| Hotline: 0983.970.780

Sóc Sơn đặt trọng tâm phát triển SXNN

Thứ Năm 29/11/2012 , 10:42 (GMT+7)

Thực hiện nhiệm vụ xây dựng NTM, Đảng bộ huyện Sóc Sơn (Hà Nội) đặt trọng tâm vào phát triển SXNN và coi đây là khâu đột phá...

Thực hiện nhiệm vụ xây dựng NTM, Đảng bộ huyện Sóc Sơn (Hà Nội) đặt trọng tâm vào phát triển SXNN và coi đây là khâu đột phá tạo nền tảng từng bước hoàn thiện các tiêu chí NTM. Sau 2 năm xây dựng NTM, năng lực SXNN ở Sóc Sơn đã tiến bộ vượt bậc, bộ mặt nông thôn cũng có nhiều thay đổi.

Tổ chức lại SX, tạo vùng nông nghiệp hàng hóa

Nhiều năm qua, trình độ SXNN ở Sóc Sơn vẫn còn hạn chế, đất đai manh mún, phân tán, hệ thống thủy lợi tưới tiêu còn chưa đồng bộ, khả năng thâm canh kém nên năng suất chất lượng sản phẩm nông nghiệp rất thấp, chỉ dưới 40 tạ/ha. Tuy tốc độ chăn nuôi hàng năm đều tăng trưởng nhưng việc ứng dụng chăn nuôi an toàn, theo quy mô trang trại cũng chưa phổ biến…

Để xây dựng NTM, huyện Sóc Sơn đã lên kế hoạch từng bước tổ chức lại SX theo hướng tạo vùng SX hàng hóa tập trung. Ông Nguyễn Văn Phong, Bí thư Huyện ủy Sóc Sơn, cho biết quan điểm của BCD XD NTM của huyện, việc cấp thiết đầu tiên trong công tác tổ chức lại SX ở địa phương dứt khoát phải là DĐĐT, bởi đất SX có tập trung thì mới đưa cơ giới hóa, mới đầu tư hoàn chỉnh thủy lợi tưới tiêu cho các vùng SX, qua đó tạo điều kiện cho kinh tế trang trại, khuyến khích các DN đầu tư vào phát triển SXNN.

Xác định việc DĐĐT là công việc vô cùng khó khăn, vất vả nhưng đây là cơ sở để lập lại trật tự quản lý đất đai tạo động lực quan trọng để thúc đẩy tiến trình xây dựng NTM nên đội ngũ cán bộ huyện, xã, thôn đều nỗ lực cố gắng nên đã tạo ra phong trào sôi nổi khắp huyện. Đội ngũ cán bộ từ huyện, xã được rèn luyện, thử thách gần gũi với nhân dân; uy tín của các cấp ủy đảng, chính quyền, cán bộ đảng viên thôn được nâng lên rõ rệt.


Nông dân Sóc Sơn trồng hoa cho giá trị kinh tế

Sau kết quả thí điểm tại 2 xã Tân Hưng và Minh Trí, BCĐ huyện đã triển khai đại trà ở các xã, yêu cầu mỗi xã phải có ít nhất một thôn để thực hiện DĐĐT. Tính tới năm 2012, đã có 97 thôn thuộc 21 xã quy hoạch làm thủy lợi, đào đắp hàng nghìn km đường giao thông nội đồng… Hiện trên địa bàn huyện có 14 xã cơ bản hoàn thành công tác DĐĐT.

Tuy nhiên, việc DĐĐT, đầu tư hạ tầng nông thôn chỉ là phương tiện để phục vụ SX chứ không phải mục tiêu vì vậy huyện đã có chính sách hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ứng dụng KHCN mới vào SX. Kết quả là diện tích lúa ngày càng giảm từ 18000 ha năm 2009 còn 16500 ha năm 2012; thay vào đó diện tích rau hữu cơ và rau an toàn tăng nhanh từ 50 ha năm 2009 đến năm 2012 đã có 250 ha; diện tích chè an toàn tăng từ 50 ha lên 200 ha; diện tích bưởi Diễn cũng tăng từ 80 ha lên 250 ha. Từ 1300 ha lúa chất lượng năm 2009 lên 3000 ha năm 2012, từ không có diện tích lúa hàng hóa nhưng đến nay đã có 1360 ha lúa SX hàng hóa… Sau DĐĐT, các loại máy móc phục vụ cơ giới hóa trong nông nghiệp cũng tăng nhanh từ 900 máy lên 3000 máy.

