| Hotline: 0983.970.780

Sơn Định thu nhập không thua thành thị

Thứ Hai 16/09/2013 , 11:02 (GMT+7)

Sơn Định là 1 trong 5 xã điểm xây dựng NTM của tỉnh Bến Tre đang chạy đua để về đích vào cuối năm 2014. Tiêu chí đạt khá sớm của xã là thu nhập.

Sơn Định là 1 trong 5 xã điểm xây dựng NTM của tỉnh Bến Tre đang chạy đua để về đích vào cuối năm 2014. Tiêu chí đạt khá sớm của xã là thu nhập.

Thu nhập khá

Ông Trần Thiện Tuấn, Chủ tịch UBND xã Sơn Định (Chợ Lách, Bến Tre), cho biết: Sơn Định đã đạt 12 tiêu chí, còn lại 7 tiêu chí sẽ hoàn thành cuối năm 2014. Tiêu chí thu nhập ở nhiều địa phương đang xây dựng NTM phải lo đến giờ cuối chưa chắc đạt, còn ở xã Sơn Định, tiêu chí thu nhập lại đạt khá sớm.

Hiện tại, mức thu nhập bình quân trong toàn xã là 23 triệu đồng/người/năm, đã gần với thành thị. Chính tiêu chí thu nhập đã kéo tỷ lệ hộ nghèo của toàn xã chỉ còn 6,5% và đến cuối năm 2013 sẽ giảm xuống còn 5%.

Để đạt được tiêu chí thu nhập, ngay từ ngày đầu bắt tay xây dựng NTM, địa phương đã xác định giao thông là bệ phóng cho tiêu chí thu nhập. Thực tế được chứng minh khi GTNT đi lại thuận lợi, trái cây vận chuyển nhanh, giảm chi phí vận tải, nhiều cơ sở sơ chế trái cây, đóng gói mọc lên… giá nông sản tăng, giải quyết được lao động nông thôn… đã giúp nhiều hộ gia đình tăng thu nhập.

Tuy nhiên, trong quá trình vận động người dân hiến đất, cây để làm đường không phải đơn giản. Cái khó là toàn xã Sơn Định chỉ có khoảng 840 ha vườn cây ăn trái, bình quân đầu người chỉ khoảng 700 m2 nên khi mở rộng lộ giao thông nông thôn (GTNT) nhiều bà con bị mất diện tích đất sản xuất và cây ăn trái.

Trước cái khó ấy, Ban Chỉ đạo xây dựng NTM của xã đã lấy bài toán hiệu quả kinh tế lâu dài làm giải pháp tuyên truyền cho bà con hiểu và được mọi người ủng hộ.


Sản xuất cây giống đã giải quyết công ăn việc làm ở xã Sơn Định

Bây giờ GTNT ở xã Sơn Định đã được bê tông hóa tất cả xóm ấp bao quanh khoảng 840 ha đất trồng cây ăn trái. Song song với việc làm đường thì tiêu chí tổ chức sản xuất cũng được tập trung thực hiện. Theo đó, đòn bẩy cho 2.114 hộ dân đang trực tiếp canh tác trên mảnh đất nông nghiệp là sản xuất theo hình thức hợp tác để tạo ra sản phẩm sạch, an toàn.

Ông Nguyễn Văn Bạn, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Sơn Định (Chợ Lách, Bến Tre), chia sẻ: Trước khi chưa bắt tay xây dựng NTM, đa phần nhà vườn sản xuất tự phát, thiếu áp dụng KHKT nên hiệu quả không cao, chi phí tăng.

Từ cơ sở đó, khi bắt tay xây dựng NTM, địa phương đã tập hợp nông dân trồng 1 giống cây để thành lập tổ hợp tác và tiến hành chuyển giao các quy trình kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất. Đến nay, toàn xã đã có 28 tổ, nhóm sản xuất với 824 thành viên tham gia tổ hợp tác đang hưởng lợi lớn như: Được tập huấn, chuyển giao KHKT, hỗ trợ vốn, công lao động…

Đến nay, các hộ tham gia các tổ hợp tác có thu nhập bình quân trên 25 triệu đồng/người/năm, cao hơn mặt bằng chung của xã khoảng 2 triệu đồng/người/năm.

