| Hotline: 0983.970.780

Sơn Đông ngổn ngang trăm mối

Thứ Ba 18/09/2012 , 12:06 (GMT+7)

Sơn Đông (thuộc TX Sơn Tây) là xã cuối cùng trong tổng số 15 xã của TP Hà Nội được duyệt đề án xây dựng NTM (tháng 3/2011).

Một con đường mới được nâng cấp ở Sơn Đông

Sơn Đông (thuộc TX Sơn Tây) là xã cuối cùng trong tổng số 15 xã của TP Hà Nội được duyệt đề án xây dựng NTM (tháng 3/2011).

Theo đề án đã được cấp có thẩm quyền thẩm định và phê duyệt, thì tổng kinh phí để hoàn thành 19 tiêu chí NTM của Sơn Đông là 264,9 tỷ đồng, được huy động từ 7 nguồn, chia ra như sau: Ngân sách Thành phố 23,8 tỷ; ngân sách TX Sơn Tây 47,76 tỷ; ngân sách xã 51,85 tỷ; dân đóng góp 26,77 tỷ; vốn lồng ghép 80,88 tỷ; vốn doanh nghiệp 24,81 tỷ và vốn xã hội hoá 9 tỷ.

Theo Bí thư Đảng uỷ xã Sơn Đông Nguyễn Văn Lực, thì đến nay, xã đã đạt và cơ bản đạt được 13/19 tiêu chí, nhưng đó đều là những tiêu chí cần đến ít nguồn lực. Sáu tiêu chí còn lại mới thực sự là những nan đề, vì để đạt được chúng, cần phải đầu tư rất lớn. Về những nguồn lực để biến 19 tiêu chí NTM thành hiện thực, ông Lực cho hay:

- Ngân sách xã thì chỉ còn biết trông chờ vào việc bán đất. Những năm trước, đất ở tại những vị trí tốt, thuận lợi về giao thông trong xã có giá từ 3 đến 4 triệu đồng mỗi mét vuông. Nhưng trong điều kiện thị trường bất động sản trầm lắng như hiện nay, thì giá thấp hơn nhiều, mà cũng không có người mua. Xã đã lập tờ trình xin UBND TX cho đấu giá quyền sử dụng đất tại một số vị trí, nhưng có người tham gia đấu giá hay không cũng đang là một vấn đề.

Với dân số 13.000 người, để đóng góp được đủ 26,77 tỷ đồng, thì mỗi khẩu từ sơ sinh đến chống gậy trong xã, nhất loạt mỗi người phải đóng trên 2 triệu đồng. Một hộ 5 khẩu phải góp trên 10 triệu đồng. Tuy xây dựng NTM là xây dựng cho dân, dân trong xã là những người trực tiếp được thụ hưởng những thành quả đó, nhưng trong điều kiện kinh tế hiện nay, việc huy động sự đóng góp của dân không dễ.

Hộ bình thường đã vậy, với hộ nghèo và cận nghèo, việc huy động sẽ càng khó khăn hơn (xã hiện có 7,1% hộ nghèo). Vốn lồng ghép chiếm tỷ trọng cao nhất trong cơ cấu tổng vốn xây dựng NTM (30,5%), nhưng từ khi đề án được thẩm định và phê duyệt đến nay, Thành phố chưa rót về một đồng nào...

Điều khiến chúng tôi rất băn khoăn khi tìm hiểu về nguồn lực để xây dựng NTM, đó là nguồn vốn doanh nghiệp, chiếm tới gần 10% trong tổng cơ cấu vốn xây dựng NTM ở Sơn Đông. Doanh nghiệp sẽ chuyển vốn về địa phương dưới hình thức nào? Đó là chủ các doanh nghiệp người địa phương đóng góp để xây dựng quê hương ư?

 Nếu như vậy thì làm sao có thể ấn định một con số cụ thể được, bởi nguồn đóng góp đó là tuỳ vào cái tâm của họ chứ đâu phải là nghĩa vụ? Còn nếu là doanh nghiệp bên ngoài đầu tư xây dựng NTM thì họ sẽ được gì, khi mà mục tiêu quan trọng nhất của họ là lợi nhuận? Trước câu hỏi đó của chúng tôi, ông Bí thư Đảng uỷ trầm ngâm:

- Thực sự thì chúng tôi cũng thấy đây là vấn đề chưa rõ ràng. Như chuyện cải tạo, nâng cấp lưới điện của xã chẳng hạn. Đó cũng là 1/19 tiêu chí về xây dựng NTM. Nhưng khi chúng tôi đặt vấn đề đó với ngành điện, thì bị từ chối ngay, với lý do là nếu cải tạo, nâng cấp lưới điện phục vụ Chương trình xây dựng NTM, thì Thành phố phải bố trí vốn cho họ. Không bố trí, thì họ lấy ở đâu ra?