Cùng với việc xây dựng vùng SX quy mô lớn, huyện Sóc Sơn cũng chú trọng tới công tác xây dựng thương hiệu, nâng cao giá trị của sản phẩm nông nghiệp địa phương, tạo đầu ra ổn định cho nông sản. Vì vậy cũng chỉ trong 2 năm, ba loại sản phẩm “mũi nhọn” của huyện đã có nhãn hiệu riêng: nhãn hiệu tập thể rau hữu cơ Sóc Sơn, nhãn hiệu bưởi sạch Sóc Sơn gốc Diễn, nhãn hiệu chè an toàn Bắc Sơn.

Hiệu quả từ chính sách đúng

Tân Hưng là xã thuần nông mang nhiều nét đặc trưng của huyện Sóc Sơn, đó là trung bình mỗi hộ có trên 19 thửa ruộng. Do ruộng đất manh mún nên rất khó khăn cho SX, áp dụng tiến bộ KHKT. Bắt đầu từ năm 2010, xã Tân Hưng bắt đầu triển khai công tác DĐĐT trên địa bàn qua đó toàn xã đã quy hoạch được 64 ha diện tích dôi dư để xây dựng hệ thống thủy lợi và đường giao thông nội đồng.

Sau DĐĐT, trung bình mỗi hộ dân đang có từ 19 thửa đã rút xuống còn 2 thửa. Các thửa ruộng đều tiếp giáp đường giao thông và hệ thống thủy lợi nên nhân dân hết sức phấn khởi đầu tư cho SX. Nhiều hộ gia đình đã mạnh dạn đầu tư tiền mua máy cày công suất lớn, máy gặt đập liên hoàn, ô tô vận tải phục vụ cho SXNN. Năm 2012, tỉ lệ cơ giới hóa khâu làm đất của xã đạt tới 90%, gặt đập liên hoàn và tuốt liên hoàn đạt 85%. Với đặc điểm kinh tế xã gần như phụ thuộc hoàn toàn vào SXNN nên xã Tân Hưng xác định lấy chăn nuôi gia súc gia cầm làm động lực phát triển kinh tế. Xã đã qui hoạch vùng nuôi thủy sản, chăn nuôi gia cầm theo hướng gia trại và khuyến khích các gia đình đầu tư. Nhờ đó trong thời gian gần đây các mô hình chăn nuôi gia cầm phát triển mạnh, có thời điểm toàn xã có trên 300 hộ chăn nuôi gà đẻ trứng, đàn gà lên đến 215 ngàn con.

Năm 2012, xã cũng triển khai chương trình SX lúa hàng hóa chất lượng cao huy động 966 hộ gia đình thuộc 3 thôn tham gia mô hình SX với quy mô diện tích 300 ha. Sau khi thu hoạch, hiệu quả từ SX lúa hàng hóa cho giá trị mỗi kg chênh hơn lúa thường khoảng 2000 đồng. Riêng đối với giống lúa nếp cái hoa vàng cho năng suất thấp hơn lúa tẻ từ 15-20% nhưng giá trị 1kg thóc nếp bằng 2,5 lần lúa tẻ nên lợi nhuận vẫn tăng khoảng 30-50%. Nhìn thấy cái lợi rõ ràng từ cây lúa hàng hóa, năm 2013, xã Tân Hưng sẽ tiếp tục mở rộng qui mô SX lên 400 ha đồng thời xây dựng vùng SX giống phục vụ cho SXNN TP HN.

