| Hotline: 0983.970.780

Sống bên miệng thủy thần

Thứ Hai 27/08/2012 , 09:31 (GMT+7)

Cứ đến mùa nước nổi thì hàng ngàn hộ dân sống dọc hai bờ sông Tiền, sông Hậu và trên những cù lao nằm giữa các dòng sông này phải sống trong nỗi lo sạt lở.

Cứ đến mùa nước nổi thì hàng ngàn hộ dân sống dọc hai bờ sông Tiền, sông Hậu và trên những cù lao nằm giữa các dòng sông này ngày đêm phải sống trong nỗi lo sạt lở sẽ cướp đi tính mạng và tài sản bất kỳ lúc nào.

Cồn Tiên Lợi thuộc xã Tiên Long, huyện Châu Thành (Bến Tre) nằm giữa dòng sông Hàm Luông đang sạt lở từng ngày và đe dọa đời sống kinh tế của 237 hộ dân. Bà Nguyễn Thị Chuỗi, ấp Tiên Lợi, xã Tiên Long (huyện Châu Thành, Bến Tre) cho biết: Một vài năm trở lại đây sạt lở càng lúc càng dữ, con đê nhà nước làm cách đây 10 năm đã lở gần hết xuống sông.

Để bảo vệ tính mạng và tài sản của mình người dân đã phải chấp nhận hiến thêm đất sản xuất để dời đê vào nhưng nay con đê này cũng đang có nguy cơ sạt lở nghiêm trọng. Mùa nước nổi đang về cùng với triều cường đầu và giữa tháng (âm lịch) dâng cao làm người dân rất lo, nếu bị vỡ đê thì thiệt hại kinh tế của người dân là rất lớn vì cù lao này toàn cây ăn trái đặc sản.


Sạt lở bờ sông vùng hạ lưu sông Hậu, sông Tiền

Ông Nguyễn Văn Vàng, Phó Chủ tịch UBND xã Tiên Long, Châu Thành (Bến Tre) cho biết: Khoảng 3 năm trở lại đây dòng nước chảy mạnh kết hợp với triều cường cộng thêm nạn hút cát trái phép đã gây sạt lở trên 5 ha đất của khu vực cồn Tiên Lợi. Con đê 6 km bao vườn cây ăn trái đặc sản, tài sản và tính mạng của 237 hộ dân được đầu tư cách nay 10 năm nay đang bị sạt lở ngày càng nghiêm trọng.

Hiện tại, khu vực phía nam có một đoạn khoảng 700 mét đẫ bị thủy thần uy hiếp. Địa phương đang vận động nhân dân hiến đất, hoa màu và huy động nguồn vốn ngân sách xã, quyên góp của người dân để gia cố đê. Ngoài ra, đang kiến nghị tỉnh có kế hoạch di dời đê vào sâu khoảng 50 mét để bảo đảm lâu dài, ngoài ra vận động nhân dân đóng góp tiền để duy tu, sửa chữa 17 cống đập hằng năm.

Ở tỉnh Vĩnh Long, ông Roãn Ngọc Chiến, Giám đốc Sở TN – MT cho biết: Toàn tỉnh hiện có 18 khu vực sạt lở nghiêm trọng, tập trung nhiều tại các xã cù lao An Bình (huyện Long Hồ); cù lao Thanh Bình, Qưới Thiện (huyện Vũng Liêm). Trên sông Hậu, xã Thành Lợi, huyện Bình Tân nằm dọc theo sông cũng đang có nhiều điểm bị sạt lở nghiêm trọng. Tại kênh Hai Quý, ấp Thành Phú, Thành Lợi mới bị sạt lở 1 đoạn dài trên 50 mét, ăn sâu vào đất liền, gây khó khăn cho việc đi lại, sinh hoạt của nhiều hộ dân trong mùa mưa lũ cận kề.

 Ông Lê Văn Thuận, Chủ tịch UBND huyện Bình Tân đã chỉ đạo địa phương thống kê mức độ sạt lở, đồng thời vận động bà con trong vùng nguy cơ sạt lở di dời đến nơi ở an toàn trước mùa mưa lũ.

Hiện tại, còn nhiều cụm tuyến dân cư giai đoạn 1 ở các tỉnh vẫn chưa bố trí hết nền hoặc bố trí dân không vào ở. Đối với cụm tuyến dân cư giai đoạn 2 thì chưa thể bố trí dân vào ở kịp do thi công chưa hoàn thành. Trong khi đó, hầu hết hộ dân bị sạt lở đều nghèo, phải chạy lở nhiều lần, không còn đất, điều kiện di dời cũng hết sức khó khăn… Đứng trước viễn cảnh mùa lũ đang về thì việc giúp dân di dời ra khỏi vùng sạt lở, nguy cơ sạt lở là hết sức nóng và cấp bách.

Còn ở hạ nguồn sông Hậu, tình hình sạt đang rình rập nhiều diện tích cây ăn trái đặc sản tại cù lao Tân Qui, xã An Phú Tân, Cầu Kè (Trà Vinh). Người dân ở khu vực này cho rằng việc khai thác cát là một trong những tác nhân chính làm cho dòng chảy thay đổi dẫn đến sạt lở bờ sông. Vừa qua 218 hộ dân sinh sống trên cù lao Tân Qui đã tập trung định đến UBND tỉnh Trà Vinh khiếu nại việc tỉnh cho phép khai thác cát sát cù lao. Ngay lập tức, UBND huyện Cầu Kè đã đến ghi nhận ý kiến và kiến nghị của bà con về UBND tỉnh.

 Ông Đồng Văn Em, Trần Văn Hậu, ấp Tân Qui 1; Nguyễn Văn Hồng, Nguyễn Văn Hoàng, ấp Tân Qui 2 thuộc cù lao Tân Qua, xã An Phú Tân đã thay mặt bà con trên cù lao kiến nghị với UBND tỉnh cần xem xét và ngưng cho phép khai thác cát ven cù lao Tân Qui. Khai thác cát chắc chắn sẽ làm thay đổi dòng chảy, xói mòn bờ. Việc cho phép các doanh nghiệp khai thác cát cần họp dân lấy ý kiến chứ đừng vì lợi kinh tế mà cấp phép khai thác sẽ làm tổn thất cho người dân. UBND huyện Cầu Kè đã ghi nhận những kiến nghị của người dân gửi về UBND tỉnh nhưng đến nay tỉnh chưa có trả lời thỏa đáng cho dân.

Theo khảo sát của Sở TN - MT các tỉnh ĐBSCL hiện còn khoảng 11.000 hộ dân sống trong vành đai sạt lở cần phải di dời đến nơi an toàn. Một số địa phương thì thật sự gặp nhiều khó khăn trong việc di dời do hết quỹ đất, tuy nhiên cũng có nhiều địa phương chậm trong việc di dời và thi công cụm tuyến dân cư.

Xem thêm
Giá cá lóc tăng 5.000 đồng/kg, nông dân vẫn không có lãi

Tại Trà Vinh, cá lóc bán tại ao tăng thêm 5.000 đồng/kg so với đầu năm, nhưng người nuôi chỉ hòa vốn đến thua lỗ nếu xuất bán.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

Teccombank hướng dẫn đối phó ứng dụng giả mạo, lừa đảo qua mạng

Việt Nam nằm trong số 10 điểm nóng tội phạm mạng hàng đầu thế giới, những kẻ lừa đảo không ngừng nghĩ ra những cách thức mới để lừa tiền của nạn nhân.