| Hotline: 0983.970.780

Sống "chui" trên đất của mình

Thứ Năm 23/09/2010 , 10:45 (GMT+7)

Định cư hàng chục năm, hàng trăm hộ dân vẫn nhận được những cái lắc đầu từ chính quyền xã mỗi khi hỏi về việc được cấp sổ đỏ.

76 hộ dân tại Tân Sơn nơm nớp lo khi đất của mình chưa được cấp sổ đỏ

Dù đã định cư hàng chục năm, hàng trăm hộ dân vẫn nhận được những cái lắc đầu từ chính quyền xã mỗi khi hỏi về việc được cấp sổ đỏ. Chuyện xảy ra ở huyện Cam Lộ (Quảng Trị).

Năm 1998, UBND xã Cam Nghĩa đã đồng ý cho 61 gia đình, thanh niên lên Tân Sơn nhận đất đai, khai phá đất hoang, xây dựng kinh tế mới theo chính sách giãn dân của Nhà nước. Vốn trước đây nằm trong khu vực chiến tranh ác liệt, Tân Sơn là một vùng đất hoang hoá. Nhưng nay, những rừng tràm bạt ngàn, vườn cao su, hồ tiêu đã thay thế cho những đồi núi trọc. "Ngày chúng tôi mới lên, vùng ni là một bãi tàn, không điện, không trường trạm, giếng nước. Tất cả nhờ vào sự chịu khó, cật lực gây dựng của bà con", anh Trần Văn Quỳnh (43 tuổi), một người dân ở đây cho hay.

Theo như lời ông Võ Xuân Thuỷ, trưởng thôn Tân Sơn thì: "Sống trên đất của mình mà như sống "chui", có thể xảy ra tranh chấp bất cứ lúc nào. Nông dân nghèo muốn mở rộng làm ăn thì cần vốn nhưng lấy gì mà thế chấp cho ngân hàng khi chẳng ai có sổ đỏ cả. Mọi kế hoạch đều chỉ dừng lại trong ý tưởng. Khoảng 3 - 4 năm nay, cứ mỗi lần họp dân thôn, sổ đỏ luôn là vấn đề bức xúc, gây nhiều tranh cãi của hầu hết các hộ dân. Và tôi cũng đã nhiều lần trình bày, kiến nghị với chính quyền xã nhưng rồi cũng chỉ biết... chờ", ông Thuỷ  tỏ ra ngao ngán.

Được biết, hàng năm bà con Tân Sơn đều đã đóng các khoản thuế đất ở và đất sản xuất theo như quy định của Nhà nước. Và hầu hết các hộ dân tại Tân Sơn đều đã có đủ các điều kiện cần thiết để được cấp sổ đỏ từ lâu. Nhưng nhiều gia đình tại Tân Sơn cho biết: Khi kiến nghị lên xã để yêu cầu việc được cấp sổ đỏ, chính quyền xã đã đưa ra nguyên nhân là các hộ ở Tân Sơn hiện chưa đủ các thủ tục, điều kiện cần thiết.

Gần đây, lãnh đạo xã cho biết: Các hồ sơ, quyết định liên quan đến việc di, giãn dân của thôn Tân Sơn đã bị... thất lạc. Các hồ sơ này được lập và xây dựng bởi UBND xã nhiệm kỳ trước (thời ông Lê Văn Thanh làm chủ tịch). "Hiện các giấy tờ liên quan đến việc chứng nhận các hộ dân lên Tân Sơn không có ở xã. Chúng tôi đã ra tận ban địa chính huyện nhưng vẫn không tìm thấy", ông Nguyễn Văn Nam, Trưởng ban Địa chính xã Cam Nghĩa cho hay. Và ban địa chính xã đã đưa ra cách giải quyết là căn cứ theo đất đai tuỳ từng hộ, bà con muốn được cấp sổ đỏ thì phải nộp tiền để làm lại các hồ sơ, thủ tục liên quan. Nhưng trưởng thôn Thuỷ cho biết: "Với điều kiện của bà con, việc có được từ 4 - 5 triệu đồng nộp xã để được cấp sổ đỏ là quá khó".

Điều khiến người dân rất bức xúc là lúc trả lại đất cho chính quyền để đến nơi ở mới, họ không hề nhận một đồng đền bù nào và đã được chính quyền cam kết là sẽ được cấp sổ đỏ sau một thời gian.
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, Chủ tịch UBND xã Cam Nghĩa Lê Văn Vĩnh khẳng định: "Cách đây một thời gian, chúng tôi có thông báo người dân ở Tân Sơn tập trung lên xã để làm thủ tục cấp sổ đỏ, nhưng không thấy ai đến. Các giấy tờ đã bị thất lạc nhưng còn một bản danh sách (không phải bản danh sách ở quyết định) di dân lên Tân Sơn vào năm 1998. Khi đối chiếu với tên chủ hộ hiện nay, một vài hộ có sự sai lệch. Bây giờ rất khó". Nhưng người dân ở Tân Sơn thì lại cho biết: Từ trước đến nay, chưa lúc nào nghe xã phổ biến về việc lên uỷ ban làm sổ đỏ cả. Và nếu có sự sai lệch trong danh sách (như lời chủ tịch xã) thì cũng chỉ là một số rất ít. Tại sao đến nay, toàn bộ 76 hộ dân vẫn chỉ biết dài cổ mà chờ sổ đỏ?

Năm 1999, BQL dự án cùng Phòng TN-MT huyện Cam Lộ đã đo đạc, lập bản đồ khu dân cư và đất sản xuất tại vùng đất mới Phường Cội, xã Cam Thành cho hơn 50 hộ dân. Vậy mà sau hơn 10 năm định cư, vẫn còn gần 50% hộ dân ở Phường Cội vẫn chưa làm được sổ đỏ. Chị Hồ Thị Mỹ Linh (45 tuổi, một người dân Phường Cội) cho biết: "Vừa được cấp đất, chúng tôi đã ra làm thủ tục xin cấp sổ đỏ ngay nhưng người ta không chịu, bảo phải ở 10 năm mới được làm". Và nay, phía chính quyền lại trả lời rằng, những cư dân Phường Cội phải nộp khoảng 25 triệu đồng mới được thực sự làm chủ đất. Số tiền đó là quá lớn với họ.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đường lớn làm chưa xong, tỉnh lộ đã nát bét

Xe trọng tải lớn chở vật liệu thi công tuyến đường thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể chạy rầm rập ngày đêm 'cày' nát đường tỉnh 257B.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.