| Hotline: 0983.970.780

Sơn La mạnh tay giữ rừng

Thứ Tư 30/11/2011 , 11:14 (GMT+7)

BCH các vấn đề cấp bách về Bảo vệ rừng và Phòng cháy, chữa cháy rừng (BCH BVR&PCCCR) tỉnh Sơn La đã lên phương án, sẵn sàng bảo vệ 627.000 ha rừng.

Lực lượng kiểm lâm tỉnh Sơn La trên đường tuần tra bảo vệ rừng

Diễn biến thời tiết, nhiệt độ các tháng mùa khô năm 2012 tại khu vực Tây Bắc được dự báo có chiều hướng tăng cao do nắng nóng kéo dài, nguy cơ cháy rừng luôn ở mức báo động. Do đó, BCH các vấn đề cấp bách về Bảo vệ rừng và Phòng cháy, chữa cháy rừng (BCH BVR&PCCCR) tỉnh Sơn La đã lên phương án, sẵn sàng bảo vệ 627.000 ha rừng.

2011 - MỘT NĂM VẤT VẢ

Năm 2011, thời tiết tại Sơn La diễn biến vô cùng phức tạp, nhiệt độ trung bình các tháng mùa khô lên đến 350C, nắng nóng kéo dài đến 10 tiếng/ngày, gió tây thổi mạnh, diện tích rừng phân bố rộng, độ ẩm không khí thấp khiến việc BVR&PCCCR gặp rất nhiều khó khăn. Ông Sòi Ngọc Dũng - Chi cục trưởng KL tỉnh Sơn La cho biết, ngay từ đầu mùa khô hanh, BCH BVR&PCCCR tỉnh đã tập trung chỉ đạo các huyện, xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, đồng bào các dân tộc trong việc thực hiện triệt để BVR, PCCCR với nhiều hình thức phong phú. Tiến hành tổ chức 2 hội nghị cấp tỉnh, 11 hội nghị cấp huyện, 104 hội nghị cấp xã và trên 1.000 hội nghị tại các thôn, bản, cụm dân cư quán triệt, học tập về BVR&PCCCR cho trên 150.000 lượt người.

Phối hợp với Kiểm lâm vùng I tổ chức tập huấn nâng cao nghiệp vụ quản lý bảo vệ rừng, quản lý lâm sản trên 11 huyện thành phố cho 300 kiểm lâm viên và tổ chức 8 cuộc diễn tập BVR&PCCCR quy mô cấp huyện, xã nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm cho cán bộ, nhân dân địa phương. Đặc biệt, Sơn La tiến hành thành lập BCH BVR&PCCCR cấp tỉnh do đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng ban đã thực sự phát huy hiệu quả trong công tác chỉ đạo điều hành BVR&PCCCR.

Tuy nhiên, tình trạng người dân lấn chiếm đất lâm nghiệp, đốt nương làm rẫy, đốt tổ ong, hun chuột vẫn còn diễn ra khá phổ biến, đây là một trong những nguyên nhân chính làm nảy sinh các vụ cháy rừng tại Sơn La. Qua công tác theo dõi, cập nhật ảnh vệ tinh đối chiếu với việc kiểm tra, báo cáo của các cơ sở mùa khô năm 2010 - 2011 đã thống kê được hơn 1.666 điểm cháy. Trong đó, 1.608 điểm người dân đốt nương làm rẫy, 56 điểm do người dân đốt bãi chăn thả và 2 vụ cháy rừng thiệt hại 9,1 ha.

Lý giải nguyên nhân nêu trên, ông Dũng cho rằng cấp ủy, chính quyền một số cơ sở chưa xác định nhiệm vụ BVR, PCCCR là trọng tâm và vẫn coi đây là công việc của kiểm lâm. Ý thức chấp hành các quy định về BVR của một số tổ chức, cá nhân chưa cao, chính sách đối với người tham gia chữa cháy chưa được quan tâm đúng mức dẫn đến không khuyến khích được đông đảo người dân tham gia.

PHƯƠNG CHÂM "4 TẠI CHỖ"

Từ bài học kinh nghiệm trong công tác BVR&PCCCR năm 2011, trao đổi với chúng tôi, ông Hà Quyết Nghị, Giám đốc Sở NN-PTNT Sơn La cho biết, năm 2012 tỉnh tập trung quản lý, bảo vệ và phát triển toàn bộ diện tích rừng hiện còn là trên 627.000 ha. Tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước về PCCCR, chủ động phòng ngừa là chính, chữa cháy phải triệt để an toàn. Đặc biệt, xử lý nghiêm minh các tổ chức, cá nhân vi phạm quy định về PCCCR, huy động lực lượng đủ mạnh theo phương châm “bốn tại chỗ” (nhân lực tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ và chỉ huy tại chỗ). Hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do cháy rừng gây ra cả về số vụ, diện tích và mức độ thiệt hại.

Để công tác quản lý, bảo vệ rừng được hiệu quả và hạn chế tình trạng người dân đốt phá rừng làm rẫy, năm 2012 tỉnh Sơn La tiếp tục có chính sách hỗ trợ gạo cho hộ tham gia trồng và bảo vệ rừng. Cụ thể, mỗi ha rừng trồng bà con sẽ được hỗ trợ 700 kg gạo/năm và được hỗ trợ trong vòng 7 năm.

Ông Nghị cho biết thêm, hiện Sơn La có gần 50.000 ha rừng đặc dụng, xấp xỉ 341.000 ha rừng phòng hộ và trên 235.000 ha rừng SX. Bảo vệ rừng và phát triển kinh tế rừng là một trong những mục tiêu quan trọng tỉnh Sơn La xác định trong định hướng phát triển kinh tế, xã hội đến năm 2020. Năm 2011, mặc dù gặp khó khăn về thời tiết cộng nguồn vốn giải ngân cho trồng rừng chậm, song tỉnh Sơn La vẫn trồng được gần 4.000 ha rừng, đạt 87,38% kế hoạch. Rất nhiều hộ dân tại các vùng khó khăn đã có cuộc sống tốt hơn nhờ được hưởng các chính sách phúc lợi khi tham gia trồng và bảo vệ rừng.

Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Sơn La, các giải pháp cụ thể trong BVR&PCCCR năm tới trọng tâm vẫn là công tác tuyên truyền, giáo dục phổ biến kiến thức cho tầng lớp nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu vùng xa, vùng cao biên giới. Tuy nhiên, để tránh xảy ra tình trạng "mất bò mới lo làm chuồng", Chi cục KL tỉnh sẽ tổ chức quản lý chặt chẽ nguồn lửa và người dân ra vào rừng, đặc biệt tại các vùng trọng điểm có nguy cơ cháy cao. Áp dụng các giải pháp kỹ thuật như giảm vật liệu cháy trong rừng, phát đường băng cản lửa, chuẩn bị sẵn phương tiện trang thiết bị, tổ chức cảnh báo và phát hiện sớm các điểm cháy để chủ động xử lý kịp thời khi ngọn lửa chưa kịp bùng phát. Tổ chức lực lượng luyện tập, diễn tập, bồi dưỡng nghiệp vụ để đội ngũ thường trực được phân công sẵn sàng đáp ứng yêu cầu xử lý được tại chỗ khi sự cố cháy rừng xảy ra.

Xem thêm
Ngành sắn đặt mục tiêu giá trị xuất khẩu đạt 2 tỷ USD vào năm 2030

Bộ NN-PTNT vừa phê duyệt Đề án 'Phát triển bền vững ngành hàng sắn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050' với mục tiêu đến năm 2030 xuất khẩu 1,8 - 2 tỷ USD.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Ngày hội lớn nhất trong năm của người Sán Chỉ tỉnh Quảng Ninh

Hội Soóng cọ là ngày hội lớn nhất trong năm của người Sán Chỉ (tỉnh Quảng Ninh), thu hút đông đảo người dân và du khách tham gia hưởng ứng.