| Hotline: 0983.970.780

Sơn La, vụ ngô buồn!

Thứ Năm 08/10/2015 , 07:15 (GMT+7)

Ảnh hưởng của nắng hạn gay gắt ngay từ đầu vụ đã khiến vụ thu hoạch của vựa ngô Sơn La năm nay bị muộn hơn so với mọi năm từ 20 – 25 ngày. Đáng buồn hơn, ngô vừa mất mùa, lại mất cả giá.

* "Bội thực" hoa Atiso

Vụ thu hoạch ngô ở Sơn La thường tập trung chủ yếu vào tháng 9 hàng năm, tuy nhiên thời điểm này, mặc dù đã đầu tháng 10, nhưng rảo quanh các vùng SX ngô trọng điểm tại huyện Mai Sơn, ngô vẫn còn phủ xanh trên các triền đồi.

Bản Mai Quỳnh, xã Mường Bon có hơn 40 hộ dân, chủ yếu là các hộ di dân lòng hồ thủy điện Sơn La từ huyện Quỳnh Nhai về đây từ năm 2006.

Phần lớn diện tích đất đồi ở đây đã chuyển sang trồng cao su nên ngô vẫn là cây ngắn ngày, cứu cánh cho bà con, chủ yếu phục vụ cho chăn nuôi tại chỗ. Vậy nhưng năm nay, bà con nơi đây không khỏi lo lắng cho nồi cơm của gia đình bởi ngô mất mùa.

Ông Nùng Văn Tấm, một hộ dân trong bản buồn bã kể, do trồng mía không được giá nên năm 2015, gia đình ông chuyển hết hơn 1,2 ha đất trồng mía sang trồng ngô.

Tuy nhiên đúng giai đoạn xuống giống vào cuối tháng 3, đầu tháng 4 nắng hạn gay gắt nên hầu hết diện tích ngô trên địa bàn xã đều phải gieo đi gieo lại 2 - 3 lần.

"Tỉ lệ ngô sống sót trong đợt gieo đầu tiên chỉ khoảng 20%. Vì vậy không những ngô phát triển không đồng đều, thu hoạch vụ ngô năm nay cũng bị muộn hơn mọi năm khoảng 20 – 25 ngày. 

Hiện mới chỉ có diện tích ngô sống sót ít ỏi trong đợt gieo đầu cho thu hoạch, còn lại đa số diện tích vẫn còn xanh lá, phải giữa tháng 10/2015 trở đi mới thu hoạch đại trà, sâu bệnh đang phá hoại nhiều hơn mọi năm.

Mọi năm thường thu được từ 6 – 7 tấn/ha, năm nay hộ nào cao nhất cũng chỉ đạt 4 tấn/ha, giảm từ 30 – 40%”, ông Tấm cho biết.

Cũng như huyện Mai Sơn, tình hình tại vùng ngô huyện Thuận Châu cũng không sáng sủa hơn. Anh Lò Văn Cường, bản Lè, xã Tòng Cọ đang loay hoay với đống ngô bắp chỉ lưa thưa hạt ngán ngẩm: “Nắng quá, đầu vụ ngô này phải gieo 3 – 4 lần ngô mới mọc nổi, tốn hàng tạ giống. Mọi năm gia đình tôi có 2 ha ngô, thu 6 – 7 tấn/ha, năm nay cả 2 ha tính ra chưa nổi 8 tấn, giảm gần 50% năng suất”.

Theo anh Cường, không chỉ ngô mất mùa mà giá ngô thương lái thu mua cũng đang tụt mạnh. Do không có lò sấy nên đại đa số người dân ở đây bán ngô nguyên bắp cho các chủ lò sấy lớn.

Vụ ngô năm 2014, giá ngô nguyên bắp (chưa tách hạt) thương lái mua tại ruộng của nông dân dao động từ 3.300 – 3.400 đ/kg, tuy nhiên đầu vụ năm nay, các chủ lò sấy chỉ trả giá từ 2.800 – 2.900 đ/kg.

