giải pháp để xiết chặt việc quản lý, sử dụng xe công. Nào xử lý nặng những trường hợp dùng xe công vào việc riêng, nào khoán xe công. Một số cơ quan đã thí điểm việc này, và đã tiết kiệm cho Ngân sách hàng tỷ đồng.

Thế nhưng, miệng nói xiết chặt quản lý xe công, nhưng tay thì vẫn ký chi cả ngàn tỷ đồng để sắm mới xe công. Tức là số lượng xe công không những không giảm đi mà trái lại, càng xiết, lại càng phình. Chẳng khác gì miệng hô tinh giảm biên chế, nhưng biên chế lại càng tăng. Nếu tính bình quân mỗi năm nuôi một chiếc xe công hết 320 triệu, thì với trên 1.000 chiếc xe mới sắm đó, mỗi năm Ngân sách tốn thêm 320 tỷ nữa, chưa kể trên 1000 tỷ tiền mua xe.

Nếu cứ tình trạng nói một đằng, làm một nẻo như thế này, thì xe công mãi mãi vẫn còn trở thành gánh nặng cho Ngân sách Nhà nước.