Thật là trăm mối ngổn ngang. Biết đến khi nào xã mới có được gần 265 tỷ đồng (tính đến tháng 4/2012, tổng nguồn lực mới được khoảng 30 tỷ), trong khi quyết tâm của Thành phố là đến năm 2015, TX Sơn Tây phải hoàn thành việc xây dựng NTM.

 Mới đây, UBND Thành phố đã có chính sách hỗ trợ cho những công trình xã hội hoá ở nông thôn. Ví như làm một con đường chẳng hạn, Thành phố sẽ cho toàn bộ vật liệu, còn tiền công, tiền GPMB, tiền thuê máy móc thiết bị... thì địa phương phải gánh, tức là phải xã hội hoá. Ông Nguyễn Văn Lực cho biết:

- Về công lao động, không có tiền nhưng bà con sẵn sàng đóng góp bằng cách trực tiếp đi làm, đất đai cũng có thể vận động nhân dân hiến được. Nhưng còn vật liệu, thì Thành phố chỉ hỗ trợ sau khi hoàn tất, công trình đã quyết toán và bàn giao, thành ra tuy rất muốn làm nhưng địa phương không có kinh phí ứng trước. Vận động các doanh nghiệp, thì họ cũng lắc đầu, bởi trong điều kiện hiện nay, họ tự lo cho mình còn chưa nổi, nói gì đến có vốn để ứng trước cho xã.

Khổ nỗi khi dân hiến đất, xã đã hứa thời hạn hoàn thành đường. Nay không có tiền, thành ra sai lời hứa, không biết rồi đây sẽ ăn nói với dân thế nào.

Nhưng vượt lên trên tất cả những khó khăn, ngổn ngang trăm mối đó, điều chúng tôi ghi nhận được ở Sơn Đông chính là lòng quyết tâm, sự đồng thuận giữa Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong Chương trình xây dựng NTM “cho mình”.

Chỉ nói riêng về việc hiến đất làm công trình thôi, cũng đủ thấy tấm lòng của người dân đáng quý đến mức nào. Từ năm 2005, xã đã có chủ trương vận động nhân dân hiến đất để làm đường và xây dựng các công trình phúc lợi khác. Việc hiến đất đã trở thành nề nếp. Từ đó đến nay, ước tính đã có khoảng 10.000m2 đất được người dân trong xã hiến tặng.

Chỉ sau 1 tuần vận động, bà con đã hiến trên 1.000m2 đất, trong đó có những người như cựu chiến binh Kiều Công Trội hiến tới 100m2 đất ở (trị giá khoảng 200 triệu đồng), bà Nguyễn Thị Thương hiến 42m2 đất ở (trị giá gần 100 triệu đồng)...

Nhờ sự nhiệt tình ấy mà từ năm 2005 đến nay, xã vừa xây dựng mới vừa nâng cấp đến trên 30km đường mà chưa mất một đồng tiền đền bù, GPMB nào. Đất làm đường giao thông nội đồng đã được dân hiến rất nhiều, nền đường đã có, nhưng... chưa có tiền để cứng hoá mặt đường. Nghĩa là trăm sự lại vẫn quay về với vấn đề “đầu tiên”.

Xem thêm
Thái Nguyên chấp thuận nhà đầu tư 2 dự án dân cư nông thôn

Thái Nguyên chấp thuận nhà đầu tư Dự án Khu dân cư nông thôn số 1 xã Ký Phú và Dự án Điểm dân cư nông thôn số 1 xã Bình Thuận (huyện Đại Từ).

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Bà Rịa - Vũng Tàu có thêm 22 sản phẩm OCOP 4 sao

Chiều 28/3, Sở NN-PTNT Bà Rịa - Vũng Tàu tổ chức hội nghị giao ban tổng kết hoạt động của các HTX nông nghiệp và lễ công bố, trao giấy chứng nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh.

Bình luận mới nhất