| Hotline: 0983.970.780

Sông Ba: Thượng nguồn xả lũ, hạ điền trắng tay

Thứ Ba 08/10/2013 , 10:22 (GMT+7)

Hàng loạt các công trình thủy điện, thủy lợi ở đầu nguồn sông Ba xả lũ. Theo đó, phía hạ du nước ngập mênh mông, đồng ruộng chìm trong nước lũ.

Mưa lớn kéo dài. Nước dâng nhanh ở các hồ chứa. Hàng loạt các công trình thủy điện, thủy lợi ở đầu nguồn sông Ba xả lũ. Theo đó, phía hạ du nước ngập mênh mông, đồng ruộng chìm trong nước lũ.

Khi thủy điện An Khê - KaNak và nhiều công trình khác phía thượng nguồn sông Ba đồng loạt xả lũ thì ngay sau đó, sông Ba oằn mình trong cơn thủy thần hung hãn. Nước dâng nhanh và cuồn cuộn lao về phía hạ du. Theo đó, các huyện phía đông nam tỉnh Gia Lai - nơi có sông Ba chảy qua đang bị thiệt hại nặng nề về sản xuất nông nghiệp, giao thông cũng bị ách tắc ở nhiều địa phương.

Tại huyện Ia Pa, các công trình thủy điện phía trên và thủy lợi Ayun Hạ xả lũ đã tạo dòng chảy xiết, khiến 5 ha đất sản xuất nông nghiệp ven suối Ia Tul (xã Ia Tul) bị sạt lở và cuốn trôi. Tại các xã Kim Tân, Chư Răng, Chư Mố, Ia Trôk, Ia Broái, nước lũ nhấn chìm gần 350 ha lúa, mỳ (sắn), bắp (ngô), đậu đỗ các loại. Tại hai xã Ia Broái và Chư Răng, có 374 ngôi nhà dân bị ngập nước từ 0,5 mét đến 1,5 mét…


Thu hoạch mì non

Krông Pa - huyện cuối cùng của tỉnh Gia Lai nơi sông Ba chảy qua là bị thiệt hại nặng nề nhất. Trao đổi với PV Báo NNVN chiều ngày 7/10, ông Đinh Xuân Duyên - Trưởng phòng NN-PTNT huyện Krông Pa, cho biết: Sáng nay, ông cùng đoàn kiểm tra của huyện đã về các xã bị thiệt hại do lũ. Thống kê mới nhất (chưa đầy đủ) thì đến thời điểm này, toàn huyện có khoảng 1.200 ha cây nông nghiệp bị ảnh hưởng do việc xả lũ ở các công trình phía thượng du. Riêng cây mỳ có 400 ha bị ảnh hưởng năng suất khoảng 50%, còn lại là lúa nước và bắp bị ảnh hưởng năng suất khoảng 30%.

Đứng nhìn rẫy mỳ gần 1 ha tại cánh đồng Phú Cần, ngay bên bờ sông Ba, anh Ra-lan Bre (ở buôn Thim, xã Phú Cần) cho biết: Mấy hôm trước, nước lũ dâng cao ngang ngọn cây mỳ, giờ nắng lên, cây héo lá ngả màu vàng, củ đang dần thối rữa. Đúng vụ thì phải đến tháng 12 mới thu hoạch, vậy mà gia đình anh phải thu trước hai tháng. Củ nhỏ, lượng tinh bột không đảm bảo đã ảnh hưởng không nhỏ đến năng suất và sản lượng. Anh than vãn: “Thiệt hại lớn lắm. Năm nay gia đình mình không biết lấy gì để bù lại được!”.

Còn gia đình chị Đoàn Thị Khách ở buôn Phùng Ji (xã Ia R’sươm) có rẫy mỳ hơn 1ha bên bờ sông Ba cũng bị nước lũ nhấn chìm. Chị cho biết: “Nước rút sớm thì còn vớt vát được phần nào, nhưng khoảng năm ngày nữa mà nước không rút thì xem như trắng tay”.

Không chỉ ở Phú Cần hay Ia R’sươm mà các địa phương dọc sông Ba ở huyện Krông Pa như Chư R’căm, Chư D’răng, Ia R’mok…, nước lũ lên nhanh đã làm thiệt hại hầu hết diện tích cây trồng dọc hai bờ sông.

Trước tình hình trên, huyện Krông Pa đang chỉ đạo các xã, thị trấn tiếp tục thống kê diện tích cây trồng bị thiệt hại do lũ. Đối với những rẫy mỳ bị ngập úng (hầu hết là mỳ non, chưa đến thời điểm khai thác), để tránh việc củ bị thối rữa do ngâm lau trong nước, huyện chỉ đạo các xã cho dân thu hoạch sớm ngay sau khi nước rút. Ông Đinh Xuân Duyên cho biết: “Thu hoạch ở thời điểm này, năng suất chỉ đạt khoảng 60%. Nhưng nếu chờ đến thời điểm thu hoạch vào tháng 12 thì xem như dân... trắng tay vì mỳ đã thối hết!”.

Các cấp chính quyền huyện Krông Pa đang động viên bà con nông dân nên bình tĩnh, không vì xót của mà liều mình thu hoạch sẽ ảnh hưởng đến tính mạng bởi nhiều nơi, nước lũ còn rất cao. Đồng thời địa phương cấp xã cần có biện pháp kịp thời hướng dẫn, chỉ đạo nông dân tận thu sản phẩm ngay sau khi lũ rút. Tuy nhiên, hiện tại, mực nước sông Ba rút chậm hơn lượng nước xả của công trình thủy điện sông Ba Hạ (công trình cuối cùng phía hạ du sông Ba), do vậy, rất nhiều diện tích cây trồng của huyện Krông Pa vẫn còn bị ngâm trong nước lũ.

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề: Có hay không việc các doanh nghiệp đền bù thiệt hại cho nông dân từ việc xả lũ ở những công trình phía thượng nguồn, ông Tô Văn Chánh - Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Pa, cho biết: “Từ trước đến nay, chưa có tiền lệ doanh nghiệp (các công trình thủy điện, thủy lợi phía thượng nguồn - PV) đền bù thiệt hại cho nông dân phía hạ du do việc xả lũ từ các công trình này. Sau mỗi lần như vậy, họ lại đổ lỗi cho… thiên tai, mưa lũ!”. Nên chăng, cần xem lại vấn đề này?

Cũng từ việc xả lũ ở những công trình phía thượng nguồn nên nước các con sông trên địa bàn tỉnh Gia Lai lên nhanh, chảy xiết, gây nguy hiểm cho người đi lại những bến đò ngang. Hiện toàn tỉnh Gia Lai có trên 10 bến đò ngang đang hoạt động. Hàng năm đến mùa mưa lũ, UBND tỉnh đều có công văn chỉ đạo các địa phương, ngành liên quan kiểm soát chặt chẽ hoạt động ở những bến đò này.

Tuy nhiên nhiều bến đò, nhiều phương tiện không đủ điều kiện vẫn hoạt động, bất chấp quy định của tỉnh; nhiều người dân vẫn bất chấp tính mạng mà “đánh đu” trên những chiếc thuyền bằng tôn mỏng manh trên dòng nước dữ.

Xem thêm
Đảng ủy Bộ NN-PTNT bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024

Ngày 27/3, tại Trường Cán bộ quản lý NN-PTNT, Đảng ủy Bộ NN-PTNT đã tổ chức Bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024.

Nhãn, vải ra hoa ít, ong nuôi ‘đói’ mật, nông dân thất thu

Vụ mật ong xuân năm nay chỉ có 40% số hộ nuôi ong mật nội rừng ở Kinh Môn (Hải Dương) thu được mật, sản lượng giảm so với vụ xuân trước.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Ngành than chủ động chống sạt lở bãi thải mùa mưa bão

QUẢNG NINH Gần đến mùa mưa bão, nhiệm vụ đảm bảo an toàn cho các hộ dân sinh sống gần khu vực bãi thải mỏ luôn được ngành than và tỉnh Quảng Ninh quan tâm, chú trọng.

Bình luận mới nhất