| Hotline: 0983.970.780

"Sờ" đâu cũng thấy vướng

Thứ Tư 26/12/2012 , 10:04 (GMT+7)

Sau hơn 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 24/2008/NQ-CP, đã có 60% số xã trên cả nước hoàn thành công tác lập, duyệt, quản lý quy hoạch xây dựng NTM.

Sau hơn 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 24/2008/NQ-CP, đã có 60% số xã trên cả nước hoàn thành công tác lập, duyệt, quản lý quy hoạch xây dựng NTM. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều địa phương đang tỏ ra lúng túng, có thái độ trông chờ, ỷ lại vào cấp trên.

Văn bản "đá" nhau

Để mổ xẻ những vướng mắc kể trên, mới đây Tổng hội Xây dựng Việt Nam đã phối hợp với UBND tỉnh Hải Dương tổ chức buổi Hội thảo “Quy hoạch xây dựng NTM”. Hội thảo đã nhận được trên 20 tham luận đến từ các cấp xã, huyện, sở của tỉnh Hải Dương, Thái Bình, Vĩnh Phúc, Tuyên Quang… cùng rất nhiều ý kiến bên lề.

Chương trình MTQG xây dựng NTM được sự góp sức, chung tay của hầu hết các Bộ, ban, ngành từ Trung ương tới địa phương. Nhưng cũng chính vì thế, việc các Bộ ra quá nhiều văn bản khiến chính quyền địa phương loay hoay áp dụng, thay đổi sao cho phù hợp với điều kiện thực tế. Theo ông Trần Ngọc Hùng, Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, hiện nay có đến trên chục văn bản hướng dẫn quy hoạch xây dựng NTM được ban hành. Có thể kể ra: Quyết định 491/QĐ-TTg ngày 16/4/2009 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Bộ tiêu chí Quốc gia xây dựng NTM; Thông tư 54/TT-BNN ngày 21/8/2009 của Bộ NN-PTNT về hướng dẫn thực hiện Bộ tiêu chí Quốc gia xây dựng NTM; Quyết định 800/QĐ-TTg ngày 4/6/2010 về việc phê duyệt Chương trình MTQG về xây dựng NTM giai đoạn 2010-2020; Hướng dẫn nội dung lập đồ án quy hoạch xây dựng NTM tháng 5/2010 của Viện Kiến trúc quy hoạch (Bộ Xây dựng); Quyết định 135 của Bộ Giao thông - Vận tải ngày 23/2/2011 hướng dẫn thực hiện tiêu chí giao thông trong xây dựng NTM... Mới đây nhất là Thông tư liên tịch số 13 của Bộ Xây dựng, Bộ NN-PTNT và Bộ Tài nguyên - Môi trường về việc hướng dẫn lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch xây dựng NTM. Ngoài ra còn rất nhiều các quyết định, thông tư, hướng dẫn xoay quanh vấn đề quy hoạch xây dựng NTM.

Việc các văn bản “đá” nhau được thể hiện ở hai điểm:

Thứ nhất, sự không thống nhất về tên gọi. Theo quy định của pháp luật hiện hành chưa có cụm từ “Quy hoạch xây dựng xã NTM”. Trong Luật Xây dựng và các nghị định hướng dẫn chỉ có “Quy định xây dựng điểm dân cư nông thôn”. Còn Quyết định số 193 của Thủ tướng Chính phủ có thêm cụm từ “Quy hoạch xây dựng NTM”. Gần đây nhất là Thông tư số 13 lại dùng cụm từ “Quy hoạch xây dựng xã NTM”. Điều này đã gây ra sự lúng túng cho các địa phương khi đưa vào triển khai.


Xây dựng hệ thống tưới tiêu cho đồng ruộng ở Tiền Hải, Thái Bình

Thứ hai, về phần nội dung. Một ví dụ cho sự “đá” nhau đó là việc quy định tiêu chuẩn cho đường giao thông nông thôn. Theo Bộ Giao thông - Vận tải thì quy định đường AH phải rộng 3,5 m còn Bộ NN-PTNT quy định đường trục xã, làng rộng tối thiểu 5-6 m. Trong khi đó, cũng với những con đường này, Bộ Xây dựng lại quy định phải đảm bảo mắt đường từ 9-15 m. Cùng một loại đường, ba Bộ lại có đến 3 quy định hoàn toàn khác nhau. Ông Trần Khắc Đoan, Chi cục trưởng Chi cục PTNT (Sở NN - PTNT Hải Dương) bức xúc cho biết, nhiều xã cho triển khai làm đường đến khi gần xong thì có quyết định mới nên đành phải làm lại từ đầu, vừa mất thời gian, vừa gây lãng phí ngân sách Nhà nước.