Khác với Tân Hưng, xã Mai Đình lại tận dụng lợi thế là một xã ven đô để vươn lên trở thành điển hình toàn huyện với thành tích hoàn thành 17 tiêu chí chỉ trong 2 năm. Khi được được chọn là 1 trong những xã hoàn thành tiêu chí giai đoạn đầu, Mai Đình mới có 1/19 tiêu chí đạt nhưng đến nay Mai Đình đã đạt 18/19 tiêu chí. Xã chỉ còn một trường THCS đã bị xuống cấp chưa bố trí được kinh phí đầu tư nên chưa đạt tiêu chí trường học.

Bộ mặt nông thôn Mai Đình hôm nay như vừa “lột xác”, đường sá rộng rãi, không rác thải, không tập kết vật liệu xây dựng dưới lòng, lề đường. 100% số dân trong xã đăng kí sử dụng nước sạch của TP; 100% số dân có 3 công trình nhà tắm, nhà vệ sinh và bể nước đạt chuẩn; 95% người dân tham gia BHYT. Điều kiện sống được nâng cao cùng với chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế của địa phương đang khiến cho người dân Mai Đình ngày càng cảm thấy hài lòng hơn với môi trường sống trong xã. Nhiều hộ gia đình bắt đầu mạnh dạn chuyển đổi từ đất lúa sang đất trang trại, đầu tư trồng cây có giá trị kinh tế cao, đẩy mạnh phát triển chăn nuôi. Đặc biệt, trong giai đoạn xây dựng NTM, nhân dân xã Mai Đình tỏ ra nhạy bén, nắm bắt thời cuộc nên luôn đi đầu tham gia các phong trào, các dự án như tham gia chương trình SX lúa hàng hóa, chương trình nhân rộng nghề nấm, cơ giới hóa nông nghiệp…

Đẩy mạnh cơ giới hóa đồng ruộng sau DĐĐT đến nay huyện đã có 90% diện tích cày bằng máy, 40% diện tích lúa gặt bằng máy gặt đập liên hợp, số lượng máy năm 2012 tăng gấp 3 lần so với năm 2009.

Nhìn vào hai xã Tân Hưng và Mai Đình với đặc thù khác, xuất phát điểm khác nên cách thức xây dựng NTM cũng như tiến độ hoàn thành các tiêu chí cũng khác nhau hoàn toàn. Tuy nhiên, có một điểm chung dễ nhận thấy ở cả hai xã đó là phong trào xây dựng NTM đã đến với từng hộ dân và điểm quan trọng là toàn bộ cán bộ xã, thôn đến nhân dân đều ý thức được rằng xây dựng NTM phải đặt trọng tâm vào phát triển SX, đạt được tiêu chí SX rồi thì việc lần lượt hoàn thiện các nhóm tiêu chí chỉ là vấn đề sớm hay muộn.

Theo ông Nguyễn Văn Phong, việc tổ chức lại SX, chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng vật nuôi để phát triển kinh tế sẽ tiếp tục là nhiệm vụ trọng tâm, lâu dài của toàn bộ hệ thống chính trị huyện Sóc Sơn. Tuy nhiên, hiện nay hạn chế lớn nhất là ở một số xã cán bộ nhận thức không đúng. Đa số xã làm được nhưng vẫn có xã không làm được: “Vẫn còn tư tưởng ỷ lại, đổ tại thiếu nguồn lực xây dựng nhưng nhiều tiêu chí không cần tiền hoặc không cần nhiều tiền mà cán bộ xã không làm. Chỉ quan tâm đến nhóm tiêu chí xây dựng cơ bản”, ông Phong nói. Vì vậy, trong xây dựng NTM các xã cần phải chú ý đến công tác cán bộ, đặc biệt cần tăng cường bồi dưỡng cán bộ cấp thôn.

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Bến Tre bán sản phẩm OCOP trên Youtube, Tiktok

Hội Nông dân Bến Tre vừa có chương trình ghi nhớ hợp tác để thúc đẩy thương mại số sản phẩm OCOP.