| Hotline: 0983.970.780

Sớm thu thuế bảo vệ môi trường đối với thuốc lá

Chủ Nhật 06/06/2010 , 08:46 (GMT+7)

Đa số đại biểu Quốc hội cho rằng thuốc lá gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến sức khỏe nên phải chịu thuế bảo vệ môi trường.

Việc chịu thêm thuế bảo vệ môi trường đối với thuốc lá được kỳ vọng sẽ làm giảm tỷ lệ hút thuốc lá ở Việt Nam (Ảnh minh họa)

Nên đưa thuốc lá vào đối tượng chịu thuế bảo vệ môi trường là ý kiến chung của các đại biểu Trần Hanh (Vĩnh Phúc), Lê Dũng (Tiền Giang), Thái Thị An Chung (Nghệ An), Nguyễn Thị Thu Hồng (Thừa Thiên-Huế), Bùi Thị Hòa (Đắc Nông)... tại buổi thảo luận tại hội trường về Luật thuế bảo vệ môi trường, ngày 5/6.

Đưa ra các con số nghiên cứu về tác hại của thuốc lá, đại biểu Thái Thị An Chung (Nghệ An) kiến nghị bổ sung thuốc lá và các sản phẩm về thuốc lá vào danh mục đối tượng chịu thuế.

Theo đại biểu An Chung, thuốc lá gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến sức khỏe. Theo nghiên cứu mới được công bố của một số nhà khoa học trên thế giới, trong thuốc lá có chứa chất phóng xạ nguy hiểm và không ổn định, đầu lọc thuốc không thể tái sinh... nên việc đưa thuốc lá vào diện chịu thuế bảo vệ môi trường là cần thiết.

Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ hút thuốc lá cao nhất trong khu vực và trên thế giới. Giá bán thuốc lá thấp nên thanh thiếu niên, người nghèo đều dễ dàng tiếp cận. Trong khi Việt Nam chưa có một đạo luật riêng về cấm thuốc lá thì việc đưa vào diện đối tượng chịu thuế bảo vệ môi trường cũng là hoàn toàn phù hợp với công ước quốc tế.

Đồng quan điểm này, các đại biểu Bùi Thị Hòa (Đắc Nông), Lê Dũng (Tiền Giang) bày tỏ, thuốc lá rẻ, chứa nhiều chất độc hại, gây nhiều bệnh hiểm nghèo, gây ô nhiễm, cần thu thêm thuế bảo vệ môi trường càng sớm càng tốt, không nên vì lo ngại ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách mà không dám làm.

Tiếp tục thảo luận về đối tượng chịu thuế bảo vệ môi trường, các đại biểu cho rằng đối tượng chịu thuế chỉ là năm nhóm như dự thảo luật đề ra là quá hẹp, chưa bao quát hết. Để có thể ngăn chặn các sản phẩm gây ô nhiễm, các đại biểu cho rằng cần nghiên cứu rà soát tổng thể nhóm hàng gây ô nhiễm môi trường và quy định nhóm nào tạm thời áp dụng thuế suất bằng không để đảm bảo tính bền vững của luật, tránh việc sửa luật khi đưa vào áp dụng.

Bên cạnh đó, khuyến khích người dân sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường, khuyến cáo không nên dùng thuốc bảo vệ thực vật. Một số đại biểu lại nêu quan điểm dự thảo luật mới chủ yếu đánh vào nhân dân và người nghèo, trong khi các nhà máy, những người làm ra các sản phẩm gây ô nhiễm thì chưa đề cập đến.

Theo đại biểu Trần Hanh (Vĩnh Phúc), phải rà soát, liệt kê các mặt hàng theo nguyên tắc người gây ô nhiễm phải trả tiền, phải quy định cụ thể hơn đối tượng chịu thuế.  Đánh thuế, nhưng không gây xáo trộn cho sản xuất kinh doanh, không ảnh hưởng đến lợi ích tiêu dùng và cũng cần tránh khuynh hướng nộp thuế để tiếp tục được xả thải gây ô nhiễm môi trường.

Đại biểu Lê Dũng (Tiền Giang) cho rằng cần xây dựng chính sách người gây ô nhiễm phải có trách nhiệm trả phí và người hưởng môi trường trong lành cũng phải trả phí.

Nhiều đại biểu cũng thắc mắc vì sao không đánh thuế bảo vệ môi trường đối với hàng hóa tạm nhập, tái xuất, hàng hóa quá cảnh... Đại biểu Phan Mỹ Bình (Tuyên Quang) và Dương Thị Thu Hà (Lào Cai) kiến nghị bỏ điểm d khoản 1 Điều 4 quy định hàng hóa được vận chuyển từ nước xuất khẩu đến nước nhập khẩu thông qua cửa khẩu Việt Nam không thuộc diện chịu thuế.

