| Hotline: 0983.970.780

Sinh viên “phát mệt” vì… quá rảnh

Thứ Tư 12/06/2013 , 08:49 (GMT+7)

Những tưởng việc học phải rất áp lực và đòi hỏi nhiều thời gian nhưng không ít sinh viên thường xuyên rảnh rỗi đến mức phải tìm đủ cách để “giết” thời gian.

Những tưởng ở bậc đại học, việc học phải rất áp lực và đòi hỏi nhiều thời gian nhưng không ít sinh viên thường xuyên rảnh rỗi đến mức phải tìm đủ cách để “giết” thời gian, thậm chí tham gia những trò vô bổ.

“Tám chuyện” giết thời gian

4h giờ chiều, tại Trường ĐH Sài Gòn (đường An Dương Vương, Q.5, TPHCM), nhiều nhóm sinh viên (SV) kéo nhau ngồi ở hành lang, gốc cây, ghế đá… "tám chuyện" sau giờ học. Mọi chuyện ăn uống, học hành, ngủ nghỉ, thời tiết… đều được họ đưa ra “mổ xẻ. Nhiều bạn kéo nhau ra quán ăn trước cổng trường hoặc rủ nhau qua ra phố ngắm đồ với lý do chung vì chẳng biết làm gì.

“Hết giờ học, tụi em đâu biết làm gì, về phòng trọ cũng chỉ loay hoay chờ... đến giờ đi ngủ nên ở lại tám chuyện cho đỡ buồn”, một nữ sinh ngồi "buôn chuyện" với nhóm bạn cho hay.

Việc "tám chuyện" sau giờ học thế này “tùy hứng”, có hôm họ ngồi đến 6 - 7 giờ thì ai về nhà nấy hoặc lại tìm chỗ nào khác để đi.

Phạm Thị Thanh, SV Khoa Môi trường cho rằng, ngoài giờ học ở lớp thì nhiều SV rất rảnh rỗi. Thế nên, họ thường tụ tập "buôn" chuyện sau giờ học, về nhà thì lên mạng lướt web, xem phim, chat… cho hết ngày.

“Việc học nhẹ nhàng nên không cần quá nhiều thời gian SV vẫn có thể thi qua. Hơn nữa, động lực học cũng không có. Còn việc tham gia các hoạt động xã hội, các câu lạc bộ thì phụ thuộc vào tính chủ động của từng người”, Thanh nói.

Hình ảnh SV la cà lại sân trường, ở hàng ăn, quán Internet hàng giờ đồng sau giờ học để giết thời gian như vậy không hề hiếm tại các trường ĐH, CĐ. Họ ngồi tám chuyện trên trời dưới đất nhưng có thể “ngốn” mất 3 - 4 giờ đồng hồ là chuyện nhỏ.

“Sinh bệnh” vì… rảnh

Dư giả thời gian, nhiều SV rơi vào trạng thái uể oải, thường xuyên thở than vì… rảnh. Điều này càng dễ thấy hơn tại nhiều khu trọ, với không ít SV, thời gian ăn ngủ, hay lên lướt web, nghe nhạc… chiếm phần lớn thời gian trong ngày.

Ng. T. Vũ, SV Trường CĐ Điện lực, trọ ở đường Hà Huy Giáp (Q.12, TPHCM) không ngại ngần cho biết, ngoài chừng 3 tiếng mỗi ngày ở lớp thì cậu và 5 người bạn cùng phòng còn 20 giờ còn lại loay hoay ở nhà ngủ, có người nghiện game. Đầu tháng có tiền thì tụ tập ăn nhậu hoặc đánh bài.

Chuyện ngồi vào bàn học hay chạm đến sách vở là điều cực hiếm với họ. Trong phòng trọ, “dấu ấn” học hành của 6 SV chỉ là vài ba cuốn tập.


Nhậu nhẹt…

“Thế nhưng đến ngày thi cũng qua, bết lắm mới phải thi lại. SV ngủ hoặc nhậu, chơi bài 10 - 15 tiếng mỗi ngày cũng không có gì lạ.”, Vũ nói.

Tại xóm trọ này, có cô cậu còn khoe "kỳ tích" ngồi quán chơi game 5 - 10 giờ mỗi ngày hoặc có những nữ sinh “cày” phim bộ hàng trăm tập chỉ trong 1, 2 tuần vì có ngày đã xem đến… vài chục tập.

“Chán quá, chẳng biết làm gì” cũng là câu cửa miệng của không ít SV. Với họ, việc ngủ dậy lúc 10 - 11 giờ là chuyện không có gì lạ, sau giờ đến lớp lại… lăn ra giường.

Một SV thừa nhận chỉ ai thật chăm chỉ mới học bài còn số đông chẳng mấy khi động đến sách vở, trừ trước dịp thi. Ngủ, lên mạng, nghe nhạc, tám chuyện là hoạt động thường xuyên của đông SV.


Cờ bạc là những thú vui của không ít sinh viên nhằm "giết" thời gian

Lý giải về việc SV rảnh rỗi, Trần Đăng Đạt - K28 Khoa Quản trị Kinh doanh, ĐH Ngân hàng TPHCM cho hay việc học ở ĐH khác phổ thông, người học không bị áp lực về kiểm tra bài mỗi ngày hay điểm phẩy mà đơn giản là qua môn. Khi xác định chỉ để qua môn thì nhiều thực tế với nhiều người… chẳng cần phải học hoặc tốn rất ít thời gian.

“Nhiều anh chị khóa trước nói rằng tụi tao chơi hoài có học hành gì đâu vẫn ra trường. Mà có thi lại mới là SV”. Chính vì lẽ đó theo Đạt, trừ những người có mục tiêu học tập rõ ràng thì nói chung, SV nhàn rỗi vô cùng. Nhiều cậu bạn của Đạt thường tụ tập nhậu nhẹt, chơi bời hay tham gia nhiều trò vô bổ để giải sầu do rảnh quá.

Tại hội thảo về giáo dục đạo đức cho SV tổ chức cách đây không lâu tại ĐH Sư phạm TPHCM, nhiều giảng viên chỉ ra rằng SV dễ sa vào các tệ nạn, các hành vi tiêu cực một phần do họ có quá nhiều thời gian gian nhàn rỗi.

Trong khi các hoạt động ngoài giờ như sinh hoạt câu lạc bộ, chuyên đề, hoạt động Đoàn hội chưa thật sự gắn kết và hấp dẫn SV. Cũng như tính chủ động trong việc học hay tham gia vào các hoạt động lành lạnh để rút ngắn thời gian “rảnh” của SV còn hạn chế.

(Theo DT)

Xem thêm
ASEAN cần tiếp tục ưu tiên duy trì đoàn kết, độc lập, tự cường

Ngày 23/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn nhân chuyến thăm làm việc và tham dự Diễn đàn Tương lai ASEAN.

Đưa cán bộ khuyến nông sang Nhật Bản học tập và làm việc

HÀ NỘI Ngày 22/4, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam tiếp và làm việc với đoàn đại biểu quận Nikicho (tỉnh Hokkaido, Nhật Bản).

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.