| Hotline: 0983.970.780

Sở 'mềm' hay 'cứng' là do đặc thù công việc

Thứ Hai 21/05/2018 , 08:25 (GMT+7)

Chủ trương sáp nhập một số Sở, ngành ở địa phương đang khiến không ít cán bộ tâm tư. Bảo là lo lắng thì không hẳn, nhưng cũng chưa an tâm khi công việc sắp tới có thể sẽ nhiều xáo trộn.

Tuy nhiên, cũng có những ý kiến khác…

Ủng hộ chủ trương sáp nhập (chính xác hơn là hợp nhất) các Sở, nhằm tin gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực phối hợp và hiệu quả công việc, một lãnh đạo ngành nông nghiệp tỉnh Quảng Ninh cho rằng, việc hợp nhất là xu thế không thể cưỡng lại. Và nên làm càng sớm càng tốt. “Chúng tôi cho rằng việc hợp nhất sẽ làm tinh gọn bộ máy, tăng hiệu lực quản lý Nhà nước và đào tạo cán bộ một cách bài bản hơn. Việc này Quảng Ninh đã, đang và sẽ làm triệt để”, vị lãnh đạo giấu tên này nói.

08-49-04_tthcc
Ảnh: T.Y

Nêu ví dụ việc hợp nhất trước đây giữa ngành nông nghiệp và ngành thủy sản của tỉnh Quảng Ninh, ông này cho rằng, trước đó, rất nhiều ý kiến phản đối, lo lắng việc hợp nhất sẽ khiến ngành thủy sản, vốn được cho là “phụ”, sẽ yếu đi. Vai trò quản lý Nhà nước, phát triển thủy sản của tỉnh sẽ không còn được như trước. Tuy nhiên, thực tế chứng minh ngược lại.

“Nếu trước khi hợp nhất, ngành thủy sản của tỉnh chỉ chiếm hơn 30% GDP ngành nông nghiệp, với mức độ khai thác, đánh bắt chiếm tỷ lệ cao hơn nuôi trồng, thì đến nay, ngành này đã tăng tốc đến kinh ngạc, chiếm 51% GDP của nông nghiệp Quảng Ninh, trong đó nuôi trồng, chế biến chiếm tỷ lệ lớn”, vị cán bộ này phân tích.

Trong dự thảo đề án sáp nhập các Sở của Bộ Nội vụ, gồm việc nhập Sở NN-PTNT và Sở Công thương thành Sở Công nghiệp, Nông nghiệp và Thương mại, nhiều ý kiến bày tỏ lo lắng trước việc phân định cơ quan nào sẽ là chính, cơ quan nào là phụ.

Vẫn vị lãnh đạo này cho rằng, chính hay phụ không hề quan trọng, quan trọng ở chỗ, nên ổn định đội ngũ cán bộ chuyên ngành, bởi trước nay nó đã được vận hành theo hệ thống, đã được đào tạo để thực hiện chuyên môn. Nếu nay hợp nhất mà có sự thay đổi, thì ngay bản thân công việc sẽ bị ảnh hưởng, sau đó ảnh hưởng dây chuyền đến toàn hệ thống.  

“Chúng tôi cho rằng, với chức năng quản lý Nhà nước trên địa bàn, thì mỗi chuyên viên của Sở sẽ là một chuyên gia. Việc hợp nhất nếu làm bài bản, không xáo trộn chuyên môn, thì sẽ rất tốt. Chúng ta có điều kiện thu gọn bộ máy, đào tạo kỹ năng và chuyên môn cho cán bộ tốt hơn, từ đó tổ chức bồi dưỡng, quy hoạch cán bộ. Làm được điều này sẽ là bước tiến rất lớn”, lãnh đạo ngành nông nghiệp Quảng Ninh đề xuất.

Vị này phân tích thêm, trước đây, bộ máy cồng kềnh, chúng ta có 500 cán bộ làm công tác quản lý Nhà nước nhưng công việc vẫn không chạy, thì nay, với việc hợp nhất, hoặc tinh giản biên chế, bộ máy chỉ còn 100 người nhưng phải quản lý, vận hành kiểu khác. Có thể áp dụng công nghệ thông tin vào quản lý, hoặc đề ra các chế tài hậu kiểm, phân cấp phân quyền cho địa phương…

“Trước đó, Quảng Ninh đã tổ chức hợp nhất nhiều cơ quan. Chúng tôi nhận thấy, việc này không những tinh giản được bộ máy cồng kềnh, mà còn khiến công việc thông suốt hơn, giảm được nhiều khâu, nhiều tầng nấc trong thủ tục hành chính”, ông cho hay.

Vấn đề đặt ra là sau khi sáp nhập liệu rằng công việc có hiệu quả hơn không, đời sống anh em thế nào, công việc có được thông suốt không hay lại sinh ra nhiều cấp quản lý? 

Theo một lãnh đạo Sở Công thương Quảng Ninh, việc hợp nhất Sở phù hợp xu thế cải cách hành chính, giảm đầu mối, tạo tiền đề giảm biên chế, tránh chồng chéo chức năng, nhiệm vụ giữa các Sở. Điều này sẽ tạo điều kiện phục vụ người dân và DN tốt hơn.