Khung thuế thế nào là hợp lý?

Hầu hết các đại biểu đều cho rằng tiêu chí để xây dựng khung thuế đối với một số đối tượng chịu thuế là chưa rõ ràng, biên độ khung thuế rộng. Đại biểu Danh Út cho rằng mức thuế tuyệt đối qui định theo biểu khung tại khoản 1 Điều 8, là chưa chính xác, biên độ quá rộng.

Đại biểu Danh Út cũng như các đại biểu Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh), Lý Kim Khánh (Cà Mau), Dương Thị Thu Hà (Lào Cai) ... kiến nghị nên áp dụng thuế suất theo tỷ lệ phần trăm bởi phương pháp này, qua thực tiễn thi hành được đánh giá là hợp lý, không phát sinh vướng mắc, bảo đảm ổn định về số thu cho ngân sách, nhất là khi giá cả hàng hóa biến động.

Trong bối cảnh trượt giá hiện nay, nhất là những mặt hàng như xăng dầu lên xuống thất thường, việc áp dụng phương pháp tính thuế tuyệt đối (bằng tiền) sẽ phát sinh bất hợp lý, dẫn đến thường xuyên phải điều chỉnh biểu khung và mức thuế; trong khi đó, luật là văn bản có giá trị pháp lý cao, cần được áp dụng ổn định.

Đại biểu Danh Út cũng đề nghị thu hẹp biên độ khung bởi chênh lệch ở mức vài lần là chưa hợp lý, chưa tạo sự công bằng trong các đối tượng chịu thuế, nên có sự thống nhất mức thu thuế của hàng hóa. Trong mức thuế xăng dầu cũng không hợp lý, mức thuế đối với xăng từ 1.000-4.000 đồng/lít, trong khi xăng ít gây ô nhiễm môi trường hơn dầu mà dầu chỉ có mức thuế bằng 50% của xăng. Cũng cần xem xét thuế và phí bảo vệ môi trường, tránh tình trạng thuế chồng lên thuế, đặc biệt là thuế xăng dầu, tác động xấu đến sản xuất và người tiêu dùng...

Bảo vệ quan điểm của cơ quan soạn thảo, đại biểu Cao Ngọc Xuyên (Bạc Liêu) cho rằng áp dụng mức thuế suất tuyệt đối là hợp lý. Theo đại biểu, mức thuế suất tuyệt đối có ưu điểm đảm bảo nguồn thu ngân sách khi có biến động, trượt giá, tạo sự đơn giản, minh bạch trong việc thực hiện, bảo đảm ổn định nghĩa vụ đóng góp vào ngân sách nhà nước của người sử dụng sản phẩm...

Về vấn đề này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên cho rằng theo kinh nghiệm của quốc tế, để thuận tiện, đơn giản và có thể thực hiện ngay được, phần lớn đều quy định áp dụng thuế suất tuyệt đối. Còn việc căn cứ vào mức độ gây ô nhiễm như thế nào để xác định thuế suất và ban hành biểu khung thì cơ quan soạn thảo đã nghiên cứu.

Về ý kiến không đánh thuế với sản phẩm xuất khẩu, ông Kiên khẳng định sản phẩm khi xuất sang nước khác thì đương nhiên họ đánh thuế nếu gây ô nhiễm. Việt Nam không đưa sản phẩm xuất khẩu gây ô nhiễm môi trường vào đối tượng chịu thuế là để tạo điều kiện tăng khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam, vì thuế là một yếu tố cấu thành giá.

(Theo Vietnam+)

Xem thêm
Đảng ủy Bộ NN-PTNT bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024

Ngày 27/3, tại Trường Cán bộ quản lý NN-PTNT, Đảng ủy Bộ NN-PTNT đã tổ chức Bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024.

Ký kết giao ước thi đua ngành nông nghiệp các tỉnh, thành vùng ĐBSCL

Hội nghị nhằm tiếp tục thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và đẩy mạnh phong trào thi đua vùng ĐBSCL năm 2024.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Lão nông U70 với tham vọng đưa bưởi Diễn xuất ngoại

Bằng tình yêu nông nghiệp cùng óc sáng tạo trong sản xuất, ông Lê Hữu Diện đã trở thành người tiên phong làm nông nghiệp hữu cơ tại huyện Chương Mỹ, thành phố Hà Nội.

Bình luận mới nhất