Theo ông Trần Xuân Quang, Trưởng phòng Nông nghiệp - PTNT huyện Mai Sơn, do nắng nóng bất thường đầu vụ nên trong tổng số 20.762 ha ngô toàn huyện, có khoảng 6.100 ha phải gieo đi gieo lại nhiều lần.

Mặc dù tổng diện tích ngô gieo trồng đạt kế hoạch, dân không để đất trống song vụ thu hoạch năm nay sẽ bị trễ so với mọi năm, có thể phải tới trung tuần tháng 10/2015 trở đi mới vào chính vụ.

Do ngô phải gieo muộn nên giai đoạn trỗ cờ lại gặp mưa lớn bởi ảnh hưởng của cơn bão số 1, khiến việc thụ phấn kém, kéo theo năng suất có thể giảm trung bình từ 20 – 25% so với mọi năm.

15-24-05_dscf2493
Ngô mất mùa, mất giá

Sở NN-PTNT Sơn La cho biết, đến thời điểm này, mới chỉ có khoảng 1/3 trong số tổng diện tích 160 nghìn ha ngô toàn tỉnh đã thu hoạch.

Năm nay thu hoạch kéo dài rải rác, không tập trung như mọi năm. Diễn biến thời tiết bất thường cũng khiến diện tích gieo trồng giảm khoảng 1.700 ha so với năm trước.

Tại Sơn La, đã có khoảng 1.500 ha ngô BĐG được đưa vào SX, trong đó đa số là các giống của Cty Syngenta Việt Nam đã được Bộ NN-PTNT công nhận.
Kết quả cho thấy mặc dù bị ảnh hưởng nghiêm trọng của nắng hạn, tuy nhiên các giống ngô BĐG có khả năng chịu hạn khá tốt.
Tại nhiều diện tích ở xã Cò Nòi (huyện Mai Sơn), ngô BĐG chỉ gieo duy nhất 1 lần vào đúng dịp hạn nặng cuối tháng 3, đầu tháng 4/2015 nhưng vẫn cho tỉ lệ nảy mầm và sống trên 90%, năng suất ước tính trung bình từ 8 – 9 tấn/ha. 

Vụ ngô 2015, Sơn La đã chủ trương tạo điều kiện đưa ngô biến đổi gen (BĐG) vào SX trên diện rộng. Theo đó, Sở NN-PTNT Sơn La đã đề nghị các Cty cung ứng giống ngô BĐG triển khai 10 mô hình, mỗi mô hình tối thiểu 1 ha trên phạm vi 10/12 huyện thị trong toàn tỉnh.

"Cuộc chiến" ngô – Atiso

Năm 2015, diện tích cây Atiso tại Sơn La đang tăng chóng mặt. Thời điểm này, đâu đâu cũng bắt gặp hoa Atiso nở đỏ các triền đồi. Không chỉ dừng lại ở việc trồng trong vườn nhà, cây Atiso đã leo lên các đồi ngô, lấn dần đất trồng ngô.

Tại chợ đầu mối xã Chiềng Cọ (TP Sơn La), hoa Atiso nườm nượp từ các xã trong vùng đổ về đây ê chề. Bà Tòng Thị Bó, Bí thư Đảng ủy xã Chiềng Cọ không khỏi lo lắng, mặc dù chưa có thống kê chính xác nhưng ước tính, diện tích cây Atiso năm nay đã tăng gấp đôi năm 2014.

Do dễ trồng nên người trong xã tận dụng bất kỳ diện tích đất trống nào có thể, thậm chí phá ngô để trồng Atiso. Đáng buồn là năm nay, giá Atiso đã giảm chỉ còn 3-4 nghìn đồng/kg, chỉ bằng 1/3 năm ngoái.