Ngoài những bất cập kể trên, theo ý kiến từ đại diện nhiều địa phương, một số tiêu chí trong Bộ tiêu chí xây dựng NTM rất khó và không thể làm được. Trong đó các tiêu chí như nâng cao thu nhập cho người dân, xây dựng mỗi xã 1 chợ, cơ cấu lao động được các địa phương than khó nhiều nhất.  Kiến trúc sư Thái Thành Vân (Hội Kiến trúc sư Tuyên Quang) cho biết, qua khảo sát trên địa bàn Tuyên Quang thì số xã đạt các tiêu chí về thu nhập, cơ cấu lao động, xây dựng chợ… là 0%. Ông cho rằng, mỗi xã không nhất thiết phải xây dựng một chợ. Ở vùng núi, dân cư thưa thớt, nếu cho xây dựng mỗi xã một chợ sẽ không tránh khỏi sự lãng phí, không phát huy được hiệu quả sử dụng.

Địa phương lúng túng, ỷ lại

Qua khảo sát của Tổng Hội Xây dựng Việt Nam, năm 2010, trong 181.000 cán bộ cấp xã có 0,1% không biết chữ, 48% chưa qua đào tạo, 80% không biết sử dụng máy tính. Các Cty tư vấn chưa đủ năng lực, chủ yếu tập trung quy hoạch điểm dân cư tập trung… Về công tác quy hoạch xây dựng NTM ở Hải Dương, ông Nguyễn Dương Thái, Phó chủ tịch UBND tỉnh, cho biết, hiện nay Hải Dương đang vấp phải rất nhiều khó khăn. Quy hoạch là tiêu chí đầu tiên nên lãnh đạo các địa phương càng phải nhận thức sâu sắc, rõ ràng hơn. Tuy nhiên, tiến độ quy hoạch còn khá chậm, chất lượng quy hoạch chưa cao, các cấp ngành chưa có sự phối hợp thông suốt.

Trao đổi với NNVN về những vướng mắc trong quá trình quy hoạch xây dựng NTM, bà Phan Thị Mỹ Linh, Thứ trưởng Bộ Xây dựng, cho biết, trong thời gian tới, còn nhiều việc cần phải xem xét lại như các tiêu chí về cơ cấu lao động, xây dựng chợ, nâng cao thu nhập của người dân… Giữa các Bộ cần có sự phối hợp chỉ đạo, thống nhất lại các tiêu chí giúp các địa phương thực hiện tiến độ xây dựng NTM nhanh và chính xác hơn. Về nguồn vốn sẽ ưu tiên cho công tác quy hoạch, vì quy mô các xã không đồng nhất nên việc hỗ trợ sẽ có sự điều chỉnh giúp việc quy hoạch hoàn thành một cách hợp lí nhất.

Nói rõ hơn về những hạn chế của tỉnh Hải Dương, ông Trần Khắc Đoan thẳng thắn phê bình đội ngũ cán bộ các địa phương chưa thực sự năng động trong việc lựa chọn đơn vị tư vấn, phần lớn còn có thái độ trông chờ ỷ lại vào cấp trên, phó thác trách nhiệm cho đơn vị quy hoạch. Giai đoạn đầu triển khai, nhiều cán bộ xã vẫn “hồn nhiên” cho rằng việc xây dựng NTM là Nhà nước sẽ đầu tư cho toàn bộ. Và hầu hết các xã đều chưa có cán bộ chuyên trách phục vụ công tác tổng hợp, tham mưu trong việc quy hoạch xây dựng NTM. Tất cả những hạn chế kể trên dẫn đến việc quy hoạch xây dựng NTM tại Hải Dương bị chậm so với kế hoạch đề ra.

Một vấn đề mà hầu hết các địa phương đang gặp khó là nguồn vốn để đầu tư cho công tác quy hoạch. Ông Nguyễn Đạm, Giám đốc Sở Xây dựng Vĩnh Phúc, cho biết, với kinh phí dự toán cắm mốc giới quy hoạch là 3 tỉ đồng/xã thì Vĩnh Phúc mất khoảng 336 tỉ đồng mới hoàn thành việc cắm mốc. Đây là con số quá lớn trong khi kinh phí đầu tư cơ sở hạ tầng, công trình phúc lợi còn ít ỏi. Trong khi trông chờ vào nguồn vốn từ ngân sách, các địa phương nên tạo ra một cơ chế thoáng hơn giúp các nhà đầu tư mạnh dạn tham gia vào các dự án NTM. Bên cạnh đó phải nâng cao được năng lực, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ các cấp nhằm đáp ứng yêu cầu của tiến trình xây dựng NTM.

Xem thêm
Thái Nguyên chấp thuận nhà đầu tư 2 dự án dân cư nông thôn

Thái Nguyên chấp thuận nhà đầu tư Dự án Khu dân cư nông thôn số 1 xã Ký Phú và Dự án Điểm dân cư nông thôn số 1 xã Bình Thuận (huyện Đại Từ).

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Bà Rịa - Vũng Tàu có thêm 22 sản phẩm OCOP 4 sao

Chiều 28/3, Sở NN-PTNT Bà Rịa - Vũng Tàu tổ chức hội nghị giao ban tổng kết hoạt động của các HTX nông nghiệp và lễ công bố, trao giấy chứng nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh.

Bình luận mới nhất