“Tôi chỉ nêu ví dụ, với một DN chế biến nông sản, ngoài việc xây dựng vùng nguyên liệu phải có sự hỗ trợ từ Sở NN-PTNT, thì việc xây dựng nhà máy, lựa chọn công nghệ, hay những thủ tục khác như cấp điện và các nguyên liệu đầu vào, phải do ngành Công thương cấp phép. Như vậy, nếu việc hợp nhất thành công, thì DN sẽ bớt đi nhiều đầu mối thủ tục”, ông cho hay.

08-49-04_dsc_7788
Ảnh: T.Y
Nói về tâm tư của mình trước dự định sáp nhập Sở, một nhân viên Sở NN-PTNT Quảng Ninh bày tỏ, chúng tôi cũng lo lắng nhưng Quảng Ninh từng sáp nhập nhiều cơ quan, lãnh đạo tỉnh làm rất tốt, không tạo sự xáo trộn lớn. Là chuyên viên thì ở Sở nào, hay tên gọi gì tôi vẫn phải làm những công việc chuyên môn đặc thù, để phục vụ nhân dân.

Tuy vậy, nhìn nhận chung của các lãnh đạo một số Sở được đề xuất hợp nhất đều cho rằng, lo lắng nhất là sự ổn định của bộ máy quản lý.  “Cán bộ, chuyên viên được đào tạo chuyên ngành A, nhưng khi hợp nhất, do yêu cầu của cấp trên, có thể phải chuyển sang quản lý lĩnh vực B. Như vậy sẽ rất khó. Không những ảnh hưởng đến công việc của cán bộ ấy, mà ảnh hưởng đến sự vận hành của cả hệ thống, bởi quản lý Nhà nước không đơn thuần là làm việc độc lập của từng cá nhân”, vị này cho biết.
 

Quảng Ninh đã có kinh nghiệm sát nhập

Thực tế, không phải sau khi Bộ Nội vụ đề xuất việc sáp nhập một số Sở, ngành thì mới rộ lên thông tin lo lắng. Trước đây, tỉnh Quảng Ninh đã thành lập một số cơ quan trên cơ sở tiến hành sáp nhập một loạt cơ quan có chức năng tương đương nhằm tinh giản bộ máy hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động.

 Theo đó, tỉnh thành lập mới BQL Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Quảng Ninh trên cơ sở sáp nhập BQL Đầu tư và xây dựng công trình trọng điểm tỉnh với BQL Dự án các công trình giao thông thuộc Sở GT- VT; thành lập BQL Dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh trên cơ sở sáp nhập BQL Các công trình văn hóa - thể thao và các BQL dự án đầu tư thuộc các Sở GD- ĐT, Y tế... Tỉnh cũng thành lập mới Cơ quan tham mưu, giúp việc chung khối Mặt trận tổ quốc, các đoàn thể cấp tỉnh. 

Ngoài ra, Quảng Ninh sẽ tập trung chỉ đạo thực hiện thí điểm hợp nhất các cơ quan tham mưu cấp ủy với cơ quan chuyên môn của chính quyền cấp huyện như: Tổ chức với Nội vụ, Cơ quan Ủy ban kiểm tra với Thanh tra, Văn phòng cấp ủy – HĐND - UBND ở những nơi đã thực hiện nhất thể hóa chức danh và có đủ điều kiện. 

Tới đây, Quảng Ninh triển khai dứt điểm việc chuyển chức năng bồi dưỡng lý luận chính trị của Trung tâm Bồi dưỡng chính trị cấp huyện về Ban Tuyên giáo cấp huyện, chức năng tài chính, phục vụ về Văn phòng cấp ủy. 

Tỉnh đã giải thể các cơ quan công lập khi những công việc của cơ quan này đã được xã hội hóa. Đồng thời, tỉnh rà soát và sắp xếp lại các đơn vị sự nghiệp công theo hướng hợp nhất và tự chủ tài chính như đã hợp nhất 3 đoàn nghệ thuật chèo, cải lương, kịch thành một đoàn nghệ thuật chung; hợp nhất 5 đơn vị sự nghiệp công phòng chống các dịch bệnh của Sở Y tế thành một cơ quan kiểm soát dịch bệnh…

Cả nước giảm 46-88 Sở, ngành

Theo Bộ Nội vụ, 4 Sở được đề xuất giữ nguyên nhằm bảo đảm ổn định và phát huy hiệu quả của mô hình tổ chức sở quản lý đa ngành, đa lĩnh vực hoặc sở tham mưu quản lý chuyên ngành, chuyên sâu có tính ổn định cao gồm: Sở Tư pháp; TN- MT; LĐ, TB- XH; Y tế.

Đối với các Sở KH- ĐT, Tài chính, GT- VT, Xây dựng, NN- PTNT, Công Thương, GD- ĐT, KH- CN, VH, TT- DL, TT- TT, dự thảo đề xuất giao thẩm quyền cho UBND trình HĐND quyết định giữ ổn định hoặc hợp nhất lại với nhau.

Nhóm các Sở, ngành gồm: Nội vụ, Thanh tra tỉnh, Văn phòng UBND, Bộ Nội vụ đề xuất tổ chức thí điểm hợp nhất tương ứng với Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Ủy ban Kiểm tra tỉnh và Văn phòng đoàn đại biểu Quốc hội, Văn phòng HĐND cấp tỉnh.

 

Xem thêm
Hội chợ xúc tiến thương mại khu vực kinh tế tập thể, hợp tác 2024

Hội chợ diễn ra từ 18-22/4 tại phố Trần Nhân Tông và công viên Thống Nhất, Hà Nội với sự tham gia của 120 HTX từ 44 tỉnh thành và 30 doanh nghiệp.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm