| Hotline: 0983.970.780

Ông Lê Minh Hoan, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp:

'Sợ một người gian, làm ngàn người khó'

Thứ Hai 11/05/2015 , 09:50 (GMT+7)

“Sợ một người gian, làm ngàn người khó”, nghĩa là người làm chính sách sợ thất thoát tiền Nhà nước, vậy nên phải ra nhiều thủ tục để đề phòng.

“Chính sách ban hành với mục tiêu phát triển một nền nông nghiệp mạnh, đủ sức cạnh tranh, nhưng đi kèm với nó là những rào cản về thủ tục, khiến chính sách khó đi vào cuộc sống. Ở đây, trách nhiệm không chỉ thuộc về cơ quan soạn thảo, mà địa phương cũng phải chịu một phần”, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp, ông Lê Minh Hoan (ảnh), trao đổi với NNVN, nhận định.

10-56-35_nh-1-ong-le-minh-hon-bi-thu-tinh-uy-dong-thp

Phải đưa cuộc sống vào chính sách!

Thưa ông, chính sách cho nông nghiệp rất nhiều, có chính sách hiệu quả, nhưng cũng có những chính sách thực tế là không đi vào cuộc sống. Là lãnh đạo địa phương, ông đánh giá thế nào về các chính sách hiện hành cho ngành nông nghiệp?

Đồng Tháp hiện đang hệ thống lại tất cả các chính sách hiện hành để có một bản kiến nghị chi tiết gửi Chính phủ và các bộ, ngành liên quan.

Về suy nghĩ chung thì tôi thấy thế này, các chính sách đều có một mục tiêu là phát triển nền nông nghiệp trong nền kinh tế thị trường, góp phần từng bước nâng cao đời sống của nông dân.

Chính sách thì nhiều, gồm các loại chính sách như hỗ trợ đất lúa, khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp, bảo hiểm nông nghiệp, phát triển thủy sản…

Chúng tôi đang tập trung tổng kết lại, bởi mình muốn nói một chính sách đúng đắn hay cần sửa đổi thì phải có luận cứ và thực tiễn chứ không thể võ đoán được.

Cá nhân tôi cho rằng, cách chúng ta ban hành chính sách thời gian vừa qua đều mang mục đích tốt đẹp, hướng tới một nền nông nghiệp mạnh, đủ sức cạnh tranh trên thị trường nội địa và thế giới.

Nhưng, có vẻ chúng ta đang rơi vào một cái bẫy, đó là ban hành chính sách cứ “sợ một người gian, làm ngàn người khó”, tức là chúng ta sợ rủi ro chính sách đó trước, thành ra là mình thêm rất nhiều điều kiện để ràng buộc.

Chính sách thì mở ra cho các đối tượng thụ hưởng, nhưng mà điều kiện để đề phòng các rủi ro đó nhiều quá, nó đóng lại hết cơ hội để chính sách phát huy hiệu quả, không tới được với nông dân, DN và các đối tượng khác.

Báo NNVN mới đây đã có cuộc trao đổi với nguyên Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hồ Xuân Hùng, và ông Hùng cũng có quan điểm như của ông. Như vậy, mấu chốt của vấn đề có phải do cơ quan ban hành chính sách quan liêu, thưa ông?

Chúng tôi có suy nghĩ là, muốn đưa chính sách vào cuộc sống, thì trước tiên là phải đưa cuộc sống vào chính sách đã.

Mà muốn thế, các cơ quan ban hành chính sách, đội ngũ cán bộ phải sâu sát, ăn nằm với cuộc sống, chứ không thể nào qua một hai cuộc hội thảo, hoặc là qua vài kiến nghị của DN, địa phương, HTX, nông dân là có thể ban hành được chính sách.

Chúng ta không đưa được cuộc sống vào chính sách thì chính sách sẽ không ra được cuộc sống. Chân lý chỉ đơn giản vậy thôi.

Hãy tham vấn ý kiến cộng động DN và HTX

Ông vừa nói rằng phải đưa cuộc sống vào chính sách thì chính sách mới đi vào cuộc sống. Cụ thể ở đây là thế nào?

Đồng Tháp đang thực hiện rốt ráo đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Chúng tôi nghiệm ra rằng, càng thực hiện tái cơ cấu, thì hai chủ thể là DN và HTX càng phải là hai đối tượng cần được tháo gỡ.

Như vậy, chúng ta phải có cách tiếp cận với DN và HTX theo cách khác, bởi dẫu sao, DN tiếp cận thị trường nhanh hơn các đối tượng khác.

Thành ra người ta mới nói một câu thế này “nước mặn, nước ngọt thì con tôm, con cá sẽ cảm nhận được trước. Trời mưa, trời nắng thì côn trùng sẽ cảm nhận được trước”. DN cũng thế, họ cảm nhận thị trường nhạy bén nhất.