Hiện tại, mô hình tổ hợp tác sản xuất đang được địa phương nhân rộng. Kế hoạch sắp tới, Hội Nông dân xã sẽ kêu gọi nhà vườn hợp tác thành lập mới 6 tổ với ít nhất 155 hộ tham gia. Bình quân, 1 ha vườn trồng cây ăn trái đặc sản như: Sầu riêng, chôm chôm, bưởi da xanh, nhãn, sản xuất cây giống… ở xã Sơn Định cho thu nhập trên 100 triệu đồng/ha/năm, tăng từ 30 - 50% so với cách đây 3 năm khi chưa thực hiện NTM.

Phấn đấu về đích cuối năm 2014

Nhà vườn Phạm Đắc Linh, ấp Sơn Phụng, xã Sơn Định (Chợ Lách, Bến Tre), là 1/32 tổ viên đang trồng 120 cây sầu riêng hơn 10 năm tuổi trồng/7.000 m2 đang canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP nói: "Vào tổ hợp tác được 2 năm  tôi đã học hỏi được nhiều kỹ thuật và kinh nghiệm sản xuất của các tổ viên.

Ngoài ra, được các kỹ sư, nhà khoa học chuyển giao kỹ thuật sản xuất sầu riêng VietGAP cho trái ngon hơn, an toàn hơn vừa đảm bảo sức khỏe cho người sản xuất và người tiêu dùng, bán được giá cao, tăng thu nhập cao hơn trước. Bình quân, 1 ha sầu riêng thu hoạch rải vụ (vụ nghịch) theo quy chuẩn VietGAP, sau khi trừ chi phí lợi nhuận thu về khoảng 500 triệu đồng/ha".

Ông Nguyễn Văn Bạn cho biết: "Khi hình thức tổ chức sản xuất ổn định không chỉ giúp cho nhà vườn đạt được thu nhập cao, ổn định mà còn giải quyết được cơ cấu lao động nhàn rỗi nông thôn có thu nhập rất ổn định. Hiện tại, thu nhập bình quân trên đầu người trong toàn xã là 23 triệu đồng/người/năm so với mặt bằng chung trong toàn huyện thì Sơn Định đã về đích khá nhanh và bền vững".

Ông Trần Thiện Tuấn, Chủ tịch UBND xã Sơn Định, nói: "Cái hay của việc xây dựng NTM là để kéo dân nông thôn về gần với thành thị. Điều này Sơn Định đã và đang thực hiện khá tốt và rất bền vững. Tuy nhiên, bên cạnh thuận lợi thì Sơn Định vẫn còn khó khăn.

 Là một xã nằm trên vùng đất cồn sát bên sông Tiền, nạn sạt lở luôn rình rập và nạn khai thác cát trái phép. Hiện tại, toàn xã đã có đê bao khép kín bảo vệ sản xuất và cuộc sống của 3.263 hộ dân đang sinh sống nhưng vẫn chưa bền vững trước diễn biến của sạt lở. Chính vì vậy Sơn Định rất cần tỉnh và Trung ương đầu tư đê bao khép kín theo giải pháp kiên cố.

Đối với hàng nông sản thì cần tìm giúp nông dân thị trường xuất khẩu. Tăng cường hỗ trợ vốn để giúp nông dân phát huy làng nghề sản xuất cây giống và phát triển tiềm năng du lịch. Đối với phế phẩm vật tư nông nghiệp, cần có giải pháp quản lý, thu gom, tiêu hủy tập trung tại nhà máy để hạn chế ô nhiễm môi trường. Đây là cách góp phần cho nông nghiệp xanh trong quá trình xây dựng NTM mà Sơn Định đang phấn đấu về đích cuối năm 2014".

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Bến Tre bán sản phẩm OCOP trên Youtube, Tiktok

Hội Nông dân Bến Tre vừa có chương trình ghi nhớ hợp tác để thúc đẩy thương mại số sản phẩm OCOP.