“Người dân mở rộng trồng Atiso quá nhiều, giá lại tụt quá mạnh trong khi đầu ra sản phẩm không biết bán ở đâu, dùng để làm gì, nhu cầu dự báo ra sao nên xã đang rất băn khoăn, không biết nên khuyến cáo bà con hạn chế hay khuyến khích mở rộng” – bà Bó lo lắng.

15-24-05_dscf2514
Giá hoa Atiso tại Sơn La chỉ còn 3 – 4 nghìn đồng/kg, bằng 1/3 năm ngoái

Anh Nguyễn Ngọc Minh, một thương lái tại TP Sơn La đang thu mua hoa Atiso tại chợ đầu mối Chiềng Cọ phân tích: "Atiso chỉ cần vãi hạt lên đồi, gặp mưa thì tốt vùn vụt, chỉ sau 4 tháng là ra hoa, có thể thu hoạch. Mỗi cây Atiso có thể cho thu hoạch từ 1 – 2 kg hoa, mỗi mét vuông có thể gieo được 3 - 4 cây Atiso.

Năm 2014, giá hoa Atiso cao ngất ngưởng, trung bình từ 15 – 16 nghìn đồng/kg, nghĩa là mỗi mét vuông trồng Atiso cho thu nhập 50 – 70 nghìn đồng, mỗi sào cho thu nhập từ 200 – 300 triệu đồng, siêu lãi! Cơn sốt Atiso lan ra khắp các vùng tại Sơn La, xuống tận nhiều vùng của tỉnh Hòa Bình".

Theo anh Minh, hiện các thương lái ở Sơn La chủ yếu mua hoa Atiso về đổ mối tại chợ Long Biên (Hà Nội), mỗi ngày có hàng chục xe tải đánh hàng về, mỗi xe từ 1,5 – 2 tấn.

Do diện tích Atiso năm nay bung ra quá nhiều nên hiện giá bán tại chợ Long Biên chỉ còn từ 7 - 8 nghìn đồng/kg so với năm 2014 khoảng 15 - 20 nghìn đồng/kg.

“Hiện mới chỉ có vùng Thuận Châu, TP Sơn La vào vụ thu hoạch nên giá còn tạm ổn, tuy nhiên trong tháng 10/2015, khi mùa thu hoạch chính ở các huyện Mai Sơn, Yên Châu và các vùng tại tỉnh Hòa Bình, giá Atiso sẽ còn rẻ nữa” – anh Minh nhận định.

Cũng theo vị này, do việc phát triển Atiso quá nóng nên hiện một số nơi, bà con trồng xô bồ cả giống Atiso trắng đít (phần cuống hoa có màu trắng loang lổ). Đây là giống mà người tiêu dùng không mua nên nhiều nơi phải nhổ bỏ.

Xem thêm
Nghề đón 'lộc trời': [Bài 2] Đưa yến sào thành mặt hàng xuất khẩu chủ lực

Yến sào được kỳ vọng là sản phẩm xuất khẩu mang lại nguồn thu lớn cho Bình Phước, sau hạt điều, cao su và sầu riêng.

Kiểm tra đột xuất cơ sở giết mổ, chợ đầu mối, trường học

TP. HCM Công tác kiểm tra sẽ được TP. HCM triển khai đồng bộ tại các cơ sở kinh doanh, giết mổ, chế biến, nhà hàng khách sạn, bếp ăn tập thể, chợ đầu mối.

Bảo vệ lúa hè thu trước nắng hạn và xâm nhập mặn

HẬU GIANG Ngành nông nghiệp Hậu Giang khuyến cáo bà con nông dân triển khai các biện pháp bảo vệ lúa hè thu trước tình hình nắng hạn gay gắt và xâm nhập mặn tăng cao.

Giảm hơn 70% lượng nước nhờ tưới phun tận gốc

Tại các tỉnh Tây Nguyên, rất nhiều diện tích cà phê áp dụng công nghệ tưới phun mưa tận gốc giúp giảm được hơn 70% lượng nước tưới và chi phí nhân công.