Thành ra, nếu chúng ta bỏ qua tham vấn chính sách từ cộng đồng DN, thì một là chúng ta đặt ra các chính sách không sát với nhu cầu của thị trường, hai là DN không đón nhận được chính sách đó.

Ở tỉnh cũng vậy thôi chứ chưa nói đến các chính sách của Chính phủ. Cái chúng ta đưa ra đối tượng lại không cần, mà cái họ cần, họ kiến nghị lên thì lại không có trong chính sách, không có cơ chế thực hiện.

Như vậy, chính sách và cuộc sống không gặp nhau ở chỗ đó.

Tất nhiên, có những mặt trái mà chúng ta phải đối mặt, đó là trong cộng đồng DN cũng rất phức tạp, có DN này, DN kia, ý kiến này, ý kiến khác. Do vậy, người ban hành chính sách phải thận trọng lắng nghe và chắt lọc.

Như vậy, việc các chính sách không đi vào cuộc sống ảnh hưởng thế nào đến đề án tái cơ cấu nông nghiệp của Đồng Tháp, thưa ông?

Trước tiên phải nói thế này, tái cơ cấu nông nghiệp dựa trên cái gì đầu tiên? Quan điểm của Đồng Tháp đã trình bày rất nhiều với Chính phủ và Bộ NN-PTNT là dựa vào 3 chủ thể chính: nông dân, HTX và DN.

Vậy chính sách chúng ta ban hành thế nào để đi vào thực tiễn cho người nông dân, cho DN hay HTX, hay cả 3 đối tượng?

Thực tiễn là đã có sự liên kết từ cánh đồng lớn để xây dựng chuỗi giá trị lúa gạo mà trung gian chính là các HTX. Như vậy, Luật HTX mà chúng ta đã sửa đổi năm 2013 là chính sách hướng đến HTX.


Hợp tác xã kiểu mới - giải pháp đột phá phát triển nông nghiệp Việt Nam hiện nay (Ảnh minh họa)

Nhưng rõ ràng, cơ chế ưu đãi để tạo điều kiện cho HTX có đủ sức mạnh để quy tụ được nông dân, làm đối trọng với DN, thì chưa cụ thể, nói đúng hơn là chưa ưu đãi mấy.

Tôi nói ví dụ, các hạch toán của HTX không thể được như DN, vay vốn thì không được tín chấp, thế chấp thì không có tài sản…

Ngoài ra, trình độ quản trị của các GĐ HTX cũng còn rất hạn chế. Do đó, nói là phát triển HTX, nhưng những ưu đãi có phần hạn chế như đã nêu trên khó lòng mà vực dậy, chứ chưa nói đến phát triển loại hình kinh tế này.

Địa phương cũng phải chịu trách nhiệm!

Ông vừa nói rằng Đồng Tháp đang tập trung xem xét toàn bộ chính sách cho nông nghiệp để có bản kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành sửa đổi. Tại sao việc này không làm trước khi chính sách được thực thi?

“Nên nhớ rằng, Đồng Tháp là tỉnh đứng đầu về thủy sản, đứng thứ ba về lúa gạo, trong top 5 về trái cây, nếu chúng ta không nói, từ thực tiễn mà không đóng góp được ý kiến về chính sách, thì cơ quan Trung ương không thể ban hành chính sách sát với thực tế được”, ông Lê Minh Hoan.

Vừa rồi, khi ngồi nghe tổng kết lại các chính sách để có bản kiến nghị, tôi cho rằng, để chính sách không đi vào cuộc sống cũng có trách nhiệm rất lớn của địa phương, chứ không thể đổ thừa cho các cơ quan ban hành chính sách ở Trung ương.

Trước khi ban hành chính sách, các cơ quan Trung ương bao giờ cũng đưa dự thảo về cho các địa phương để đóng góp, tham vấn.

Nhưng phải nói thật, địa phương nhiều khi còn nể nang, hoặc lý do này khác, rằng cơ quan cấp trên ban hành chắc là đúng rồi, nên không tham gia ý kiến. Bởi vậy, tôi vẫn nói với các sở, ngành của tỉnh là, trách nhiệm của chúng ta có ở trong đó.

Nên nhớ, chính sách có độ phổ quát chung rất lớn, áp dụng cho tất cả các địa phương, cho cả nền nông nghiệp từ miền núi tới hải đảo, đồng bằng. Mà riêng đồng bằng thì miền Bắc khác, miền Trung khác, miền Tây lại càng khác hơn.

