| Hotline: 0983.970.780

Số người trúng cử vào quốc hội từng có tiền án cao nhất trong 10 năm

Thứ Năm 12/10/2017 , 12:50 (GMT+7)

Tại nền dân chủ lớn nhất thế giới là Ấn Độ, số người dính dáng đến pháp luật nhảy vào quốc hội ngày càng gia tăng.

Cuộc bầu cử năm 2014 ở Ấn Độ đạt kỷ lục với số người tham gia đông nhất trong một lần đi bầu. Tuy nhiên, cuộc bầu cử này cũng đạt “thành tựu” đầy tranh cãi: số người trúng cử vào quốc hội từng có tiền án cao nhất trong 10 năm trở lại, theo tường thuật của từ Huffington Post.

11-45-19_slide_349774_3745935_free
Một cuộc biểu tình thể hiện sự bất bình trong xã hội liên quan đến các chính trị gia (Ảnh: Huffington Post)

Theo một phân tích của Hiệp hội Cải tổ Dân chủ Ấn Độ, trong số hơn 540 dân biểu mới được bầu vào quốc hội, 186 người (34%) đã/đang đối diện với các vụ việc liên quan đến pháp luật. Hiệp hội này cho hay số đại biểu quốc hội dính dáng đến pháp luật đã tăng dần đều kể từ năm 2004.
 

Giết người, bắt cóc

Trong Quốc hội Ấn Độ khóa 2014, 112 nghị viên phải đối mặt với các cáo buộc tội nghiêm trọng như giết người, bắt cóc hay tội ác chống lại phụ nữ, trong đó có 9 người bị cáo buộc giết người, 17 dân biểu bị cho là giết người không thành.

Chuyện số lượng người bị tình nghi là tội phạm bước vào quốc hội nắm quyền ngày càng tăng khiến những người đang nỗ lực làm trong sạch nền chính trị Ấn Độ cảm thấy chán nản. Chính trị Ấn Độ trong lịch sử lâu dài tồn tại mối liên hệ với giới tội phạm.

Năm 2003, Tòa Tối cao Ấn Độ phán quyết rằng các ứng cử viên quốc hội phải cung cấp các thông tin về tình trạng tài chính, học vấn, tiền án tiền sự nếu có, và đây là những căn cứ chính giúp Hiệp hội Cải tổ Dân chủ Ấn Độ lập ra báo cáo. Các tội phạm đã bị kết án bị buộc phải rời chức vụ sau khi tòa án Ấn Độ vào năm 2013 ra phán quyết chặn lại kẽ hở vốn cho phép những kẻ phạm tội nghiêm trọng chui vào cơ quan lập pháp cao nhất của đất nước, theo Wall Street Journal.

Một số chính trị gia Ấn Độ lên tiếng bảo vệ những ông bà nghị tai tiếng bằng lý luận rằng các số liệu nói trên là một chiêu trò chính trị, rằng các cáo buộc đối với họ có mục tiêu chính trị. Họ cho rằng những ông bà nghị này vô tội vì “vẫn chưa bị kết án”. Tuy nhiên, cần phải nhớ rằng trong hệ thống tư pháp bị xem là khá yếu kém, một phán quyết của tòa có thể bị trì hoãn nhiều năm, thập chí là hàng chục năm, theo hãng tin AP. Và trong thời gian đó, khối kẻ đã trải qua ít nhất vài ba khóa quốc hội.

Trong khi đó, Hiệp hội Cải tổ Dân chủ Ấn Độ phát hiện ra rằng các ứng cử viên có dính dáng đến pháp luật trúng cử cao hơn (13%) so với số ứng viên có hồ sơ trong sạch (5%). Và khi các cuộc bầu cử ngày càng tốn kém, các ứng viên “có số má” thường được các đảng chính trị ưa thích hơn bởi lý do dễ hiểu là họ thường lắm tiền hơn, theo học giả Milan Vaishnav quỹ Vì hòa bình quốc tế Carnegie. Vaishnav ghi nhận rằng cử tri Ấn Độ đôi khi lại thích các ứng viên có mối liên hệ với tội phạm, có tài “lo lót êm xuôi” mọi việc, có khả năng đảm bảo an toàn và có thể sử dụng bất cứ phương tiện, phương cách nào để đảm bảo quyền lợi của cộng đồng mà họ đại diện.
 

Những câu hỏi lớn

Để ngăn chặn tội phạm nhảy vào cơ quan lập pháp, học giả Vaishnav cho rằng Ấn Độ sẽ cần phải giải quyết câu hỏi lớn hơn, liên quan đến việc gây quỹ cho chính đảng, tham nhũng và năng lực bảo vệ công dân của chính phủ.

11-45-19_slide_349774_3745818_free
 

Báo cáo của Hiệp hội Cải tổ Dân chủ Ấn Độ cũng cho thấy các dân biểu được bầu trong năm 2014 giàu có hơn nhiều so với mức trung bình của các khóa trước. Theo khai báo của chính các dân biểu quốc hội, trung bình mỗi người có khối tài sản đáng giá 2,5 triệu USD, so với mức 900.000 USD của năm 2009, Hiệp hội Cải tổ Dân chủ Ấn Độ cho hay.

Tuy nhiên, “chạy” vào cơ quan quyền lực cao nhất của đất nước có thể đắt đỏ, nhưng khi đã vào được rồi thì đầy cơ hội kiếm bộn tiền. Theo một báo cáo khác của Hiệp hội Cải tổ Dân chủ Ấn Độ, các dân biểu được bầu lại vào quốc hội năm 2014 đã giàu lên gấp đôi chỉ trong vòng 5 năm.

Trong một bài báo cũng về chủ đề này, tờ Economist bình luận: “Mọi chính trị gia đều là kẻ lừa đảo. Ít nhất thì đó cũng là điều rất nhiều người, ở rất nhiều quốc gia, nghĩ vậy. Có thể ở nước nào đó, đây là một lời chỉ trích. Nhưng không phải ở Ấn Độ. Các chính trị gia Ấn Độ bị cáo buộc các tội hình sự hoặc bị kết án các tội nghiêm trọng có cơ hội lớn gấp ba lần người khác trong cuộc đua vào quốc hội”.

Về chủ đề này, học giả Milan Vaishnav đã theo sát các thành công chính trị của các nhân vật bị cáo buộc giết người, tống tiền, trộm cắp và bắt cóc. Đây được xem là căn bệnh ung thư của nền chính trị đầy bất ổn của Ấn Độ, theo nhận định của tờ báo Anh.

Xem thêm
Nhịp sống giới trẻ phản ánh trong bộ phim ‘Bóng của thị thành’

Nhịp sống giới trẻ thời công nghệ số có những màu sắc bất ngờ, thể hiện qua bộ phim ‘Bóng của thị thành’ phát sóng trên HTV7, Đài truyền hình TP.HCM.

Rượt đuổi mãn nhãn, Man United đả bại Liverpool tại Cúp FA

Trận Tứ kết Cúp FA giữa Man United vs Liverpool đã diễn ra với kịch bản không ngờ khi hai đội rượt đuổi nghẹt thở trong suốt 120 phút của trận đấu. 

120 vận động viên tham gia giải dù lượn trên cao nguyên đại ngàn

Giải dù lượn tại huyện Sa Thầy (tỉnh Kon Tum) sẽ quy tụ 120 vận động viên, trong đó có 41 vận động viên người nước ngoài tham gia tranh tài.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.