| Hotline: 0983.970.780

Số vụ vi phạm ATTP bị xử lý hình sự sẽ tăng mạnh

Thứ Hai 18/12/2017 , 10:55 (GMT+7)

Cuối tuần qua, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng BCĐ liên ngành TƯ về vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) đã họp với các thành viên BCĐ.

Phó Thủ tướng yêu cầu tăng cường thông tin, tuyên truyền những quy định mới về xử lý các hành vi vi phạm ATTP của Bộ luật Hình sự sửa đổi năm 2017 có hiệu lực từ ngày 1/1/2018.

Tại cuộc họp, lãnh đạo Cục Cảnh sát môi trường (Bộ Công an) cho biết nhiều khả năng số vụ vi phạm ATTP bị xử lý hình sự sẽ tăng kể từ năm 2018. Thực tế rất nhiều vụ vi phạm ATTP vừa qua nếu căn cứ theo Bộ luật Hình sự sửa đổi năm 2017 đã đủ yếu tố cấu thành tội phạm hình sự để khởi tố. Vì vậy, cần khẩn trương tuyên truyền cho các cá nhân, tổ chức, DN… để nắm rõ các quy định mới này.
 

Nghiêm túc, quyết liệt nhưng phải siết hơn nữa

Theo báo cáo của Thường trực BCĐ, đến nay cả nước đã xây dựng thành công 744 mô hình điểm chuỗi cung ứng nông lâm thủy sản an toàn, trong đó có 379 chuỗi đã được giám sát, xác nhận; 20 địa phương triển khai dán tem điện tử.

Việc thanh tra, xử lý trong lĩnh vực ATTP được thực hiện nghiêm túc, quyết liệt hơn nhiều. Trong năm 2017, cả nước đã thành lập 22.441 đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành, tiến hành kiểm tra tại 625.060 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, phát hiện 123.914 cơ sở vi phạm, chiếm 19,8%; xử lý hành chính 35.759 cơ sở với số tiền trên 61 tỷ đồng.

Số tiền phạt vi phạm ATTP trong hoạt động kinh doanh nông lâm thuỷ sản là trên 80 tỷ đồng. Lực lượng quản lý thị trường kiểm tra, xử lý 13.540 vụ phạt trên 27,7 tỷ đồng, thu giữ tang vật trên 25 tỷ đồng. Lực lượng cảnh sát môi trường phát hiện 6.477 vụ việc, tăng 25% so với năm 2016, xử phạt 36 tỷ đồng, khởi tố, điều tra các vụ việc nghiêm trọng.

Đáng chú ý, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết dù số vụ ngộ độc thực phẩm trong năm 2017 giảm nhưng số ca tử vong lại tăng gấp đôi. Cụ thể, năm 2017, cả nước ghi nhận 139 vụ ngộ độc thực phẩm với 3.869 người mắc, giảm 27 vụ và 438 người mắc so với năm 2016. Số người tử vong do ngộ độc là 24 người, tăng 12 người so với năm 2016, trong đó 11 người ngộ độc methanol trong rượu, 10 người do độc tố tự nhiên (cá nóc, cóc…), ...

Các ý kiến tại cuộc họp nêu thực tế cần phải siết chặt kỷ cương, kỷ luật trong xử lý nghiêm vi phạm ATTP tại các địa phương, tránh đùn đẩy trách nhiệm. Trưởng BQL ATTP TPHCM Phạm Khánh Phong Lan lo ngại nhân lực làm công tác thanh tra, kiểm tra ATTP “đang phải co kéo” từ những đơn vị khác như thú y, BVTV…

Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Văn Sửu chia sẻ kinh nghiệm cách làm hiệu quả trong quản lý ATTP như giải quyết các thủ tục hành chính về ATTP trực tuyến mức độ 3-4; xử lý cơ sở vi phạm ngay tại chỗ để răn đe; đưa ATTP thành tiêu chí thi đua; triển khai các cửa hàng rau, thực phẩm an toàn, truy xuất được nguồn gốc; khuyến khích DN đăng ký sản phẩm thực phẩm…

“Hiện chúng tôi chưa được công nhận như một cơ quan thanh tra nhà nước như các Sở, ngành tương đương nên rất khó thanh tra, kiểm tra. Bản thân tôi phải đích thân ký tất cả các quyết định xử phạt chứ còn Trưởng phòng Thanh tra không có thẩm quyền như Chánh Thanh tra”, bà Lan cho biết.
 

Quản lý thực phẩm thoáng nhưng nghiêm

Đại diện Hiệp hội các DN, địa phương cũng bày tỏ ủng hộ những thay đổi của Bộ Y tế khi xây dựng Nghị định thay thế Nghị định 38/2012/NĐ-CP cho phép DN sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm được tự công bố hợp quy, thay đổi căn bản kiểm soát thực phẩm nhập khẩu, thu gọn quản lý quảng cáo thực phẩm… Nhờ vậy, có tới 90% số thủ tục đã được bãi bỏ, cơ quan nhà nước sẽ giám sát theo phương thức quản lý rủi ro, kiểm tra hậu kiểm.

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết thêm dù quy định đối với DN “thoáng” hơn nhưng nếu vi phạm mức độ xử lý sẽ rất nặng.

Cụ thể, những DN không công bố chất lượng sản phẩm thực phẩm hợp quy sẽ bị xử lý. Những DN đã công bố nhưng thực hiện không đúng theo công bố sẽ bị xử lý. Và nặng nhất là những DN có sản phẩm buộc phải kiểm nghiệm theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước mà không đạt các chỉ tiêu an toàn sẽ bị rút ngay giấy phép kinh doanh sản phẩm đó. Sau khi hết thời hạn xử phạt, những DN này sẽ nằm trong danh sách bị thanh tra, kiểm tra nhiều lần trong khi các DN khác chỉ kiểm tra 1 lần.

Về vấn đề này, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng Nghị định mới thay thế Nghị định 38 đã thực hiện theo xu hướng thế giới là quản lý theo nguy cơ, rủi ro về ATTP. “Đây là sự đổi mới về tư duy và cần làm sao để tiếp tục hoàn thiện các quy định và hình thành thói quen, nếp làm việc, quản lý ATTP theo rủi ro”, Phó Thủ tướng nói.

Trong năm 2018, Phó Thủ tướng lưu ý cần tăng cường các giải pháp phối hợp đồng bộ trong sản xuất sạch gắn với chương trình phối hợp Chính phủ đã ký với Hội Nông dân, Hội Phụ nữ để “xoá rau hai luống, lợn hai chuồng”. Công tác quản lý thức ăn đường phố phải được thực hiện thường xuyên tránh tình trạng “rộ lên một hồi rồi đâu lại vào đấy”.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu các thành viên BCĐ tập trung đấu tranh với hành vi sản xuất rượu giả gây ra những vụ ngộ độc dẫn đến chết người thương tâm; siết chặt quản lý dịch vụ nấu ăn lưu động gây ra nhiều vụ ngộ độc tập thể ở những sự kiện tập trung đông người như đám cưới, liên hoan…

Xem thêm
Nhận diện để hiểu hàng thật, tránh hàng giả Made in Japan

Sáng 15/3, Tổng cục Quản lý thị trường mở cửa Phòng trưng bày với chủ đề 'Nhận diện hàng thật - hàng giả Made in Japan'.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

Bảo an tín dụng đạt trên 300 tỷ đồng/năm

ĐBSCL Năm 2023, tổng doanh thu giữa Ngân hàng Agribank - Bảo hiểm Agribank tại khu vực Tây Nam bộ đạt trên 300 tỷ đồng.

Bất động sản nghỉ dưỡng và những dấu hiệu phục hồi

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong nhận định: Năm 2023 thị trường bất động sản đã vượt qua giai đoạn 'bĩ cực' nhất, 2024 sẽ ghi nhận những động thái tích cực hơn.