Thành ra, việc không đóng góp ý kiến là điểm yếu của anh em địa phương, thiếu mạnh dạn, thiếu sâu sát. Như vậy, khi chính sách được áp dụng mà không hiệu quả, trách nhiệm của địa phương cũng rất lớn.

Thưa ông, việc làm chính sách hiện như kiểu “sợ một người gian, làm ngàn người khó”, nghĩa là người làm chính sách sợ thất thoát tiền Nhà nước, vậy nên phải ra nhiều thủ tục để đề phòng. Ông có thể phân tích sâu hơn về việc này, đứng trên quan điểm của địa phương?

Qua Báo NNVN, tôi có biết việc nhiều hộ nông dân để lấy được 18 nghìn đồng/sào tiền hỗ trợ đất lúa, họ phải làm vài chục thủ tục, giấy tờ. Ở ĐBSCL cũng không ngoại lệ.

Không hẳn người làm ruộng là người chủ thực sự của thửa ruộng ấy, có thể họ thuê lại. Bởi thế, chính sách hỗ trợ đất lúa ban hành thì hỗ trợ ai? Chủ đất hay người thuê đất để SX?

Cái này cũng chưa rõ. Thực ra, việc làm 20 thủ tục để lấy 18 nghìn đồng, với 1 sào ruộng thì không bõ công, nhưng với người có hàng chục ha đất thì cũng không nhỏ. Do đó, chính sách này vẫn còn nhiều điểm cần bàn thảo, bổ sung.

Nói rộng ra, với các chính sách khác cũng vậy. Chỉ nói riêng về chính sách bảo hiểm nông nghiệp hiện đang được thí điểm, rõ ràng, với DN bảo hiểm, họ chỉ cần khai thác một khách hàng lớn thì doanh số bằng cả trăm, cả nghìn hộ nông dân cộng lại, mà cũng chỉ cần một cán bộ để quản lý hợp đồng này.

Còn với nông dân, họ (DN) phải dàn người ra để quản lý bảo hiểm, vả lại, độ rủi ro trong nông nghiệp muôn hình vạn trạng. Nói thế để thấy rằng, việc ra đời một chính sách cho nông nghiệp để có thể áp dụng vào cuộc sống là vô vàn khó khăn.

Đối với Đồng Tháp, địa phương hiện đang bức xúc nhất với chính sách nào? Và cách tháo gỡ cũng như đề xuất sửa đổi thế nào?

Chúng ta đang đi theo mô hình, tạm gọi là cánh đồng lớn, trong đó để khẳng định chuỗi giá trị, từ SX đến tiêu thụ. Như vậy, tất cả các cơ chế, chính sách phải đồng bộ, khép kín trong chuỗi đó. Tuy nhiên, có nhiều điểm chưa đồng bộ.

Tôi nói ví dụ về chính sách tạm trữ, các tiêu chí để phân hạn ngạch XK cũng như các chỉ tiêu tạm trữ dường như chưa chuẩn với các thông số cụ thể của từng cánh đồng mẫu lớn, của từng DN và HTX.

Việc phân bổ tạm trữ hiện đang dựa vào thành tích XK của năm trước. Đó cũng là một tiêu chí, nhưng thực ra, việc DN hay HTX đạt thành tích XK tốt của năm trước chưa hẳn đã là thành tích thu mua tạm trữ trên một cánh đồng, một HTX nào đó cụ thể, mà có thể họ mua bán thương mại bên ngoài.

Do đó, tiêu chí này không thể kích thích việc phát triển cánh đồng lớn, phát triển vùng nguyên liệu, và đương nhiên không thể làm người SX trong chuỗi giá trị đó yên tâm được.

Như thế, tại sao chúng ta không đưa tiêu chí thu mua của HTX, các hộ dân cụ thể lên làm tiêu chí hàng đầu trong việc phân bổ hạn ngạch XK cũng như thu mua tạm trữ?

Xem thêm
Đưa tư duy thị trường vào phát triển khoa học - công nghệ trong nông nghiệp

Chiều 19/4, Bộ NN-PTNT phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội nghị trao đổi về nội dung phối hợp hoạt động khoa học - công nghệ (KHCN) giữa hai bộ.

Việt Nam hỗ trợ đưa nông nghiệp trở thành trụ cột kinh tế ở Venezuela

Bộ Nông nghiệp Venezuela đánh giá cao kết quả tốt vượt mong đợi về hợp tác nông nghiệp song phương, ngay cả trong điều kiện Venezuela vô cùng khó khăn.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Bắc Kạn lại hứng chịu mưa lớn kèm gió lốc gây nhiều thiệt hại

Khi người dân đang tập trung khắc phục hậu quả dông lốc thì đêm qua, rạng sáng nay (20/4) tiếp tục xảy ra mưa lớn kèm gió lốc gây thiệt hại ở nhiều nơi.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm