| Hotline: 0983.970.780

Sớm đưa giống bắp biến đổi gen vào SX đại trà

Thứ Tư 15/09/2010 , 09:38 (GMT+7)

Hôm qua (14/9), Hội thảo đánh giá sơ bộ kết quả thí nghiệm các giống bắp biến đổi gen (BĐG) đã được tổ chức dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bùi Bá Bổng.

Hôm qua (14/9), tại Trung tâm Khảo nghiệm giống, sản phẩm cây trồng và phân bón vùng Nam bộ (đặt tại tỉnh BR-VT), Bộ NN-PTNT đã tổ chức hội thảo đánh giá sơ bộ kết quả thí nghiệm các giống bắp biến đổi gen (BĐG) dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bùi Bá Bổng.

Trước khi bước vào hội thảo, đoàn đại biểu các tỉnh thành phía Nam lần đầu tiên đã được tận mắt chứng kiến các giống bắp chuyển gen (kháng sâu và kháng thuốc trừ cỏ) do TT Khảo nghiệm giống, sản phẩm và phân bón vùng Nam bộ phối hợp cùng Cty Syngenta và Monsanto tổ chức thực hiện ngay tại vùng “thủ phủ” trồng bắp của cả nước. Theo chân cán bộ kỹ thuật trực tiếp làm khảo nghiệm, hướng dẫn đoàn vào tham quan trong các khu trồng bắp, không ít người khi “mục sở thị” những cây bắp mới được “bắn gen” kháng sâu và kháng thuốc trừ cỏ đã phấn khởi thốt lên: “Kỳ lạ thật, như thế này mới gọi là bắp chuyển gen chứ”.

Cây bắp chuyển gen phát triển rất đều, đẹp, lá xanh mơn mởn không có biểu hiện của các loại sâu bệnh, dưới gốc cũng chẳng hề có một cây cỏ nào.  Ngược lại, những ô bắp bên cạnh trồng bình thường (không chuyển gen) để làm đối chứng thì tỉ lệ cây bị nhiễm bệnh thấy rất rõ rệt, dưới gốc cỏ mọc tốt hơn cả cây bắp và thậm chí có cây bắp còn bị chết sạch khi “dính” thuốc trừ cỏ.

Thực tế tại khu khảo nghiệm bắp chuyển gen của Cty Syngenta, chúng tôi được nghe người hướng dẫn đoàn giới thiệu 7 nghiệm thức khác nhau với mỗi ô thí nghiệm này công thức được thiết kế theo khối hoàn toàn ngẫu nhiên, ba lần nhắc lại. Mỗi ô thí nghiệm có diện tích 21m2 (6 hàng x 5m) với khoảng cách trồng 70cm x 25cm, thực hành quản lý canh tác tuân thủ theo hướng dẫn đánh giá khảo nghiệm rất nghiêm ngặt của Cục Trồng trọt. Ths. Nguyễn Quốc Lý, GĐ TT Khảo nghiệm giống, sản phẩm và phân bón vùng Nam bộ, đơn vị “chủ ruộng” trực tiếp tiến hành khảo nghiệm cho biết, các mô hình này được bắt đầu trồng khảo nghiệm từ tháng 5-6/2010 và các công việc đã triển khai thực hiện gồm: tiến hành điều tra sâu hại, thiên địch theo định kỳ 7 ngày/lần; đến đặt và thu bẫy dính vàng; lây sâu đục thân; xử lý sâu đục thân…

THỨ TRƯỞNG BÙI BÁ BỔNG:

Từ năm 2006, Thủ tướng đã phê duyệt chủ chương đưa một số giống biến đổi gen gồm bông, ngô, đậu tương vào sản xuất. Sắp tới, Bộ NN-PTNT cũng sẽ cho rà soát lại các văn bản, điều chỉnh các bước khảo nghiệm cho phù hợp với Nghị định 69 của Chính phủ; đồng thời cho nâng cấp cơ sở hạ tầng khảo nghiệm, xây dựng cơ sở vật chất để chứng nhận đủ điều kiện làm thức ăn chăn nuôi. Sau khi tổng kết khảo nghiệm trên diện hẹp sẽ tiến hành ngay khảo nghiệm trên trên diện rộng để sớm đưa các giống bắp biến đổi gen ra trồng đại trà.

Ghi nhận từ kết quả thí nghiệm đánh giá hiệu quả kháng sâu đục thân trên bắp chuyển gen Bt11 cho thấy giống bắp NK66Bt11 và giống G49 Bt11 x GA21 có khả năng kháng sâu đục thân rất cao. Sau khi “nhiễm sâu” (tức là thả sâu vào cây – cứ mỗi cây từ 2 đến 3 con sâu) được một tuần, tỉ lệ cây bị hại trên các giống bắp này không xảy ra (0,0%), trong khi đó ở các công thức khác (có thả sâu) thì tỉ lệ cây bị hại lại đạt từ 80- 83%.

Còn đối với giống bắp NK66Bt11 mặc dù cũng thả sâu nhưng lại hoàn toàn không bị sâu đục thân gây hại. Riêng giống bắp G49Bt11 x GA21 thì ở tuần thứ 2 sau khi thả sâu có 8,33% cây bị sâu đục thân gây hại với chỉ số hại 3,30%, nhưng theo đánh giá mức độ bị hại này là không đáng kể vì chỉ bị một vài lỗ đục nhỏ trên lá. Cũng theo ông Lý, qua kết quả phân tích sơ bộ mẫu vật thu thập trên ruộng thí nghiệm ghi nhận được 28 loài sâu hại và 22 loài thiên địch và một loài thụ phấn. Tuy nhiên, trên các giống bắp chuyển gen Bt (Bt11 và Bt11 x GA21) đều không hề bị các loài sâu hại thuộc bộ cánh phấn (Lepidoptera) gây hại…

Trao đổi với PV NNVN, chị Lê Thị Tuyết Nga, người “trực chiến” trong điểm khảo nghiệm cho biết, sắp tới sau khi những lô bắp chuyển gen này tiến hành thu hoạch xong, theo đúng quy định chúng tôi sẽ phải đem luộc trái rồi đào hố chôn, còn thân cây bắp cũng phải tiêu hủy toàn bộ để tránh những sản phẩm chuyển gen bị phát tán khi chưa được chính thức công nhận.

Xem thêm
Bổ sung 1 cặp hươu sao lên đảo Bạch Long Vỹ

HẢI PHÒNG Hơn 10 ngày sau khi phát hiện cá thể hươu sao trên đảo, huyện Bạch Long Vỹ được bổ sung thêm 1 cặp hươu khác, có cả đực và cái để phát triển đàn.

Điều trị, làm đẹp cho thú cưng: Đã học rồi còn phải học thêm

Thú cưng đưa vào các phòng khám thú y điều trị được siêu âm, X quang để chẩn đoán bệnh như người nên nhân viên phòng khám phải được đào tạo bài bản.

Đồng Nai hướng tới cơ giới hóa đồng bộ trong trồng trọt

Cơ giới hóa trong trồng trọt ở Đồng Nai đã có nhiều thành tựu nhưng chưa đồng bộ. Tỉnh này đang hướng tới việc cơ giới hóa đồng bộ trong thời gian tới.