| Hotline: 0983.970.780

Thứ Hai 21/02/2011 , 08:30 (GMT+7)

08:30 - 21/02/2011

Sợi dây và chú cún

Kỳ vọng của Ngân hàng Nhà nước trong đợt điều chỉnh tỷ giá lần này, là xóa bỏ tình trạng “hai giá” tồn tại giữa ngân hàng và thị trường tự do đối với đồng bạc xanh.

Tuy nhiên, sự mừng vui không kéo dài được lâu, bởi thực tế mấy ngày gần đây, sau khi có quyết định điều chỉnh tỷ giá của cơ quan này, USD ngoài thị trường tự do vẫn trên đà leo thang, mặc cho giá niêm yết tại các ngân hàng chỉ ở mức trần quy định, thậm chí còn giảm.

Tỷ giá liên ngân hàng công bố ngày 18/2 giảm tiếp 5 đồng xuống còn 20.693 đồng/USD. Mức giảm này đánh dấu lần thứ ba liên tiếp, tỷ giá bình quân liên ngân hàng được Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh. Trước đó, tỷ giá bình quân liên ngân hàng được điều chỉnh 10 đồng/USD vào ngày 15/2 và 5 đồng/USD vào ngày 16/2.

Tuy nhiên, giá USD giao dịch thực tế của các nhà băng vẫn tiếp tục tăng. Trong mấy ngày gần đây, giá giao dịch USD thực tế giữa các ngân hàng khác nhau với mức chênh lệch khá lớn. Còn tại “ngân hàng Hà Trung” (Hà Nội), cách nói bóng bẩy của giới buôn bạc xanh “chợ đen”, các điểm thu đổi ngoại tệ báo giá bán USD ở mức 22.500 đồng/USD và chiều mua là 22.300 đồng/USD.

Một số DN nhập khẩu hiện đang rất lo lắng nếu như giá USD trên thị trường tự do vẫn tiếp tục tăng. Các DN trong ngành nông nghiệp thì đứng ngồi không yên, có đơn vị còn tạm dừng sản xuất vì nguyên liệu NK tăng quá cao, trong khi thành phẩm thì chưa thể tăng giá.

Đương nhiên, với kỳ vọng của Ngân hàng Nhà nước, việc điều chỉnh tỷ giá là tính đến một quá trình mang tính cơ bản và lâu dài. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, với diễn biến thực tế trái ngược thì việc tăng tỷ giá lần này chả khác gì câu chuyện cô gái dắt cún đi dạo.

Cô gái dắt chú cún đi dạo, khoảng cách giữa hai chủ thể là sợi dây. Bản năng của chú cún trước những yếu tố tác động ngoại cảnh có thể gây ra những rắc rối, buộc phải kiểm soát bằng sợi dây đó. Sợi dây ngắn sẽ kiểm soát tốt hơn là một sợi dây dài.

Trong cơ chế điều hành hiện nay, tỷ giá chính thức của các ngân hàng thương mại vận động theo mức bình quân liên ngân hàng với biên độ 1%. Biên độ đó là sợi dây trong câu chuyện trên. Vậy nên quan điểm của Ngân hàng Nhà nước là đưa tỷ giá bình quân liên ngân hàng đến một điểm phù hợp, đồng thời thu hẹp biên độ để tăng khả năng kiểm soát. Tuy vậy, điều mà Ngân hàng Nhà nước không thể lường hết, đó là vật liệu làm nên sợi dây. Về mặt lý thuyết, sợi dây ràng buộc chú cún là không thể co dãn. Nhưng với diễn biến thực tế thì nhiều chuyên gia ví von rằng, sợi dây kia, thay vì chế tác bằng kim loại, thì ở Việt Nam, được làm từ… cao su. Nó có thể co dãn thoải mái đến độ, cô gái, chủ thể, không thể điều khiển chú cún theo ý của mình.

TS Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho rằng, điều chỉnh lần này đúng thị trường nhưng về dài hạn phải bám sát chặt hai mục tiêu: Kéo lạm phát xuống và tăng được năng lực sản xuất, giảm nhập siêu.

Ông Kiêm cho rằng, các chính sách tiền tệ như tỷ giá, lãi suất thật ra có liên hệ với nhau chặt chẽ. Do vậy, cần phải tập trung chống lạm phát trước. Kinh nghiệm từ ngay năm 2010 cho thấy, khi điều chỉnh tỷ giá, ngân hàng làm trước, các bộ, ngành khác không có chính sách đi kèm, thống nhất đã tạo sự hỗn loạn về tỷ giá, giá vàng.

Và, lần này chắc cũng không ngoại lệ!

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm